|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhEtheldreda Laing: Nữ quý tộc đi tiên phong cho ảnh kính màu 04. 08. 15 - 8:03 amHoàng Lan tổng hợp và dịchChúng có thể trông như những tấm ảnh “tái dựng quá khứ” chụp kiểu hoài cổ, nhưng thực ra chúng đã hơn trăm năm tuổi. Tác giả của chúng là người nghiệp dư, tuy nhiên lại là một trong số những vị đi tiên phong cho lĩnh vực ảnh màu– bà Etheldreda Laing. Vào năm 1895, Etheldreda Winkfield 23 tuổi lấy luật sư Charles Laing rồi đổi họ theo chồng. Lúc ấy bà đã theo đuổi công việc của một họa sĩ. Etheldreda học vẽ tại trường nghệ thuật ở thành phố Cambridge, bố của bà thời đó đang giữ chức hiệu trưởng trường King – một trong các trường uy tín của thành phố này. Trường King từng là một nhà thờ có tên St Etheldreda vào thế kỷ thứ 7. Ông bố hiệu trưởng đã lấy cái tên lạ lùng này của nhà thờ để đặt cho con gái – vì thế gia đình và bạn bè lại gọi Etheldreda bằng tên “Audrie” cho nó… dễ đọc. Không lâu sau khi làm đám cưới với ông Charles Laing, Etheldreda – chính thức thành bà Laing – nhanh chóng chuyển từ vẽ tranh sang chụp ảnh. Đến khi cặp vợ chồng dọn đến căn biệt thự vùng quê (gần thành phố Oxford) vào năm 1899, Laing mê nhiếp ảnh đến nỗi bà xây hẳn một phòng tối trong căn biệt thự. Căn biệt thự có tên Bury Knowles, và nó là một ngôi nhà đường bệ, diện tích vườn lên tới 19 mẫu Anh (hơn 75.000 m2). Bãi cỏ trải dài, đá tảng xiêu vẹo, và những lùm cây lốm đốm hoa hồng là nơi lý tưởng để nữ nhiếp ảnh gia say sưa thử nghiệm với nghề. Năm 1908, bà Laing trở thành một trong những người đầu tiên thử sức với ảnh kính màu (autochrome). Ảnh kính màu do anh em nhà Lumière sáng chế, nhưng ngày nay dân chúng biết đến anh em Lumière vì họ là người chế nên máy quay phim – tức ảnh động – nhiều hơn là vì họ chế ra các tấm kính màu để chụp ảnh tĩnh. Những tấm kính màu này có nhiều tông sắc rực rỡ nhờ vào lớp phủ làm từ các hạt tinh bột khoai tây siêu nhỏ. Hai anh em nhuộm màu đỏ, lục, và lam-tím vào bột khoai rồi rải chúng lên tấm kính. Khi người ta gắn tấm kính lẫn giấy phim vào máy ảnh, ánh sáng sẽ đi qua tấm kính màu rồi tiếp xúc với bột hóa chất bôi trên giấy phim, từ đó tạo màu cho ảnh chụp. Đây là một thú tiêu khiển đắt đỏ: vào năm 1913 thì một chiếc hộp chứa bốn tấm kính với kích cỡ mà bà Laing dùng có giá cao hơn mức thu nhập trung bình của một anh công nhân. Nhưng bà không phí tiền khi nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật mới; con mắt tinh tường về bố cục cũng như sự tự tin với màu sắc đã giúp bà trở thành một trong những người giỏi nhất trong lĩnh vực ảnh kính màu. Khoảng 30 bức ảnh của bà Laing hiện đang nằm tại Bảo tàng Truyền thông Quốc gia Anh. “Nhiều nhiếp ảnh gia đã vật lộn với ảnh màu khi nó mới xuất hiện”, Colin Harding – một giám tuyển bảo tàng – cho biết. “Họ đã dành hàng năm trời để nắm vững cách chụp ảnh có tông đen trắng, nên họ bối rối khi nhận ra rằng ảnh màu cần cách xử lý hoàn toàn khác” Giống nhiều nữ nhiếp ảnh gia cùng thế hệ, tác phẩm của Laing tập trung vào môi trường xung quanh bà, đặc biệt là hai cô con gái: cô cả Janet sinh năm 1898 và cô em Iris sinh năm 1903. Với cương vị của một phụ nữ quý tộc nhã nhặn, Laing chẳng thể nào lê la khắp Oxford để chụp ảnh những người mình không quen.
Thực ra, thời đó nhiếp ảnh được xem như một thú vui hiền lành của phái nữ. “Từ những năm 1880s, người chụp không cần phải dùng đến các loại hóa chất rửa ảnh độc hại nữa”, giám tuyển Harding nói. “Nhiều bài báo lúc ấy còn đưa ý kiến rằng nhiếp ảnh là một thú vui vô cùng phù hợp cho các quý bà”. Laing là một trong số các nhiếp ảnh gia nghiệp dư giỏi nhất về mảng ảnh màu của thời đó – những tên tuổi khác bao gồm Sarah Angelina Acland và Emma Barton. “Tôi tin rằng những cái tên này hơi xa lạ với chúng ta, giống như việc các nữ nghệ sĩ luôn ít được tung hô hơn các nam đồng nghiệp của họ”, Harding giải thích Dù gì đi nữa, các bức ảnh chân dung của Laing có một cảm giác rất thư thái. Ảnh kính màu cần có thời gian phơi sáng dài – lâu gấp 20 lần ảnh đen trắng – nhưng gương mặt các cô con gái của bà Laing lại chẳng lộ tỏ nét căng thẳng khi phải ngồi im trong từng ấy thời gian. Khi cô thứ Iris bán một tá ảnh kính màu này tại Christie’s vào những năm 1970s, bà cho biết: “Mẹ tôi có biệt tài khiến mọi người luôn cảm thấy thoải mái thư thả”.
Đến những năm 1920 thì ảnh kính màu trở nên lỗi thời. Laing chuyển sang vẽ tiểu họa và cuối cùng bà gia nhập Hội Tiểu họa Hoàng gia Anh. Dù vậy, bà vẫn tiếp tục sở thích chụp ảnh, ngày cả sau khi gia đình Laing rời biệt thự Bury Knowle vào năm 1923 để đến London sống. Ông Charles chồng bà mất vào năm 1939, còn bà qua đời năm 1960. Ngôi biệt thự Bury Knowle ngày nào đã trở thành Thư viện công cộng Headington, còn khu vườn nơi bà Laing chụp lại những pô ảnh sống động giờ là một công viên. Ảnh kính màu là một kiểu ảnh màu sơ khai. Anh em nhà Lumière lấy bằng sáng chế ánh kính màu vào năm 1903 tại Pháp, và họ tung sản phẩm ra thị trường vào năm 1907. Đây là quy trình chụp ảnh màu cơ bản trước khi phim màu ra đời vào những năm 1930s. Anh em nhà Lumière tìm ra cách để áp dụng nguyên tắc của ảnh màu (mà các bậc tiền bối đã phát hiện ra hồi năm 1861): ta có thể ghi lại hết thảy mọi màu sắc trong tự nhiên bằng cách sử dụng ba màu cơ bản của ánh sáng: đỏ, lục và lam. Đây cũng là cách mà các nhiếp ảnh gia Nga – đặc biệt là ông Prokudin-Gorsky – áp dụng để chụp ảnh đẳng sắc. Ảnh kính màu sử dụng hàng triệu bột màu cực nhỏ, rải khắp bề mặt của tấm kính. Những hạt siêu nhỏ này làm từ tinh bột khoai tây (nên có người gọi ảnh kính màu là ảnh khoai tây). Nhà Lumière nhuộm màu đỏ-cam, lục, và lam-tím lên bột khoai, họ còn cho biết rằng trong mỗi mm vuông của tấm kính có chừng 8000 tới 9000 hạt bột khoai – tức khoảng năm đến sáu triệu hạt bột trên mỗi inch vuông. Những hạt tinh bột khoai tây quá nhỏ để nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nếu xem trên kính hiển vi thì ta có thể thấy rõ chúng. Màn hình TV và ảnh màu in cũng có cơ cấu tương tự như thế: chúng tạo thành từ những chấm nhỏ chứa các màu cơ bản (chính là pixel, pixel càng cao thì hình càng rõ nét), mắt và não người sẽ hợp các chấm màu lại thành các mảng màu khác nhau. Ánh sáng từ các chấm màu đỏ và xanh gần kề nhau sẽ kết hợp tạo màu vàng, và chấm lam-tím với lục thì tạo màu ngọc lam. Phương pháp này có thể tạo ra một phạm vi màu sắc gần như vô tận. Khác với phim cho ảnh đen trằng bình thường, ảnh kính màu khi lắp vào máy sẽ đặt mặt kính phủ bột khoai ở trước ống kính. Người chụp cần gắn thêm cho máy một tấm lọc đặc biệt để ngăn tia cực tím và hạn chế màu tím và xanh từ hiệu ứng ánh sáng. Vì ánh sáng đã bị giảm sau khi xuyên qua bao lớp lọc, các tấm phim của ảnh kính màu cần thời gian phơi sáng lâu hơn nhiều so với phim đen trắng hay phim thường ngày nay.
Vào thời kỳ đầu của loại ảnh này, khi nhìn gần hoặc khi phóng to, các chấm màu trên ảnh trở nên rõ rệt hơn. Vì thế, hiệu ứng này của ảnh kính màu thường được so sánh với những bức tranh thuộc trường phái Pointillism của danh họa người Pháp Georges Seurat. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|