|
|
|
|||||||||||||
Kiến trúcChuyện ngông tại Dubai: sân quần vợt dưới biển? 05. 06. 15 - 8:01 amSarah Griffiths (Daily Mail) – Phát Tường biên dịchTheo truyền thống là chơi trên sân cỏ và đất nện, nhưng liệu một ngày kia những trận quần vợt có thể chơi trong một bong bóng không thấm nước của một giải Wimbledon dưới nước? Một kiến trúc sư vừa trình ra kế hoạch làm một sân quần vợt dưới biển với mái vòm khổng lồ vừa ngăn nước thấm vừa cho phép các vận động viên thấy được cá bơi trên đầu. Cái sân vận động mái vòm kính ấy, vị kiến trúc sư kia muốn đặt ở Dubai – cái thành phố vốn đã lập kỷ lục về thách thức những giới hạn của kiến trúc và xây dựng, với tháp Burj cao nhất thế giới và quần đảo Palms nhân tạo. Tuy nhiên, các kỹ sư xây dựng xem qua ý tưởng xong đều cảnh báo rằng một thiết kế như thế sẽ đắt đến mức không chịu nổi và cực khó thi công. Kiến trúc sư 30 tuổi người Ba Lan Krzysztof Kotala – người có bằng thạc sĩ Kiến trúc của trường Bách khoa Krakow, đành đợi các nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền để biến ước mơ của chàng thành hiện thực. Chủ nhân này của studio 8 + 8 (đặt tại Warsaw, Ba Lan) nói: “Công trình này sẽ là một thứ đặc biệt. Nó phải đặt ở nơi nào có truyền thống quần vợt. Dubai là nơi tuyệt hảo (để thực thi) ý tưởng này.” Kiến trúc sư Kotala nói anh tin rằng ý tưởng này có một tiềm năng mạnh về thương mại và sẽ kết hợp được những thứ tốt nhất về kỹ thuật, thể thao, với sinh thái. Fan quần vợt Tim Denney (vùng Raynes Park, gần Wimbledon) nói: “Ý tưởng mới tuyệt làm sao. Đó sẽ là địa điểm độc đáo nhất trên thế giới để tổ chức một trận đấu. Hy vọng có người tài trợ để ý tưởng này được thực hiện. Tôi sẽ mua vé và dự trận đầu tiên.” * Tuy nhiên, trong lúc khán giả hào hứng chờ đại, các kỹ sư lại nghĩ dự án này khó mà thành được vì giá cả và khó khăn về kỹ thuật. Sarah Fray, giám đốc kỹ thuật và công nghệ tại Viện Structural Engineers (Viện Kỹ sư kết cấu?) tại London, nói rằng một trong những khó khăn lớn nhất là làm cái mái kính phủ sân đấu. Bà nói mái này phải rộng ít nhất 33m mới che được hết sân và khán giả. Hiện tại, người ta có thể sản xuất những bản kính dài 10m – thí dụ những bản kính dùng ở cửa hàng của Apple ở Thổ Nhĩ Kỳ. Còn để làm một mảng kính vòm đơn nhất theo đúng như thiết kế đòi hỏi thì phải chế ra máy móc mới. “Càng nhiều ‘gioang’ nối càng dễ thấm dột,” bà Fray nói. “Thiết kế này cũng cần phải coi lại về việc nó sẽ phản ứng ra sao với các tác động bên ngoài. Không được cho bất kỳ thuyền bè nào đến gần, chỉ cần một cái mỏ neo thả xuống là sẽ tiêu,” bà Fray cảnh báo, thêm rằng thiết kế này còn phải tính đến động đất và sóng thần. “Thách thức về công nghệ đã lớn, nhưng thách thức về con người còn lớn hơn,” bà Fray nói khi giải thích vì sao sân này phải có một lối thoát hiểm nối liền với mặt đất để dễ dàng sơ tán người xem trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, bà phải công nhận rằng cấu túc mái vòm của sân vận động dưới nước là một ý tưởng hay vì đó là cách tốt nhất chống lại áp lực nước, đặc biệt khi sân được đặt ở một độ sâu kha khá bên dưới những lớp sóng, như trong bảng vẽ diễn ý, cho thấy có những con cá to bơi lội bên trên mái vòm, và sân thì được đặt gần khu đảo Palm (Cọ) nhân tạo.
“Cấu trúc vòm của mái là đúng kiểu rồi, nhưng để làm được những mảng kính khổng lồ này cho sân đấu sẽ khó khăn vô cùng. Kính này phải chịu sức nặng hàng trăm tấn,” bà Fray tiếp tục. Kính cũng phải cực dày sao cho chống chọi được với áp lực nước. Nếu có đủ tiền để xây “Wimbledon dưới nước” thì cũng sẽ khó mà xây, và xây thì phải xoay sở trong tình trạng sùng sũng nước, Fray giải thích. “Bạn sẽ phải làm một cái nền chống thấm, trên nóc đặt kính, dán kín lại rồi bơm nước ra ngoài,” (sau đó mới thi công phần bên trong). Bà Fray nói, tuy các vật nặng thì sẽ dễ hơn khi xoay trở dưới nước, cũng như việc đặt cái sân vào vị trí cũng dễ thôi, nhưng việc xây dựng và di chuyển các chất liệu bên trên các đợt sống là một thách thức khổng lồ và tốn một lượng tiền không tưởng tượng nổi. “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có người đủ tiền để làm việc này,” bà nói. * Ngoài ra, một câu hỏi nữa là cho rằng xây được đi, thì một sân quần như thế có tốt cho thi đấu không. “Tôi không nghĩ là người ta có thể chơi quần vợt trong đó, với ánh sáng khúc xạ (và thay đổi liên tục) trên đầu thì không hiểu kiểm soát bằng cách nào… Tôi cũng không tưởng tượng nổi làm sao mà các vận động viên không bị chia trí bởi đàn cá tung tăng…” bà Fray nhận xét. Will Stewart, một nghiên cứu sinh của Viện Kỹ thuật và Công nghệ (IET) bồi thêm rằng bên trong thiết kế có thể sẽ không được sáng như trong hình vẽ. Lý do là vì phần bờ kính sẽ phải dày hơn nhiều mét so với phần trung tâm vòm, nên quang cảnh đại dương sẽ đục chứ không trong veo như trong hình tưởng tượng. “Nước nói chung và nước biển nói riêng là có màu sắc. Nước đơn thuần thì xanh dương hơi ngả xanh lục, nước biển thì thay đổi nhưng nói chung là đậm màu hơn,” anh nói. “Vì lẽ đó khi ta đi sâu xuống biển thì màu nước sẽ chuyển đậm rất nhanh, do đó độ sâu của nước sẽ phải nông hơn so với đề xuất của thiết kế, nếu không sân quần sẽ hoàn toàn tối om.” Và thế thì chơi trên đất liền cho nó tiện, việc gì phải lọ mọ lặn xuống biển tù mù. Liệu một sân quần vợt dưới nước có phải là một phần của một thành phố dưới nước không, như trong nhiều phim viễn tưởng, thì còn phải chờ xem. Nhưng vài năm qua ở Dubai đã thấy có kế hoạch cho mấy dự án dưới nước, bao gồm một tổ hợp biệt thự chìm – và sắp khởi công rồi đấy – cho nên cái gì cũng là có thể, với Dubai.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|