Điện ảnh

Miss Potter: Từ tốn mà làm nên chuyện thần kỳ 23. 09. 15 - 7:11 am

Pha Lê

.

Poster của “Miss Potter”

Hậu quả của việc xem phim Mad Max 4 là sau đó tự nhiên thấy phim hành động nào cũng… dở. Khổ nỗi mùa hè toàn phim hành động, báo hại xem Người kiến (Ant Man) thấy chán chán, xem Điệp vụ bất khả 5 thì gật gù ngắm cảnh anh Tom đua xe bắn súng, tuy vui vui không tiếc tiền vé nhưng vẫn không thấy phim hay – chắc tại thiếu đạo diễn Brad Bird chứ chẳng tại Mad Max nữa rồi.  

Làm gì bây giờ? Đành lôi phim cũ ra luyện lại chứ sao. Đang hè nóng, dẹp bớt phim bắn nhau đi để xem thứ gì đáng yêu nhiều cảnh xanh mát cho nó thư thả cái đầu nhỉ. A, một tia sáng lóe lên: sao không ngắm mấy chú thỏ bông trong Miss Potter? Phim hay thế kia mà!

Miss Potter là một bộ phim tiểu sử chả giống gì với các phim tiểu sử khác, nó kể về cuộc đời nhiều thăng trầm nhưng lại đáng yêu lẫn đáng ngưỡng mộ của nữ tác giả kiêm họa sĩ Beatrix Potter (Renee Zellweger đóng).

Vào những năm 1870s ở Anh Quốc, cô bé quý tộc Beatrix luôn là thủ phạm gây ra lắm cơn đau đầu cho mẹ Helen. Gia đình Potter có căn nhà nghỉ ở vùng quê Lake District – phía Bắc nước Anh.  Như bao bà mẹ quý tộc khác, Helen chỉ mong con gái dịu dàng, ngoan ngoãn ngồi uống trà, tập thêu thùa. Nhưng bé Beatrix bị bệnh khoái vẽ, và cô nhóc tối ngày vác bảng màu với giấy đi lang thang khắp cánh đồng cỏ để vẽ thỏ vẽ sóc vẽ cây. Mỗi lần thấy áo váy con gái lấm tấm bùn đất, bà Helen như lên cơn đau tim, than thở rằng như thế thì sau này sao mà lấy được chồng.
 

Bé Beatrix mặt mày quần áo lem luốc với bố và mẹ, tay còn ôm hộp vẽ

Lớn lên, Beatrix tuyên bố mình sẽ sống độc thân để dễ bề sáng tác truyện thiếu nhi. Thật là một nỗi kinh hoàng của mẹ – vì đối với bà, con gái quý tộc không nên làm việc kiếm tiền bao giờ. Nhưng vốn rất yêu thiên nhiên lẫn các con vật như thỏ, vịt, mèo… Beatrix quả quyết sáng tác bộ The tale of Peter the Rabbit (Chuyện kể về chú thỏ Peter) và gửi nó đến các nhà xuất bản.

Xem thỏ như bạn, Beatrix vẽ chú Peter đứng bằng hai chân và ăn vận áo khoác như người. Thời ấy, ý tưởng “nhân hóa” con vật cho truyện thiếu nhi của Beatrix bị cho là kỳ cục, trẻ con. Nhiều nhà xuất bản từ chối cô, nhưng anh chàng Norman Warne (Ewan McGregor đóng) của nhà xuất bản Warne & Co lại thấy truyện của Beatrix quá dễ thương. Anh đến nhà Beatrix để ngỏ lời in sách cho cô, và anh khuyên cô in màu – tuy việc này sẽ đẩy giá thành của Thỏ Peter lên một chút, nhưng như vậy truyện mới hấp dẫn được độc giả do Beatrix tô màu nước rất đẹp, in đen trắng thì quá phí.
 

Norman (ngoài cùng phải) và Beatrix. Ewan từng diễn chung với Renee trong phim “Down with love” từ trước nên trong phim này cả hai diễn rất ăn ý

 

Bức minh họa “Thỏ Peter thu hoạch hành” trong loại series truyện thiếu nhi “The Tale of Peter the rabbit”. Rất dễ thương, nhưng thời đó vẽ thỏ đứng hai chân với mặc áo sẽ bị cho là ý tưởng kỳ cục.

Bộ truyện Thỏ Peter thành công vang dội, nữ tác giả viết thêm tập nữa, rồi tập nữa. Cô liên tục viết vẽ, người dân thích quá nên liên tục mua. Beatrix trở thành nữ tác giả giàu có cỡ bà J. K. Rowling hiện giờ. Beatrix với Norman làm việc ăn ý tới nỗi tình yêu giữa cả hai dần nảy nở, mặc cho tuyên bố không lấy chồng của nàng quý tộc, và mặc cho sự phản đối của bà mẹ Helen rằng con gái gia thế quyền quý sao lại đi yêu một anh chủ nhà xuất bản của tầng lớp thương nhân.
 

Beatrix và Norman kiểm tra quyển “Thỏ Peter” đầu tiên. Bản in đầu của cuốn này giờ rất có giá, nếu có trong tay cuốn “Thỏ Peter” bản in đầu với giấy nguyên chưa rách, gáy chưa bung là có thể lên Christie’s hét chục ngàn Bảng như chơi.

Điểm thích nhất của phim là lối kể chuyện từ tốn nhẹ nhàng của đạo diễn Chris Noonan, phim không có gì là quá căng thẳng hay cao trào. Dù rằng ở ngoài đời thật bà Beatrix Potter hẳn phải rất kiên cường thì mới lưu danh đến tận hôm nay, vì trước mặt Beatrix có biết bao chướng ngại. Nào là phụ nữ quyền quý không được làm việc kiếm tiền, nào là con gái không được tối ngày chui bụi lấm lem để vẽ con nọ con kia, nào là vẽ thỏ mặc đồ thì trẻ nít quá, tư duy non nớt quá, các nhà xuất bản không thích… Rất dễ để lấy các tình tiết này ra để làm phim căng thẳng lên như phim hình sự, từ căng thẳng với mẹ cho đến căng thẳng với nhà xuất bản. Như vậy cuối cùng người xem sẽ phục lăn: ôi, Beatrix phải cực khổ, phải chiến đấu dai dẳng bao lâu mới xuất bản được cuốn Thỏ Peter, nể quá đi.

Nhưng đạo diễn Noonan không làm vậy. Trái lại, ông quay cảnh vùng núi sông Anh Quốc cực đẹp, với những con vật hoang dã đáng yêu. Ông quay cảnh Beatrix hí hoáy sáng tác nên các bức minh họa dễ thương, xinh xắn. Ông chen vào vài đoạn hoạt hình vẽ màu nước, và quay cảnh Beatrix tự nói chuyện với các nhân vật mình vẽ ra, sống động vô cùng. Khi đặt những cảnh này cạnh cảnh nhà xuất bản chê tranh Beatrix vẽ, hay cảnh mẹ Helen mè nheo con gái, người xem bỗng thấy cái sự chê trách đó không đáng gì cả, mà chỉ là một phần của cuộc sống này. Thời nào cũng thế, nữ văn sĩ J. K. Rowling phải vất vả lắm mới xuất bản được Harry Potter, thì cách đây gần 150 năm bà Beatrix phải trầy trật với Thỏ Peter cũng là lẽ đương nhiên. Mạch phim từ tốn nhẹ nhàng để chỉ ra rằng, khó khăn trong đời là chuyện rất bình thường, nếu yêu thích cái gì đó và luôn tin tưởng để theo cái mình thích thì lúc nhìn lại mọi thứ sẽ là niềm vui. Dù ai nói gì đi nữa, lúc sáng tác với vẽ Thỏ Peter, Beatrix hẳn đã rất vui, và đây là yếu tố bộ phim tập trung vào kể.
 

Cảnh Beatrix đi tàu về vùng quê để nghỉ mát, vẽ chim chóc thiên nhiên. Phim quay ngoại cảnh rất đẹp, không phải đẹp kiểu lắm màu mà đúng kiểu Anh: sương mù khiến trời hơi tối tăm, nhưng thiên nhiên vẫn xanh, lùm lùm bụi bụi huyền ảo, nhà cửa thì ấm cúng.

 

Cảnh Beatrix hí hoáy vẽ

 

Bức “Đến nơi” – một trong các bức của bộ “Tiệc Giáng Sinh của Thỏ”. Beatrix vẽ nó để tặng người thân nhân dịp lễ. Bức nào trong bộ này cũng dễ thương cả. Thời ấy bạn bè Beatrix nhận tranh cho vui và nghĩ chúng trẻ con, chứ giờ mấy thứ này có giá lắm. Riêng bức “Đến nơi” là đã thu về 121 ngàn Bảng tại Christie’s.

 

Bức “Nướng táo” thuộc bộ “Tiệc Giáng Sinh của Thỏ”. Trong phim có nhắc đến bức này, và khi quay lên thì thấy tranh đẹp lắm. “Nướng táo” hiện nằm ở bảo tàng Victoria & Albert

 

Còn bức “Ra về” này thu được mức giá kỷ lục 289 ngàn Bảng tại Christie’s. Giờ đắt thế chứ lúc ấy Beatrix chỉ vẽ tặng cho vui thôi

Những bộ phim dễ thương nhưng nhiều chất bổ – chứ không phải dễ thương kiểu nông cạn – vốn là sở trường của Noonan. Ông làm nên tác phẩm Babe mà Việt Nam từng dịch thành Chú heo chăn cừu. Ai xem phim này rồi cũng hiểu Chú heo chăn cừu đáng yêu đến nhường nào với đồng cỏ mênh mông và các con vật biết nói ở trang trại – dù rằng câu chuyện chú heo chú gà lo sợ chủ sẽ “thịt” mình nhân dịp Giáng Sinh nghe rất chi nghiêm trọng, thế mà Noonan vẫn làm ra một tác phẩm nhẹ nhàng hết cỡ. Miss Potter cũng đáng yêu thế, dễ thương đến cả câu chuyện tình với cử chỉ nhẹ nhàng, ánh mắt trìu mến, quãng thời gian nhớ nhung chờ đợi giữa Beatrix và Norman. Nhìn cảnh Norman “liều mạng” hôn Beatrix một cái trước lúc cô đi nghỉ mát dài ngày với bố mẹ ở vùng quê mà lòng lại thấy xốn xang niềm tin vào nhân loại. Còn mấy phim nam nữ yêu nhau vồ vập, hài bi căng thẳng om sòm chỉ khiến ta chán ốm hết từ đàn ông tới đàn bà!
 

Cảnh Ewan sắp liều mình hôn Beatrix khi chia tay cô tại nhà ga

Noonan cũng không thần thánh hóa việc Beatrix mua đất Lake District “để đấy” cho thế hệ sau. Số là vào thời phát triển công nghiệp, các hãng kinh doanh của Anh bắt đầu mua đất “vùng quê” để xây xưởng, nhà máy sản xuất. Lake District là một trong số những vùng họ âm mưu mua để chặt cây, san bằng hòng phát triển công nghiệp. Lake District lại là nơi Beatrix cùng gia đình hay đến nghỉ mát trong dịp hè, bà yêu thiên nhiên nơi đây nên không muốn nhìn thấy chúng bị tàn phá. Beatrix bèn bỏ tiền túi mua hết đất trước khi các nhà đầu tư kịp mua, rồi cứ… để đó. Trước khi mất, bà gửi 4000 mẫu đất của mình (hơn 16 km vuông – trong đó có đồi núi và 14 trang trại trồng trọt chăn nuôi) đó cho Quỹ chính phủ, với mong muốn Quỹ sẽ giữ đất thiên nhiên như thế cho người dân tự do đến vui đùa.

Ngày nay khi đến Lake District, khách du lịch có thể đi thăm ngôi nhà hồi xưa Beatrix Potter lui về ở và vẽ tranh. Sau đó họ có thể đi dạo khu Hill Top – một phần của khu đất Beatrix mua, có sông rạch và đồi. Lúc đi sẽ thấy các gia đình leo đồi dã ngoại, trai gái dắt cún đi dạo, con nít đi tìm thỏ rừng, uống nước suối thẳng từ khe chảy ra mà không đứa nào đau bụng. Đến Lake District cắm trại sống giữa thiên nhiên vô cùng thú vị, dù chui bờ chui bụi leo đồi có mệt nhưng về đến khu trại là có thể lăn ra ngủ ngon, sáng dậy thấy khỏe hẳn ra. Dân thành phố cứ thế đổ tới Lake Distric hưởng gió lành, còn dân địa phương thì sống ấm no nhờ nguồn thu du lịch, từ trồng trọt chăn nuôi. Thế mới thấy công của bà viết truyện thiếu nhi rất to.
 

Căn nhà của Beatrix ở Lake District

 

Khu Hill Top để khách du lịch đến dã ngoại, ngắm thỏ ngắm sóc, uống nước suối

 

Cảnh Beatrix đi dạo với chú cún ở Lake District

Nhưng Noonan cũng chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng khi nhắc đến công lao này của Beatrix, từ đầu phim ông đã cho khán giả thấy rằng Beatrix làm mọi thứ vì yêu thiên nhiên, nên lúc bà ra nhà đấu giá mua đất thì cũng do yêu thiên nhiên thôi chứ không tính toán rằng sau này người đời sẽ tung hô mình thế nào. Thấy cảnh Beatrix vui vẻ vì bảo vệ được thiên nhiên, sau đó tiếp tục ngồi dưới gốc cây vẽ chim chóc, rồi vác mặt mũi lem luốc đi nói chuyện với nông dân… là trong lòng cứ ấm áp. Thôi thì nếu chán mùa hè lắm phim bom tấn, cứ lôi Miss Potter ra xem cho yêu đời.

Mua phim:

Phim hơi cũ nên phải ra mấy tiệm DVD lùng, hoặc đến 30 Trần Quang Khải Q1 xem họ còn lưu phim trong ổ cứu không để nhờ chép ra.

Load phim:

Ai biết load trên mạng bằng torrent và xem được phụ đề tiếng Anh thì load phim ở đây và load phụ đề ở đây.

Bản HD đẹp thật đẹp thì ở đây này, nhưng load sẽ lâu lắm, mạng phải khỏe mới nên thử, hoặc phải kiên nhẫn.

Ai biết chỗ nào có phim này hoặc xem được trên mạng thì bổ sung nhé để mọi người được xem phim hay.

Ý kiến - Thảo luận

11:45 Wednesday,23.9.2015 Đăng bởi:  candid
Nhà sách Kim Đồng cách đây mây năm có in sách về chú thỏ Peter này.
...xem tiếp
11:45 Wednesday,23.9.2015 Đăng bởi:  candid
Nhà sách Kim Đồng cách đây mây năm có in sách về chú thỏ Peter này. 
8:35 Wednesday,23.9.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Bức Nướng Táo yêu quá. Tớ thích nhất việc em thỏ chủ nhà lấy một lá rau diếp che mặt khi đang nướng táo, chắc là để đỡ nóng hoặc tránh cháy lông mặt.
...xem tiếp
8:35 Wednesday,23.9.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Bức Nướng Táo yêu quá. Tớ thích nhất việc em thỏ chủ nhà lấy một lá rau diếp che mặt khi đang nướng táo, chắc là để đỡ nóng hoặc tránh cháy lông mặt. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả