Gẫm & Bình

Hát nói (bài 3): Bí mật cuối cùng của KĐT 15. 09. 15 - 1:37 pm

Vũ Lâm

Tiếp theo bài 1bài 2

3. Điều ta muốn có giống điều ta quan tâm? (hay là bí mật cuối cùng của KĐT)

Ừ thì khối là vậy, ừ thì bề mặt là vậy, ừ thì hiện đại có dung nạp truyền thống, ừ thì công phu, nhưng cuối cùng, cái đống từa tựa như… “hộp sắt gỉ, két nước, thùng phi hỏng” ấy của KĐT ấy là cái gì, muốn nói với chúng ta điều gì? Có lẽ đó mới là cái đích mà tôi và người xem đều muốn đi đến. Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải đi ngược lại thời gian, bật mí một vài “tư liệu cá nhân” của tác giả.

Khoảng năm 2008 – 2009, khi KĐT bắt đầu “húc” vào sắt thép (và có vẻ như cũng bắt đầu khoái luôn cái thủ pháp “khâu vá thép”), anh có làm một loạt tác phẩm tuy kích thước không lớn, nhưng rất duyên ở thuở ban đầu. Trong hai triển lãm liên tiếp năm 2009 với nhóm “5Plus” và nhóm “Sóng ngầm”, cùng với các thầy cô và bạn hữu, anh đưa ra hai nhóm tác phẩm: với triển lãm 5Plus tháng 1 – 2009, là nhóm tác phẩm “Đàn ông-Đàn bà”.

Tượng Đàn ông – Đàn bà (năm 2009 tại triển lãm 5 Plus)

Ở triển lãm “Sóng ngầm” anh đưa ra nhóm tác phẩm “Nhà”. Tôi đồ rằng đó là “chân dung” của hai vấn đề anh băn khoăn, và anh muốn định nghĩa lại theo cảm giác cá nhân của mình (nghệ thuật hay luôn là những nét tâm hồn được định nghĩa lại theo góc độ cá nhân hóa, chứ không phải mặc định của số đông). Còn nhớ, trong tọa đàm sau triển lãm “5Plus”, khi người xem hỏi tại sao anh lại làm dáng khối “Đàn ông”, “Đàn bà” như thế, anh có nói đại ý rằng anh mường tượng hình dung người đàn ông phải vững chãi và xông pha như một con tàu lớn, nên anh dựng khối như vậy, còn về “đàn bà” phải như cái gì thì tôi quên xừ mất. (Lưu ý, hình như hồi đó anh chưa “khâu vá” được những khối trụ, hay những mảng cong. Có lẽ do gò uốn thép khó, sau này phải có kinh nghiệm mới làm được). 

Với nhóm tác phẩm “Nhà” thì ý lớn của tác giả đã thể hiện rất rõ: Cái nhà (rộng ra là gia đình) là mảnh đất bình yên, để ta về nghỉ ngơi hạnh phúc hay là cái chuồng để nhốt chúng ta vậy? Một lần, tôi nghe lỏm được cuộc trò chuyện với KĐT và thầy anh. Thầy anh, sau bao năm làm việc tâm huyết ở trường mỹ thuật, thất vọng về tình hình ở đây bèn bỏ đi. Còn anh, lúc đó lại xin về trường để dạy, làm giáo sư, rồi đi học “cao học” theo đúng thể thức. Thầy anh chất vấn: Tại sao cái trường nó… như thế như thế mà mày còn đút đầu vào đó làm gì? Anh trả lời, đại khái: Tôi làm việc đó vì gia đình! (đại ý tức là vì một danh xưng, một vị trí xã hội, một vai trò, mà bố tôi, mẹ tôi, vợ tôi rất cần để tự hào về con, chồng!).

Sinh ra trong một gia đình không có “nòi” về nghệ thuật, thuộc giới trung lưu bình dân ở các vùng nông thôn và đô thị nhỏ (khá nhiều trong chúng ta là thế), trong một xã hội mà việc tiêu dùng-sinh hoạt-hưởng thụ văn hóa còn chưa cao như ở ta, thì việc đi học, làm nghệ thuật đối với gia đình là việc khá mù mờ và phiêu lưu. Họ chỉ cần ta đạt được một vị trí nào đó mà xã hội này quen tai, quen tôn trọng với đồng lương không đến nỗi. Nói đến chữ kỹ-giáo sư, nhà buôn, giám đốc, quan chức… là họ hiểu ngay và e ngại lập tức, chưa cần biết ruột lõi thế nào. Động đến từ nghệ sĩ, văn sĩ, thi sĩ (bất cứ cái gì có chữ sĩ đứng sau trừ bác sĩ)… thì họ nghi ngờ và thầm dè bỉu. Trừ phi mang tiền về nhà kha khá thì họ cũng hơi hiểu, hơi hơi nể, nhưng cũng khó khoe to, khoe rõ với hàng xóm là con tôi nó làm cái gì…

Nhà – 2009 tại triển lãm “Sóng ngầm”

Tôi kể những điều riêng tư (xin lỗi tác giả) vừa rồi như vậy để minh họa cho ý này về KĐT: anh là người đàn ông trọng nghĩa vụ và trách nhiệm đối với gia đình. Theo chí hướng hơi xưa một chút là “tu thân, tề gia, trị nghệ thuật, bình bình… cái gì đó”. Và để hoàn thành nghĩa vụ ấy rất chi là khó, trong thời buổi ngày nay; đàn bà trẻ nói chung (kể cả đàn bà giỏi lẫn đàn bà kém) chẳng còn biết điều, yên phận như trước và đôi khi đòi hỏi làm ta phát hoảng. Trong khi, đàn ông từ nhà cho đến ra đường, bị/được yêu cầu phải là nền móng, là trụ cột, là con tầu. Mà đóng hết những vai ấy cho trọn rất nhọc, ối người trong chúng ta, làm “đàn ông móng” còn chưa xong, chưa kể đến “đàn ông cột” với “đàn ông tầu”…

Khi dùng những loạt tác phẩm từ sáu, bảy năm về trước của KĐT để chiếu lại triển lãm vừa rồi, thì tôi giật mình (hơi chủ quan, và vì ở đây không đủ thời gian để đưa ra thêm ví dụ, ai có phương án cảm nhận khác thì xin cứ nêu). Rằng “Chuyển động ngầm” tuy trông toàn khối trừu tượng như vậy, nhưng hóa ra đó là sự phát triển liền mạch đề tài mà anh day dứt quan tâm từ lâu. Đó là một “thiên tiểu thuyết” mang chủ đề gia đình, hình mẫu từ chính các nhân vật liên quan mật thiết đến tác giả cho tới rộng ra những mối quan hệ gia đình ngoài xã hội mà anh có thể quan sát. Một “tiểu thuyết” bằng “thép qua lửa” nghiên cứu “tế bào xã hội” năm 2015 với nhiều tuyến nhân vật, phát triển từ những “bài thơ, truyện ngắn” và cái nhà và đàn ông-đàn bà năm 2009!

Trở ngược lại với những lời giới thiệu về triển lãm của một số nghệ sĩ cao niên trong cuốn catalogue của KĐT thì sẽ có người hỏi tại sao thấy mâu thuẫn. Có thấy chữ “gia đình” đâu nào, toàn là “chuyển động”, rồi “chất liệu”, “hình thức”, “tổ chức không gian…” đấy chứ. Vậy câu hỏi sẽ là thế nào ở đây? Tôi đoán mò? Tác giả tự lừa mình hay lừa chúng ta, muốn đề cập một đằng, lòng quan tâm một nẻo? Thì đây, chỉ cần đọc lại lời tự bạch của tác giả, ta sẽ rõ ngay: “Dòng sông sẽ trở nên dữ dằn khi chúng bị tác động, bị thay đổi dòng chảy. Những cái cây sẽ biến thể, dị dạng khi được chuyển từ rừng về nơi đất hẹp…“Chuyển động ngầm” là cái nhìn đa chiều tự thân. Sự cảm nhận trong tôi về cuộc sống, thân phận những con người trong dòng chảy của xã hội; hay những tác động cùng sự thay đổi biến hình. Chúng là những điều nằm sâu bên trong mà ta không nhìn thấy được, điều khiến lòng ta thấy bất an. Chúng biến hình đổi dạng, tạo ra sự rạn nứt, tan chảy, hoặc thành những vết thắt, vết hằn còn in lại không thể xóa nhòa được theo thời gian.

Lại quay về triển lãm, như ta đã lược qua, ta sẽ thấy tác giả sắp đặt triển lãm y như một ngôi nhà (khác cái đó là nhà thuê – phòng triển lãm nên không thay đổi được nó từ bên ngoài mà thôi. Trong ngôi nhà-gia đình đó có hai giới chính để tạo nên các gia đình, đàn ông và đàn bà (hai phòng, với hai loại khối lập phương-âm-tĩnh và trụ-dương-động như phân tích ở trên gợi ý mô phỏng cho ta điều đó). Đây là một “gia đình giả tưởng” và điển hình hóa/trừu tượng hóa bằng góc nhìn của điêu khắc. Và tôi đồ hình như thế này: Một vế của ngôi nhà đó là giới đàn ông. Một con đực đầu đàn to đùng ngự chính giữa (khối Chuyển động ngầm I). Một ông già khuềnh khoàng, quá khứ với những chiến công anh hùng sứt sẹo lồi lõm của ngài chỉ còn là ảo vọng (gương), còn hiện tại thì rạn vỡ và sắp xỉu (bị xắt làm ba khúc). Xung quanh cái mặt trời dương tính này là một loạt cái con, cháu trai. Thằng thì đang tráng kiện, thằng còn đang tè dầm, nhưng cũng đều nứt nẻ, bị xô đẩy ảnh hưởng từ quá khứ của bố chúng, ông chúng… Một vế bên kia là giới đàn bà, có tận ba bà: bà cụ mẹ, bà vợ già, bà con dâu, to quyền không kém gì nhau (ba khối Sóng-Chảy-Xoáy), cũng có một số cháu gái nhỏ còn măng non đẹp đẽ… Ở bên kia thì bọn đàn ông rạn vỡ, còn bên này bọn đàn bà cũng chung chiêng (khi KĐT chuẩn bị trưng bày, ba khối lập phương âm tính của anh đều được mọi người khuyên là hoặc để tịt xuống nền phòng, hoặc treo hẳn lên. Nhưng tác giả nhất quyết bày nó với sự nghiêng-chung chiêng đó). Mối liên thông giữa hai vế này là ba khối vuông treo lên với ba cái lỗ sơn đỏ.

Mối liên thông giữa hai phòng là ba thớt vuông treo, lỗ vuông sơn đỏ

Đó có phải là ba cái kênh, ba mối liên hệ khắng khít thiêng liêng nhất giữa đàn ông với đàn bà trong một gia đình: kinh tế, tình dục, con cái và tri âm, tri tâm chăng? Còn lý do để làm cho một đại gia đình có hai vế đối này biến hình rạn vỡ-chung chiêng? Có phải là những “chuyển động ngầm” của dòng chảy xã hội từ quá khứ và hiện tại. Đó là những cuộc chiến tranh, thay đổi thời đại, biến cố xã hội đủ kiểu khiến con người gàng mắt ra mà chẳng thấy bờ bến. Cả nền tảng quan hệ gia đình thiêng liêng nhất cũng không được chừa trong các biến cố đó, cha, mẹ-con hại nhau, anh em họ hàng đâm chém nhau, vợ chồng, tình nhân lừa đảo nhau. Người giết người, thảm sát nhau tàn độc chỉ vì những lý do vớ vẩn, dân không còn biết tin vào cái gì nữa thì đổ xô vào dị đoan… Những mơ ước từ ngắn hạn cho đến dài hạn của con người bình thường kinh qua mỗi thế hệ với những kinh nghiệm đau đớn cũng như những hạnh phúc nhỏ nhoi. Ở trung tâm, chứng kiến hết những cái sự đó, là con người tác giả thì hiện tại đơn. Con người ấy được chuyển giao quyền làm chủ, lại được trao con mắt xuyên thấu của nghệ thuật. Con người ấy muốn điều hòa, cân bằng, muốn xây, muốn hy vọng chứ không muốn phá. Cảm xúc của con người ấy là cảm xúc làm chủ, nhìn thấy những rạn vỡ, từ hàng chục, hàng trăm năm trước và muốn hàn gắn. Nền tảng cũ thì đã bị chà đạp tan nát và ngoe nguẩy méo vẹo, giá trị mới học mót lung tung vẫn đang lắp ghép chưa ăn thua. Con người ấy chỉ còn biết ra công hàn gắn và gắn hàn. Nhưng xúc cảm của con người ấy đồng thời trong cái cố công ấy cũng là bất lực và cóc biết bắt đầu từ đâu. Nhìn quanh để học tập kinh nghiệm, thì thấy những gia đình, hay đại gia đình khác của cả cái đất nước này cũng vướng víu những bi kịch y như gia đình mình. Và những người làm chủ khác cũng gà mắc tóc chẳng kém gì ta. Biết làm thế nào bây giờ? Ngày mai ra sao?

*

(Còn tiếp phần 4)

Ý kiến - Thảo luận

16:01 Wednesday,16.9.2015 Đăng bởi:  candid
Không liên quan chứ ảnh minh họa xấu quá. Trước khi triển lãm các bác không chụp tư liệu ạ. Nhìn không có tí không gian nào cả.
...xem tiếp
16:01 Wednesday,16.9.2015 Đăng bởi:  candid
Không liên quan chứ ảnh minh họa xấu quá. Trước khi triển lãm các bác không chụp tư liệu ạ. Nhìn không có tí không gian nào cả. 
15:13 Wednesday,16.9.2015 Đăng bởi:  Madame
Vì chưa có biểu tuong phổ quát xuyên suốt, nên Vũ Lâm mới truyền kỳ mạn lục được dài thế chứ?!? Cái khó của phê bình chính là đây: điểm tâm nhất chỉ, nói trúng vấn đề, chắt lọc mà bao quát. Chứ cứ khê kha hề hà dài mãi, thì tượng sắt sẽ bị trui rèn thành ...mã tấu rồi. Trêu thế thôi chứ mình cũng chỉ như mẹ Đốp loét xoét vành ngoài, bà con cứ ngâm cứu
...xem tiếp
15:13 Wednesday,16.9.2015 Đăng bởi:  Madame
Vì chưa có biểu tuong phổ quát xuyên suốt, nên Vũ Lâm mới truyền kỳ mạn lục được dài thế chứ?!? Cái khó của phê bình chính là đây: điểm tâm nhất chỉ, nói trúng vấn đề, chắt lọc mà bao quát. Chứ cứ khê kha hề hà dài mãi, thì tượng sắt sẽ bị trui rèn thành ...mã tấu rồi. Trêu thế thôi chứ mình cũng chỉ như mẹ Đốp loét xoét vành ngoài, bà con cứ ngâm cứu đi, bác Lâm nói chí phải, anh Tuyền đúng là chính nhân quân tử rồi. Tượng nầy mà có cái bảo tàng nào oách, tậu cả về chơi, thì hay quá. Chúc quý vật tìm được quý nhân, còn tri kỳ thì có bác Lâm đây rồi!!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả