Nhiếp ảnh

Mary Ellen Mark: nhiếp ảnh gia can đảm và dịu dàng 16. 06. 15 - 6:35 am

Zelda Cheatle, Hoàng Lan dịch

Mary Ellen Mark sinh ra tại Philadephia và lớn lên ở vùng ngoại ô Elkin Park. Thời còn là học viên của trường  trung học Cheltenham, bà vừa tham gia đội cổ vũ vừa vẽ tranh rất giỏi. Bà ghi danh vào ngành hội họa và lịch sử nghệ thuật tại trường đại học Pennsylvania rồi lấy thêm bằng thạc sĩ về nhiếp ảnh phóng sự vào năm 1964. Các tác phẩm thời sinh viên đã giúp bà lấy học bổng Fullbright, trong đó có khoản tiền hỗ trợ cho một chuyến chụp ảnh đến Thổ Nhĩ Kỳ. Mary Ellen Mark thích vẽ, nhưng bà cũng thích nhiếp ảnh, nên bà đã tận dụng chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ để thử tay nghề của mình.

Bà Mary Ellen Mark

Tôi từng có lắm thời gian để chuyện trò với Mary Ellen tại lễ trao giải ảnh Sony đầu tiên. Chúng tôi ở cùng khách sạn trong hơn một tuần và bà đã kể cho tôi rất nhiều thứ. Tôi đã lắng nghe tất cả. Vào lúc mới bắt đầu sự nghiệp, Mary Ellen đến gặp Eve Arnold [nhiếp ảnh gia phóng sự nổi tiếng của Mỹ], với tâm trạng hồi hộp. Eva đã tiếp chuyện Mary Ellen, xem các tác phẩm bà chụp và nói: “Đừng bỏ công việc chính của cô” (ý nói Mary Ellen chỉ nên lấy nhiếp ảnh làm “nghề phụ”). Mary Ellen rất bất ngờ và cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề. Tôi nghĩ chính điều này đã khiến bà quyết tâm chứng tỏ cho Eve Arnold thấy rằng bà sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia vĩ đại như thế nào. Bà vẫn bực tức Eve Arnold đến tận 30 năm sau, nhưng tôi nghĩ cơn bực mình này đã thực sự giúp ích cho bà.

Khối lượng tác phẩm bà chụp nhiều đến phi thường, một số ảnh có thể khiến lòng bạn xốn xang. Bức cô bé đứng hút thuốc trong chiếc bể bơi mini vẫn còn làm tôi sửng sốt tận tâm can. Chỉ nghĩ đến nó thôi mà giờ tôi còn nổi cả da gà. Cách bà chụp bức ảnh ấy, bà không chê trách bọn nhỏ, hay khinh thường chúng, mà bà đang trò chuyện với hai cô bé ấy. Nhưng Chúa tôi, thật là một lời tuyên ngôn hùng hồn làm sao.

“Amanda và em họ Amy”, 1990. Bà Mary đến thăm trường cải tạo dành cho trẻ em có vấn đề về hành vi và bắt gặp cô bé Amanda. Sau khi biết hành vi của các bé này chủ yếu liên quan đến môi trường sống ở nhà, Mary đã theo Amanda về gặp mẹ của bé. Mary hỏi bà có thể chụp ảnh Amanda không, mẹ của bé đáp lại rằng bà muốn làm gì thì làm. Lúc Mary ra sân sau chào tạm biệt cô bé con thì bà bắt gặp cảnh này nên đã chụp ngay.

Gần như mọi người đều biết đến ảnh Mary chụp nhưng không phải người nào cũng biết tác giả chụp chúng là ai. Ảnh của bà nổi tiếng hơn bản thân bà, song theo tôi bà lại vĩ đại hơn chúng nhiều: bà là một người rất cá tính. Bà rất bạo gan. Tôi chẳng bao giờ quên được những bức ảnh chụp gái điếm tại Ấn Độ, thật khó tin là bà chụp ngay lúc họ đang “làm việc”. Không chỉ mấy cô gái điếm mà cả khách làng chơi cũng có thích bị ai chụp ảnh bao giờ – họ ném mọi thứ vào bà, không chỉ ném lời chửi rủa mà họ còn quăng các kiểu bàn ghế vật dụng, nhưng bà đã đứng đó hứng chịu hết thảy mọi thứ.
 

Mary dành ba tháng trời chụp ảnh các nhà chứa dọc đường Falkland tại Bombay, Ấn Độ. “Đó là một trải nghiệm phi thường”, bà hồi tưởng lại. Để những người phụ nữ làm việc tại đấy tin tưởng mình quả thật không dễ. “Ngoài đường người ta ném rác vào tôi, lấy trộm ví tiền của tôi. Cuối cùng một má mì mời tôi vào dùng trà. Chúng tôi trở thành bạn, và không lâu sau các má mì khác cũng cho phép tôi vào nhà chứa của họ”.

 

Mặc dù Mary thường chụp ảnh đen trắng, nhưng với dự án này bà dùng ảnh màu. Tông màu xanh lấn át trong bức ảnh này đã khoác lên bầu không khí lạnh lẽo cho tác phẩm. Nó nhấn mạnh là mặc dù cô gái đang diện chiếc váy sặc sỡ, cô đang sống trong bế tắc.

 

Chụp ảnh màu về các nhà chứa trên đường Falkland là một thử thách. Thiết bị của Mary tương đối đơn giản – một chiếc máy ảnh 35mm, phim ISO 400, đèn flash đi kèm với đầu phản xạ gắn trên máy ảnh. “Bạn đừng sa đà quá vào kĩ thuật”, bà nói. “Những bức ảnh đẹp nhất là những bức chụp đúng thời cơ”.

Bất cứ người nào có thể dành ba tháng trời lê la ngoài đường phố Bombay cùng mấy cô gái làng chơi, để chụp ảnh và trở thành bạn của những con người ấy, chắc chắn phải có tính cách thật cừ khôi. Mary cứng cỏi vô cùng, song cũng có phần dịu dàng. Nhiều người nghĩ rằng bà chỉ mạnh mẽ thôi, nhưng bạn có thể thấy sự hiền dịu trong ảnh của bà, và nếu bạn có dịp gặp gỡ bà, bạn sẽ nhận ra bà là một người dễ mến, nồng hậu.

Mary có một trái tim vàng, và nó sẽ sống mãi trong ảnh của bà. Tôi mừng khi bà nhận giải cống hiến vào năm ngoái – tôi nghĩ vào cuối đời bà đã cảm thấy rằng tác phẩm của mình không còn được ưa chuộng nữa, nên thật hay khi họ công nhận thành tựu của bà trước khi bà ra đi. Người đời sẽ nhớ đến Mary Ellen Mark vì ảnh của bà rất dịu dàng mà lại mãnh liệt.

Mary Ellen Mark mất hôm 25. 5. 2015 vì hội chứng loạn sản tủy (myelodysplastic syndrome). Sau đây là một vài tác phẩm của bà:
 

“Emine làm dáng”, 1965. Mary chụp cô bé này lúc bà đến Thổ Nhĩ Kỳ nhờ tài trợ của học bổng Fullbright. “Đó là một cử chỉ rất gợi tình” bà bàn về tư thế làm dáng của cô bé. “Cô bé gần là một phụ nữ rồi”. Ta có thể thấy sự tương phản giữa tư thế ấy với trang phục đơn giản kiểu trẻ con của cô bé. Nhiều tác phẩm của Mary chụp lại cảnh trẻ em đang cố ép mình vào vai người lớn (làm những chuyện như hút thuốc, uống rượu, mua súng…) dù chúng vẫn chưa hiểu rõ là mình đang làm gì.

 

“Hai đứa bé”, 1965. Mark bắt gặp hai đứa trẻ này tại một con đường ở thành phố Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. “Một số bức ảnh đẹp đơn thuần chỉ vì bạn chụp đúng thời điểm”, Mark giải thích. Trong trường hợp này, cơn gió lướt qua khiến váy của cô bé tốc lên bồng bềnh. Chiếc váy khiến cho bố cục ảnh nếu để bình thường sẽ rất phức tạp bỗng trở nên đẹp, và tạo nên một khoảnh khắc đầy xúc cảm.

 

“Gia đình Damms”, 1987. Đây là bức Mary chụp cho tạp chí Life. Damms là một gia đình ở Los Angeles, cả nhà là dân vô gia cư, họ sống trong chiếc xe hơi ở phía Bắc Hollywood. Vợ chồng nhà Damms là dân nghiện.

 

“Bé Summer Damms ngủ dưới sàn nhà”, 1994. Mary quay trở lại để chụp hình gia đình này lần nữa vào năm 1994, lúc ấy họ đã có nhà ở tạm, nhưng cuộc sống của họ vẫn tàn tạ vì bạo lực và ma túy.

 

“Chuột (bí danh của cậu bên trái) và Mike với khẩu súng”, 1983. Một trong những ảnh phóng sự quan trọng nhất của Mary là chụp trẻ em sống lang thang ở Seattle – thuộc dự án ảnh cho tạp chí Life, xuất bản trên tạp chí vào năm 1983. Bà chọn Seattle vì nó là một thành phố trung bình, không quá giàu không quá nghèo. Mary nói rằng bà có một tuổi thơ dễ chịu, nên bà hay xúc động khi thấy trẻ con sống trong hoàn cảnh khó khăn hơn: phải lớn nhanh, vướng vào bạo lực, phải bán thân, bị bố mẹ ngược đãi, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi gặp các bé, bà đã thuyết phục chồng – nhà làm phim Martin Bell – thực hiện một bộ phim tài liệu về chúng. Bộ phim mang tên “Streetwise” (rất cảm động và đáng xem dù giờ tìm lại để xem hơi khó), tác phẩm nhận đề cử Oscar phim tài liệu vào năm 1985.

 

“Trại Goodtimes”, 1984. Mary chụp ảnh khu cắm trại hè cho trẻ em mắc bệnh ung thư theo yêu cầu của tạp chí LIFE. “Thật dễ sa đà vào kiểu ảnh chụp buồn buồn rập khuôn khi nhận một đề tài như thế này”, bà cho biết. “Chúng ta đã thấy quá nhiều ảnh trẻ con bị ung thư rồi”. Góc chụp từ trên xuống của bức này nhấn mạnh kiểu tóc của các em – tất cả trọc lóc vì hóa trị – dù chua chát nhưng nó vẫn là ảnh chụp trẻ con đang chơi đùa vui tươi.

 

Còn đây là hai em bé mắc bệnh ung thư đang chơi chung ở trại hè. Bé bên trái bị bệnh máu trắng, và đã qua khỏi. Còn bé bên phải bị ung thư xương, sau này qua đời.

 

“Edgar và chú hình nhân Charlie”, 1978. Mary còn nổi tiếng nhờ ảnh chụp chân dung các nghệ sĩ của mọi loại hình nghệ thuật. Trong ảnh là nghệ sĩ hài chuyên nói tiếng bụng Edgar Bergen cùng chú rối Charlie. Lúc Edgar nghỉ hưu, con gái ông mời Mary đến chụp chân dung cho bố. Buổi chụp chẳng tiến triển mấy và Mary không hài lòng lắm với các bức mình bấm được. Thế nhưng đến lúc Edgar quay lưng lôi con rối cũ của ông từ trong hòm đồ ra, ánh sáng chiếu từ đằng sau cùng chú rối đã giúp Mary chụp nên bức chân dung thật phù hợp cho người nghệ sĩ này.

 

“Federico Fellini tại phim trường”, 1969. Bức ảnh chụp đạo diễn vĩ đại người Ý Federico Fellini. Ông đang đội chiếc mũ cao bồi ưa thích. Fellini như vừa đang múa vừa đang chỉ đạo đội ngũ làm phim bằng chiếc loa phóng thanh. Dáng đứng ba lê, cùng bóng hình ngược sáng do ánh đèn phim trường đã giúp ảnh toát lên vẻ tao nhã y hệt phong cách làm phim của vị đạo diễn.

Ý kiến - Thảo luận

8:55 Tuesday,16.6.2015 Đăng bởi:  candid

bộ ảnh về nhà chứa ở Ấn Độ: phục bà về cách tiếp cận đối tượng nhưng kỹ thuật của bà cũng rất đáng nể.


...xem tiếp
8:55 Tuesday,16.6.2015 Đăng bởi:  candid

bộ ảnh về nhà chứa ở Ấn Độ: phục bà về cách tiếp cận đối tượng nhưng kỹ thuật của bà cũng rất đáng nể.

 
8:33 Tuesday,16.6.2015 Đăng bởi:  Nghi
Rất thích những bài Hoàng Lan chọn dịch và cả văn phong dịch của bạn. Cảm ơn bạn.

Có một chi tiết nhỏ trong bức ảnh bên trên - bức ảnh màu chụp cô gái điếm ở Ấn Độ - trên phông nền màu xanh. Mình lại nghĩ tông màu xanh ấy không lạnh - mà đem đến một chút ấm áp, hi vọng...
...xem tiếp
8:33 Tuesday,16.6.2015 Đăng bởi:  Nghi
Rất thích những bài Hoàng Lan chọn dịch và cả văn phong dịch của bạn. Cảm ơn bạn.

Có một chi tiết nhỏ trong bức ảnh bên trên - bức ảnh màu chụp cô gái điếm ở Ấn Độ - trên phông nền màu xanh. Mình lại nghĩ tông màu xanh ấy không lạnh - mà đem đến một chút ấm áp, hi vọng... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả