|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhRobert Mapplethorpe 22. 10. 10 - 6:17 pmNgọc Trà dịch
Robert Mapplethorpe, sinh năm 1946, mất năm 1989, là một trong số rất ít nghệ sĩ thực sự xứng đáng được nổi tiếng vượt ra ngoài biên giới nghệ thuật. Mapplethorpe thống trị nhiếp ảnh vào cuối thế kỉ 20 và chính ông là người mở đường cho việc nhìn nhận nhiếp ảnh như một ngành nghệ thuật riêng với đầy đủ tư cách của nó. Ông làm cho văn hóa đại chúng phải quen với đề tài đồng tính, sáng tạo nên một thứ hình ảnh kinh điển trong nhiếp ảnh, chủ yếu là chụp cơ thể nam – và loại hình ảnh này đã đi vào kỹ nghệ quảng cáo. Trong suốt cuộc đời cũng như sau khi ông chết, tác phẩm của Mapplethorpe đã là đề tài của rất nhiều cuộc tranh cãi, đặc biệt là ở Mỹ. Cho đến tận cuối thế kỉ hai mươi, các buổi triển lãm ảnh của ông thỉnh thoảng vẫn bị tẩy chay, kiểm duyệt, và có một lần bị hủy. Những bức chân dung cấp tiến của ông, chụp khỏa thân hay các cảnh sinh hoạt tình dục, lúc nào cũng gây tranh cãi; đặc biệt là những ảnh ông chụp các cảnh khổ dâm, thường xuyên dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối bên ngoài các triển lãm, thậm chí có lần người ta còn kiện vị một vị giám đốc bảo tàng. Vào năm 2008, Tòa án Tối cao Nhật Bản đưa ra phán quyết là những hình ảnh gợi dục của Mapplethorpe không vi phạm lệnh cấm ấn bản khiêu dâm của nước này, sau đó một tập của ông đã được xuất bản sau 8 năm bị thu hồi và đình chỉ. Nhà phê bình Mỹ Arthur C. Danto nói, Mapplethorpe đã góp phần tạo ra “một số hình ảnh gây sốc nhất và cũng thực sự là nguy hiểm nhất trong nhiếp ảnh hiện đại, hay thậm chí trong lịch sử nghệ thuật.” Mặt khác, ở Đức, ảnh của Mapplethorpe là một phần của quá trình “xã hội hóa thẩm mỹ” của những thế hệ lớn lên vào những năm 1980 và đầu 1990. Thời đó, ảnh của Mapplethorpe được bán làm poster; những tấm chân dung ‘đen’ của ông đặc biệt phổ biến trên các bức tường phòng ngủ sinh viên thời kì này. Tháng 9. 2010, tại Đức diễn ra triển lãm ảnh tổng kết sự nghiệp của Mapplethorpe, trong đó đi hết các mảng tác phẩm của ông, từ chân dung đến tự-chân dung, đồng tính, chụp nude, chụp hoa cỏ, chụp tượng điêu khắc… Ảnh được sắp xếp theo chủ đề, ví dụ như “chân dung tự họa”, trong đó có tấm ảnh ít người biết chụp ông với một cái roi ngựa thò ra ở hậu môn. Có những bức chân dung nên thơ nhất ông chụp Patti Smith, chụp ‘nàng thơ’ của ông, là một người đàn ông da đen; chụp vận động viên thể hình Lisa Lyon là một người đàn bà da trắng. Có cả những bức ảnh chụp hoa với dương vật (mà chính Mapplethorpe từng nói: ‘…tôi cố tình xếp một bông hoa, rồi hình một cái dương vật, rồi một bức chân dung, tất cả đặt cạnh nhau, để các bạn có thể nhìn thấy là chúng cũng như nhau cả’), rồi những hình ảnh mô tả vẻ đẹp kinh điển dựa trên những bức tượng Phục hưng, những bức chân dung ấn tượng chụp trẻ con cùng những bức ảnh chụp các celebrity của thời kì ấy. Triển lãm này cho thấy Robert Mapplethorpe là một nghệ sĩ gắn chặt với thời đại của ông; những người đương thời của ông là Andy Warhol và Brice Marden; ông chọn Polaroid, cũng là công cụ được ưa chuộng vào những năm 1970, chọn hình thể con người cùng tính dục là một chủ đề mà vào thời đó, đối với rất nhiều nghệ sĩ, là chìa khóa dẫn đến thay đổi xã hội. Nhưng trên tất cả, Robert Mapplethorpe đã sáng tạo một phong cách nhiếp ảnh của riêng mình, đề cao tính lí tưởng của sự toàn mỹ và của hình thể. “Tôi tìm kiếm vẻ đẹp hoàn mỹ về hình thể. Tôi tìm chúng trong chân dung, trong ảnh chụp dương vật, trong ảnh chụp hoa.” Trong triển lãm, việc treo các bức ảnh trên những bức tường trắng như tuyết đã rất phù hợp quan điểm này của ông, và một cách có ý thức, bỏ xa dần lối trình bày hoa mỹ kiểu Boudoir – treo tác phẩm trên những bức tường hồng hồng tím tím – một nét nổi bật trong các triển lãm của Mapplethorpe suốt nhiều năm qua, mở ra một cách nhìn tác phẩm “khái niệm” hơn, “tối giản” hơn. Bộ sưu tập hơn 150 bức, từ những tấm ảnh Polaroid thời kì năm 1973 đến những bức chân dung tự họa cuối cùng của ông năm 1988 (những bức ảnh cho thấy ông bị bệnh tật hành hạ như thế nào và lộ rõ cái chết đã gần kề), đồng thời cũng có rất nhiều bức nổi tiếng gần như đã thành biểu tượng, bên cạnh một số bức chưa bao giờ thấy hoặc rất ít khi được trưng bày. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|