Nghệ sĩ thế giới

31. 5. 2010: ngày giỗ “nhện bà bà” Louise Joséphine Bourgeois 01. 06. 15 - 8:31 am

Bop Lavender tổng hợp và biên dịch

 

Louise Bourgeois đứng trước bức tượng “Spider IV,” 1996. Ảnh: Peter Bellamy

“Nhện bà bà” quá nổi tiếng. Người yêu nghệ thuật mấy ai không làu lai lịch kỳ thú lẫn sự nghiệp lẫy lừng của cụ.

Ngày 31. 5. 2010, bà đã giã biệt dương gian ở tuổi 99.

Vốn thích ẩn dật, cả đời bà chỉ có dăm bận cho phóng viên báo đài phỏng vấn.

Cuộc phỏng vấn hiếm hoi của Rachel Cooke với Louise Bourgeois cách đây 8 năm (2007) hé lộ nhiều chi tiết thú vị.

*
Bà chuyển đến New York vào buổi đầu sự nghiệp. Sự kiện này có ảnh hưởng gì tới bà?

Tôi là một cô nàng “bỏ của chạy lấy người”, rời Pháp qua New York sau khi kết hôn với một người Mỹ. Tôi không chắc mình có tiếp tục làm nghệ thuật hay không nếu còn ở lại Paris trong vòng tay gia đình. Đến New York, tôi “bỗng nhiên sổ lồng”, thoát khỏi cảnh tù túng trong nhà. Phải công nhận tôi có bị ảnh hưởng của tính cách Pháp. Vừa thích cô lập, lại hay phấn khích. Nỗi nhớ nhà là chủ đề chính trong các tác phẩm điêu khắc đầu tiên của tôi.
 

Louise Bourgeois tại Viện Grande-Chaumiére, Paris, 1937. Ảnh từ Louise Bourgeois Archive.


Theo bà, các nữ nghệ sĩ ngày nay có thuận lợi hơn các bà ngày trước không, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường?

Để tồn tại như một nghệ sĩ là rất khó. Thị trường chỉ là một vấn đề, mà nó có những logic riêng của nó. Nhưng dù gì, tôi cũng không quan tâm tới thị trường, tôi không sáng tác chạy theo thị trường. Tôi luôn làm chủ những phẩm chất hình thức của tác phẩm. Đó là nhu cầu, cũng là quyền được tự thể hiện. Rất nhiều nghệ sĩ tốt chưa được thị trường ưu ái. Trong hoàn cảnh kinh tế thị trường, mọi thứ đã được cải thiện, với phụ nữ, nhưng vẫn có sự chênh lệch lớn.

Trọng tâm chính trong sáng tác của bà, theo một số người, là quan hệ giữa thực thể và môi trường xung quanh. Song bà cũng chịu ảnh hưởng của các mối quan hệ giữa người với người. Xin bà hãy giải thích thêm về khía cạnh này trong tác phẩm của mình?

Tác phẩm của tôi là chân dung của các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ với mẹ tôi. Tình cảm của mẹ được phản ánh sao đây trong những mối quan hệ với người khác? Tình cảm của bà đã nuôi dưỡng các tác phẩm của mình thế nào? Đấy là hai việc rất bí ẩn và phức tạp. Tôi vẫn đang cố gắng để hiểu được cơ chế này.
 

Louise Bourgeois do Bruce Weber chụp cho một chiến dịch quảng cáo của Helmut Lang. Lang nói ông không quan tâm bà thích bận món đồ nào trong những thứ trang phục của ông, nhưng ông làm cho bà cái vương miện nhỏ này và đưa cho Bruce Weber, xem thử bà có muốn đội không. Và Louise Bourgeois rất “chịu chơi”, đội luôn. Ảnh từ trang này


Trong những năm 1950 và 1960, thị trường nghệ thuật đã có lúc lơ là tác phẩm của bà. Bà có bực không? Việc đó chắc có liên quan tới sự bất bình đẳng giới trong nghệ thuật thời đó? Mọi thứ đã thay đổi thế nào và vì sao, thưa bà?

Những năm 1950 chắc chắn là thời kỳ đàn ông thống trị rồi. Thập niên 1960 có đỡ hơn. Nói thực nhé. Vì là đàn bà, nên lúc đó, thị trường không quan tâm đến tôi, thế cũng là phúc cho tôi đấy. Thế thì tôi mới được làm việc mà hoàn toàn không bị xáo trộn (vì đồng tiền). Nhưng đừng quên rằng có rất nhiều phụ nữ đã ở vào những vị trí quyền lực trong thế giới nghệ thuật đấy: những người vai vế trong các bảo tàng, các bà chủ gallery, nhiều người còn là phê bình gia nữa. Chắc chắn, trào lưu nghệ thuật nữ quyền cũng phản ánh vai trò của phụ nữ trong thế giới nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật đơn giản là mô hình thu nhỏ của thế giới rộng lớn hơn, nơi đàn ông và đàn bà luôn giằng co nhau.

Ngày nay, có lẽ các tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là những pho tượng nhện khổng lồ, đúng không ạ? Bà có hài lòng về chúng không? Xin bà hãy kể đôi chút về sự ra đời của chúng?

Những pho tượng nhện chính là bài thơ ca ngợi mẹ tôi. Bà là người đàn bà làm nghề dệt thảm. Những con nhện cũng thế, cũng là thợ dệt. Bà bảo vệ tôi, là người bạn tốt nhất của tôi.
 

Louise Bourgeois, “Spider, 2003”. Ảnh: Christopher Burke


Cha mẹ bà đã làm những công việc liên quan tới nghề thảm, còn bà lúc đầu lại nghiên cứu toán học. Một số phê bình gia đã xâu chuỗi tất cả những nhân tố này vào tác phẩm của bà. Toán học liên quan tới nghệ thuật của bà như thế nào? Hai lĩnh vực rất tách biệt nhau này liệu có mối liên hệ mật thiết không, thưa bà?

Tình yêu đối với hình học đã được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của tôi, về mặt hình thức. Từ thảm dệt, tôi đã có những ý tưởng về quy mô. Tôi học được rất nhiều từ nghề dệt thảm, ví dụ như việc sử dụng các biểu tượng và lịch sử nghệ thuật. Các tấm thảm có chức năng phục hồi tâm lý rất tốt. Hãy nghĩ mà xem: những tấm thảm bị hỏng hay rách đều có thể vá và dệt lại được. NGHỆ THUẬT CỦA TÔI CŨNG LÀ MỘT HÌNH THỨC PHỤC HỒI CẢM XÚC, cho bản thân và cho người khác.
 

Một tác phẩm trên vải của Louise Bourgeois


Bà đã sáng tác những tác phẩm rất đồ sộ. Phải có lý do chứ?

Tôi muốn tạo ra những kiến trúc độc đáo, trong đó thể hiện những mối quan hệ giữa hình thức và đối tượng của riêng mình. Đôi khi, tôi cần tác phẩm quy mô lớn đến mức người ta có thể đi lại, tương tác và giao đãi với hình thể của nó. Tối rất hứng thú với sự khác biệt giữa không gian thực và không gian tâm lý, và muốn nắm bắt cả hai thứ không gian này. Ví dụ, các pho tượng nhện là chân dung của mẹ tôi. Nhện cao lớn bởi vì bà chính là một tượng đài kỳ vĩ trong mắt tôi. Tôi muốn đi lại xung quanh bà, bên dưới bà, để cảm nhận được sự che chở của bà.
 

“Maman, 1993”. Ảnh từ trang này


Về bức ảnh nổi tiếng Robert Mapplethorpe chụp bà, bây giờ bà có ý kiến gì không?

Tôi vẫn thích bức chân dung do Robert Mapplethorpe chụp này. Mọi người cũng có vẻ rất khoái nó đấy, bởi vì họ nghĩ rằng cả Robert và tôi đều “rất tếu”.
 

Louise Bourgeois do Robert Mapplethorpe chụp. Chú ý cái thứ bà kẹp trong tay nhé.


Xin bà tiết lộ đôi chút về phương pháp sáng tác của bà trong những năm qua? Bà chỉ làm việc khi cảm hứng tuôn trào?

Tôi chỉ làm việc khi tôi cảm thấy cần phải thể hiện điều gì đó. Tôi không biết chắc chắn cuối cùng mình sẽ làm ra cái gì, nhưng tôi biết điều mình sắp làm và lúc nào thì mình đang đi đúng hướng. Nhu cầu rất mạnh mẽ. Để diễn tả cảm xúc của mình, bạn phải thả lỏng, sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Vô thức sẽ đến với bạn, nếu bạn là người nghệ sĩ được trời ban cho tài năng. Tôi chỉ biết nếu tôi có cảm hứng thì mới có kết quả.

… Cái vật ở hình trên chính là tác phẩm điêu khắc “Fillette” (Cô gái nhỏ). Đây là “biểu tượng cho rắc rối của Louise với những người đàn ông trong gia đình bà. Bà có người anh trai thì đã chết trận khi còn trẻ. Bố bà dữ tợn. Tình yêu với bố và ước mong được làm ông vui đã đưa bà tới việc làm tác phẩm này: muốn được là đứa con trai mà bố hằng mong. Hình và lời giải thích từ trang này


Mới đây bà có một triển lãm hồi cố tại Tate, dù đó không phải là lần đầu tiên, nhưng cũng gây cho bà những cảm xúc nhất định chứ? Hay bà không thích đánh giá lại sự nghiệp của mình?

Khi nhìn ngắm tất cả những tác phẩm mình từng làm, tôi nhận thấy một điều: mình NHẤT QUÁN và KIÊN ĐỊNH. Mà tôi quan tâm tới những thứ mình đang làm bây giờ hơn là mấy món đồ cũ rích.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả