Tin tức

Thời sự cho nghệ sĩ: Sai chính tả Hoàng gia không nhận lỗi. Sảy phát ngôn bác học phải rời trường. 14. 06. 15 - 8:17 am

Phờ Pheo biên dịch

(Đọc bản tin tuần trước ở đây.)

Đoàn Lê có thơ rằng:  

Cụ thân sinh chàng Đông Ki Sốt
Trên mộ bia chạm một chữ sai
Viện Hoàng gia léo kém tài
Tại thằng khắc chữ đọc bài chưa thông 

Anh Quốc có quý ông bác học
Chém mấy câu gây sốc quý bà
Sảy miệng, kệ mẹ, không tha
Thôi đành từ nhiệm dù là nói chơi 

Xương cần nhất cho nồi nước phở
Nhiều bệnh nhân lại có tin mừng
Thuốc dùng điều trị tiểu đường
Chống loãng cmn xương. Diệu kỳ

Để hiểu được bài thơ này, xin đọc bản tin sau:

1.

Hôm 11. 6. 2015, Tây Ban Nha đã tiến hành lễ chôn cất chính thức đại văn hào của họ, Miguel de Cervantes, 399 năm sau ngày ông mất. Ngôi mộ mới cũng là tượng đài, chứa những mảnh xương vừa đào được (mà người ta tin là) của tác giả “Don Quixote”.

Trên bia mộ có khắc một câu trích từ tiểu thuyết cuối cùng của Cervantes, Los trabajos de Persiles y Sigismunda (Những tác phẩm của Persiles và Sigismunda).

Thực không may, khi thị trưởng Madrid là bà Ana Botella vừa giở tấm bia ra, thì đập ngay vào mắt bà và mắt cánh truyền thông một chữ trong tên tác phẩm đã bị viết sai: Sigismunda thành Segismunda.
 
Nếu nước ta có anh đánh máy thì Tây Ban Nha có anh khắc chữ. Viện Hoàng gia Tây Ban Nha (RAE) là nơi chịu trách nhiệm về phần nội dung cho tấm bia này nhưng lại bảo họ không chịu trách nhiệm về phần chính tả.

“Phần nội dung mà RAE gửi là chính xác, nhưng ai đó, có thể là người khắc bia, đã phạm lỗi chạm chữ ‘e’ vào chỗ chữ ‘i’. Tên là không được sai rồi đấy. Bạn sẽ không thể viết Guilliam thay vì William Shakespeare,” người phát ngôn của RAE nói. “Nhưng hy vọng, lỗi này sửa cũng đơn giản.”

Hồi tháng Ba, các nhà nghiên cứu khi khai quật tại hầm mộ của tu viện Barefoot Trinitarians ở Madrid đã đào được một cỗ quan tài chứa những mảnh xương và quần áo còn lại của 10 người lớn và 5 trẻ em, có niên đại khoảng thế kỷ 17. Người đứng đầu nhóm là Francisco Etxeberria nói ông tin rằng “trong số các mảnh xương đó, có vài cái của Cervantes”. Những mảnh xương ấy đã được đặt trong ngôi mộ mới, tại một nhà thờ thuộc phức hợp tu viện trên.
 

Nhóm các nhà khảo cổ học và nhân chủng học làm việc tại tu viện Barefoot Trinitarians. Ảnh: Daniel Ochoa de Olza

 
“Hôm nay còn đúng 1 năm là đến 400 năm ngày mất của Miguel de Cervantes, chúng ta trả một món nợ cho nhà văn vĩ đại nhất của tiếng Tây Ban Nha,” bà Botella phát biểu. Đây là lần xuất hiện cuối cùng của bà trước công chúng với tư cách thị trưởng; bởi vì tháng trước, bà đã thua ở cuộc bỏ phiếu, nhường chỗ cho Manuela Carmena, một cựu thẩm phán 71 tuổi, lên làm thị trưởng vào thứ Bảy, 13. 6. 2015. (Theo James Badcock, The Telegraph)

*

2.

Bà Botella của tin trên thì từ chức vì thua một cuộc đua dài. Người khác thì lại phải từ nhiệm vì một phút lỡ miệng ngắn ngủi.

Sir Tim Hunt, 72 tuổi – người đoạt giải Nobel y học hồi 2001 vừa từ nhiệm khỏi trường University College London (UCL) sau khi sơ sảy làm dư luận hàn lâm (nữ) nổi giận.

Tại Hội thảo Thế giới về Báo chí Khoa học (diễn ra từ 8 – 12. 6. 2015) ở Hàn Quốc, Sir Tim, 72 tuổi, trong lúc vui đã phát biểu trước cử tọa: “Để tôi nói với các vị về sự rắc rối với các cô. Có ba việc xảy ra khi họ ở trong phòng thí nghiệm: bạn yêu họ, họ yêu bạn, và khi bạn phê bình họ thì họ khóc.”

Giới khoa học Anh kết tội những nhận xét rất thật thà trên là “sốc nặng”, “lạc hậu”, và “hủy hoại” hình ảnh của khoa học.

Sir Tim xin lỗi trước báo giới. Ảnh của Csaba Segesvari

Sir Tim lâu nay là giáo sư danh dự tại trường UCL, nhưng trường cho biết ông đã từ nhiệm sau vụ này sau phát biểu hôm 9. 6 về phụ nữ trong khoa học.

Ông phải từ nhiệm vì “UCL là trường đại học đầu tiên ở Anh đã công nhận nữ sinh viên cũng bình đẳng với nam sinh viên”. Nhưng nói với BBC, Sir Tim nhấn mạnh rằng nhận xét của ông cũng là vui thôi, mặc dầu theo ông, đó là “một việc rất ngu ngốc” khi làm “trước mặt nhiều nhà báo… Tôi hết sức xin lỗi đã gây ra bực mình, thật là tệ. Tôi chắc chắn không có ý định làm thế. Tôi chỉ thành thật, thực vậy.”

Nhưng ông cũng khẳng định, những gì ông nhận xét là thực: việc nam nữ khoa học gia để ý nhau ở nơi làm việc rồi sau đó khó phê bình là một sự cản trở trong chuyên môn. “Tôi thấy những rắc rối tình cảm khiến cuộc sống thành rất khó khăn…” 

Giải thích thêm cho những phát biểu của mình, Sir Tim “tát” nốt các mợ một cái, lần này là nghiêm trang: “Vô cùng quan trong là bạn có thể phê bình ý tưởng của người khác mà không phê bình họ, và nếu họ òa ra khó, thì có nghĩa là bạn bị khựng lại trong việc đạt cho được chân lý tuyệt đối. Mà khoa học chính là đạt cho được chân lý, và bất kỳ cái gì cản trở việc đó, theo kinh nghiệm của tôi, là hạ thấp khoa học.”

Chân dung Sir Tim, của Tess Barnes

Nhưng Sir Tim đã phải từ nhiệm. Sir chính là người cùng với hai cộng sự từng có một phát hiện vĩ đại mang lại cho họ giải Nobel: tìm ra những phân tử protein kiểm soát việc phân chia (tức nhân đôi) tế bào. (Theo The Telegraph)

*

3.

Một câu sảy miệng có đáng gì so với những việc mà các nhà khoa học như Sir Tim (của tin trên) đã làm.

Khoa học là một lãnh vực âm thầm mà vĩ đại. Thí dụ như mới đây, các nhà khoa học tại viện Scripps (Mỹ) vừa nhen lên một hy vọng cho những người bị loãng xương: họ phát hiện ra trong cơ thể ta có một protein tên là PPARy. Đây là protein duy nhất mang công việc ngăn không cho những tế bào gốc ở tủy xương phát triển thành xương. Bình thường ra, việc này là có ích, vì nếu không xương cứ thế to đùng, hoặc phát triển không dừng được, thành những u cục.

Ảnh: Alamy

Nhưng với người loãng xương thì lại cần… xương. Các nhà nghiên cứu thấy rằng khi cho chuột dùng một loại thuốc ức chế protein PPARy này lại thì xương chuột mọc nhanh, do các tế bào tạo xương tăng sinh lên. Và loại thuốc này không phải tìm đâu xa: nó vốn vẫn được dùng trong điều trị tiểu đường type II.

Tuy nhiên từ việc phát hiện ra protein PPARy này tới việc làm ra thứ thuốc chống loãng xương (mà không gây sinh u xương) vẫn còn là một chặng đường dài. Trước mắt, nghiên cứu này đã được đăng tải trên tờ Nature Communications.

*

Đọc bản tin tuần sau ở đây.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả