Đi & Ở

Câu chuyện Bình Nhưỡng, phần 4:
tem phiếu thần thánh 31. 08. 15 - 11:02 am

Hà Phạm

(Tiếp theo phần 1, 2, và 3)

Đưa một vài nhận xét, mấy cái ảnh tượng đài, dăm cái tranh cổ động của Bình Nhưỡng lên trang fb cá nhân, tôi nhận được những lời bình luận khá nóng nảy, như thể tôi đang làm công việc tuyên truyền cho một bộ máy giết người và ngu tối. Không ít người tỏ ra đã biết rất nhiều về Bình Nhưỡng: “Bố tổ của dối trá”, “Chết đói cả triệu người” hoặc “Dân mà mở mồm là bắn ngay!”…

Những điều cho là biết ấy, tôi cũng mang trong lòng trước khi sang Bình Nhưỡng, và cũng chẳng có gì để tôi hiểu biết nhiều hơn khi trở về. Vì như đã nói ở bài trước, tôi cảm thấy như mình được xem một tấm huy chương chỉ có mặt phải. Một lát cắt của cuộc sống, trong một khoảng thời gian chưa đến 10 ngày, mà tôi nếm trải vội vã chắc chắn không phải là toàn bộ sự thật. Nhưng có thể cảm nhận và nói ra điều mình cảm nhận, như thế sẽ khách quan hơn. Chúng ta luôn sẵn sàng chỉ trích mà không lắng nghe. Một trong những lý do để Triều Tiên bị chỉ trích nhiều như vậy là quá giống Việt Nam thời kỳ bao cấp. Nỗi ám ảnh về thời ấy chưa chấm dứt ở Việt Nam. Nhưng có lẽ, sự giống nhau không phải là hoàn toàn. Triều Tiên bao cấp triệt để hơn, người dân của họ sống trong thể chế này hơn 70 năm, và có thể họ đã quen đến mức không thay đổi được, như chúng ta.

Trên đường phố (chụp qua cửa xe)

Nông trại Jangchon mà chúng tôi đến tham quan, chẳng hạn, là một Hợp tác xã trồng rau kiểu mẫu, nơi lần đầu Kim Chủ tịch phát biểu về thể chế nông thôn ở Triều Tiên, một điển hình tiên tiến như cách chúng ta vẫn gọi những đơn vị tương tự ở Việt Nam. Bà Kim Ming Yen, nữ giám đốc là Anh hùng Lao động, đã làm chủ nhiệm HTX từ năm 23 tuổi. Trong cái HTX ấy có Nhà hát nông dân, bể bơi, sân bóng hiện đại. Tháng 6. 2015 vừa rồi, 420 hộ nông dân có nhà mới. Nhà trẻ của HTX rất đẹp. Bà Kim Ming Yen kể rằng hôm khánh thành nhà trẻ, đồng chí Bí thư thứ nhất Kim Jong Un có đến và chỉ đạo “Hãy đẻ nhiều con để gửi vào nhà trẻ!”, một nữ nông dân phát biểu “Tôi đã 40 tuổi nhưng vẫn rất muốn sinh con để gửi vào chỗ đẹp đẽ thế này” (Nói thêm một chút rằng Triều Tiên rất khuyến khích đẻ. Một phụ nữ sinh được 10 con đã được phong Anh hùng – Anh hùng sinh con , theo lời chú phiên dịch).
 

Trẻ con trong HTX Jangchon đến lớp mẫu giáo không cần người lớn đưa

Chúng tôi cũng tin rằng cái nông trại ấy là nơi để diễn. Vì nó quá đẹp đẽ và hoàn hảo, nó giống một khu resort nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, bước vào những căn hộ mới mà người nông dân mới được cấp phát, thì thấy đời sống nông dân không bóng bảy nhưng quả có được chăm lo. Trạm y tế, khu vui chơi, thư viện, phòng truyền thống, phòng thí nghiệm, khu nhà kính trồng trọt đều có người sử dụng chứ không phải là chỉ bày mẫu. Để diễn, thì cũng là diễn tốt chứ không diễn dở, bởi chắc chắn là những người nông dân ở đấy – đang rồng rắn xếp hàng vào bể bơi – hay lũ trẻ chạy nhảy trên đường có thái độ sử hữu những thứ họ có chứ không phải diễn xong thì đem cất.

Hồ bơi của Hợp tác xã

 

Trong văn phòng khu xiếc cá heo. Cô nhân viên vừa trông con vừa đọc sách.

 

Trong một căn hộ mà chúng tôi được tham quan

Lúc chúng tôi ở Triều Tiên, trời đang nắng nóng, hạn hán sẽ xảy ra chắc chắn vì trời không mưa. Người nông dân có nguy cơ thiếu lương thực. Cán bộ sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng nói với chúng tôi rằng nếu không cấp đủ 450g lương thực/ ngày, nông dân có thể ăn độn khoai tây và ngô. Ngô trồng bạt ngàn trên đường tôi qua. Trong bữa ăn ở khách sạn cũng có ngô, không ngon, cứng giống ngô tẻ ở Việt Nam. Khó nhìn bằng mắt để đánh giá sản lượng, nhưng có ngô, có khoai tây thì hy vọng việc đói sẽ không nghiêm trọng.

Trên đường làng

Từ năm 2013 trở lại đây, người dân có quyền bán nông sản thừa, tất nhiên giá cao hơn giá phân phối. Giá là bao nhiêu chịu không hỏi được. Tiền ở Triều Tiên là một cái gì đó phù phiếm. Mọi người được cấp một khoản lương rất nhỏ. Tôi hỏi các đồng nghiệp ở Rodong Shinmun rằng lương họ có được 200 USD/ tháng không? Không được thế đâu, họ trả lời, nhưng là bao nhiêu thì không nói. Tất cả mọi nhu cầu trong cuộc sống đều được phát phiếu. Trong những hiệu cắt tóc bao cấp, một lần cắt tóc giá là 10 uôn, 1 đô la Mỹ 1.000 uôn sẽ cắt tóc được 100 lần. Tất nhiên người nước ngoài không được cắt trong những cửa hàng ấy và với mức giá ấy. Chúng tôi không nhìn thấy tiền Triều Tiên, nhưng có thể mua bằng đô la Mỹ, tệ Trung quốc, đồng euro châu Âu trong những cửa hàng người nước ngoài có thể mua (hiếm hoi ở Bình Nhưỡng, chỉ khoảng 4-5 nơi như thế, nhỏ như một quầy hàng mậu dịch ngày trước). Tiền thừa trả lại không bao giờ là uôn Triều Tiên, mà là tệ, là euro cho đến lúc nào đủ thì thôi. Nếu mang uôn ra khỏi Triều Tiên sẽ bị giữ lại. Tờ 5000 uôn tôi mang ra được, khoảng 15 nghìn tiền Việt, nếu đi tàu điện ngầm, giá 5 uôn/ vé thì đi được 1.000 lần.

Phòng cắt tóc nữ. Nghe các bạn ở sứ quán Viêt Nam tại Triều Tiên nói thì phòng cắt tóc của dân Triều Tiên người nước ngoài không được cắt. Giá cuốc nội mỗi lần cắt là 10 uôn (1USD là 1.000 uôn, nghĩa là mỗi USD cắt tóc được 100 lần).

 

Phòng cắt tóc nam. Tuy nhiên, đây là hai phòng cắt tóc trong khu vực bể bơi, có thể chỗ khác kém đẹp hơn).

Tất nhiên là quái gở, cái việc phát phiếu ấy. Và cũng quái gở sự sùng bái lãnh tụ quá mức. Điện không đủ ở Bình Nhưỡng, cũng cắt luân phiên như Hà Nội trước đây, nước sinh hoạt vì thế cũng thiếu. Nhà dân có sử dụng những tấm pin mặt trời, đủ để thắp sáng. Tôi không hiểu trong những tòa nhà cao ngất kia thang máy có hoạt động không, nhưng những nơi là công trình công cộng thì điện tràn trề. Khách sạn tôi ở, dù tôi rất có ý thức tắt hết đèn và điều hòa khi ra khỏi phòng, lúc về đã thấy bật lại, tất cả đèn, sáng choang, như thể người ta nói với mình rằng không cần phải tiết kiệm. Và mỗi nơi chúng tôi qua, rất nhiều, mỗi bức ảnh lãnh tụ đều có một cái quạt máy bật suốt ngày, cho mát người trong ảnh.

Pin mặt trời lắp trên mái nhà

Khi diễn ăn vào máu, khó mà phân định được dối hay thật. Nhất là, mình không phải người trong cuộc!
 

 

Ý kiến - Thảo luận

19:15 Monday,7.9.2015 Đăng bởi:  Võ Như Nhiên

(hình cuối) Đúng là có 1 tấm pin mặt trời diện tích khoảng bằng viên gạch lát sàn, và năng lượng đc dùng cho 1 đèn chiếu sáng ngay dưới nó. Trên mái nhà không phải là tấm pin mặt trời, mà chỉ là máy nước nóng dùng năng lượng mặt trời (làm nóng nước bằng sức nóng mặt trời chứ không dùng điện) và cái này không phát ra điện được

Hình 4 từ trên xu
...xem tiếp

19:15 Monday,7.9.2015 Đăng bởi:  Võ Như Nhiên

(hình cuối) Đúng là có 1 tấm pin mặt trời diện tích khoảng bằng viên gạch lát sàn, và năng lượng đc dùng cho 1 đèn chiếu sáng ngay dưới nó. Trên mái nhà không phải là tấm pin mặt trời, mà chỉ là máy nước nóng dùng năng lượng mặt trời (làm nóng nước bằng sức nóng mặt trời chứ không dùng điện) và cái này không phát ra điện được

Hình 4 từ trên xuống: nhìn cái máy tính Mac thèm quá, mình thích cái này lắm nhưng cứ cân nhắc không mua vì quá nhiều tiền hơn các laptop khác

 
14:17 Monday,7.9.2015 Đăng bởi:  vinhnguyen
Đọc những bài viết của các tác giả về Triều Tiên và Hàn Quốc trên Soi quả thực rất thú vị, đặc biệt là khi chúng được viết và đăng vào cùng thời điểm.
...xem tiếp
14:17 Monday,7.9.2015 Đăng bởi:  vinhnguyen
Đọc những bài viết của các tác giả về Triều Tiên và Hàn Quốc trên Soi quả thực rất thú vị, đặc biệt là khi chúng được viết và đăng vào cùng thời điểm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tương tác thế nào? Ở xa làm sao nghe art talk?

Phương Vẹt & Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả