Soi học

Bài học Chủ nhật: Pan và Syrinx – thêm một cô biến thành cây vì ghét trai 24. 06. 12 - 2:58 am

Pha Lê

 

.

 

Pan – vì thường đi đôi với thiên nhiên – nên tích về Pan hầu như đều gắn liền với nàng tiên này nàng tiên kia – vì các nàng này cũng hoang dã rừng rú y như Pan. Một số bản Homeric Hymn còn gắn Pan với nàng Echo, kể rằng Echo là một nàng tiên tài năng, hát hay múa giỏi, nhưng ghét trai. Khi Pan tỏ tình với Echo và bị nàng từ chối, ông thần này tức quá nên làm phép xúi các gã chăn cừu xé xác Echo ra thành nhiều mảnh, và rải chúng trên các ngọn núi. Đất mẹ Gaia thấy tội nghiệp và tiếc cho giọng hát của nàng tiên nên giữ giọng của Echo lại, nhưng vì Echo đã chết nên nàng không nói được mà chỉ có thể lặp từ âm thanh của kẻ khác, đấy cũng là lý do tại sao đồi núi có khả năng vang vọng âm thanh. Tích này choảng với tích Echo chết vì bị Narcissus từ chối tình yêu, nhưng thần thoại Hy Lạp mà, nhiều bản lắm.

Tuy nhiên trái với tích về Echo, tích về ống sáo của Pan thì chỉ mỗi Ovid là kể đầy đủ nhất, nhưng may mắn thay, số lượng họa sĩ đọc Ovid cực đông, nên tranh về tích này có rất nhiều.

Mọi sự bắt đầu như sau: Syrinx là một nàng tiên sông nằm trong số các thuộc hạ của thần săn bắn Artemis, và mọi người biết rồi đó, các thuộc hạ của Artemis đều thề thốt sẽ làm trinh nữ suốt đời và cực kỳ ghét trai. Syrinx cũng không là ngoại lệ. Nhưng nàng đẹp quá, thành thử lúc mới gặp mặt là Pan đã mê nàng như điếu đổ.

Tác phẩm “Pan và Syrinx”, Noel Nicolas Coypel, thế kỷ 18. Các nàng tiên theo hầu Artemis đang vui vẻ trò chuyện trong lúc nghỉ ngơi, riêng Syrinx (quấn khăn hồng/trắng) trông có vẻ bất an cảnh giác. Cũng đúng thôi, Pan đang nấp trong bụi sậy để rình nàng kìa. Lý ra lúc này chưa có cây sậy. Tại sao thế? Mọi người đọc tiếp nhé.

 

Rình rập thập thò một lúc đâm khó chịu, nên Pan mạnh dạn nhào ra tỏ tình. Không biết Pan nói gì – Ovid cũng không biết Pan nói gì nốt, chỉ ghi là “Những lời Pan nói còn nằm ở đó đợi người khác kể” (What he said remained there to tell) – nhưng nàng Syrinx hãi quá, đã co giò chạy mất.

Syrinx càng ráng chạy thoát thì Pan càng hùng hổ đuổi theo, cuối cùng thì nàng chạy tới địa phận của thần sông Ladon. Tại đây, nàng cầu xin thần sông và các chị em tiên sông cứu giúp mình, thế là họ biến Syrinx thành bụi cây sậy. Lúc Pan “tóm” được nàng thì đã muộn, nàng hóa sậy mất rồi, thế là Pan thở dài. Tiếng thở của Pan khiến cây sậy phát ra âm thanh du dương. Thích âm thanh này quá, Pan dùng sậy để làm thành sáo nhiều ống, và phán rằng “Từ nay ta và nàng (Syrinx) sẽ luôn ở bên nhau“.

Tác phẩm “Pan và Syrinx”, Francois Boucher, 1759. Ông Boucher thích mượn tích để vẽ các bà các cô khoả thân (giống đa số các họa sĩ khác) nên hay vẽ lạc đề. Trong bức này, Pan như đang nhào ra từ bụi sậy và làm Syrinx giật mình. Nhìn sơ thì không biết ai là Syrinx, chắc là cô đội vòng hoa lá trên đầu, cô này như đang ôm cô tóc vàng còn lại trong hình. Cupid thì lởn vởn cầm đuốc, cầm tên ở phía trên. Đáng ra lúc này chưa có cây sậy nhưng nhiều họa sĩ thích vẽ cảnh Pan nấp trong bụi sậy cho nó ton sur ton.

 

Tác phẩm vẽ chì “Pan và Syrinx”, Isaac Beckett, thế kỷ 17. Lúc này Syrinx đang cầu cứu thần sông Ladon (ông già râu dài) giúp đỡ. Thần dê xồm Pan thì đứng đằng sau bụi sậy và hăm hở đuổi theo Syrinx. Vì Syrinx được dùng để làm ống sáo, nên chữ ‘ống tiêm’ (Syringe) cũng có gốc từ đây.


“Pan và Syrinx”, Jean Francois de Troy, 1733. Nàng Syrinx hoảng hốt chạy vào vòng tay của Ladon, còn các cô tiên sông khác thì cũng rất lo sợ khi thấy ông 35 Pan nhào từ bụi sậy ra để bắt gái.


“Pan và Syrinx”, Michel Dorigny, 1657. Bức này lạc đề kinh khủng. Ngoài Pan, Syrinx, thần sông Ladon và các nàng tiên khác, họa sĩ còn vẽ thêm cả Psyche (cánh bướm). Chẳng biết Pysche – vợ Cupid – làm gì ở đây?

 

Đúng là Psyche có gặp Pan trên đường đi tìm chồng, nhưng đó là một đoạn ngắn từ một tích khác (bài Cupid và Psyche kỳ 4), chứ không dính gì đến tích này.

“Pan và Syrinx”, Rubens, 1619. Rubens thì vẽ mỗi Pan rình rập và tỏ tình với Syrinx thôi chứ không chêm nhiều nàng tiên khác vô, dù rằng ông cũng vẽ sẵn mấy bụi sậy ở đó. Biết là vào thời Rubens phụ nữ phải mập mới đẹp, nhưng nàng Syrinx mà mập như vầy thì bà con phải suy nghĩ lại câu “ốm như cây sậy” mất.


Tác phẩm “Pan và Syrinx”, cũng của Rubens, 1636. Trong bức này thì Rubens không vẽ sẵn sậy và vẽ cảnh Syrinx biến thành sậy hẳn hoi. Với con mắt hồi xưa thì nhiều người có thể cho rằng Rubens vẽ bức này là vẽ nháp, vẽ ẩu; nhưng với con mắt thời nay thì thấy đơn giản thế lại đẹp.


Tác phẩm “Pan và Syrinx”, Poussin, 1637. Tác phẩm này bị Poussin chêm vô nhiều thứ, nào là Cupid cầm đuốc cầm cung ở trên, rồi thần sông Ladon (dù không thấy sông đâu), nào là một nàng tiên khác và mấy em nhỏ. Chỗ Syrinx đứng, thấy cây sậy đang mọc, nên chắc là Syrinx đang hóa sậy. Điều cần thắc mắc là, trong bức “Pan và Venus” ở bài trước, Poussin vẽ Pan là người bình thường, không có “nửa dê”, nhưng trong bức này ông lại vẽ Pan nửa người nửa dê, đúng là khó hiểu. Chắc ông vẽ hình dạng của Pan tùy theo tích và tùy theo hứng quá.


Bức “Pan và Syrinx” Edmund Dulac, 1935. Họa sĩ chuyên vẽ minh họa tích cho sách Edmund Dulac thì vẽ rất đúng tích nè, Pan rượt theo Syrinx và phát hiện rằng thần sông đã biến nàng thành bụi sậy. Dulac vẽ rất nhiều hình minh họa nổi tiếng, trong đó có vô số hình cho những mẩu truyện của nhà văn Andersen. Bạn nào đang muốn mua sách về truyện cổ tích Andersen cố gắng tìm bản có hình minh họa của Dulac nhé.

 

Như vậy, kể ra thì tích về Syrinx và Pan cũng na ná tích về vòng nguyệt quế của Apollo. Chung số phận với nàng Daphne, nàng Syrinx cũng biến thành cây sau khi bị nam thần rượt đuổi để tỏ tình. Pan còn giống Apollo ở một điểm nữa: thích âm nhạc. Hai người từng thi tố tài năng với nhau. Tích này chúng ta sẽ nghiên cứu vào tuần sau nhé.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Pan – ông 35 của tích Hy Lạp cổ
– Bài học Chủ nhật: Pan và Syrinx – thêm một cô biến thành cây vì ghét trai

– Bài học Chủ nhật: Thần tiên cũng có “Olympia Got Talent”

 

 

Ý kiến - Thảo luận

22:22 Wednesday,2.7.2014 Đăng bởi:  phale

@Nguyễn Hạnh Quyên: Bài đó lên đã lâu, ở link này nè bạn



...xem tiếp
22:22 Wednesday,2.7.2014 Đăng bởi:  phale

@Nguyễn Hạnh Quyên: Bài đó lên đã lâu, ở link này nè bạn


 
21:49 Wednesday,2.7.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
SOI ơi ! Ngài đã đăng lên bài học "Orpheus và Eurydice" chưa ?

...xem tiếp
21:49 Wednesday,2.7.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
SOI ơi ! Ngài đã đăng lên bài học "Orpheus và Eurydice" chưa ?
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả