Điện ảnh

The Man From U.N.C.L.E. (2015): Những năm sáu mươi đong đưa 20. 08. 15 - 6:16 am

Đặng Thái

Năm 2015, các nhà sản xuất khiến những khán giả mê mệt dòng phim hành động – điệp viên được thỏa thích với rất nhiều tác phẩm hàng chục triệu đô la: tháng Một có Kingsman, tháng Bảy có Mission Impossible, tháng Mười Một hứa hẹn có Spectre, đấy là chưa kể phim hành động hài Spy với cô diễn viên chính mập mạp lúc tháng Sáu. Vì vậy The Man From U.N.C.L.E., cũng là phim thể loại điệp viên, phải tìm cho mình một lối đi mới để không bị chìm nghỉm trong những siêu phẩm kia.
 

Bìa một cuốn truyện tranh màu xuất bản năm 1965, “ăn theo” bộ phim truyền hình The Man From U.N.C.L.E. Đây là một series phim truyền hình dài tập cực kỳ ăn khách của đài NBC vào những năm sáu mươi ở Mỹ và Anh. Cái độc đáo của nó là ở cốt truyện một điệp viên Mỹ và một điệp viên Liên Xô hợp tác với nhau để chống lại một tổ chức tội phạm muốn thống trị thế giới, khi mà trên thực tế tại thời điểm đó căng thẳng giữa hai cực chính trị Liên Xô – Hoa Kỳ đang bị đẩy lên tột độ. Series phim này đã tạo ra một trào lưu tiểu thuyết, truyện tranh dựa theo nó và ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa đại chúng như âm nhạc, chương trình truyền hình hay trò chơi điện tử với hình ảnh điệp viên thời hiện đại, vũ khí công nghệ cao.

Đội ngũ làm phim The Man From U.N.C.L.E. (2015) có lợi thế là tiếng tăm của bản gốc rất vang dội, nhiều người biết đến nhưng đồng thời là khó khăn vì mấy chục năm rồi mà chưa ai dám dựng thành phim vì sợ nó không hay như bản truyền hình. Đạo diễn Guy Ritchie được mời tham gia do ông vốn nổi tiếng với dòng phim hành động điều tra. Người ta thường biết đến Guy Ritchie (như trên các poster quảng cáo) là đạo diễn của hai phim Sherlock Holmes mới đây nhưng ông còn làm những phim khác như Lock, Stock and Two Smoking Barrels cũng rất hay. Phim U.N.C.L.E có một điểm khác biệt hẳn với những phim điệp viên cùng ra lò năm 2015 là ở thời gian: những năm sáu mươi của thế kỷ trước nên có vô vàn thứ để khai thác.
 

Tất cả các lời giới thiệu của nhà sản xuất, quảng cáo của rạp chiếu phim, trailer của phim trên Youtube đều xoáy vào đề tài Chiến tranh lạnh. Phần mở đầu phim vẫn chỉ thấy một màu đỏ lòm với những bài báo chạy qua chạy lại nào John F. Kennedy, Winston Churchill, Russia vs America và nước Đức chia cắt với Berlin – một điểm nóng của Chiến tranh lạnh. Chủ đề điệp viên thời Cộng Sản đã khiến ngày công chiếu phim ở Nga thành công vang dội và thu về hơn ba triệu đô.

Đàn ông thì mê xe, gái và chính trị còn phụ nữ thì chỉ thích các anh đẹp trai, súng ống dài và nam tính là chủ yếu. Tuy nhiên có thể một số bạn nam sẽ thất vọng vì trong phim không có siêu xe, lại không hề có cảnh nóng kể cả hôn nhau luôn (Tây họ gắn mác 13+), công nghệ cao lại càng không vì mới năm 60 thôi mà. Các thanh niên dẫn bạn gái đi rạp xem phim cũng không cần lo lắng rằng chuyện phim chính trị phức tạp quá làm bạn mình không hiểu nổi vì trong phim chẳng có tí chính trị nào đâu.

Phim bắt đầu ở Berlin lúc tường vừa xây xong với cảnh rượt đuổi của hai chiếc xe Đông Đức huyền thoại là Trabant và Wartburg trên những con phố lạnh lẽo, lồi lõm, ẩm ướt của Đông Berlin. Xem cảnh xe bung hết ốc vít mà vẫn chạy ngoắt ngoéo, phanh kin kít, mài đường tóe lửa, khối người lại thán phục đồ của Đông Đức cứ phải gọi là bền số một thế giới, nhưng thực ra nhà làm phim đã phải thay hết bên trong bằng động cơ Volvo, Volkswagen và Suzuki cũng như độ khung, độ bánh rất nhiều. Thế rồi phần Chiến tranh lạnh… chỉ có vậy! Đến đây thì mình biết rằng phim chỉ treo đầu dê, bán thịt chó khi mà hầu hết chuyện phim diễn ra ở Ý, nơi người ta rất giỏi giang trong việc làm ra cái đẹp, ít nhất là hơn người Đức nhiều.
 

Bên trái là Armie Hammer, vào vai điệp viên Illya Kuryakin người Nga, bên phải là Alicia Vikander vào vai Whilst Gabby – cô gái là đầu mối để thâm nhập tổ chức tội phạm. Bối cảnh đằng sau là Rome: nắng vàng đẹp, khách sạn đẹp, phố phường đẹp, xe cộ đẹp và quần áo người đi đường rất đẹp.

Không súng ống xịn, không cảnh làm tình thì làm phim điệp viên kiểu gì? Câu trả lời rất rõ ràng: đẹp đẽ và quyến rũ. Những năm sáu mươi là đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh nhưng mặt khác lại là đỉnh cao của thời trang và nghệ thuật hiện đại. Thế giới phương Tây bắt đầu chuyển mình sau Thế chiến thứ hai, với thế hệ trẻ phóng khoáng, đổi mới tư tưởng, phá bỏ lề lối và sáng tạo hết mình trong thiết kế. Nhà sản xuất và đạo diễn rất khôn ngoan, họ biết rằng cốt truyện và kịch tính trong phim họ sẽ chẳng là gì hết trong thời buổi tràn ngập phim điệp viên này, nên đã khéo léo dùng lợi thế “phim cổ trang” của mình để chiêu đãi khán giả một bữa tiệc tinh tế và thời thượng.

Swinging sixties là cụm từ giới nghệ thuật nói chung và giới thời trang nói riêng ưu ái dành cho thập niên sáu mươi. Mình tạm dịch swingingđong đưa bởi hai từ này cùng đa nghĩa như nhau. Hippies, thuốc tránh thai và cách mạng tình dục, đấu tranh đòi nữ quyền, quyền cho người đồng tính, phản đối chiến tranh Việt Nam, kết thúc kỷ nguyên vàng của Hollywood… hệ quả của tất cả những sự thay đổi và xáo trộn đó là một thế hệ trẻ bùng nổ, sôi động với những quan điểm mới về cái đẹp. Thời trang những năm sáu mươi rất sặc sỡ, độc đáo và hấp dẫn.
 

Bên trái là Henry Cavill trong vai Napoleon Solo – điệp viên Mỹ, bên phải là Elizabeth Debicki đóng vai bà trùm xã hội đen cực kỳ quyến rũ Victoria Vinciguerra. Điệp viên Mỹ thì lúc nào cũng tóc bóng mượt, thanh lịch, điển trai và hút hồn phái nữ. Khổ thân anh người Nga, dù vẫn đẹp trai, mắt xanh tóc vàng nhưng phải vào vai vừa nóng tính vừa khô như ngói (nhát gái) lại còn nói tiếng Anh đặc giọng Nga, ăn mặc thì Bolshevik, đầu đội flat cap, trong khi ngoài đời là người Mỹ, chỉ gốc Nga thôi, lại còn là chắt của tỷ phú dầu mỏ, trùm tư bản Mỹ.

Phim đã rất thành công ở việc tạo được ra một không khí hoài cổ từ màu phim cho đến bối cảnh nhưng không hề xưa cũ mà trái lại, rất mới mẻ, hiện đại. Quần áo của các nhân vật được thiết kế dựa trên phong cách 1960s nhưng hoàn toàn có thể trở thành mốt cho mùa xuân sang năm. Thiết kế phục trang cho phim là Joanna Johnston. Bà là nhà thiết kế chuyên về trang phục cho phim trong đó có những phim nổi tiếng như Forrest Gump, Love Actually… và một Đề cử Phục trang xuất sắc nhất cho phim Lincoln ở Oscar 2013.

Joanna Johnston cho biết bà đã ăn gian một tí khi lấy mẫu ở nửa cuối thập niên 60 chứ không phải nửa đầu như chuyện phim, tuy nhiên đạo diễn Guy Ritchie đã đồng ý và cho bà thoải mái sáng tác vì ông chỉ cần trông các diễn viên “cool and sexy” là được. Chuyện diễn ra ở Ý với những lâu đài cổ kính, tượng Phục Hưng cẩm thạch nên nhà thiết kế lấy cảm hứng từ Emilio Pucci và Pierre Cardin. Bộ phim là minh chứng cho câu Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Cô Gabby vừa ở Đông Đức, đầu quấn khăn mỏ quạ, áo quần công nhân cơ khí xám xịt thế mà sang đến Ý thay quần áo như tắc kè hoa, mũ mềm rộng vành, váy ngắn trông khác hẳn. Không chỉ quần áo, xe pháo kiểu Ý cũng rất ổn, xe đua, xe địa hình, xe máy phân khối lớn, canô tuy cổ nhưng không chán vì đều được chăm chút bóng lộn.

Victoria Vinciguerra đi cùng chồng là Alexander, người phụ nữ này mới là người thực sự nắm quyền kiểm soát tổ chức, tay chồng cả phim chỉ biết lái xe rồi chết ngoẻo. Nhân vật phản diện mặc quá đẹp, tất cả các bộ chỉ có hai màu đen trắng, đeo giầy Roger Vivier mà ngày nay vẫn còn bán ngoài hiệu. Elizabeth Debicki đóng vai này trông rất già dặn dù diễn viên người Úc này sinh năm 1990. Khăn quấn và trang sức của nhân vật Victoria làm nhiều lúc liên tưởng đến Audrey Hepburn.

Như đã trình bày thì nội dung phim không có gì đặc sắc lắm, kịch bản đơn giản, nhẹ nhàng nếu không muốn nói là chán phèo. Nhưng phim lại thú vị ở nhiều chi tiết, mình thì hơi khó tính nhưng khán giả trong rạp có vẻ dễ tính hơn nhiều, cười như nắc nẻ do có rất nhiều tình huống gây hài bởi hai anh chàng điệp viên luôn luôn phải đề phòng và ghét nhau trối chết này.

Trong phim còn cố nhét thêm một ngôi sao nổi tiếng vào vì dàn diễn viên chính đều trẻ và chưa tên tuổi nhiều, đó là Hugh Grant.Ông này mặt vốn đã nhàu, đóng vai sếp của tổ chức U.N.C.L.E. trông lại càng già nua thảm hại mà vai trò thì mờ nhạt dù không có không được.Như các báo Anh nhận xét là đã đem thêm phong cách Anh vào phim, mình thì không thấy chất Anh đâu cả ngoài mỗi câu “Well done, chaps”.

Bộ ba ăn ý ở cảnh cuối cùng trong phim. Váy ngắn chữ A, đặc biệt loại sát nách là một biểu tượng của cách tân thời trang thập niên 60. Diễn viên Thụy Điển da nâu Alicia Vikander này đang là người mẫu cho Louis Vuitton, cách ăn mặc của nhân vật Gabby trong phim với khuyên tai màu mè của Marni, túi xách Delvaux và kính râm Thierry Lasry thể hiện rõ sự trẻ trung, năng động đối lập với bà trùm Victoria. Xem phim xong thấy rằng thời trang Việt Nam so với Tây thời đó giống hệt như Triều Tiên so với ta thời nay vậy!

Thập niên sáu mươi cũng là kỷ nguyên cách mạng trong âm nhạc với sự lên ngôi của một loạt các thể loại mới và The Beatles. Nhạc phim rất cầu kỳ, từng trường đoạn đều có sự tính toán kĩ và đúng kiểu cổ điển với tiếng nhạc nhiều hơn tiếng súng đạn, những đoạn cao trào thì dùng tiếng trống (hình như kiểu châu Phi) hay hơn beat điện tử nhiều.

Quên chưa giải thích U.N.C.L.E. là viết tắt của United Network Command for Law and Enforcement (tạm dịch: Mạng lưới liên kết bảo vệ và thực thi pháp luật), đặt loằng ngoằng thế cho nó kêu, với lại còn ám chỉ Uncle Sam và Liên Hợp Quốc (UN). Hết phim mới thấy giải thích tên tổ chức, chắc có ý rằng chúng tôi đang rục rịch làm phần tiếp theo đây! Một bộ phim lịch sự, sạch sẽ và gây cười chắc sẽ là một hương vị tươi mát cho ngày cuối tuần để chúng ta cùng chuẩn bị tạm biệt một mùa hè bỏng cháy.

Ý kiến - Thảo luận

17:14 Friday,30.10.2015 Đăng bởi:  Anh Nguyen

Link này có liệt kê tên các phương tiện và trang phục trong phim:
http://www.bloomberg.com/news/articles/2015-08-15/the-man-from-u-n-c-l-e-the-clothes-the-cars-and-locations-explained
Túi Delvaux Brillant của Gaby bây giờ đang hot chẳng kém gì Kelly hay Chanel Flap, mà giá cũng tầm 5000$ trở lên.


...xem tiếp
17:14 Friday,30.10.2015 Đăng bởi:  Anh Nguyen

Link này có liệt kê tên các phương tiện và trang phục trong phim:
http://www.bloomberg.com/news/articles/2015-08-15/the-man-from-u-n-c-l-e-the-clothes-the-cars-and-locations-explained
Túi Delvaux Brillant của Gaby bây giờ đang hot chẳng kém gì Kelly hay Chanel Flap, mà giá cũng tầm 5000$ trở lên.

 
15:34 Friday,30.10.2015 Đăng bởi:  candid
Soi lại nhầm nữa rồi. Vespa 946 là xe mới do đó không thể có ở thập niên 60. Trong phim là Vespa Sprint VBB 150 thì phải.
...xem tiếp
15:34 Friday,30.10.2015 Đăng bởi:  candid
Soi lại nhầm nữa rồi. Vespa 946 là xe mới do đó không thể có ở thập niên 60. Trong phim là Vespa Sprint VBB 150 thì phải. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả