|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhCuộc tái xuất giang hồ ngoạn mục của Mad Max sau 30 năm 27. 05. 15 - 9:03 amPha LêNăm 1979, George Miller – một đạo diễn không tên tuổi người Úc – trình làng tác phẩm Mad Max (Max Điên). Bối cảnh của phim là một thế giới tương lai đổ nát, sa mạc hóa sau chiến tranh hạt nhân. Đây là nơi xăng dầu, nước uống, thức ăn… trở nên quý hơn vàng (đôi khi còn quý hơn cả mạng sống), nơi các nhóm băng đảng làm náo loạn thế giới mà không ai dám làm gì, trừ anh chàng Max Rockantansky gan dạ. Diễn viên đóng Max là một kẻ lạ hoắc nào đó tên Mel Colm-Cille, cộng với đạo diễn vô danh. Hollywood nhíu mày nghi ngờ không hiểu phim sẽ trụ được mấy tuần ở thị trường Mỹ. Ai ngờ đâu, các cảnh hành động và đua xe trong phim hay tới mức Mad Max trở thành bộ phim thu lời nhất thế giới (tính trên số vốn bỏ ra) trong vòng 20 năm. George Miller bỗng dưng lên chức đạo diễn hạng A, Mel Colm-Cille thì lấy tên Mel Gibson rồi sống cuộc đời của một siêu sao hành động. Mad Max có tiếp phần 2 là Mad Max: Road Warrior (Chiến binh đường phố) và phần 3 Mad Max: Beyond Thunderdome (Đấu trường Vòm sét). Hiếm khi thấy phim phần sau lại hay hơn phần đầu, nhưng Mad Max lại nằm trong trường hợp này. Thậm chí, bản Thunderdome – ra mắt năm 1985 – còn trở thành phim hành động kinh điển, được giới phê bình khen nức mũi. Hollywood giục Miller làm tiếp phần 4, nhưng Miller muốn làm những dự án khác nên ông bảo mấy nhà sản xuất ngồi chờ đó. Sau Thunderdome thì Miller cũng sản xuất một số tác phẩm hấp dẫn nữa (trong đó có Deadcalm – bộ phim góp công đưa thiên nga Úc Nicole Kidman tới Mỹ), nhưng mãi chẳng thấy Mad Max 4 đâu cả. Đến khi Miller bỏ vốn sản xuất Babe (Chú heo chăn cừu) rồi đạo diễn luôn Babe phần 2 thì các fan đã hết hy vọng. Babe rất hay, rất… dễ thương, đúng kiểu phim gia đình, chẳng có tí gì là đua xe, bắn súng, hay thế giới tương lai sa đọa trong đó. Ai cũng chắc mẩm rằng Miller ngán Mad Max rồi, ông bỏ phim bắn giết đi làm phim gia đình nhẹ nhàng cho nó hợp tuổi già. Thế nhưng, năm 2015, tức đúng 30 năm sau Thunderdome, Mad Max tái xuất giang hồ với phần 4 Mad Max: Fury Road (rạp mình dịch thành Con đường tử thần). Và hỡi ôi, sau chừng đó năm, Miller vẫn phong độ và đàn ông hơn đám thanh niên mặc quần bó ngày nay đến tỷ lần. Theo truyền thống, phim Mad Max sẽ có cốt chuyện thế này: người hùng đơn độc Max Rockantansky một mình lái xe hơi/xe máy rong ruổi trên thế giới bị sa mạc hóa. Anh đụng độ nhóm người nào đấy cần giúp đỡ. Giúp họ xong là hết phim, Max tiếp tục lên đường, tự do như làn gió. Cốt chuyện của phần 4 này cũng na ná thế, khác cái là Max đã có con gái (bản tiếng Việt ngoài rạp dịch nhầm thành cháu gái, nhưng đó là con của Max). Cô bé con chết thảm trong thế giới khắc nghiệt, khiến Max gục ngã và bị tay chân của ông trùm Immortan Joe bắt sống. Tên Joe thực chất chẳng có gì ghê gớm, nhưng hắn tìm ra cách khoan để lấy nước ngầm sâu trong lòng đất, và ở xứ cằn cỗi thằng nào có nước sẽ làm vua. Joe lợi dụng nước để biến một lượng lớn người dân thành nô lệ, thực hiện chiến dịch tẩy não để thế hệ con cháu những người này sinh ra tin rằng hắn là thần thánh. Phụ nữ đẹp sẽ bị Joe bắt về làm thú tiêu khiển và sinh con cho hắn, dần dà bộ sưu tập vợ của Joe lên đến 5 chân dài. Joe có một nữ tướng tên Furiosa, thấy chị em của mình bị bắt làm máy đẻ, Furiosa muốn phản bội ông trùm để giúp 5 cô vợ kia bỏ trốn. Đúng lúc đó, đám tay sai của Joe bắt Max về. Chạm trán Furiosa và các chị em, Max sẽ làm gì? Tóm tắt này là để mọi người xem phim cho dễ hơn, chứ tiết tấu phim nhanh đến nỗi nháy mắt với bồ một cái là khỏi hiểu chuyện gì đang diễn ra tiếp theo. Mad Max này cũng ra sau phim Mad Max trước những 30 năm, tức thể nào phim cũng sẽ có khán giả mới chứ không chỉ có fan cũ, vậy mà Miller không thèm giải thích sơ về thế giới hoang tàn của phim cho những ai còn lạ lẫm với Mad Max tiện theo dõi. Dĩ nhiên căng não ra suy nghĩ thì cũng hiểu phần 4 kể về cái gì mà không cần xem 3 phần kia, nhưng người xem (lười) luôn thích những thứ dễ dãi và đạo diễn phim bom tấn thường không muốn đòi hỏi họ phải này phải kia nhiều quá do phim giải trí là để kiếm tiền. Miller chẳng chiều chúng ta như vậy, không biết Mad Max là gì thì tập trung xem và động não để biết, chứ ông chả rảnh để tóm lại cái cốt chuyện của 30 năm về trước. Nhưng đã chịu khó dấn thân vào thế giới của George Miller rồi là sẽ không bao giờ muốn ra. Mad Max là tác phẩm khơi mào cho thể loại phim đua xe, sau đó những người học theo Miller để làm phim đua xe cũng chỉ là học theo chứ chưa ai bồi đắp thêm được cái gì mới. Chúng tuy cũng hay nhưng bị bệnh chung là giống nhau, cảnh đua xe của mấy phim đó xem thì sướng nhưng cái sướng này lại chẳng khác gì cái sướng kia, riết rồi ta đâm chán với sự sướng ấy. Với Mad Max 4, Miller đã chỉ cho bọn thanh niên non choẹt rằng muốn làm cho thiên hạ sướng mê mẩn ngay cả khi đạo diễn ngấp nghé 70 tuổi thì bản thân đạo diễn phải chịu khó lẫn sáng tạo ra sao. Toàn phim kể về quá trình chạy trốn tên Joe của Max, Furiosa, và 5 cô vợ. Tức gần như toàn bộ phim không có gì khác ngoài cảnh đua xe, vậy mà phim không hề chán vì chẳng cảnh đua xe nào giống cảnh nào. Lúc thì nhóm nhân vật của chúng ta đụng phải trận bão cát, lúc thì đoàn xe đi vào nơi đất lún, lúc xe phải chạy ngang qua hẻm núi chết chóc… sa mạc là nơi chỗ nào cũng nguy hiểm nhưng chỗ nào cũng lắm bất ngờ, trong khi đó cuộc chạy trốn khỏi tay độc tài đòi hỏi kẻ muốn sống sót phải biết đối phó với nhiều tình huống không ai lường trước được. Miller đã lợi dụng sự khó đoán của sa mạc để tạo ra các tình huống đầy hồi hộp cho phim, và cũng nhờ có địa lý tự nhiên hỗ trợ mà các tình huống này không gây cho khán giả cảm giác gượng ép.
Miller rất máu, ngày nay ai muốn quay cảnh sa mạc thì họ dựng cảnh ở phim trường hoặc dùng phông nền xanh, vì đâu có đạo diễn (già) nào hay diễn viên da mượt nào của Hollywood chịu dầm nắng sa mạc để quay phim ở thời buổi này? Nhưng chính vì thế mà George Miller lẫn phim của ông nằm ở đẳng cấp khác. Miller một mực vác máy đến Namib – sa mạc lâu đời nhất thế giới – để quay phim trong 6 tháng. Nam thanh nữ tú Hollywood nào muốn đóng phim của ông phải đi theo chịu nắng chịu cát chứ õng ẹo thì ngồi nhà để kiếm phim khác dở hơn mà đóng. Hầu hết các cảnh lái xe trong phim đều nhìn rất tự nhiên vì Miller bắt các diễn viên phải tự lái xe đàng hoàng. Quay ở sa mạc phải vậy, đạo diễn đâu thể hỗ trợ phông hình, đường ray, với dây nhợ cáp treo lằng nhằng như quay trong studio. Kết quả là những vất vả, những nguy hiểm chết người khi phải chạy trốn kẻ độc tài ở nơi sự cằn cỗi kéo dài tới tận trời xanh hiện rõ mồn một trên phim và trên… mặt diễn viên. Như vậy nhân vật Max hay Furiosa chưa cần mở miệng nói câu thoại nào mà khán giả đã tin sái cổ rằng Mad Max 4 thật phong trần, thật ngầu quá thể. Hiệu ứng thị giác của việc quay ở sa mạc thật và cách Miller lồng ghép địa lý vào tình tiết phim khiến tác phẩm có chiều dày lẫn chiều sâu, dù rằng gam màu của nó đi từ trắng, vàng, đến vàng hơn và đen – không hề xanh đỏ đủ loại bắt mắt như những phim hành động khác. Điều này không có nghĩa Miller bỏ lửng tuyến nhân vật, ông nằm trong số hiếm đạo diễn hiểu rõ bản chất của đàn ông lẫn đàn bà. Miller muốn phần 4 Mad Max kể về một gã độc tài bắt phụ nữ làm nô lệ cho mình, ông hiểu rằng người đầu tiên muốn cứu các cô khỏi thảm cảnh chịu cưỡng bức triền miên phải là một phụ nữ, do “Một gã đàn ông cướp 5 bà vợ từ tay gã đàn ông nào đó sẽ là một câu chuyện khác hoàn toàn”. Ông cũng hiểu phụ nữ mang khả năng sản sinh ra thế hệ tương lai, nên bắt buộc họ phải bấu víu lấy niềm hy vọng để mà chiến đấu dù rằng thế giới không cho họ thấy dấu hiệu gì tốt đẹp hay khả thi. Max là người hùng dám bỏ mạng ra để chấm dứt sự cai trị của tên độc tài như một người đàn ông chân chính; còn Furiosa là hiện thân của niềm tin, của một loại sức mạnh tuy không áp đảo nhưng bền bỉ và dẻo dai. Bỏ các nhân vật này vào cuộc rượt đuổi dai dẳng trên sa mạc chẳng khác nào bỏ bùa người xem còn đang lim dim vì sướng.
George Miller nói rằng ông muốn làm thêm phần 5 là Mad Max: Furiosa, hy vọng Hollywood cho tiền để ông làm ngay đi, đừng bắt khán giả chờ 30 năm nữa; dù rằng nếu bắt buộc, khán giả vẫn sẽ chờ, và với phong độ này thì không chừng Miller vẫn có thể vừa làm phim vừa tổ chức tiệc thọ 100 tuổi. Lịch chiếu: Hà Nội Tp.HCM
Ý kiến - Thảo luận
23:23
Saturday,11.7.2015
Đăng bởi:
Anh Dao
23:23
Saturday,11.7.2015
Đăng bởi:
Anh Dao
Phim rất hay, hấp dẫn từ đầu đến cuối
14:09
Wednesday,10.6.2015
Đăng bởi:
candid
hôm qua xem Mad max 2 hóa ra ngày xưa cũng xem rồi mà không nhớ tên phim. Kiểu phim tận thế, đánh nhau vì chút tài nguyên còn lại thế này sau này có phim Waterworld được coi là thảm họa vì đắt khủng khiếp mà không bán được vé.
...xem tiếp
14:09
Wednesday,10.6.2015
Đăng bởi:
candid
hôm qua xem Mad max 2 hóa ra ngày xưa cũng xem rồi mà không nhớ tên phim. Kiểu phim tận thế, đánh nhau vì chút tài nguyên còn lại thế này sau này có phim Waterworld được coi là thảm họa vì đắt khủng khiếp mà không bán được vé.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp