Gẫm & Bình

Hát nói (bài 4): “Lực của vật chất” và lực của răng với mắt 17. 09. 15 - 11:18 am

Vũ Lâm

(Tiếp theo các bài 1, bài 2, và bài 3)

*

“Chuyển động ngầm 9”, 2015. Sắt sơn, 48 x 20 x 20cm

Trên đây là “diễn ngôn sến” của tôi về cái tinh thần triển lãm của KĐT –cái bí mật cuối cùng như tôi cảm nhận thấy. Điều đó cũng hết sức mơ hồ và chủ quan, như tôi đã nói ở trên. Bởi ngôn ngữ tạo hình chỉ có thể đọc nó bởi chính nó, không thể dịch ra một thứ tiếng khác được. Tôi diễn ngôn ra như thế bởi tôi nhớ đến một câu của tiền nhân: Chứng kiến sự trồi sụt của một gia đình, ta sẽ thấy được sự vận động của cả một xã hội. Có vẻ, khá nhiều những trường thiên tiểu thuyết của nhân loại muốn mô tả một xã hội, một thời đại, như một hằng số là luôn bắt đầu từ những bi-hài-tự sự kịch của một gia đình. Thời cổ là “Ơ-đíp làm vua”, thời cận hiện đại là “Anh em nhà Ka-ra-ma-zốp” chẳng hạn… Và còn vô số kể những tiểu thuyết hay ho nữa, mà nếu kể tên ra ở đây, hẳn người đọc dù có ngầy đến mấy cũng không có cớ nào… chém tôi được. Như vua Sa-ry-a không chém được nàng Sê-hê-ra-zat, như đức vua Ấn Độ cổ không chém nổi được người kể cho ông ta chuyện con chuột ăn cắp kho thóc của nhà vua (mãi mà không hết).

Từ đó, còn nghe như thêm một tiếng thầm thì của KĐT – một con người hay ú ớ, lúng túng khi sử dụng lời nói, hình như muốn tâm sự với người xem rằng: Phải củng cố lại, bắt đầu từ gia đình mà ra, củng cố ngay từ bây giờ, từ thì hiện tại chứ đừng có nông cạn “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Đàn ông thì hành động bằng danh dự, trách nhiệm và tình yêu. Đàn bà thì bằng tình yêu, đức hy sinh và bổn phận. Hãy xem, những chồi mầm lành lặn tươi tắn vẫn đang nhú lên bất chấp quá khứ rách rưới đấy thôi. Phải bắt đầu từ nơi bắt đầu, từ những gì căn bản và thiêng liêng nhất và phải hành động ngay lập tức. Những gì được Chúa, Thần, Phật, Thánh hoặc các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả (với các tên gọi theo cách phát âm u ơ khác nhau của hậu duệ cái loài xây tháp Babel) đã chứng giám!!!

“Mưỡu hậu”

“Rồi cũng cờ, cũng biển, cũng võng, cũng lọng, cũng hèo
Cũng giương mắt ếch, vểnh tai mèo trong cõi tục”
(Lời trong bài hát nói Thi hỏng của Trần Tế Xương. Nguyễn Xuân Diện dẫn)

“Chuyển động ngầm 6”. Sắt sơn. 22 x 55.5 x 19

Như đã nói từ đầu, “Chuyển động ngầm” của KĐT là một triển lãm được quan tâm chờ đợi, nhận được nhiều lời phê phán và bình luận từ khi tác phẩm còn đang ở xưởng… Những người quen KĐT đều biết, anh là người dễ bị những tay lợi khẩu bắt nạt. Thường chỉ khi bộc bạch cá nhân hai ba người, hoặc tự bạch với tác phẩm của mình thì mới anh mới trình bày mạch lạc phân minh. Một bậc thầy cho rằng tác phẩm của KĐT làm lần này là “yếu đuối, ve vuốt” đem “tư duy tiểu nông với đất, gỗ, đá” vào kim loại, chứ chưa dám tác động mạnh-đối chọi-đập phá (theo kiểu như các anh Tây). Lúc nghe vậy, tôi không phản biện được, vì triển lãm lúc đó vẫn chưa thành hình và “xuất bản”. Tôi chỉ lờ mờ cho rằng việc tác động mạnh hay tác động yếu vào kim loại không quan trọng bằng việc tác giả muốn và quan tâm điều gì, và dường như tác giả vẫn đuổi theo và hoàn thiện cái mạch sáng tác khởi phát từ năm 2008-2009. Nhưng cũng phải một thời gian sau khi kết thúc triển lãm, bằng sự tìm hiểu lý giải riêng có phần nhiều chủ quan, tôi mới kết thúc được mối nghi hoặc này.

Triển lãm của  KĐT, với triển lãm cá nhân vừa qua của Lương Văn Việt, Trần Trọng Tri cùng trong năm nay, đóng cọc mốc cho sự trưởng thành, chuyển giao thế hệ hoàn hảo của một lứa điêu khắc mới ở Hà thành, có người trong “nhóm Thanh Thủy”, có người sẽ phủ nhận. Tuy nhiên, ghép tên một số tác giả này lại, kiểu nào nghe cũng thuận tai: Tuyền-Lương-Tri, Lâm-Việt-Tính, hoặc Lương-Tuyền-Tính, Việ-Lâm-Tri. Bắt chước kiểu gọi “Gang of Five” của bác Dương Tường những năm 90 thế kỷ trước, nay điêu khắc thế kỷ 21 ngoài Bắc có “Band of Six”!!! Vì cùng làm việc và giao lưu thường xuyên, ngôn ngữ điêu khắc của cái “Band of Six” này (và còn thêm một số tác giả trẻ nữa) có ảnh hưởng tương đồng qua lại khá thú vị, mà tôi sẽ trình bày vào một dịp khác.

“Thuyền số 3”. tác phẩm của Trần Trọng Tri

Tôi chưa được học nhiều, đi rộng trong thế giới nghệ thuật không có  đường biên giới, nhưng tôi luôn cho rằng nhìn nghệ thuật phải nhìn bằng trái tim, bằng kinh nghiệm sống chứ không phải qua một đống bã tri thức vơ váo nhồi nhét lung tung. Theo một mẫu câu nổi tiếng từ Holy Bible, tôi chế là: “Những gì của thân thể, trả về cho thân thể. Những gì xuất phát từ tâm hồn, đi tới tâm hồn”. Nhưng thân và tâm có tách rời nhau được không? Ta cần lắng nghe nghệ thuật từ việc lắng nghe toàn bộ các tế bào trên cơ thể ta rung lên, ngân lên không vướng víu thành kiến, áo quần hay kính mắt. Dù đó là các tế bào ở đầu, ngực, bụng hay giữa hai chân… Bởi vì dù khó thấy đến mấy, đó chắc chắn luôn luôn là những câu chuyện sinh ra từ con người, để nói về con người.

Nốt cái kết của truyện tiếu lâm về răng và mắt ở trên đầu, bài 1. Ông bạn nọ cá với ông kia là răng tao có thể cắn mũi. Ông ta bèn lôi răng giả ra cặp vào mũi mình (chứ để cắn vào mũi thằng khác, chắc phải dùng răng thật mới hiệu quả). Ông kia thách lại là lưỡi dài liếm mắt, nhưng là móc mắt giả ra liếm (may mà liếm mắt giả của mình, chứ liếm mắt thật của thằng khác nó oánh cho bỏ…mịa).

Tôi kể câu chuyện này vì một lý do, một nhà điêu khắc tiền bối cho rằng kim loại là một thứ rất đáng sợ, vì nó là “lực của vật chất” (định nghĩa về kim loại của điêu khắc gia David Smith, 1906 – 1965). Nhưng tôi e là nó chưa đáng sợ bằng lực của răng với mắt, đặc biệt đáng sợ khi đó là mắt giả và răng giả. Các bạn trẻ đang lang thang du hành thưởng thức thế giới nghệ thuật. Xin chớ dùng mắt, dùng răng của người khác. Vì sẽ chẳng nhìn giúp, hay cắn hộ được đâu, nếu như mượn, thuê, mua nhầm đồ giả…

Giờ mới nhận ra KĐT của chúng ta hao hao giống nhà điêu khắc này – người được in lên tiền Ru-ma-ni vào những năm 1991-1992. Constantin Brancusi (1876 – 1957), người cũng làm nhiều tác phẩm nổi tiếng về tình yêu, với cảm xúc ngưỡng thượng trong vắt. KĐT làm tượng về gia đình, nền tảng của gia đình, cũng là tình yêu…

 

Hết

Ý kiến - Thảo luận

10:55 Tuesday,22.9.2015 Đăng bởi:  Ngũ Cốc
Dài dòng quá đê. Ơ nhưng mà sao có thứ không dài dòng lắm mà đọc được vài câu đã muốn bật kênh khác. Cái thứ này dài thế mà mình vẫn đọc nổi đến hết. Bực hết cả mình :))
Mà đồng chí Lâm này đưa ra cái kiểu viết mỹ thuật cái kiểu gì gì thế này. Chẳng giống gì với các sư phụ của anh ta cả. Lột trần quá. Viết mỹ thuật nó phải ngắn, bay bướm, và, v
...xem tiếp
10:55 Tuesday,22.9.2015 Đăng bởi:  Ngũ Cốc
Dài dòng quá đê. Ơ nhưng mà sao có thứ không dài dòng lắm mà đọc được vài câu đã muốn bật kênh khác. Cái thứ này dài thế mà mình vẫn đọc nổi đến hết. Bực hết cả mình :))
Mà đồng chí Lâm này đưa ra cái kiểu viết mỹ thuật cái kiểu gì gì thế này. Chẳng giống gì với các sư phụ của anh ta cả. Lột trần quá. Viết mỹ thuật nó phải ngắn, bay bướm, và, và, và tung hỏa mù mới thú chứ??"? 
15:26 Thursday,17.9.2015 Đăng bởi:  LC

Hay, quá !


...xem tiếp
15:26 Thursday,17.9.2015 Đăng bởi:  LC

Hay, quá !

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả