Điện ảnh

Sicario: kỹ thuật tuyệt đỉnh nhưng phải chuẩn bị thuốc nhức đầu 25. 09. 15 - 11:41 pm

Pha Lê

Cuối tháng bị một vố thất vọng ê chề vì phim Mã mê cung phần 2 dở hơn hẳn phần 1 – mà phần đầu cũng chưa phải hay lắm nên đủ hiểu cái bản tiếp theo tệ đến cỡ nào. Rút kinh nghiệm, trước khi xem Sicario (Việt Nam mình dịch thành Ranh giới) tôi tìm hiểu xem phim này thế nào. Kết quả cho thấy phim nhận nhiều lời khen, nghe đâu đạo diễn còn có cơ hội làm tiếp phần 2. Thế là tôi mua vé vào rạp.

Poster phim “Sicario”

Xem thì công nhận phim không tệ, nhưng cũng chẳng biết có nên rủ rê người khác xem luôn hay không.

Sicario kể về một vấn đề nhức nhối ở Mỹ: cuộc chiến với thuốc phiện – chủ yếu tuồn từ Mê-hi-cô, và các băng nhóm buôn ma túy (drug cartel). Ngay khúc dạo đầu, đạo diễn Denis Villeneuve đã đi thẳng vào vấn đề với cảnh nữ đặc vụ FBI Kate Macer (Emily Blunt) xông vào căn nhà lụp xụp ở bang Arizona. Kate làm trong tổ giải cứu con tin, và theo tin báo thì ngôi nhà nhóm của cô đang xông vào là nhà của một kẻ bắt cóc. Tuy nhiên thông tin này sai, Arizona vốn giáp ranh với Mê-hi-cô nên vùng gần biên giới là nơi các băng đảng buôn ma túy hoành hành, căn nhà nhóm FBI tấn công thực chất lại là chỗ hoạt động của tay chân thuộc băng nhóm của ông trùm Alarcon.

Cảnh cô Kate và đồng nghiệp tại khu vực ngôi nhà của bọn buôn ma túy

 

Căn nhà này nằm gần biên giới Mê-hi-cô nên mọi thứ nhìn hơi bị oi bức

Bi kịch nối tiếp bất ngờ khiến hai đặc vụ trong nhóm cô Kate thiệt mạng. Quyết tâm giành công lý cho đồng đội đã hy sinh, Kate xung phong tham gia biệt đội chống ma túy để lần theo đường dây buôn lậu cũng như tóm tên Alarcon.

Tuy nhiên, trong bữa đầu tham gia đội mới thì Kate đã phát hiện ra rằng nhóm chống ma túy này bất thường từ nhân sự cho tới cách hoạt động. Đội trưởng Matt Graver (Josh Brolin) là một tay xuề xòa không thích làm việc theo luật lệ sách vở, còn chuyên gia về đường dây buôn thuốc phiện Alejandro (Benicio del Toro) thì chẳng chịu hé lộ chi tiết thông tin hay đường đi nước bước cho nhóm hòng truy bắt tội phạm – đến mức Kate bực mình hỏi về chức vụ lon hàm của Alejandro thì mới biết là… không có. Anh chàng Alejandro hoàn toàn là người Mê-hi-cô, chẳng liên quan gì đến tổ chức của Mỹ và đúng ra anh không có quyền hoạt động cùng nhóm. Lúc Kate hiểu rằng truy bắt các ông trùm ma túy đồng nghĩa với chuyện làm việc ngoài vòng pháp luật cũng là lúc Kate vướng vô một thế giới xám xịt của những thứ nửa thiện nửa ác, nơi bạn không ra bạn, thù không ra thù.

Cô Kate, đội trưởng Matt (áo lính, đang vịn vai anh nhân viên kỹ thuật), và Alejandro (áo đen)

 

Alejandro nói chuyện với dân nhập cư bất hợp pháp (anh cho rằng đường người Mê-hi-cô bí mật chạy sang Mỹ cũng là đường bọn ma túy dùng để buôn lậu nên anh ra gặp họ hỏi han). Alejandro lắm lúc làm việc trái quy định, khiến Kate bối rối

Nhiều ý kiến cho rằng phim này hay do dàn diễn viên đóng quá tuyệt, del Toro với Josh Brolin đều là những tên tuổi lớn, từng nhận đề cử lẫn thắng Oscar. Emily Blunt cũng là một tài năng trẻ sáng chói, nổi tiếng là đóng được vai hài lẫn vai bi, và còn là một người vô cùng quyết tâm vì Emily đã phải kiên trì vượt qua bệnh nói lắp khi còn nhỏ để trở thành diễn viên như hôm nay. Đã vậy cô nghệ sĩ người Anh này còn giả giọng Mỹ chuẩn y người bản xứ trong phim nữa, thật là nể.

Cảnh nhân vật Kate của Emily trình bày sự việc với cấp trên và phát hiện ra rằng nếu thể theo bài bản thì cô sẽ chẳng bao giờ tóm được tên đầu sỏ ma túy nào

Do đó nếu nói Emily, Josh Brolin, và del Toro làm nên thành công cho tác phẩm này thì cũng đúng, nhưng ngoài ra tôi thấy còn công rất lớn của một tài năng lỗi lạc không kém: nhà quay phim Roger Deakins

Đạo diễn Denis Villeneuve và ông Roger Deakins

Người hâm mộ điện ảnh sẽ chẳng lạ gì cái tên này, Roger là một trong những nhà quay phim lão luyện bậc nhất, và dạo gần đây ông đã có tuổi nên ông ít nhận lời làm phim hơn. Vì thế ai đã mê ngắm hình ảnh đẹp luôn phải xách thân vào rạp xem phim có Roger quay, cơ hội có hạn nên phải chộp liền chứ, và phải công nhận rằng khung hình của Roger luôn khiến phim hay hơn, ngay cả khi phim không xứng đáng với cái hay ấy.

Xuyên suốt Sicario, ống kính của Roger thu trọn cái ánh sáng vàng tuy không chói nhưng gắt gỏng ở Mê-hi-cô, báo hại khán giả ngồi trong rạp gắn máy lạnh mà vẫn thấy bức bối. Hiếm khi nào tôi thấy một bộ phim mà không khí của nó bao trùm được cả yếu tố thời tiết, khiến sự mệt mỏi trên mặt nhân vật hòa lẫn với sự khô hanh trên phần nền của từng khung hình. Điều này phần nào giúp diễn xuất của Josh, Emily với del Toro nom tự nhiên hơn hẳn khi đứng giữa không khí khắc nghiệt. Tác phẩm này thuộc thể loại hình sự hồi hộp mà, nên mặt mày mọi người thường hay lên gân lên cốt, nhưng dưới ống kính của Roger thì không ai nhìn thái quá hoặc căng thẳng quá mức cần thiết.
 

Cảnh đội chống ma túy lái xe vượt biên giới để sang Mê-hi-cô. Đoạn này cũng căng thẳng lắm, nhìn tiết trời vừa nóng vừa khô bụi thì lại còn hồi hộp hơn

Sicario cũng là phim phụ thuộc nhịp điệu chứ không đeo bám các màn hành động đua xe. Phim chẳng bới đâu ra các khung cảnh hoành tráng kỳ bí như trong Bí kíp luyện rồng 2, lại càng không có nhiều màn hành động đẹp mắt như Skyfall – Roger Deakins cũng là người chịu trách nhiệm về mặt hình ảnh cho hai phim này, nhưng mỗi phim cần một cách quay khác nhau, thế nên việc Sicario cần một góc máy khác cũng là lẽ thường tình. Và với tác phẩm vắng bóng những cảnh “chỗ này nổ một cái chỗ kia nổ hai cái” thì ngoài tình tiết và cách quay ra là chẳng còn cách nào khác để khiến nó hấp dẫn. Dù biết rằng dạo này Roger phải bớt nhận phim vì lý do sức khỏe, nhưng cái đoạn nhóm chống ma túy lái xe từ Mê-hi-cô quay về Mỹ sau khi bắt được tội phạm vẫn khiến tôi phục lăn năng lực làm việc (cho ra kết quả rất tốt) của ông.

Tỉnh tiết này trong phim cũng hợp lý thôi, các thành phố nằm dọc biên giới Mỹ với Mê-hi-cô là nơi các băng nhóm ma túy cắm hang ổ để tiện tuồn chất cấm sang Mỹ bán. Lúc biệt đội của Kate lái xe từ Mỹ sang thì đường vắng tênh (vì người Mỹ chẳng mấy khi đổ xô sang Me-xi-cô nghèo khó để làm gì), nhưng lúc bắt được một tay anh chị trong giới băng đảng và áp giải hắn về Mỹ thì đường về lại chật cứng. Đám tay chân anh em của tên trùm lái xe chạy theo biệt đội để tìm cách giải cứu đại ca cũng bị kẹt ở ngay làn đường bên cạnh.

Cảnh đua xe căng thẳng thì dễ rồi, phim nào cũng thấy hoài. Còn cảnh… kẹt xe căng thẳng nghe có vẻ kỳ cục, ngược đời, nhưng Sicario làm hay hết chỗ chê. Một bên là dòng xe đặc vụ, một bên là xe của băng nhóm ma túy, xung quanh đầy người dân thường vô tội. Manh động hay xả súng rất khó nhưng lườm nhau mãi cũng không được. Người xem cứ thế hồi hộp giữa dàn xe kẹt. Điều này đồng nghĩa với việc xung quanh toàn các kiểu bốn bánh với đủ loại kính phản chiếu – ác mộng của nhà quay phim là đây, quay sao cho góc máy vẫn đẹp mà không chình ình cái mặt mình phản chiếu trên kính đặt ở khắp nơi chả phải dễ. Thế mà Roger làm được, từ cảnh quay góc rộng để thấy toàn cảnh kẹt xe đến cảnh cận bên trong nối tiếp nhịp nhàng không một chút lỗi. Đoạn kẹt xe này đủ để bù tiền vé lẫn cái công bỏ ra để lết vào rạp xem phim.

Toàn cảnh kẹt xe

 

Cảnh cận quay nhân vật Matt của Josh Brolin. Anh vừa ngồi bên trong vừa rút súng ra lắp lắp, khiến cô Kate hết hồn vì xung quanh toàn dân thường, sao mà nổ súng nã đạn ào ào được

 

Cảnh các đặc vụ ra ngoài để từ từ tiếp cận chiếc xe có tay chân của ông trùm họ vừa bắt ở Mê-hi-cô. Cảnh này phải vào rạp xem mới sướng, ngắm hình không bõ bèn gì cả

Hay thế đấy, nhưng uổng một nỗi là đối với những ai không-phải-Mỹ thì Sicario sẽ là phim khó nhằn.

Bộ phim gần như không có nhân vật chính mà xoanh quanh cả 3 nhân vật của Emily, Josh, và del Toro. Điều này khiến người xem khó tập trung đã đành, vậy mà nguyên bộ phim gần như chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Đành rằng phim bom tấn với mô-típ “giết kẻ thù cứu thế giới” chán lắm, nhưng nếu phải giết – một hành động không ai lấy làm vui – thì đổi lại nên có… hòa bình thế giới. Tôi không muốn nói trước kết thúc, nhưng ai đang có ý xem phim thì nên chuẩn bị tinh thần rằng nhân vật có đày đọa bản thân cỡ nào thì kết cục vẫn sẽ ảm đạm, cùng lắm cái việc tốt nhất mình có thể làm là… trả thù qua lại. Vì ngoài đời nó thế, vấn nạn ma túy ở Mỹ có khá lên chút nào đâu.

Các ông trùm buôn lậu là những kẻ ngồi biệt thự có hồ bơi, khi tuồn ma túy sang Mỹ, kẻ cầm từng bịch thuốc phiện đi bán lại là người nghèo – chủ yếu là người da đen hoặc người gốc Mê-hi-cô – không có gì để sống nên phải bán ma túy hòng bươn chải. Cảnh sát có tóm thì chỉ tóm được mấy tay bán nhỏ nhỏ tép riu, nhưng bảo họ khai ra ông chủ thì một là họ không khai được vì có gặp thẳng mặt bao giờ đâu, hai là sợ nếu nói ra sẽ bị băng đảng kéo đến báo thù, giết vợ giết con. Rất khó để vịn gáy các ông trùm – vịn rồi cũng khó vì ông này chết là các băng nhóm cạnh tranh sẽ ào tới chiếm lãnh thổ, gây thương tích cho cả dân thường.

Cuối cùng nếu làm đúng luật thì cảnh sát chỉ toàn bắt được tay sai vặt. Nhà tù Mỹ chật cứng tội phạm bán ma túy hàng cu ly, phần lớn trong số đó là da đen. Dần dà việc bắt toàn dân da đen nghèo phạm pháp lại khiến nạn phân biệt chủng tộc gia tăng. Dân chúng la ó phản đối mãi mà cảnh sát cũng chịu thua, đến khi lượng người da đen vì hoàn cảnh phải bán chất cấm rồi ngồi tù lên tới 90% thì chính Brad Pitt cũng đau xót, anh bèn bỏ tiền ra tài trợ cho một phim tài liệu về ma túy và nhà tù để cảnh tỉnh xã hội (phim The House I Live In, rất có ích, rất nên xem).

Cảnh các tội phạm da đen trong “The House I Live In” – cảnh sát bắt nhiều nhưng chẳng ích gì, không người nghèo này chạy vặt cho các trùm may túy sẽ có người nghèo khác. Trong “Sicario” cũng có đoạn sếp của Kate nói với cô rằng hai năm gần đây ông xử phạt lẫn bắt giam nhiều tay buôn ma túy vô kể, nhưng kết quả có đem lại gì đâu. Nghe câu đó bỗng nhớ đến phim tài liệu của Brad Pitt, rồi thấy chạnh lòng

Kết quả hiện giờ của vấn nạn này vẫn là bất lực, bất lực, và bất lực. Tôi dò hỏi đứa bạn sống ở Mỹ thì nó cũng bảo rằng nếu sống ở những vùng nghèo thì chuyện thấy dân da đen hay dân Mê-hi-cô ngồi chia thuốc trong bếp và ra ngoài bán là như cơm bữa. Nếu họ bị tóm thì họ cũng chẳng dám khai ra cấp trên cấp dưới gì đâu do sợ trả thù. Đồng đảng của bọn buôn lậu trong nhà tù nào cũng có, ở ngoài cũng có, hó hé miệng thì chỉ còn đường chết. Sống trong vấn nạn không lối thoát này, Sicario an ủi dân Mỹ rằng họ không cô đơn, do các nhân vật của phim cũng mắc kẹt với vòng lẩn quẩn ấy khi chiến đấu với băng đảng ma túy. Dân Mỹ ùa đi xem phim, đến độ Sicario có thể sẽ ra đến phần 2.

Nhưng đối với những ai đang đau khổ vì chuyện khác, sống trong môi trường có những khó khăn khác, Sicario lại là một mớ bòng bong nặng nề. Nhìn cảnh nhân vật trên phim rũ bỏ bớt phần nhân tính của mình chỉ để bắt giết cái kẻ ít nhân tính hơn, để rồi rốt cuộc xã hội vẫn đầy chất cấm, các băng đảng cartel vẫn lũng đoạn Mê-hi-cô… quả thật mệt mỏi lẫn nhức đầu. Đứa bạn xem phim cùng than: phim quay quá đẹp, nhạc nhẽo không có dồn dập ình ình, điễn viên đóng hay, mà sao xem xong thấy nặng như chì, đầu óc cần một viên efferalgan. Thật uổng một tác phẩm có kỹ thuật tốt đến thế, nhưng cố hết sức cũng khó lòng cảm nhận được cái vấn nạn này dùm cho ông Mỹ, thôi để ông ấy tự nhức đầu một mình vậy.

*

Lịch chiếu:

Hà Nội

Vincom Center (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) 2D đến 28.9
Mipec Tower (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) 2D đến 1.10
Hồ Gươm Plaza (Tầng 3, TTTM Hồ Gươm Plaza, 110 Trần Phú, Phường Mỗ Lao, Quận Hà Đông, Hà Nội) 2D đến 27.9
Trung tâm chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình) 2D đến 29.9
Platinum Cineplex the Garden (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) 2D đến 27.9

Tp.HCM
CGV Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5) 2D đến 1.10
CGV CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) 2D đến 28.9
CGV Parkson Paragon (Tầng 5, tòa nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) 2D đến 28.9
CGV Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) 2D đến 1.10
CGV Celadon Tân Phú (Lầu 3, Aeon Mall, 30 Bờ Bao Tân Thắng, P. Sơn Kỳ, Quận Tân Phú) 2D đến 28.9
CGV Pandora City (Lầu 3, Pandora City 1/1 Trường Chinh Quận Tân Phú TP. Hồ Chí Minh) 2D đến 1.10
CGV Thảo Điền Pearl (Tầng 2, Thảo Điền Mall, 12 Quốc Hương, Phường Thảo Điền, Quận 2) 2D, 3D đến 1.10
SC Vivo City (Lầu 5, Trung tâm thương mại SC VivoCity – 1058 Nguyễn Văn Linh, Quận 7) 2D, 3D đến 1.10
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) 2D đến 26.9
Galaxy Kinh Dương Vương (718bis Kinh Dương Vương, Q6) 2D đến 29.9
Galaxy Quang Trung (CoopMart Foodcosa số 304A, đường Quang Trung, P.11, Q. Gò Vấp) 2D đến 26.9

Ý kiến - Thảo luận

18:22 Wednesday,12.10.2016 Đăng bởi:  ZZZ
Cảm ơn Pha Lê và Anh Nguyễn đã giới thiệu.
...xem tiếp
18:22 Wednesday,12.10.2016 Đăng bởi:  ZZZ
Cảm ơn Pha Lê và Anh Nguyễn đã giới thiệu. 
14:57 Wednesday,12.10.2016 Đăng bởi:  phale
@zzz: Bạn thích training day thì kiếm thử "End of Watch" mà xem. Đạo diễn phim "End of Watch" (ông Ayer) cũng là người viết kịch bản cho Training day. Mà ông Ayer nói thẳng ra có mỗi "End of Watch" là khá nhất.

Ngoài ra nếu bạn kiếm được "Secret in their eyes" phiên bản gốc của Argentina thì kiếm mà xem. Tên gốc hình như là "El secreto de sus ojos" hay sao, chứ phim này Mỹ làm lại thì
...xem tiếp
14:57 Wednesday,12.10.2016 Đăng bởi:  phale
@zzz: Bạn thích training day thì kiếm thử "End of Watch" mà xem. Đạo diễn phim "End of Watch" (ông Ayer) cũng là người viết kịch bản cho Training day. Mà ông Ayer nói thẳng ra có mỗi "End of Watch" là khá nhất.

Ngoài ra nếu bạn kiếm được "Secret in their eyes" phiên bản gốc của Argentina thì kiếm mà xem. Tên gốc hình như là "El secreto de sus ojos" hay sao, chứ phim này Mỹ làm lại thì dở òm.

Mấy tác phẩm dạng này mình xem nhiều mini series hơn là phim :)) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả