Tin-ảnh: mua được tranh hiếm, triển lãm tranh Cực thực Liên Xô, chia buồn với bảo tàng Syria
22. 04. 15 - 4:22 pm
Minh Thảo dịch
THE HAGUE. – Hôm 20 tháng Tư, bảo tàng Mauritshuis tự hào là chủ nhân mới của một bức tĩnh vật hoa đặc biệt: “Hoa thủy tiên, dừa cạn và violet trong bình đựng nước…” (khoảng 1562) của hoa sĩ người Đức Ludger Tom Ring Con (1522-1584). Bảo tàng Mauritshuis đã giành được bức tranh bằng hình thức mượn treo dài lâu từ Hội Những người bạn của Mauritshuis, là tổ chức mới đây đã mua được bức tranh này trong một buổi đấu giá tại New York. Bức tranh là một ví dụ đặc biệt về buổi sơ khai của thể loại tĩnh vật hoa độc lập, cho nên cực kì hiếm. Trong ảnh: một nhân viên viện bảo tàng treo bức tranh “Hoa thủy tiên, dừa cạn và violet trong bình đựng nước kiểu Venise, trên gờ tường với nhành cửu lý hương” tại bảo tàng Mauritshuis, The Hauge, Hà Lan. Ảnh do Remko de Waal chụp vào 16. 4. 2015
Emilie Gordenker, giám đốc bảo tàng Mauritshuis nói về bức tranh: “Đây là lần đầu tiên bảo tàng Mauritshuis cũng như bất kỳ bộ sưu tập công nào của Hà Lan mua được một bức tĩnh vật hoa từ đầu thế kỉ mười sáu như thế này. Lâu nay bảo tàng Mauritshuis vẫn tìm một tác phẩm như vậy để lúc nào đó thêm vào bộ sưu tập của mình. Cho đến nay, chưa một tác phẩm nào của Ludge Tom Ring từng trưng bày trong một bộ sưu tập ở Hà Lan. Chúng tôi vô cùng cảm kích Quỹ Những người bạn đã giành mua được bức họa này và cho Mauritshuis mượn treo”. Trong ảnh: các nhân viên chuẩn bị trưng bày bức tranh “Hoa thủy tiên, violet và dừa cạn trong bình đựng nước kiểu Venise, trên gờ tường với nhành cửu lý hương” (1562) của họa sĩ Ludger Tom Ring II (1522-1584) trong bảo tàng nghệ thuật Mauritshuis tại The Hauge. Ảnh: Remko de Waal
Các chiến binh trung thành với tổ chức “chi nhánh” và đồng minh của Al-Qaeda tại Syria đã đập nát một bức tượng của cố Tổng thống Syria Hafez al-Assad, phụ thân của đương kim Tổng thống Bashar al-Assad, vào ngày 28 tháng Ba, 2015 tại thành phố Idlib phía Tây Bắc Syria. Trước việc các tổ chức vũ trang Syria và Iraq phá hủy nhiều địa điểm khảo cổ vô giá, các nhà chức trách châu Âu và các nhà buôn nghệ thuật đã cảnh giác cao độ về việc (có người) rao bán những tạo tác nhỏ bị đánh cắp để tài trợ cho cuộc thánh chiến. Chuyên gia về đồ mĩ thuật bị đánh cắp, Chris Marinello – giám đốc của Viện Phục chế Nghệ thuật Quốc tế, nói rằng ông đã được xem những tấm hình chụp những món được rao bán từ Syria mà “rõ ràng là mới được đào lên từ dưới lòng đất. Bạn vẫn có thể thấy đất bám trên một số vật phẩm,” ông nói với AFP. Đó là những con dấu hình trụ, chai lọ và bình hoa La Mã, tuy nhiên Marinello cho biết vẫn không rõ những thứ này vẫn còn ở Syria, đang quá cảnh đâu đó, hay đã đến các thị trường chủ chốt của châu Âu và Hoa Kì. Ảnh: Sami Ali
TUNIS. – Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp Fleur Pellerin (thứ 2 từ phải sang) cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa Tunisia Latifa Lakhdar (bên phải) chuẩn bị đặt vòng hoa lên một đài tưởng niệm có ghi tên những nạn nhân bị giết trong vụ tấn công vào Bảo tàng Bardo. Bà Fleur Pellerin đã thăm Tunisia hôm 18. 4. 2015, đúng một tháng sau ngày 18 tay súng tấn công vào Bảo tàng Quốc gia Bardo ở thủ đô, sát hại nhiều du khách. Pellerin và phái đoàn của mình đến Tunisia để chia buồn cùng gia đình các nạn nhân của vụ tấn công, và bày tỏ thái độ ủng hộ của nước Pháp với nhân dân Tunisia. Ảnh: Fethibelaid
NEW BRUNSWICK, NJ. – Bảo tàng Nghệ thuật Zimmerli tại Rutgers tiếp tục giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ “không chính thống” thời Xô-viết đến với quần chúng phương Tây bằng triển lãm “Qua Tấm Gương Soi: Chủ nghĩa Cực thực trong Liên bang Xô-viết”, với các tác phẩm từ Bộ Sưu tập Nghệ thuật Khác biệt của Norton và Nancy Dodge. Trưng bày tới 11. 10. 2015, đây là cuộc triển lãm đầu tiên của Zimmerli cho thấy sự phát triển của chủ nghĩa Cực thực ở những nghệ sĩ sống và làm việc tại Estonia, Latvia, Lithuania, Nga và Ukraine cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Trong ảnh: Georgii Kichigin, “Chân dung họa sĩ Sergei Sherstiuk”, 1983. Sơn dầu. Ảnh do Peter Jacobs chụp.
Nhiều tác phẩm trong số này chưa từng được trưng bày bên ngoài Liên Xô trước đây. Các nghệ sĩ trong triển lãm tìm cách từ bỏ lối sáng tạo hoa mỹ khoa trương, những chủ đề “anh hùng ca” và lý tưởng hóa, là những thứ họ đã quen trong trường phái Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, các tác phẩm của họ cho thấy nghệ thuật Cực thực, trên thực tế là phức tạp và đa dạng, thường chịu ảnh hưởng bởi vùng miền và bối cảnh sáng tác. Khám phá nhiều chủ đề và chất liệu khác nhau, họ xây dựng những hình ảnh về đời sống ở Liên Xô, phản ánh môi trường thành thị và xã hội qua lăng kính tài liệu lẫn siêu hình. Trong ảnh: Lemming Nagel, “Seljanka”, 1975-1979. Sơn dầu trên bìa cứng và thạch cao trên khung vẽ. Ảnh do Jack Abraham chụp.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
9:31Thursday,23.4.2015Đăng bởi: admin
:-))) Nina ơi lỗi của Soi, Soi dán hình nhầm. Cảm ơn Nina nhiều. Soi đã sửa lại trong bài rồi. ...xem tiếp
9:31Thursday,23.4.2015Đăng bởi: admin
:-))) Nina ơi lỗi của Soi, Soi dán hình nhầm. Cảm ơn Nina nhiều. Soi đã sửa lại trong bài rồi.
8:51Thursday,23.4.2015Đăng bởi: Nina
Cám ơn bạn Minh Thảo về một bài viết khá thú vị. Tuy nhiên, hình như bức tranh của Lemming Nagel có hơi nhầm trong chú thích chăng? Theo mình hiểu, thì tên bức tranh này là "Restoran" (chữ trên viên đĩa ấy). Nghĩa của nó thì đương nhiên là quán ăn (Restaurant).
Cám ơn bạn Minh Thảo về một bài viết khá thú vị. Tuy nhiên, hình như bức tranh của Lemming Nagel có hơi nhầm trong chú thích chăng? Theo mình hiểu, thì tên bức tranh này là "Restoran" (chữ trên viên đĩa ấy). Nghĩa của nó thì đương nhiên là quán ăn (Restaurant).
Còn chữ "Selijanka" thì có thể là tên món ăn được vẽ chăng (món солянка - solijanka)? Mặc dù nhìn thì không giống lắm, nhưng họa sĩ đâu nhất thiết phải vẽ giống thực.
...xem tiếp