Đi & Ở

Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình… 03. 07. 15 - 1:56 pm

Đặng Thái

Lời mở đầu:Nếu có một dân tộc nào trên Trái đất này kỷ luật hơn người Nhật Bản thì đó chỉ có thế là người Triều Tiên. Nếu tồn tại một xã hội nào với nhiều điều đặc thù kỳ quặc giống như Nhật Bản, thì đó cũng chỉ có thể là Hàn Quốc. Hai bài viết này dành để nói về tính cách, quan niệm sống của người Hàn Quốc và sự ảnh hưởng của nó đến cấu trúc xã hội trước những biến đổi như vũ bão của thế giới hiện đại. Như đã nói ở bài “Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán”, những bài này viết về thực tế nên sẽ không có gì tích cực, bạn đọc nên cân nhắc trước khi xem.

Xe của đoàn xuất phát từ sớm, đỗ lại trước một tòa nhà văn phòng của Tập đoàn Samsung vào giờ bắt đầu làm việc. Trong lúc mọi người mải chụp ảnh, mình đã kịp quan sát được một vài chi tiết đáng lưu ý. Bảy rưỡi, cả khu vực vẫn còn đang rất yên tĩnh, loáng thoáng người qua lại. Bảy giờ bốn lăm, người ở đâu đổ ra như kiến, rầm rập đi bộ tới, lũ lượt bước lên thang cuốn. Gần chục cái thang cuốn bắt đầu chạy và tất cả chỉ chạy một chiều đi lên. Hàng nghìn nhân viên trong đồng phục cứ thế bước đều trên thang cuốn, không một ai đứng lại trên thang. Tám giờ là hết sạch nhân viên, một nửa số thang cuốn đổi hướng chạy theo chiều đi xuống. Bắt đầu xuất hiện các xe riêng lần lượt tiến vào hầm đỗ xe, nhưng xe nhiều như lợn con mà lại tự lái, nên đoán chắc đây chỉ là tầm trưởng phòng, quản đốc mà thôi. Tám giờ mười lăm, ở cửa ra vào hầm gửi xe, nghe đánh xoẹt một cái, chông sắt dựng lên thẳng tắp, nghĩa là không ai được đánh xe ra khỏi hầm (đi cà phê cà pháo) nữa. Tám rưỡi sân lại vắng như trước đây một tiếng, chỉ có hai ba xe lác đác đến, có người ra mở cửa, nhìn là biết các cụ lãnh đạo. Trong khi đấy giờ làm việc bắt đầu lúc… 9 giờ!

Ảnh chụp khi đi từ dưới ga tàu điện ngầm lên mặt đất minh họa cho việc đi thang cuốn ở Hàn Quốc.Trước đây, không ai đứng thế này, mà tất cả già trẻ gái trai đều thi nhau bước đều đi lên để tiết kiệm thời gian. Nhưng rồi quá nhiều tai nạn xảy ra vì việc đi nhanh trên thang cuốn nên Metro Seoul quyết định cấm đi bộ trên thang cuốn. Nhưng không phải cấm mà xong, người ta phản đối vì giờ cao điểm đông người quá, người Hàn lại không chịu được việc bị người khác cản đường nên người sau thúc người trước: “Pali! Pali!”, muốn đứng yên cũng không được. Thế là dẫn đến phương án thỏa hiệp: mọi người đều phải đứng bên tay phải, trừ khoảng trống bên tay trái cho người đang rất vội có lối đi, tuyệt đối không được chạy.

Người ta nói vui đàn ông Hàn Quốc thường lấy hai vợ. Một vợ thì ngủ cùng còn một một vợ thì thức cùng, ấy là công ty. Hiếm có ai vào làm rồi bỏ công ty mà đi lắm, nhất là vào được các chaebol, hầu như là làm đến hết đời, có cái ghế nhân viên quèn cũng phải cho con trai vào kế thừa bằng được. Chaebol nghĩa là tài phiệt và những gia tộc điều hành nó có ảnh hưởng thế nào đến chính trị và kinh tế Hàn Quốc có lẽ ai cũng biết rồi. Sinh viên nào ra trường cũng chỉ mong được vào làm ở một trong những tập đoàn gia đình trị khổng lồ này. Được nhận vào rồi thì biết ơn vạn bội và trung thành tuyệt đối với tập đoàn. Trung thành biểu hiện ở nhiều chỗ, đơn cử như chỉ sử dụng sản phẩm của tập đoàn mình làm ra; không những bản thân mình mà vợ mình, con mình, họ hàng ba đời nhà mình cũng phải dùng tủ lạnh, điều hòa, máy giặt của hãng ấy, đến giấy vệ sinh cũng có in logo của hãng luôn. Ở phạm vi lớn hơn, người Hàn chỉ sử dụng sản phẩm của Hàn Quốc sản xuất. Nhà riêng, cơ quan hay cả khách sạn của người Hàn ở nước ngoài cũng chỉ lắp đồ của Hàn Quốc mà thôi.
 

Người Hàn Quốc khi ra nước ngoài thường cố gắng hết sức có thể để mua kimchi, mì tôm và đồ sản xuất tại Hàn Quốc. Những cửa hàng bán đồ Hàn thế này gọi là Korean Mart có mặt ở khắp nơi từ Trung Đông đến Nam Mỹ, đặc biệt là phương Tây.Mình đã chứng kiến một ông doanh nhân người Hàn, đứng dưới trời mưa tầm tã gọi điện thoại chửi hãng taxi ở Hà Nội: “Gọi xe khác cho tôi! Làm ăn thế à? Tại sao các anh không tìm nổi một cái xe Hyundai, toàn cho xe Toyota đến là cớ làm sao?”. Họ đòi hỏi như vậy là vì cái gì Hàn Quốc cũng đã sản xuất được, chỉ còn thiếu có bom nguyên tử nữa thôi.

 
Những tập đoàn chaebol khổng lồ này vào thuở sơ khai hầu hết là những công ty nhỏ làm nghề dệt may, sơ chế nguyên liệu thô phục vụ xuất khẩu. Để có được hàng hóa giá rẻ, cạnh tranh trên thị thường quốc tế, những ông chủ người Hàn đã bóc lột công nhân đến kiệt quệ trong những điều kiện lao động khắc nghiệt như thế kỷ 18 ở châu Âu. Những năm 1960 – 1970, rất nhiều công nhân ngành may mặc chết vì bệnh tật và kiệt sức. Tình hình ngày càng nghiêm trọng cho đến ngày 13. 11. 1970, ở trước chợ Pyounghwa, Jeon Tae Il – một người thợ may, đã tự thiêu để yêu cầu tuân thủ thực hiện Luật Lao động. Từ đó các ông chủ mới bắt đầu biết đến cái gọi là quyền công nhân và người Hàn ngày một nhiệt tình hơn trong việc đòi quyền lợi cho người lao động nói chung và người dân nói riêng.

Một số người biểu tình trước trụ sở một công ty lớn, dễ dàng bắt gặp những cảnh này ngay giữa phố to đường lớn của Seoul.Người Hàn Quốc biểu tình có khi còn nhiều hơn cơm bữa, bất kì chuyện gì không vừa ý là lập tức biển hiệu băng rôn, đầu quấn khăn in cờ thái cực xuống đường.

Xã hội Hàn Quốc rất nặng nề chuyện tôn ti trật tự, không có chuyện bình đẳng trong cơ quan như phương Tây. Không ở đâu xa, chỉ cần đi qua các nhà hàng, cửa hiệu Hàn Quốc ở Việt Nam, không khó để nghe thấy chủ Hàn Quốc chửi nhân viên Việt Nam xa xả vọng ra từ trong bếp. Có lần gặp anh quản đốc nhà máy Samsung, đi xuất khẩu lao động gần 10 năm giờ về Việt Nam làm quản lý, kể: “Người Hàn không thích công nhân Việt Nam vì cái tội hay cãi, công nhân Hàn Quốc nghe chửi, bị đập quen rồi, không bao giờ dám hé răng một câu”.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Hàn Quốc khiến họ coi thường tất cả các dân tộc khác trừ mỗi người Mỹ ra. Ai làm việc lâu với người Hàn, sẽ biết một chuyện, khi cãi nhau to tiếng hay động chạm đến vấn đề chủng tộc chỉ cần biết nói câu: “Mỹ là bố chúng mày” bằng tiếng Hàn thì bên kia im phăng phắc.

Năm mươi nghìn người biểu tình với ngọn nến trên tay nhằm ngăn cản việc Hàn Quốc cho phép nhập khẩu thịt bò Mỹ hồi tháng 8. 2008. Như đã viết ở bài trước, người Hàn tiêu thụ một lượng khổng lồ thịt bò và Mỹ là nguồn cung cấp chính. Năm 2008, nhiều nước trên thế giới tẩy chay thịt bò Mỹ vì dịch bệnh bò điên, nhưng Tổng Thống Lee Myung Bak vẫn tươi cười, ân cần trợ giúp nước Mỹ giải quyết “hàng tồn kho”. (Ảnh từ trang này)

 

Người Hàn Quốc nóng tính, thô lỗ và cục cằn, đặc biệt là đàn ông. Chuyện là thế này: như tất cả mọi đoàn du lịch, chúng mình đi tham quan Cảnh Phúc Cung (xây năm 1395), giống như Đại Nội Huế hay Cố Cung Bắc Kinh vậy. Giữa trưa nắng gần 40 độ, cả sân chầu rộng thênh thang lát đá không có một bóng cây. Ông đại diện bên phía Hàn Quốc bắt tất cả đứng giữa sân để ông thuyết minh cho nghe. Bắt đầu từ thời Tam Quốc (khoảng năm 57 trước Công nguyên), cứ từng thế kỷ một mà mãi vẫn chưa thấy nhà Triều Tiên (năm 918) đâu cả. Mọi người đứng nắng lâu quá, phờ phạc ra cả, chị phiên dịch thì cạn chữ để dịch. Mình bèn đề xuất hay là cho mọi người đi thêm một chút nữa ra đến cái cổng đằng kia đứng cho râm rồi nghe tiếp. Không ngờ thằng cha kia nhảy dựng lên, định lao vào đấm em các bác ạ! Mọi người trợn tròn cả mắt, há hốc cả mồm, ông kia đỏ mặt tía tai, thở phì phì, cứ chỉ mặt em mà quát the thé, chân dậm bình bịch, chị phiên dịch phải đứng ra can. Cả đoàn được phen hú vía, mà chúng mình là người nước ngoài, là khách mời của lãnh đạo anh ấy đấy. Về sau chị phiên dịch (người Hàn Quốc) nói là đừng có đùa với đàn ông Hàn Quốc, có lần tàu điện ngầm trễ giờ mà người ta đập tan cả cửa kính tàu ra đấy (không biết có thật không!) Không chỉ đàn ông Hàn Quốc mới vậy mà phụ nữ cũng chẳng kém phần. Nổi tiếng nhất là vụ máy bay Korean Air phải quay lại sân bay hồi cuối năm ngoái.

Phóng viên chen nhau chụp ảnh chiếc xe buýt đưa bà phó chủ tịch Korean Air ra khỏi phòng xử án. Bố đẻ ra bà là chủ tịch tập đoàn Hanjin – một trong những tập đoàn vận tải lớn nhất thế giới, đồng thời là chủ tịch Korean Air, ra sức dùng tiền và quyền để bưng bít và uy hiếp truyền thông nhưng báo đài Hàn Quốc quyết không bỏ qua vụ này.

Bà phó chủ tịch Korean Air – hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc đi máy bay từ Mỹ về quê. Cô tiếp viên không biết rằng bà phó chủ tịch, người thừa kế tương lai cái công ty của cô, đi hạng thương gia thì đáng lẽ ra phải được ăn hạt macadamia (mắc-ca) trên đĩa, cô lại đoảng vị phục vụ bà (theo đúng quy định của hãng) là không bóc túi ni lông ra. Thế là ba máu sáu cơn bà chửi té tát, đuổi việc ngay cô này tại trận. Chưa thỏa mãn bà gọi tiếp viên trưởng ra, bắt anh này quỳ xuống, xong lấy máy tính bảng đập tới tấp lên tay như cô giáo vụt thước kẻ lên tay trẻ con vậy. Cuối cùng bà ra lệnh cho cơ trưởng quay ngay máy bay lại, để đuổi cô tiếp viên xuống cho hả giận. Trung tâm điều hành sân bay John F Kennedy được phen hoảng loạn, tưởng khủng bố đặt bom. Báo chí Hàn Quốc làm đình làm đám, dân chúng phản đối ầm ĩ. Suốt một tháng trời, ngày nào các tít báo cũng đăng trang nhất tin này. Hạt mắc-ca từ chỗ không ai biết đến giờ bán đắt như tôm tươi. Sự việc vỡ lở, bà phó chủ tịch phải từ chức và hai bố con đều phải xin lỗi công chúng. Nhưng cuối cùng bà này vẫn phải ra tòa với các cáo buộc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, tự ý thay đổi lịch trình bay và uy hiếp an toàn bay. Tội xúc phạm và tấn công người khác bị dìm cho nhẹ nhất, cuối cùng lãnh án 12 tháng tù (đi tù 5 tháng, mới thả tuần trước).

Chính vì hai yếu tố trên mà Hàn Quốc tính đến nay có 11 Tổng thống thì 6 người bị cáo buộc là độc tài quân sự, đàn áp nhân dân, đảo chính dẫn đến bị ám sát, tự từ chức hoặc ra tòa. Người Hàn Quốc luôn luôn bất mãn với nền dân chủ của họ trong suốt những năm kinh tế phát triển vượt bậc vì sự kìm kẹp khắc nghiệt của chế độ độc tài.Biểu tình diễn ra liên miên, đặc biệt là giới học sinh sinh viên không biết trời cao đất dày là gì.Đỉnh cao là cuộc nổi dậy Quang Châu (Gwangju), tháng 5/1980.

Người biểu tình tập trung tại trung tâm thành phố Quang Châu.Sự kiện này thường được gọi là 518, để ám chỉ ngày 18. 5 là ngày bắt đầu cuộc biểu tình. Mười nghìn người nổi dậy bảo vệ thành phố trong một tuần, khiến cả nước phải ban bố thiết quân luật cho đến khi quân đội tràn vào tấn công, dẹp tan toàn bộ trong vòng 90 phút. Ngày nay chính phủ Hàn Quốc công nhận có hơn 600 người chết nhưng gia đình những người nổi dậy ước tính khoảng 2000 người chết đã chết, ngang ngửa với Thiên An Môn. (Ảnh từ trang này)

Với tính cách như đã nói, người Hàn biểu tình rất dữ dội và ghê gớm. Sự việc bắt đầu đơn giản do một số sinh viên đòi quyền tự do giáo dục trong nhà trường (sau nhiều năm bị quản lý chặt chẽ dưới chính quyền Park Chung Hee). Ngay sau khi ông Park Chung Hee chết, khắp nơi dân nổi dậy đòi quyền lợi, đặc biệt Quang Châu là địa bàn hoạt động của nhiều chính trị gia đối lập trong đó có hai Tổng Thống họ Kim sau này. Chun Doo Hwan, một tướng lĩnh cấp cao đã tiến hành đảo chính, quyết định dẹp tan biểu tình bằng xe tăng vì lí do Quang Châu “thân cộng sản” với sự đồng ý của chính phủ Hoa Kỳ. Sau cuộc biểu tình này, nhiều người Hàn Quốc phải sang Mỹ theo diện tị nạn chính trị. Ngày nay, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia kiểm duyệt internet chặt chẽ nhất trên thế giới, mặc dù đã được dựng thành phim, nhưng sự kiện này vẫn không hoàn toàn được thảo luận một cách công khai.

Ảnh chụp trước Phủ Tổng Thống. Dù có một mình cũng vẫn biểu tình khí thế. Tấm bảng ghi: “Hãy giải tán Hội đồng giám mục Hàn Quốc vì làm ngơ trước những hành vi ép buộc cải đạo bất hợp pháp!”

Không còn gì tàn ác hơn chia cắt một dân tộc bằng tôn giáo. Nhưng đó là cách mà người Tây áp dụng với nhiều nước châu Á. Hàn Quốc là một nước có tỉ lệ người theo đạo Thiên Chúa (Công giáo và Tin Lành) chiếm hơn một nửa dân số. Mấy chục năm trước đậy tỉ lệ này còn cao nữa khi mà đạo Thiên Chúa được chính quyền ủng hộ. Khi hai miền Triều Tiên chia cắt, các con chiên miền Bắc lũ lượt bỏ xuống phía Nam.Ở Hàn Quốc không có cách mạng văn hóa nhưng cũng có một phong trào được Tổng thống Park Chung Hee phát động gọi là: Misin tapa undong (Mê tín đả phá vận động) nhằm tiêu diệt tất cả những hình thức thờ cúng truyền thống, một dạng tín ngưỡng nguyên thủy của người Triều Tiên có ảnh hưởng của Khổng giáo. Cảnh sát đốt và đập phá toàn bộ các miếu thờ thành hoàng, chặt cây cổ thụ, cột tượng. Người dân nông thôn bị cấm thờ cúng, thầy bói bị tịch thu quần áo và cấm hành nghề. Không còn sự lựa chọn nào khác, họ dễ dàng cải sang đạo Thiên chúa.

Dĩ nhiên là kết quả của phong trào này chắc các bạn cũng đoán được. Những cột gỗ khắc hình tổ tiên khi xưa bị chặt giờ được nhặt nhạnh lại và làm biểu tượng cho các Trung tâm văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới, những hình thức múa hát trong khi tế lễ được khôi phục để biểu diễn cho khách du lịch và số người tự nhận mình theo đạo Phật hoặc tín ngưỡng truyền thống cũng tăng lên đáng kể.

Ảnh chụp trong một trung tâm thương mại

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

8:53 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Đặng Thái
Bác Dương Trần ơi, em kính bác cái link này, bác xem để biết thêm thông tin ạ: http://news.bbc.co.uk/local/london/hi/people_and_places/history/newsid_8320000/8320048.stm

Việc đứng bên phải, đi bên trái trên thang cuốn trong hệ thống tàu điện ngầm London (Tube) là luật lệ độc nhất vô nhị ở một nước lái xe bên trái bác ạ. Không chỉ khách du lịch, mà dân tỉnh lên London cũng bị nhầ
...xem tiếp
8:53 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Đặng Thái
Bác Dương Trần ơi, em kính bác cái link này, bác xem để biết thêm thông tin ạ: http://news.bbc.co.uk/local/london/hi/people_and_places/history/newsid_8320000/8320048.stm

Việc đứng bên phải, đi bên trái trên thang cuốn trong hệ thống tàu điện ngầm London (Tube) là luật lệ độc nhất vô nhị ở một nước lái xe bên trái bác ạ. Không chỉ khách du lịch, mà dân tỉnh lên London cũng bị nhầm.

Trong link em dẫn họ có giải thích nhưng chưa cặn kẽ. Có cái sự kì khôi này là vì ngày xưa (khoảng 1920s) thiết kế thang cuốn ở bước tiếp đất cuối cùng là một đường chéo về bên trái. Bình thường khi chuyển từ trạng thái đứng yên sang bước đi hầu hết mọi người đều bước chân phải trước. Nếu đứng bên trái, bước chân phải trước thì sẽ bị vấp ngay lập tức. Vì vậy người ta quy định: chọn đứng yên thì sẽ phải đứng bên phải, khi bước ra sẽ không bị vấp. Dần dần đến Chiến tranh thế giới thứ II, khi lưu lượng người sử dụng tăng cao, người ta bắt đầu phát loa và dựng biển "Please stand on the right" để nhường bên trái cho người nào muốn bước đi. Từ đó mà thành thông lệ. Đây là một trường hợp đặc biệt, là kết quả của lịch sử chứ không theo thông lệ như ở các nước khác.

Năm ngoài nhà ga Holborn đã tiến hành thử nghiệm việc không cho đi bên trái nữa, cả hai bên cùng phải đứng để tránh ùn tắc ở cửa ra. 
18:23 Monday,26.9.2016 Đăng bởi:  Duong Tran
@ Đặng Thái: Chắc không "kiên định" được ở London đâu ạ, vì giờ cao điểm thì nghe ra rả "Please stand on the right" còn bình thường thì (theo mình thấy) cũng chẳng mấy ai đứng ở bên trái cả.
...xem tiếp
18:23 Monday,26.9.2016 Đăng bởi:  Duong Tran
@ Đặng Thái: Chắc không "kiên định" được ở London đâu ạ, vì giờ cao điểm thì nghe ra rả "Please stand on the right" còn bình thường thì (theo mình thấy) cũng chẳng mấy ai đứng ở bên trái cả. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả