Tạp hóa - Xã hội

Thời sự cho nghệ sĩ:
Xứ Ba Tư, gái đứng ngoài sân bóng;
Đất Nam Phi, chó nằm ngóng quan tài 21. 06. 15 - 7:06 am

Phờ Pheo tổng hợp và dịch

(Đọc bản tin tuần trước ở đây)

Đoàn Lê sau khi giúp đặt tên cho bài xong, có thơ rằng:

Xứ Ba Tư ngàn đêm còn lẻ
Gái chính chuyên chẳng thể vào sân
Ngắm nhìn nam giới trụi trần?
Trông thời đợi thế xoay vần tương lai

Chó nghiệp vụ dẫu tài thứ dữ
Đến khi già an tử khép khuôn
Mỏi mòn cmnl
Chuyện thật quá buồn trên đất Nam Phi

Việt Nam sướng léo gì so nổi
Bao chủ trương đường lối văn minh
Gái giai quyền đẳng công bình
Chó già – rựa mận nhiệt tình phệt ngay.

Để hiểu được bài thơ này, xin đọc bản tin sau:

*

Hí họa từ weldd.org – một tổ chức vì bình đẳng giới. Tác giả là một người của WELDD. Bảng đề: “Sân vận động cho mọi người”.

1.

Một lệnh cấm phụ nữ dự hai trận bóng chuyền giữa đội (nam) Iran với đội tuyển Mỹ đã dậy lại một cuộc tranh luận nảy lửa. Một số người cho rằng chính quyền Iran đang lạc hậu, bảo thủ đi.

Hai trận này thuộc khuôn khổ thi đấu tại Tehran của Liên đoàn Bóng chuyền Thế giới, đặc biệt gây háo hức cho người xem trong bối cảnh hai nước này suốt 35 năm không có quan hệ ngoại giao.

Khi chính quyền thông báo một số phụ nữ sẽ được vào sân xem thi đấu (mặc dù lâu nay phụ nữ vẫn bị cấm tham dự những sự kiện thể thao của đàn ông), nhiều chị em hâm mộ môn bóng chuyền đã khấp khởi hy vọng.

Nhưng truyền thông cho biết chỉ có 200 ghế trong số 12.000 ghế ở sân Azadi là dành cho các chị, đặc biệt chỉ những chị là quan chức trong liên đoàn bóng chuyền, hoặc họ hàng của cầu thủ có thi đấu trên sân.

Một số nhà nữ quyền đã lên các mạng xã hội để cất cao tiếng nói giận dữ. “Có phụ nữ vào sân thì sai cái gì nào?” họ hỏi.

Tuy nhiên chủ tịch ủy ban các vấn đề văn hóa thuộc quốc hội Iran, ông Ahmad Salek Kashani, đã hỏi lại: “Phụ nữ được phép vào sân thì xem cái gì? Chẳng phải chỉ là xem những thân hình đàn ông được lộ trần ra do bận đồ thể thao à?”
 

Tờ nhật báo “Islamic Republic” viết: “Đội bóng chuyền quốc gia nữ Iran đã trở về Tehran sau khi bị đội Việt Nam đánh bại tại giải châu Á. Thất bại này của đội nữ Iran không cay đắng bằng việc họ đã không che thân cho đúng đắn, đặc biệt là trong tháng Ramadan. Thực không thể chấp nhận được khi phải thấy những hình ảnh thô tục của các vận động viên Iran trên Internet. Với những người chịu trách nhiệm về nền thể thao nước nhà, chúng tôi nói: ‘Xấu hổ cho các ngươi’.“(Theo trang này)

*

Luật Iran cấm phụ nữ vào sân vận động ra đời kể từ ngày cách mạng Iran thành công, hổi 1979, mục đích chính là để bảo vệ họ khỏi những hành vi “quấy rối” khi ở giữa đám đàn ông.

Hè năm ngoái, vấn đề phân biệt giới trong các sự kiện thể thao ở Iran đã khiến thế giới thêm chú ý, sau khi cô Ghoncheh Ghavami, người Iran gốc Anh, tốt nghiệp luật, bị bắt khi dự một cuộc biểu tình bên ngoài một sân vẫn động trước một trận bóng chuyền nam (vì không được vào xem?). Cô bị bỏ tù 5 tháng, rồi được tại ngoại, rồi lại bị kết án tù ngồi 1 năm… Vụ này khiến sau đó Iran bị FIVB (Hiệp hội bóng chuyền thế giới) cấm tổ chức các giải vô địch quốc tế của FIVB vì đã ra các luật lệ chỉ một giới được làm khán giả.

Cô Ghoncheh Ghavami

Hiện chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani thực sự cũng đang cố gắng nới lỏng qui định, mặc cho những chống đối từ các nhà tôn giáo thủ cựu. Mới đây, một số phụ nữ đã được dự một trận bóng rổ của đàn ông ở Tehran.

Vấn đề phân biệt giới thể nào cũng nổi lên tranh cãi trở lại vào mùa hè này, khi có Cúp Bóng chuyền châu Á diễn ra, (do Liên đoàn châu Á tổ chức, chứ không phải do FIVB). Nếu không có gì thay đổi, vào dịp ấy, sân vận động sẽ chỉ mở cửa cho những phụ nữ là cổ động viên của các đội nước ngoài, đến từ nước ngoài. (Theo The Guardian)

*
 

Một chú chó nghiệp vụ và người huấn luyện ở Canada. Ảnh từ trang này

2.

Theo Robyn Dixon – LATimes, sau một đời phục dụ dài lâu cho Sở cảnh sát eThekwini Metro ở Durban, Nam Phi, chú chó Butch đã không còn thích hợp với công việc nữa.

Người huấn luyện Butch muốn được mang chú chó chăn cừu Đức này về nhà, nơi chú có thể sống những năm cuối đời trong yêu thương và tiện nghi. Nhưng hôm thứ Sáu, 18. 5, Butch đã bị cho an tử (tức là giết một cách êm ái). Một bức ảnh do một nhà báo chụp cho thấy Butch khi ấy đang nhìn chăm chăm ra ngoài, qua một cái chuồng trên nền xi măng.
 

Butch, ảnh của Jeff Wicks

Người huấn luyện Butch “tan nát ruột gan”, chính trị gia châu Phi là Dianne Kohler Barnard cho biết. Bà nói với phóng viên tờ Times rằng những con chó già ở sở cảnh sát eThekwini đều bị an tử, “vì những người điều hành sở cho rằng chó thì phải giết khi về già.”

“Khi được 8 – 10 tuổi, chúng không làm việc nữa, và bị nhốt mòn mỏi trong những thứ hệt như quan tài xi măng,” bà nói.

Bà Kohler Barnard tình cờ biết đến Butch nhân đến sở cảnh sát vì có việc cần điều tra: báo chí cho biết lâu nay sở cảnh sát thiếu thức ăn và dầu tắm chó; chó không hề được chích ngừa bởi vì chưa hề thấy sở cảnh sát trả hóa đơn thú y. Trong khi đó, Tozi Mthethwa, phát ngôn viên của Sở cảnh sát eThekwini, cho biết bầy chó cảnh sát được chăm nom kỹ, chích ngừa và ăn đủ, thuốc men đủ. Riêng việc an tử, bà Tozi cho biết sở cẩm vẫn nhờ đến tay một nhóm thiện nguyện là Hội Chống Tàn bạo với Thú vật mỗi khi có chú chó nào già và bệnh. Trường hợp Butch thì mắc phải chứng rối loạn vận động.

Cảnh sát còn nói với bà Kohler là Butch rất hung hăng. Nhưng người huấn luyện Butch bảo không hề có chuyện ấy.

Bà Kohler Barnard vốn là một phóng viên, nghị viên thuộc đảng đối lập Democratic Alliance (DA), hiện là “Shadow Minister of Police” (tức Bộ trưởng “bóng” bộ Công an) của Nam Phi. “Shadow cabinet” là một đặc điểm của nền chính trị Anh, khi đảng đối lập của chính quyền bầu lên một bộ máy riêng, như là “soi gương” với bộ máy của chính quyền đương nhiệm. Bà Kohler Barnard chẳng hạn, sẽ có nhiệm vụ theo sát và phản biện các hoạt động của bộ Công an Nam Phi của đảng cầm quyền.

 

Hồi 2014, người đứng đầu bộ phận hậu cần của Sở cảnh sát, ông Innocent Chamane, đã gây nên một “cơn bão” khi phát biểu rằng chó và ngựa của cảnh sát là “tài sản” và cần phải giết đi sau một đời làm việc hiệu quả. Ông còn răn đe rằng chớ có dùng cảm xúc chen vào.

Trong một bức email nội bộ bị rò rỉ bị in trên báo năm ngoái, ông Chamane viết, đại loại, bỏ an tử cho và ngựa (cảnh sát) là sẽ không phù hợp. “Tôi hiểu vấn đề về những tài sản được ‘nhân tính hóa’ này chứ, nhưng chúng ta phải cẩn thận khi dùng tình cảm chống lại đạo luật.”

Về hậu quả của chính sách này về lâu về dài, Kohler Barnard nói với một tờ báo địa phương:

“Việc biết rằng một chú chó ta từng nuôi, từng huấn luyện, từng làm việc chung, và có thể từng cứu mạng ta, sẽ bị quẳng đi như một mẩu rác khi bị coi là đã già, khoảng 8 đến 10 tuổi, sẽ hủy hoại đạo đức và hạ gục chính những người chiến đấu chống tội phạm.”

Chó nghiệp vụ ở Trung Quốc đợi lãnh cơm.

 

Và không phải chỉ ở Trung Quốc. Ảnh chụp hồi 1940s cho thấy chó nghiệp vụ tuần tra biên phòng cũng biết đợi lãnh khẩu phần ăn. Ảnh từ trang này

 *

(Đọc bản tin tuần sau ở đây)

Ý kiến - Thảo luận

17:48 Sunday,21.6.2015 Đăng bởi:  dilettant

Bài nhiều cái hay quá bị ngợp. Chỉ nhớ có bài trên mạng "Chó ở Việt Nam hạnh phúc nhất" (nhưng không nhớ nội dung, vì lá cải). Qua vụ Nam Phi (đất nước hạnh phúc vì có chính quyền bóng ám ảnh chính quyền thực quyền - liệu hồn, đừng có mà lạm quyền) thấy chó Việt quả là hạnh phúc, xét theo những tín điều gần đây còn Đông phương Hồng. Suốt đời làm lụng
...xem tiếp

17:48 Sunday,21.6.2015 Đăng bởi:  dilettant

Bài nhiều cái hay quá bị ngợp. Chỉ nhớ có bài trên mạng "Chó ở Việt Nam hạnh phúc nhất" (nhưng không nhớ nội dung, vì lá cải). Qua vụ Nam Phi (đất nước hạnh phúc vì có chính quyền bóng ám ảnh chính quyền thực quyền - liệu hồn, đừng có mà lạm quyền) thấy chó Việt quả là hạnh phúc, xét theo những tín điều gần đây còn Đông phương Hồng. Suốt đời làm lụng vì tương lai mai sau, rồi đến khi già được cắt tiết, rồi hiến thân cho đệ nhất khoái (sống ở trên đời ăn miếng dồi chó) ở đất nước hạnh phúc số dách hành tinh.

 
8:09 Sunday,21.6.2015 Đăng bởi:  phạm hải
Nam Phi là một trong những nước có kim cương lớn nhất thế giới, vậy mà không an dưỡng được một "cảnh khuyển" khi về già. Đúng là tây nó "giàu có tài nguyên rừng biển" cũng chả phải văn minh gì nhỉ? Vậy thì đại đa số loài người còn lâu "mút chỉ" mới bỏ được án tử hình người với người.
Có vài lời ngớ ngẩn khi biết tin dữ về chó như vậy không biết co
...xem tiếp
8:09 Sunday,21.6.2015 Đăng bởi:  phạm hải
Nam Phi là một trong những nước có kim cương lớn nhất thế giới, vậy mà không an dưỡng được một "cảnh khuyển" khi về già. Đúng là tây nó "giàu có tài nguyên rừng biển" cũng chả phải văn minh gì nhỉ? Vậy thì đại đa số loài người còn lâu "mút chỉ" mới bỏ được án tử hình người với người.
Có vài lời ngớ ngẩn khi biết tin dữ về chó như vậy không biết comment có được đăng lên không? Vẫn cảm ơn Soi cho biết tin này để cuối tuần ta lại lạc vào những cơn thao thức. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả