Bàn luận

Vạn vô tâm? (phần 2) 01. 11. 10 - 6:16 am

Tâm Bút

 (tiếp theo phần 1)

Nhóm 2 ảnh hưởng của các nước châu á là: Trung Quốc và Nhật

Hãy xem Đào Anh Việt bị ảnh hưởng nặng nề bút pháp của Trung Quốc, có lẽ do sách hội họa Trung Quốc gần 10 năm nay tràn ngập trên thị trường Việt Nam, sau đến là tràn ngập trên mạng toàn cầu. Mặc dù Đào Anh Việt vẽ về Long Biên đó, có đề cập đến giai đoạn đau thương và khó khăn của đất nước đó, nhưng sao tôi chẳng cảm thấy một cảm xúc gì toát ra từ những bức tranh. Tôi chỉ thấy duy nhất cái bút pháp khỏe khoắn của tuổi trẻ và gam màu lạnh chẳng đượm nổi một chút buồn.

Đào Anh Việt, Long Biên và thân phận, 172x 290 cm, sơn dầu

Cũng vẽ liên quan đến cầu Long Biên, tranh của Lương Văn Trung còn có một chút hồn, nhưng như nhận xét trước đấy, tranh của Việt và Trung từ gam màu tới bút pháp có nét giống nhau. Giống nhau ở đây không phải là giống hệt nhau hoặc từa tựa nhau về bút pháp mà là do chúng cùng một mẹ đẻ ra, đều từ các trang sách hoặc website có tranh Trung Quốc. Song Lương Văn Trung vẫn không thể là chính mình mặc dù anh vẽ về đề tài và cuộc sống quanh mình. Do kĩ thuật khá, khả năng vẽ cơ bản được, anh chắp nối các ý tưởng của các tác giả khác lại, và mơ hồ tạo dựng lên những bức tranh của mình.

Lương Văn Trung – Điểm nóng

Các Barie ngoài Đặng Thị Khuê ở Việt Nam đã dùng từ lâu trong các tác phẩm nghệ thuật thì sau đó Doãn Hoàng Kiên lại sử dụng một lần nữa trong dự án triển lãm của mình với series tranh và sắp đặt; đó là mới chỉ xét hẹp ở phạm vi trong nước. Nhưng những ý tưởng này dường như đã được sâu chuỗi một cách logic cứ như của chỉ một tác giả. Chưa bàn tới là trên thế giới còn rất nhiều người sử dụng hình tượng này.

Sắp đặt của Doãn Hoàng Kiên

Thường thì một người nghệ sĩ giỏi không chỉ bởi các kĩ năng họ học và sử dụng. Nghệ sĩ giỏi đôi khi không cần những kĩ năng giỏi mà quan trọng là cái hồn mà người ấy truyền vào bức tranh. Matisse tự học vẽ, ông không có những kĩ năng căn bản và vẽ hình họa nhiều. Thế mà ông đã làm ra vô số tác phẩm để đời, với cái hồn của người nghệ sĩ được đặt hẳn vào bức tranh. Cái hồn đấy đã đến được với rất nhiều cái cảm của những tâm hồn khác để tạo nên một tên tuổi của danh họa lừng lẫy. Trong khi đó hãy xem, cũng gam màu xanh mà hai tác giả vừa nêu trên sử dụng…

Cũng theo phong cách của “Tung Của Lả” là series tác phẩm của Lê Trần Anh Tuấn. Những nét bút và ngay cả tính Pop trong tranh Trung Quốc đã biểu hiện một cách rõ nét trên từng bức vẽ, trên từng milimet vuông toan. Vì đây là một họa sĩ giảng viên của trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam hẳn hoi nên tôi chẳng còn điều gì phải bàn thêm. Tất cả những người trong giới mỹ thuật, những người quan tâm đến nghệ thuật nước nhà trong mấy năm gần đây đều có thể dễ dàng nhận ra anh Trung Quốc này. Chẳng lẽ anh vẽ về một thế hệ trẻ Việt Nam mà anh không có bắt được cái tâm thế, cái hồn dáng của các bạn trẻ Việt Nam sao? Cái tôi muốn bàn ở đây là anh không thực sự quan sát một cách sâu sắc nhất để khái quát, thâu tóm giới trẻ Việt Nam rồi thể hiện ra trong tranh mình.

Lê Trần Anh Tuấn, Chân dung thế hệ mới, 160x 160cm, Sơn dầu

Tiếp theo tôi muốn đề cập đến tranh của cô gái duy nhất trong cuộc thi được chọn. Lê Hoàng Bích Phượng với ba bức tranh lụa “theo phong cách Nhật Bổn”. Nhật quá đi chứ, cách tạo hình mới này làm gì có ở Việt Nam trước đây? Hãy thử đối chiếu và so sánh với các tranh của Nhật các bạn sẽ thấy ngay sự ảnh hưởng đã nặng nề đến cỡ nào. Ba bức chân dung này theo ban giám khảo viết trên website là có hồn. Tôi thì thấy quả thật là có hồn thật, nó có hồn của Liêu trai Chí dị và hồn phách của tranh Nhật Bản. Sự ám ảnh, sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai đã ăn sâu vào từng chân tơ kẽ tóc của các họa sĩ trẻ bây giờ? Hay chỉ là một số ít ỏi chẳng may được chọn để phô bày ra với công chúng? Hay chăng cần phải có chiều sâu về lịch sử, về văn hóa và nâng thêm lòng tự tôn hơn nữa cho thế hệ trẻ? Toàn cầu hóa không có nghĩa là văn hóa cũng bị che phủ hoàn toàn bởi các nước tiên tiến hoặc bị đè bẹp bởi các tư tưởng mang tính ngoại lai. Mặc dù kĩ thuật thể hiện và cách tư duy cũng tương đối khá, tuy nhiên “chỉ riêng những ý tưởng tốt đẹp thì chưa dám chắc sẽ có một kết quả tốt đẹp”.

Nàng 3 – Lê Hoàng Bích Phượng

Trên đây chỉ là những góp ý nhỏ với hi vọng một tiếng nói hơi phiến diện và hơi cực đoan này sẽ cho chúng ta những suy ngẫm đa chiều hơn. Tôi không buộc các bạn phải suy nghĩ như những gì tôi viết nhưng hãy để cảm xúc tạm thời một bên mà nghĩ đến một từ “Trách Nhiệm” của người họa sĩ đối với nghệ thuật cũng như của ban giám khảo, ban tổ chức đối với hội họa Việt Nam trong một tương lai không xa… Chúng tôi mong muốn thực sự có một ngôn ngữ hội họa thuần Việt hơn nữa, hay mang những âm hưởng ít bị lai căng hơn, hoặc sản phẩm không bị “hiếp dâm” nặng nề bởi các phong cách nghệ thuật nước ngoài lên tư duy của người Việt. Còn không làm được việc này, liệu có phải những họa sĩ trẻ, những người quan tâm đến nghệ thuật và rất nhiều người liên quan khác đều đang đặt trong tình trạng “Vô Tâm”?

Và cuối cùng, tổ chức cuộc thì tài năng nghệ thuật hội họa làm gì? Là để tìm cho ra một tài năng hội họa Việt Nam. Chứ đâu phải là cuộc thi tài năng của những người tiếp thu và ảnh hưởng hội họa nước ngoài nhanh nhất rồi thể hiện kĩ thuật học được một cách tương đối khá!

*

Bài liên quan:

Những câu hỏi quanh giải Tài năng Hội họa 2010
– Thư ngỏ gửi quỹ CDEF
– Vẽ thế nào thì được giải?
– “Ta lần” này “vốt” cho ai?
– Vạn vô tâm? (phần 1)
– Vạn vô tâm (phần 2)

Ý kiến - Thảo luận

3:16 Sunday,15.7.2012 Đăng bởi:  Tôi là ai
Ảnh hưởng cũng tốt mà! mình kém cỏi thì học hỏi người ta là chuyện đương nhiên.Nhưng cố gắng làm sao biến cái của người ta thành cái của mình. không có ngày đụng hàng trên thị trường thế giới. các bạn đừng nghĩ nghệ thuật là cái gì cao siêuvà ta phải đưa cái ý tối thượng vào trong đó. Cái cao siêu nhất là người hoa sỹ tạo ra tác phẩm nghệ thuật mà đã
...xem tiếp
3:16 Sunday,15.7.2012 Đăng bởi:  Tôi là ai
Ảnh hưởng cũng tốt mà! mình kém cỏi thì học hỏi người ta là chuyện đương nhiên.Nhưng cố gắng làm sao biến cái của người ta thành cái của mình. không có ngày đụng hàng trên thị trường thế giới. các bạn đừng nghĩ nghệ thuật là cái gì cao siêuvà ta phải đưa cái ý tối thượng vào trong đó. Cái cao siêu nhất là người hoa sỹ tạo ra tác phẩm nghệ thuật mà đã là sáng tạo thì phải không giống người ta thế mới là sáng tạo. Nghệ thuật có hàng trăm nghìn hướng hãy tìm cho ta một hướng mà người ta chưa nhìn thấy hướng đó thế là ok. sao cứ phải đi theo hướng mà người ta đã nhìn rồi làm gì cho mất công. Rồi người ta lại nói đồ bắt trước. kinh tế ko tốt nên họa sỹ cũng lười tìm tòi.hihiihhi 
19:08 Monday,14.3.2011 Đăng bởi:  Hoàng vân Anh
Đọc bài của bạn xong mình nhớ lại Việt Nam mình có cái gì đích thực? Chữ viết không có, ngôn ngữ thì 80 phần trăm là Tầu, ngay cả tên nước, tên thủ đô, tên tỉnh, tên huyện,tên làng, tên xã,tên họ, tên người... cũng là tên Tàu. Cho đến binh pháp, phong thủy, y phục, y dược, hát hò, múa may, cúng bái, nhà cửa,xe cộ... cũng Tàu nốt... Kiến trúc, điêu khắc trang trí c
...xem tiếp
19:08 Monday,14.3.2011 Đăng bởi:  Hoàng vân Anh
Đọc bài của bạn xong mình nhớ lại Việt Nam mình có cái gì đích thực? Chữ viết không có, ngôn ngữ thì 80 phần trăm là Tầu, ngay cả tên nước, tên thủ đô, tên tỉnh, tên huyện,tên làng, tên xã,tên họ, tên người... cũng là tên Tàu. Cho đến binh pháp, phong thủy, y phục, y dược, hát hò, múa may, cúng bái, nhà cửa,xe cộ... cũng Tàu nốt... Kiến trúc, điêu khắc trang trí cổ thì ảnh hưởng hoặc bắt chước Tàu, Chăm... đến hiện đại thì giống Tây, Tàu, Nhật, Phật, Lão, Khổng, Hồi, Kito... thì có cái nào của Việt...?
Mói ra cũng tủi... nhưng mình nghĩ là học ở đâu không quan trọng,ảnh hưởng đâu cũng không quan trọng, quan trọng là người nhà mình có được những tác phẩm đẹp. Cái đẹp vốn nó không có biên giới. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả