Ăn uống

Wakako-Zake (tập 12): Ngân hạnh của Nhật, trắng tay của Tàu 13. 11. 16 - 6:34 am

Pha Lê

(Tiếp theo tập 11)

Kỳ này, Wakako nói cô sẽ thật thư giãn để ăn một món. Tưởng món gì ghê gớm, hóa ra là món ginkgo nướng.

Trái ginkgo và lá ginkgo hình rẻ quạt vẽ trong tập 12.

Hạt ginkgo, dịch theo đúng Hán tự Kanji sẽ ra “ngân hạnh”. Nhưng người Việt gọi hạt này là hạt bạch quả vì nhiễm cách gọi của người Trung Quốc. Dân Tàu thực ra cũng có gọi nó là ngân hạnh, tuy nhiên họ chủ yếu chỉ đề tên ngân hạnh trong… sách vở, nghe cho nó “chính thống” và đẹp. Chứ ngôn ngữ nói thường ngày họ dùng từ bạch quả.

Hạt bạch quả. (Hình từ ezyhealth)

Cây bạch quả có nhiều ở các nước châu Á. Trung Quốc, Nhật, Hàn thì đầy cây này. Bạn Đặng Thái có viết trong bài Đặc biệt thị Seoul rằng cây này ra trái cực kỳ thối, mà nó thối thật. Lúc Mỹ đem mấy cây này về trồng, bọn Tây hít mùi xong bảo cây gì mà như đang treo… phó mát thối của Pháp trên cành. Hạt bạch quả ăn vào đương nhiên ngon, béo và dẻo, chẳng thối gì, có điều cây lúc ra trái lại là chuyện khác.

Nhật cũng lắm cây bạch quả, nhưng hình như người Nhật không hay than phiền về mùi của cây cho lắm. Trái lại, Nhật hơi bị cuồng nó. Đặc biệt, lá hình rẻ quạt của cây bạch quả luôn là nguồn cảm hứng cho đủ thứ ở nước mặt trời mọc: nào là đĩa gốm sứ hình rẻ quạt, nào là kimono thêu họa tiết rẻ quạt. Ngay mối tình đầu của bác Agasa trong Thám tử lừng danh Conan cũng dính tới lá cây bạch quả và lá rẻ quạt.

Đĩa sứ lấy cảm hứng từ lá rẻ quạt. (Hình từ đây)

 

Bác Agasa trong “Conan” gặp lại người yêu dưới tán cây bạch quả năm xưa, cô người yêu của bác vì cảm tình với bác mà sau này cô chuyên sản xuất nữ trang có hình lá rẻ quạt của cây bạch quả. (Hình từ trang này)

Chắc do người Nhật thích cây, thích lá, thích hạt bạch quả quá nên có thể lãng mạn hóa nó bất chấp mùi thối. Dù gì đi nữa, nếu bỏ qua vấn đề mùi thì lá bạch quả đúng rất đẹp và hạt bạch quả ăn vô cùng ngon. Người Nhật lấy bạch quả làm đủ món. Từ nấu cơm takikomi, đem xiên que nướng, nấu cháo, đến bỏ vào trứng hấp chawanmushi. Theo truyền thống, nếu ăn uống thuận thời tiết thì bạch quả ginkgo thường xuất hiện trong bữa cơm mùa thu, do đây là mùa cây ra quả, cho hạt để dân chúng thu hoạch. Ngày nay, Nhật có thể đông lạnh ginkgo trữ hoặc lấy nguồn từ nhiều quốc gia khác nên nhà hàng có món ginkgo thường xuyên hơn.

Cơm takikomi nấm và bạch quả. Nấm và hạt bạch quả thường đi chung với nhau do cả hai đều là nguyên liệu mùa thu. (Hình từ trang này)

 

Trứng hấp chawanmushi có tôm, nấm, và bạch quả. (Hình từ trang này)

Món bạch quả nàng Wakako xơi trong tập này là món đơn giản nhất: hạt còn vỏ đem nướng, bỏ lên đĩa có muối, khách “tự phục vụ”, dùng kềm kẹp vỏ moi hạt ra ăn.

Đĩa bạch quả nướng còn vỏ và kềm kẹp vẽ trong tập 12.

Wakako bảo tuy có món bạch quả tách vỏ sẵn, người ăn chỉ việc nhai nhưng hành động kẹp vỏ, ăn hạt, kẹp vỏ, ăn hạt lặp đi lặp lại rất thú vị, khiến thực khách muốn bỏ công ra kẹp vỏ để ăn hoài. Dù có lúc kẹp bể luôn hạt bên trong, hoặc đụng phải hạt hư, người ăn vẫn không cảm thấy nản vì đã tự thân vận động. Còn nếu đầu bếp kẹp vỏ sẵn cho và trong đĩa bạch quả ông bưng ra lại có lẫn hạt xấu, khách sẽ bực bội liền.

Wakako kẹp bể vỏ bạch quả…

 

… và sung sướng nhai hạt.

Ăn hạt bạch quả theo kiểu tự phục vụ thường khó đoán. Nàng Wakako trong lúc dùng kềm đã lỡ tay khiến một hạt bạch quả văng thẳng vào mặt một ông ngồi bên cạnh, cũng đang xơi bạch quả giống nàng. Wakako líu ríu xin lỗi, ông cười bảo không sao đâu. Lúc ông ra về, mấy khách trong quán mới bảo rằng ông đang căng thẳng do ngày mai con gái ông đem hôn phu tương lai về giới thiệu, bởi vậy ông mới ăn bạch quả. Hành động kẹp vỏ, ăn hạt đều đều giúp ông khỏi phải suy nghĩ gì. Trò tách vỏ, ăn hạt này chắc cũng đem lại cảm giác giống như trò cắn hạt dưa ngày Tết, ăn thì không được bao nhiêu nhưng lặp đi lặp lại màn cắn lách tách rồi nhai nhai hạt nó vui mồm.

Wakako kẹp bạch quả trúng mặt người đàn ông ngồi bên cạnh.

Vụ bấm vỏ đều đặn khiến người ăn cảm thấy thư giãn, đỡ vấn vương suy nghĩ cũng có lý, nhưng chắc phải tùy người. Cô giúp việc nhà tôi tối ngày lầm bầm rằng gia đình gì mà giống nhau cả lũ, ai cũng ghét ăn cua. Tôi toàn phải đính chính lại là không có ghét, nhưng thấy trò bóp bóp gỡ gỡ nó mệt mỏi vô vị. Tôi gặp cua ngon còn tự kẹp vỏ xơi, chứ bố tôi đặc biệt ghét phải bóc bất cứ thứ gì. Tôm cua nguyên vỏ để trước mặt ông sẽ không bao giờ rớ, lý do là ông rất bực khi phải tốn thời gian công sức moi móc chỉ vì cái ăn. Mấy chục mùa Tết chưa bao giờ thấy ông cắn hạt dưa, bởi vậy nếu dâng đĩa bạch quả còn vỏ rồi kêu ông dùng kềm bấm là chẳng khác nào tra tấn, ông sẽ không thể thoải mái với kiểu ăn này.

Tôi còn có đứa bạn ghét kẹp và ăn bạch quả vì lý do khác. Tôm cua nó siêng bóc, chứ bạch quả nàng ta không hề ưa. Nàng là người gốc Tàu, mà Tàu cũng giống Nhật, thích bạch quả nên bỏ nó vô đủ thứ món. Nào là bạch quả nấu cháo – truyền thống có món cháo bạch quả nấu tàu hũ ki, nào là gà hầm bạch quả, chè bạch quả, bạch quả xào rau…

Cháo bạch quả tàu hũ ki quốc hồn quốc túy của Tàu. (Hình từ đây)

 

Ngoài ra Trung Quốc còn món cháo bạch quả ăn cùng rau củ muối. (Hình từ wiki)

 

Chè tuyết nhĩ long nhãn và bạch quả. (hình từ pinterest)

 

Chè khoai môn bạch quả (hình từ tastehongkong)

 

Bạch quả xào măng Tây. (Hình từ trang này)

Từ nhỏ, bạn tôi nhận nhiệm vụ kẹp bạch quả, moi hạt ra cho gia đình nó nấu. Người gốc Hoa ăn nhiều bạch quả nên nó phải kẹp nhiều, rồi sau đấy lại bị bắt ăn nhiều cùng cả nhà. Riết rồi thấy bạch quả là nó ngán từ bóc cho đến ăn, mỗi lần ăn gì mà có bạch quả nó toàn đùn sang cho tôi.

Tôi nói nghe nó kể cứ như là người Hoa suốt ngày ăn bạch quả vậy. Nó nhún vai đáp lại rằng ăn nhiều lắm, trừ Tết không ai dám ăn. Trong tiếng Tàu, chữ “bạch” chỉ màu trắng còn có nghĩa là “không có gì”, như người đời hay bảo không có tiền là “trắng tay”. Bạch quả có thể hiểu theo nghĩa “không có kết quả”, nên ngày Tết người Tàu sợ ăn bạch quả vào là sẽ xui, cả năm làm gì cũng thành số không nên lúc nào có thể ăn bạch quả chứ Tết là dẹp.

Mỗi trò kẹp vỏ, mỗi món hạt bạch quả mà đem đến đủ thứ cảm xúc, tùy theo người. Ông Nhật trong tập này mà nghĩ xơi bạch quả đồng nghĩa với xui thì chắc ông sẽ căng thẳng đến đập đầu vào tường trước khi gặp người yêu của con gái.

 *

Xem tập này tại đây

Ý kiến - Thảo luận

19:26 Saturday,11.2.2017 Đăng bởi:  phale
@Ruri: Manga thì mình có đọc nhưng nó vẫn còn hơi lắt nhắt. Để khi nào có dịp phù hợp thì sẽ nhắc đến Wakako tiếp.
...xem tiếp
19:26 Saturday,11.2.2017 Đăng bởi:  phale
@Ruri: Manga thì mình có đọc nhưng nó vẫn còn hơi lắt nhắt. Để khi nào có dịp phù hợp thì sẽ nhắc đến Wakako tiếp. 
17:14 Saturday,11.2.2017 Đăng bởi:  Ruri
Bộ này có cả manga đó chị Pha Lê ơi, không biết chị có xem chưa. Manga thì chưa dịch xong, mà cũng thỉnh thoảng mới có chap mới thôi. Em rất thích bộ này, cũng thích cả series bài viết của chị nữa, em rất mong chị có hứng viết tiếp nha :D

http://kissmanga.com/Manga/Wakako-Zake
...xem tiếp
17:14 Saturday,11.2.2017 Đăng bởi:  Ruri
Bộ này có cả manga đó chị Pha Lê ơi, không biết chị có xem chưa. Manga thì chưa dịch xong, mà cũng thỉnh thoảng mới có chap mới thôi. Em rất thích bộ này, cũng thích cả series bài viết của chị nữa, em rất mong chị có hứng viết tiếp nha :D

http://kissmanga.com/Manga/Wakako-Zake 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Marina Abramovic - Tuyên ngôn đời nghệ sĩ

Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả