Gẫm & Bình

Hát nói (bài 2): Hai bí mật đầu tiên của KĐT 13. 09. 15 - 6:34 am

Vũ Lâm

(Tiếp theo bài 1)

1. Bí mật thứ nhất của KĐT trong “Chuyển động ngầm”

Một nhà bình luận nghệ thuật từng nói một câu rất thú vị về sự “chuyển giao thế hệ” giữa chủ nghĩa cổ điển và hiện đại: Tuy rằng chủ nghĩa hiện đại đã “kết liễu” chủ nghĩa cổ điển, đẩy nó lên bàn thờ và vào bảo tàng, nhưng chúng ta vẫn phải dùng con mắt cổ điển để đọc chủ nghĩa hiện đại. Áp dụng “định luật” này, ta thử nhìn qua bố cục tổng thể của triển lãm Chuyển động ngầm:

Phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật chia ra làm đôi với hai cửa ngách. Bức tường phân đôi này làm cho khá nhiều nghệ sĩ khi bày tranh, tượng phải bối rối và nương theo nó. Nhưng với KĐT lần này, đó dường như lại là một sự thuận tiện cho câu chuyện của anh. Một phòng, tác giả để ba khối lập phương lớn làm chủ đạo (kích thước 80x98x98), cùng một số khối lập phương nhỏ hơn. Ba khối này có cái tên là Sóng – Chảy – Xoáy, những cái tên hàm ý nói đến nước (âm tính, tĩnh)…

Ba khối hộp lớn Sóng-Chảy-Xoáy

Phòng bên, tác giả bày hầu hết là các khối trụ, giữa phòng là một khối trụ to đùng hơi thuôn hai đầu và cắt lát ra làm ba, treo ngang lơ lửng trong khung, gương đặt ở dưới đế. Khối trụ lớn nhất này có kích thước (152x300x136) scó tên là Chuyển động ngầm I, còn lại một loạt các khối trụ, hộp nhỏ hơn đều cùng tên là Chuyển động ngầm, có đánh số theo thứ tự. Hình khối và tên gọi ấy gợi cho ta cảm giác về tính động, dương tính.

Chuyển động ngầm I và tiếp theo…

Tác giả không tạo dáng khối cầu kỳ phức tạp, mà chỉ dùng chủ yếu hai loại khối cơ bản: lập phương và trụ. Cách “bày cỗ” cùng là kiểu lập đề rất căn bản về sự đối lập tương phản âm-dương, động-tĩnh, vuông-tròn. Lưu ý, việc chỉ dùng những khối căn bản như thế trong tạo hình là việc khó, vì nó co về sự đơn giản a, bờ, cờ (chưa phải tối giản). Người nào giỏi tiếng Anh, đều biết là câu theo “thì hiện tại đơn” là loại câu dùng dễ nhất, mà để dùng cho hay thì là khó nhất. Ta gần như chạm vào một quy luật: cái gì dễ nhất lại là khó nhất, phương tiện ít nhất mà muốn kết quả biến hóa nhất, “tay không bắt giặc” thì phải rất chi là có… tai huyền tài!

Lật đảo ngược một chút, tôi cho rằng mình phát hiện một bí mật nho nhỏ đầu tiên của triển lãm, đó là việc KĐT nên phải cảm ơn điêu khắc Ấn Độ giáo về cặp biểu tượng linga-yoni. Hoặc là hữu ý, hay vô tình không biết, nhìn đi nhìn lại thì rõ ràng là anh có ảnh hưởng cặp biểu tượng đó trong triển lãm lần này. Chỉ biến đi một chút là anh đặt các loại khối “thớt dưới sương pha” (yoni) riêng ra một phòng, loại khối “tầng trên tuyết điểm” (linga) riêng ra một buồng. Cần nói thêm là cặp biểu tượng linga-yoni có lịch sử ý nghĩa tôn giáo rất thiêng liêng, mà ý hiểu nó chỉ như là tượng trưng cho sinh thực khí đàn ông, đàn bà là một nét ý hiểu mới khá thô thiển. Ai không tin cứ thử tra cụm từ này trong Wikipedia, là đọc ù tai lên ngay…

2. Vậy, ngoài hai loại khối chính như thế, còn cái gì để tò mò thêm ở triển lãm này? (bí mật thứ hai)

Cùng say mê tạo tác tác phẩm từ chất liệu kim loại, nhưng cách làm của mỗi tác giả trong nhóm lại khác nhau, của Lương Văn Việt một khác, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Trọng Tri, Nguyễn Huy Tính… và cả giáo sư Đào Châu Hải của các anh, mỗi người mỗi khác. Trong khi “va chạm” với kim loại, sắt thép, nhôm, đồng, inox… mỗi tác giả khám phá ra thế mạnh và sở thích riêng của mình trong các thủ thuật tác động vào kim loại. Mà chinh phục kim loại trong nghệ thuật nếu so ra thì chẳng khác gì chinh phục cây gậy Như Ý. Kéo to ra thì thành cây cột chống trời, đo biển, nhỏ lại thì bằng cái kim thêu đút lỗ tai. Đủ để phục vụ cho những cảm hứng phi thường lẫn những gì gọn ghẽ, giấu giếm hay tỉ mẩn nhất… Khi nào có dịp, tôi sẽ đi sâu vào phân tích từng tác giả sau. Ở đây, chỉ xin nói qua một chút về điểm bí mật thứ hai về thủ pháp bề mặt và tạo khối của KĐT.

Thông thường, cách dựng khối và chuyển chất liệu phổ thông của người làm điêu khắc hiện nay là vẽ phác ý tưởng ra trên giấy, sau đó nặn những phác thảo nhỏ bằng đất, có cốt sợi thép, tre, gỗ ở trong để tạo hướng và chống gãy. Tiếp theo thì phóng phác thảo nhỏ ra to, theo kích thước mình muốn, vẫn bằng đất. Tiếp nữa thì hoàn thiện bề mặt khối rồi đợi khô, đổ khuôn thạch cao rồi đổ lại thành tượng phác thảo thạch cao. Sau đó từ tượng thạch cao này và khuôn sẽ chuyển chất liệu sang đá, đồng, gỗ, sắt bằng việc đúc, gò, đẽo, tạc, gò, rèn, hàn xì gì đó. Tất cả các bước lỉnh kỉnh của việc làm điêu khắc thông thường này làm cho ranh giới giữa một nghệ sĩ điêu khắc và một người thợ thủ công (ngày xưa) hay một người thợ công nghiệp (nay, với máy móc phụ trợ) khá là mờ nhạt. Trong thời phong kiến ngày trước, người thợ-nghệ sĩ là một, và thường là những người lành nghề, có uy tín nhất trong phường thợ, là thợ cả, hay các bác “phó”, “trùm”. Những người sáng tác “tạo mẫu” cho người khác làm, hay thực thi những công đoạn, chi tiết khó nhất của một tác phẩm thủ công. Ngày nay, phân biệt ra nghệ sĩ và thợ, thì người nghệ sĩ chỉ khác người thợ ở chỗ là cần có một cái đầu nhiều ý tưởng sáng tác hay ho, sự quan sát tường minh xã hội xung quanh và một trái tim biết “đau đời”, bác ái… Nhưng đầu và tim thì khó ai có thể dòm xem trong có gì nên ngoài đời, có người xưng danh là nghệ sĩ điêu khắc nhưng thực sự tư cách chỉ là thợ thủ công thôi. Hoặc là có người chỉ là thợ thủ công, không học hành gì về nghệ thuật nhưng bẩm chất của họ lại là nghệ sĩ. Khi xem những gì dưới bàn tay họ làm ra, người thợ hay nghệ sĩ, thì là rõ nhất. Muốn thực hiện những tác phẩm điêu khắc bây giờ, người nghệ sĩ luôn cần nhiều thợ để giúp việc, hoặc vì quy mô tác phẩm, hoặc không thể có thời gian, sức khỏe đâu mà tự làm cho hết. Những người thợ giỏi cũng bổ sung cho nghệ sĩ rất nhiều kinh nghiệm, những “mánh” nghề, hay có những công đoạn qua tay một người thợ lành nghề mới thao tác được. Nhưng khi hoàn thiện tổng thể, chỉ nghệ sĩ mới biết được tác phẩm sẽ như thế nào, bởi chỉ họ mới biết họ muốn gì. Vì tác phẩm nghệ thuật đâu phải một đồ dùng chỉ có công năng sử dụng, mà phải là một vật thể (nhiều khi vô dụng) nhưng chuyên chở được công năng tinh thần…

Vì sao tôi phải diễn giải một chút chỗ này, bởi xem tác phẩm của KĐT, thấy nhiều dấu vết của sự tự tay làm ra. Việc này, nói chung được những người trong nghề đánh giá là một phẩm chất quan trọng. Vết cắt, vết hàn, vết gò, đánh bóng, tạo vết xoáy bề mặt trên sắt thép phải do người nghệ sĩ tự tay thao tác mới ghi được dấu ấn tâm hồn (kiểu như nét bút vẽ trên tranh vậy), cũng như nới rộng được “biên độ kỹ thuật” nhằm ý đồ tác động vào cảm xúc, mà một người thợ thì không làm thế hoặc coi là… hỏng. Ví dụ những mối hàn của thợ thông thường, càng giấu mối hàn đi được bao nhiêu càng tốt, mới là mối hàn đẹp, thì KĐT lại tạo cách dùng “bút lửa” (máy hàn hoặc máy khò, xì) với nhiệt độ cao thấp khác nhau để tạo những vết gợi cảm.

Bỏ qua nhiều khâu trong việc “làm tượng” theo kiểu thông thường, KĐT ráp nối các lá thép bằng sự phóng túng trong khi dùng “bút lửa” để tạo một khối từ bản phác thảo đơn giản. Kết quả của khối hình khi hoàn thiện, có lẽ không giống hệt như bản vẽ phác, mà sẽ thuận theo sự ngẫu hứng sáng tạo tiếp khi đang “đùa với lửa”. Và ở điểm này, xúc cảm của người sáng tạo với lửa và chất liệu (thép) vừa giống vừa khác một người làm gốm. Giống là thấy được sự biến hóa của lửa dưới vật tay mình làm ra. Còn khác thì khác làm gốm ở chỗ là làm gốm thì phải trông cậy vào lửa lò, điều nhiệt khi nung, đợi nguội rồi hồi hộp chán mới sờ được vào hiện vật…

Nhìn tác phẩm của KĐT, đa số người xem đều có cảm giác chung là “cảm thấy nhiều nội lực”. Điều đó chẳng thể giải thích đơn giản là một tác phẩm do một người to khỏe râu ria như tác giả làm ra thì tượng nó không “yếu”. Mà nếu xét trên phương pháp phân tích khối, thì đó là việc lựa chọn và xử lý khối. Khối cơ bản thì đặt rất vững và khối tích đựng được nhiều năng lượng hơn một khối cầu kỳ, nhiều lồi lõm đường hướng (ví dụ thế này cho dễ hình dung, một lon bia thông thường thì đựng được đầy 330ml bia, nhưng cũng lon bia ấy bị bóp méo đi thì sẽ không thể đổ lại được đủ 330ml nước ấy nữa) Thứ hai là các vết nứt (hàn khâu nhưng cảm giác như nứt vỡ thì gây cảm giác nó bị ép nén nhiều thứ bên trong… Một người xem đùa gọi thủ pháp tạo khối của KĐT là thủ pháp “khâu vá”. Nhưng đúng là đàn ông khâu vá khác đàn bà, thiếu nữ khâu vá, hoặc đích thực là khác anh Trương Tân khâu vá cái “Bỉm”. Ở đây, anh KĐT nhà ta khâu vá thép… mới kinh!

Bề mặt một khối tượng nhìn gần

Ở những tác phẩm hoàn thiện theo ý tác giả, nom kỹ, thấy KĐT khá dụng công vào việc tạo cảm giác bề mặt, hoặc chỗ mài bóng lộ chất thép lạnh, hoặc chỗ phủ hóa chất tạo mầu gỉ, chỗ phủ sơn đen hoặc đỏ vài lớp rồi dùng bàn mài đánh đi. Thao tác này thì lại giống cảm giác của người làm men gốm hoặc làm sơn mài. Thế nên, cảm giác chung cả loạt tác phẩm tuy hầu hết bằng kim loại mà không thấy lạnh, cứng, sắc, nặng, mà lại thấy như có sự ấm áp của gỗ, thoảng sự ôn tính của gốm men rạn và cả sự lầm lì của đá. Đây có lẽ là cảm giác thú vị vì nó nói được điểm kết nối đầu tiên với truyền thống điêu khắc (hay nghệ thuật truyền thống nói rộng ở đây về mặt tâm lý, thói quen dùng chất liệu).

Một điểm nữa chứng tỏ sự kết nối này là hồi âm của tín ngưỡng phồn thực biểu hiện trong điêu khắc đình làng. Tư duy điêu khắc dân gian rất trọng đến cái lấp lửng cảm giác của bàn tay và liên tưởng của con mắt (trông như nhìn và sờ mó được cái gì đó… dễ rung cảm nhất trên cơ thể. Trông vậy mà không phải vậy, không phải vậy mà là như vậy). Điều này, hồi sinh viên chúng tôi từng gọi vui là “văn hóa chày cối” bởi ngày đấy có một vị tiến sĩ văn hóa dân gian vào trường dạy, ông nói về tín  ngưỡng phồn thực, cái gì cũng quy ra “chày, cối”. Sinh viên gọi đùa ông là nhà “chày cối học”. Anh Thông nhìn mấy cái khối Sóng-Chảy-Xoáy thì đặt câu hỏi. Sao không hỏi nốt về mấy con vật ngong ngóc hay những cái chồi, mầm nhu nhú, thò thụt này? Có thế nó mới đủ cặp!

Mấy khối trông như xúc xích và chồi, mầm rất gợi liên tưởng thị giác và… “cẳng” giác!

Nhưng quá chú tâm vào cái ai cũng nhận thấy này thì lại bị sa vào tiểu tiết, vì điều đó chỉ là những yếu tố câu dẫn làm mồi mà thôi. Nghệ sĩ tài tử, chuyên chú âm nhạc cổ truyền Đàm Quang Minh có một liên tưởng giữa tượng KĐT với tranh giấy dó của ông Lý Trực Sơn và nhận xét khá tinh tế, tuy hơi trừu tượng rằng: “Tranh ông Sơn thì thuận theo tự nhiên, còn tượng của KĐT là nó tạo ra được tự nhiên”.

*

(Còn  tiếp bài 3 và bài 4)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả