Học viện nghệ thuật Chicago: Mãi không thể nào học được
28. 06. 15 - 3:19 pm
Phó Đức Tùng
Chicago 22. 4. 2015
Học viện nghệ thuật Chicago, tòa nhà chính. Hình từ trang này
Học viện nghệ thuật Chicago nằm ngay trong lõi trung tâm, cho thấy mối quan tâm đặc biệt của thành phố này đối với nghệ thuật. Và cái tên học viện nghệ thuật cũng khiến ta hình dung được quan điểm học thuật nghiêm túc, bài bản, mang tính công nghệ của Chicago đối với nghệ thuật.
Các tòa nhà của học viện nằm rải rác trong khu trung tâm. Cửa vào có người kiểm soát giấy tờ, đảm bảo an ninh, tạo ngay ấn tượng của một khu nghiên cứu, không phận sự miễn vào. Hành lang một số tầng có hệ thống đường ống để trần, sơn màu từng khúc, nhưng cả hệ thống ống lẫn những mảng sơn đều thẳng thớm, nghiêm trang, sạch như li chứ không phải một khu tùy hứng, bệ rạc. Các khoa được bố trí từng khu vực, mỗi khoa chuyên về một lĩnh vực, một vật liệu. Ngoài hành lang hay không gian công cộng, căng tin là chỗ trưng bày một số tác phẩm. Nhưng lõi cơ bản của các khoa là những phòng xưởng hiện đại, ngăn nắp, trang bị đầy đủ.
Tại một hành lang của Viện. Ảnh Michael Dant
Nhìn một số tác phẩm trưng bày bên ngoài, có cảm giác sự ngăn nắp, trật tự là bản sắc nổi trội. Ngay cả những sắp đặt với trứng để vỡ, thối, mốc xanh, vẫn không có tí cảm giác nào về lộn xộn, phân hủy. Em Nhung học ở viện này giới thiệu một chi tiết độc đáo, đó là mọi khu vệ sinh của trường đều chia 3 phần: giống đực, giống cái và giống trung. Tuy nhiên, giống trung chỉ có một phòng đơn, chỉ một người vào được. Có nghĩa là giống trung không phải đực, không phải cái, nên không thể dùng chung với hai giống kia được, vì sợ cả hai bên mất tự nhiên. Nhưng giống trung cũng không phải cùng giống, nên không thể dùng chung với nhau.
Cánh Hiện đại của Viện Nghệ thuật Chicago.
Trọng tâm của học viện nghệ thuật là bảo tàng nghệ thuật Chicago, nằm ở vị trí oách nhất thành phố, giao giữa hai tuyến chính theo hướng bắc nam và đông tây. Trong bảo tàng có phòng học, phòng hội thảo, xưởng nghiên cứu cho sinh viên, nhà nghiên cứu nghệ thuật. Không những sinh viên của học viện có thẻ ra vào bảo tàng tự do, và họ cũng phải vào đó thường xuyên, mà cả người nhà sinh viên cũng được cho thẻ vào bảo tàng miễn phí, vì người thân cũng có quyền được biết con cái mình được đào tạo trong môi trường thế nào.
Bảo tàng mở cửa từ 10h30 sáng. Trước đó 20 phút, khách đã tập trung đông nghịt trước cửa. Trọng tâm bảo tàng này thiên về nghệ thuật thuần túy và từng vấn đề bếp núc, kỹ nghệ của nghệ thuật, hơn là phần thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật ứng dụng như ở Philadelphia, vì thế, cách chọn và trưng bày tác phẩm cũng có khác.
Hình từ trang này http://www.artic.edu/about/mission-and-history
Tầng 1 của bảo tàng cũng có trưng bày nghệ thuật của thế giới, từ châu Á, Ả Rập tới châu Phi, Mỹ bản địa, Ai Cập, Hy lạp, La Mã và vùng xung quanh.
Bộ sưu tập châu Á rất giàu có về cả lượng và chất, đặc biệt là mảng điêu khắc. Trước đây, tôi cứ có cảm giác châu Á cổ truyền dù sao cũng không có năng lực tạo hình mạnh mẽ được như châu Phi, Mỹ La Tinh hay thổ dân Thái bình dương, chưa kể Ai Cập, châu Âu. Nhưng xem bộ sưu tập ở đây mới thấy tượng cổ châu Á cũng muôn hình vạn trạng, và đạt độ tinh tế không tưởng được. Nhìn các tuyệt phẩm tuyển chọn ngặt nghèo từ tất cả các nước, từ những cường quốc văn hóa như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đến những nước nhỏ hơn như Indo, Malai, Philippin, Campuchia, Lào, Thái, Miến, Tạng, Nepal v.v. tôi khó hình dung Việt Nam có thể tìm được chỗ đứng bên cạnh. Và quả nhiên, xem kỹ cả phòng thì chỉ có 2 bức tượng xuất xứ Việt Nam, nhưng đều của Champa.
Bộ sưu tập về thổ dân châu Mỹ cũng là một mảng mạnh của bảo tàng này so với nhiều bảo tàng nghệ thuật và dân tộc học khác trên thế giới. Xem mới thấy họ cũng không phải những tay vừa, đúng là cũng có tầm thế giới. Và có lẽ ảnh hưởng của họ đến những nghệ sỹ đương đại như Pi, đặc biệt ở lĩnh vực gốm còn gần hơn là ảnh hưởng từ châu Phi.
Sưu tập châu Phi, Ai Cập, Hy Lạp thì nhiều nơi cũng có, nhưng bộ sưu tập của Chicago nổi bật là rất tinh tế, chọn lọc, ít nhưng đặc sắc.
Đặc biệt, cách trưng bày cũng như chiếu sáng của bảo tàng này khá là hay. Hầu như tất cả các phòng đều có cả trần sáng, tạo nên ánh sáng đều như ánh sáng ngoài trời chứ ít trông cậy vào chiếu sáng tập trung rọi từng tác phẩm. Cách bầy cũng khá nhẹ nhõm, tự do, vừa đủ độ an toàn nhưng không quá nghiêm trọng hóa. Cả cách bầy và ánh sáng khiến cho ta cảm giác như đi ngắm hàng bày trong bách hóa, nhẹ nhàng mà gần gũi, có thể quan sát vòng quanh mà không bị căng thẳng.
Một góc trưng bày trong bảo tàng nghệ thuật Chicago. Hình từ trang này
Phần tranh châu Âu ở tầng 2, là bộ sưu tập khổng lồ, điểm mặt đầy đủ các danh họa từ Trung cổ tới Ấn tượng. Phần đương đại và hiện đại thì chưa kịp xem. Thực ra, bày tranh tiền hiện đại rất là khó hấp dẫn, vì hình thức, chủ đề, kỹ thuật đều khá là xa với cuộc sống và mối quan tâm hiện tại. Mặt khác, những tác phẩm qua nhiều trăm năm thường cũng đã xuống màu, kém độ sắc sảo. Tôi còn nhớ ấn tượng đi xem những bảo tàng lớn như Vatican, Louvre hay Berlin, phần tranh này là khó xem nhất. Tranh nào cũng lờ mờ, tối tối, giông giống nhau. Thường thì khi vào một phòng, tôi chỉ đứng một chỗ, nhìn lướt một lượt, thấy bức nào nổi bật lên thì mới lại gần xem, và thường đó cũng là danh họa, nhưng cũng bỏ qua mất nhiều. Thế nhưng ở Chicago đặc biệt không hiểu sao tất cả các tác phẩm đều rất sắc sảo, rực rỡ. Ánh sáng trong các phòng không âm u như các bảo tàng khác. Và các bức tranh trong cùng phòng thì có chất lượng đều rất tốt, khiến ta khó mà bỏ qua bức nào ngay từ đầu. Ngoài các thời kỳ, phong cách chính, tranh có vẻ còn được trưng bày theo từng loại thủ pháp, chủ đề, để dễ theo dõi, học tập hơn.
Thi thoảng trong bảo tàng vẫn có những nhóm sinh viên, học sinh chăm chú ngồi vẽ lại. Đặc biệt, tôi thấy có những nhóm giảng bài cho các giáo viên dạy nghệ thuật. Người ta không chỉ giải thích cho các thày cô rất kỹ về tác giả, tác phẩm, kỹ thuật, mà còn đề xuất rất nhiều phương pháp cho họ truyền đạt, giảng dạy lại sao cho trẻ con có thể nắm được. Có những nhóm trẻ rất nhỏ cũng đi bảo tàng. Chúng có những câu hỏi, nhận xét rất cụ thể về bố cục, màu sắc, bóng đổ v.v. Có thể thấy, nền tảng kiến thức về nghệ thuật của chúng cũng đã rất cơ bản.
Trong bảo tàng nghệ thuật Chicago. Hình tại trang này.
Trước khi về, kịp phát hiện ra một phòng thuộc mảng kiến trúc, trưng bày những mô hình nội thất. Hàng trăm mô hình, được lắp sau những tấm kính trên tường. Ta có thể nhìn qua kính vào phòng, như nhìn vào những bể cá treo tường trong aquarium.
Mỗi một mô hình là một không gian nội thất đặc trưng, từ sảnh vào, buồng khách, buồng bếp, phòng ngủ, thư viện, phòng làm việc v.v. theo từng phong cách của từng vùng, từng thời kỳ khác nhau. Mô hình được thu nhỏ đúng tỷ lệ đối với mọi chi tiết, từ thảm trải, khăn bàn, tranh ảnh treo tường tới bàn ghế, rèm cửa.
Mô hình một phòng ăn thời Virginia, khoảng 1800. Hình từ trang này
Nhìn tiếp qua cửa sổ, cửa ra vào của các căn phòng đó, còn thấy những căn phòng khác, hoặc cảnh quan bên ngoài giống hệt như thật ở những vùng đó. Những đồ gỗ, tủ giả, bàn ghế được chạm trổ, khảm khắc, bọc da bọc vải đúng như thật. Các loại lát sàn được làm đúng như thật. Ngay cả những cái đèn Tiffany vốn đã rất tinh vi, cầu kỳ cũng được thu nhỏ đúng về tỷ lệ mini. Ghê gớm nhất là mọi loại vải, từ gấm, thảm, nhung, voan tường v.v. với những hoa văn cầu kỳ, chất cảm rất khác nhau, đều được làm y như thật, dệt hẳn hoi, với tỷ lệ nhỏ, chứ không phải vẽ lên hay minh họa. Không hiểu họ làm thế nào…
Nhân viên chăm sóc Lindsey Mican Morgan của khu Thorne Rooms nói đến trên đang chỉnh những món trang trí bé tí ti cho mô hình một phòng giải trí thời Victoria của Anh.
Sự tinh vi, cầu kỳ trong các mô hình là một chuyện đáng khâm phục. Nhưng đó không phải mục đích chính của trưng bày này. Quan trọng hơn, đáng để họ bỏ công làm từng ấy thứ cầu kỳ, là những nghiên cứu đằng sau đó. Người ta đã nghiên cứu rất tỉ mỉ, để rồi đúc rút được những phong cách khác nhau cho từng thể loại nhà, từng thể loại không gian nội thất. Đó không chỉ là mô tả chung chung về phong cách, mà là chi tiết từ màu sắc, chất cảm, vật liệu, tỷ lệ không gian, cách bố trí từng thứ trong không gian đó. Nhìn vào từng mô hình, sinh viên có thể thấy được mọi chi tiết nhỏ nhất về cách bố trí, hiệu quả không gian, ánh sáng, vật liệu, công năng v.v.
Một phòng khách ở New York thời 1850 – 1870. Hình từ trang này
Đây là những mô hình mang tính chuẩn hóa cho một vấn đề rất khó là phong cách nội thất. Tuy nhiên, nếu không có những nghiên cứu cơ bản này thì nội thất chỉ là những sáng tác tùy hứng, cảm tính chứ không thể trở thành một ngành học mang tính nghiêm túc, học thuật được. Qua những mô hình chuẩn hóa này, sinh viên có thể học được một cách trực quan cách nhìn nhận và bố trí nội thất như một cơ thể hoàn hảo theo từng giống loài, chứ không phải là một tập hợp của những đồ đạc khác nhau. Trên thực tế, tất nhiên kiến trúc sư sẽ có khả năng biến hóa, không nhất thiết phải theo đúng mô hình, nhưng anh ta sẽ luôn hình dung được là mỗi thay đổi sẽ ảnh hưởng tới mức nào tới tổng thể. Bài bản như vậy, không trách nào Tây nó làm nội thất chặt chẽ, đâu ra đấy, trong khi ta thì làm mãi vẫn cứ lủng củng, râu ông nọ cắm cằm bà kia.