Nhiếp ảnh

Giải nhất Deutsche Börse 2015:
Chụp một nơi thượng lưu đã trở thành hoang phế 09. 06. 15 - 7:14 am

Hoàng Lan st và dịch

Giải nhiếp ảnh Deutsche Börse 2015 có trị giá £30,000 (khoảng 45,785 USD) đã về tay Mikkael Subotzky và Patrick Waterhouse. Ban tổ chức đã công bố người thắng cuộc tại Photographer Gallery ở London vào ngày 28.5. 2015 vừa qua.
 

Mikkael Subotzky (trái) và Patrick Waterhouse trước bức ảnh chụp bên trong tòa nhà Ponte

Subotzky là một nhiếp ảnh gia người Nam Phi, anh làm việc cho tổ chức Magnum Photos. Còn Waterhouse là công dân xứ sương mù. Cả hai nhận đề cử Deutsche Börse nhờ bộ ảnh chụptòa nhà Ponte ở Nam Phi, ghi lại cuộc sống trong tòa chung cư 54 tầng tại Johannesburg. Nhà đầu tư xây Ponte từ năm 1976, chủ yếu dùng nó làm nơi ở cho giai cấp tư sản da trắng dưới thời phân biệt chủng tộc apartheid. Trong giai đoạn đất nước chuyển biến từ năm 1980 đến 1990, tòa nhà bỗng trở thành chỗ tị nạn cho dân nhập cư Zimbabwe và các nước châu Phi khác. Sau đó chỗ này dần xuống cấp, và hiện nay tòa Ponte trông như một biểu tượng chua chát của lịch sử Nam Phi.

Bộ đôi Subotzky/Waterhouse bắt đầu dự án ảnh của họ vào năm 2007, sau khi họ nghe thông báo rằng kế hoạch tu sửa tòa nhà này không nhận được hỗ trợ vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Làm việc cùng những cư dân còn sót lại của khu chung cư, bộ đôi nghệ sĩ đã chụp lại câu chuyện sống động về các cư dân ở đây, dù phải nói rằng sống một thời gian dài trong khu chung cư xuống cấp của Nam Phi là khá nguy hiểm. “Khi bạn kể cho người khác rằng bạn đang chụp ảnh tại Ponte, họ sẽ phản ứng kiểu như: ‘Ôi lạy Chúa! Anh có bị ai bắn chưa vậy?’” Mikhael Subotzky cho biết.

Ponte City nhìn từ Yeoville Ridge

Bộ đôi nhiếp ảnh gia kể thêm về tòa nhà Ponte: “Tòa nhà 54 tầng đứng sừng sững ở một góc trời của Johannesburg, bạn có thể thấy bảng quảng cáo to tướng đang chớp nháy trên đỉnh tòa nhà, ngay cả khi bạn đứng tại thành phố lân cận như Soweto. Hồi xây nó vào năm 1976 – năm cuộc nổi dậy ở Soweto nổ ra – Ponte cùng các khu dân cư xung quanh như Berea, Hillbrow, và Yeoville chỉ toàn dân da trắng. Chúng là nhà của các cặp vợ chồng trung lưu trẻ, của sinh viên, cũng như những bà già Do Thái. Đồ án đô thị thời apartheid đã cô lập Ponte City khỏi những sự kiện khó quên của năm ấy. Nhưng đến khi thành phố thay đổi hòng bắt kịp với nền dân chủ vào năm 1994, nhiều cư dân của Ponte và của các khu lân cận đã di cư đến khu ngoại ô phía Bắc – nơi họ cho là sẽ an toàn hơn. Những ngôi nhà bỏ trống nghiễm nhiên trở thành hang ổ cho tội phạm, sự xuống cấp và phần nhiều là thành nơi tiếp nhận làn sóng nhập cư từ những quốc gia láng giềng.
 

Tòa nhà Ponte nhìn từ khu Hillbrown, ảnh do Mikhael Subotzky và Patrick Waterhouse chụp

Vào năm 2007, các nhà đầu tư bất động sàn đã mua lại tòa nhà. Nhưng đến cuối năm 2008, nỗ lực viễn vông hòng tái thiết và hồi sinh Ponte của họ thất bại ê chề. Họ phá sản sau khi hứa sẽ chi 300 triệu rand để tu sửa tòa nhà theo mục đích cũng như trí tưởng tượng của mình. Mục tiêu họ nhắm vào là bán lại các căn hộ cho tầng lớp trung lưu mới – bao gồm thương nhân, giới chuyên môn da màu vừa trẻ vừa cầu tiến của lục địa đen, và những ai đang muốn tìm một cuộc sống thành thị mang phong cách Manhanttan thời thượng tại châu Phi. Tất nhiên là họ sẽ thất bại rồi”

Thế cuộc sống ở nơi “xém tí nữa là thành New York ở châu Phi” này như thế nào? Hãy xem qua một số ảnh của Mikkael Subotzky và Patrick Waterhouse:

“Ponte City nhìn từ đường Joe Slovo”. Đại lộ này xưa tên là Harrow, đến 2006 đổi là Joe Slovo theo tên một nhà chính trị Nam Phi chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Hồi 2013, người phát ngôn của cảnh sát là Sup Mamonyane cho biết, đại lộ một thời này hiện đã trở thành tụ điểm cướp giật. “Bọn tội phạm có cặp mắt diều hâu, chúng thường đợi ở chỗ đèn tín hiệu, lúc xe dừng lại. Khi thấy có gì giá trị trong xe, chúng sẽ tấn công bằng tốc độ tia chớp,” vị này cảnh báo.

 

Bên trong tòa nhà Ponte, nhìn từ dưới lên

 

Bên trong tòa nhà

 

“Nhà để xe”

 

Không đề, ảnh chụp một thang máy cũ ở Ponte

 

“Tầm nhìn ra khu Hillbrow” (Từ cửa sổ của một căn hộ)

 

Dọn vào. (Lưu ý: Ponte ngày trước là nơi ở của dân da trắng),

 

Không đề

 

Không đề, chụp buổi tiệc tùng tại một căn hộ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả