Trường phái

Tranh phụ nữ trong nhà hát của Mary Cassatt 18. 11. 15 - 7:05 am

Karin H. Grimme - Thúy Anh dịch

Không như Marie Bracquemond, Mary Cassatt – một người ngoại quốc sống ở Paris – có triển vọng nghề nghiệp tương đối tốt hơn. Nhiều nữ họa sỹ Mỹ nói rằng Paris cho họ nhiều cơ hội hơn quê nhà, bởi ở quê nhà các lề thói của giới tư sản vẫn đang thống trị đáng kể.

Mary Cassatt đến kinh đô nước Pháp năm 1865 để tiếp tục học hỏi nghệ thuật. Từ 1868, bà thường được giới thiệu tại các kỳ triển lãm của Salon, và là nữ họa sỹ duy nhất được giới thiệu tại nhiều kỳ triển lãm Ấn tượng. Tác phẩm Người phụ nữ đeo vòng cổ ngọc trai ngồi trong khoang nhà hát lần đầu tiên được bày tại đợt triển lãm Ấn tượng lần thứ tư – nơi mà cả phòng trưng bày đã bày nhiều tác phẩm của Mary Cassatt với các chủ đề về nhà hát và nhạc kịch. Tác phẩm này là một trong số tác phẩm đã tìm được người mua tại kỳ triển lãm, được bán cho nhà sưu tập Pháp Alexis Rouart.

Mary Cassatt, “Người phụ nữ đeo vòng cổ ngọc trai ngồi trong khoang nhà hát”, 1879, sơn dầu trên toan

Mary Cassatt được giới thiệu đến nhóm Ấn tượng nhờ Edgar Degas – người bạn và người thầy thông thái của bà. Giống như Degas và Renoir, Mary Cassatt vẽ các nhà hát lớn và Nhà hát Nhạc kịch Paris – biểu trưng của văn hóa và cuộc sống hiện đại. Với nét cuốn hút vào buổi đêm và thành phần khán giả nhiều sắc màu, những địa điểm này là nguồn gốc của nhiều chủ đề hội họa.

Trong các tác phẩm về nhà hát, Cassatt ít tập trung tả sân khấu và dàn nhạc như Degas, bà thích vẽ các nữ khán giả hơn. Những nhân vật quý bà trở thành đối tượng trước tiên thu hút những người đi nghe hòa nhạc, sau là thu hút khán giả thưởng lãm tranh. Khung cảnh nhà hát lùi lại làm hậu cảnh nhường chỗ các nhân vật quý bà làm đề tài miêu tả chính.

Một tác phẩm về phụ nữ trong nhà hát khác của Mary Cassatt, “Một góc trong khoang nhà hát”, 1879, sơn dầu trên toan

 

Hay một tác phẩm nữa cùng chủ đề – “Khoang nhà hát”, khoảng 1880, sơn dầu trên toan

Thể hiện nét quyến rũ về ngoại hình – như bước đi trong công viên hay làm khán giả xem hòa nhạc – là hành động thường thấy ở phụ nữ cuối thế kỷ 19. Các nhân vật nữ khán giả xem hòa nhạc của Mary Cassatt xem ra nhận thức rõ điều này. Những chiếc quạt kiểu được cầm trong tay – dùng làm vật che mặt trước những ánh nhìn soi mói – được gấp lại.

Chi tiết chiếc quạt gấp lại

Thấy rõ hơn trong bức Người phụ nữ áo đen trong nhà hát (Boston, Museum of Fine Arts), người đàn ông từ phía xa nhoài người ra khỏi chỗ ngồi dùng ống nhòm không phải để ngắm người phụ nữ đi cùng ngồi cạnh ông ta, mà là để ngắm nhân vật chính ở tiền cảnh của tác phẩm. Lúc đó nhân vật đang dùng ống nhòm nhìn chăm chăm về hướng sân khấu.

Mary Cassatt, “Người phụ nữ áo đen trong nhà hát”, 1878, sơn dầu trên toan

 

Chi tiết người đàn ông ngắm nhân vật chính bức tranh qua ống nhòm

Nhân vật mang vòng cổ ngọc trai ắt hẳn cũng đang được những khán giả khác quan sát. Cô không nhìn sân khấu mà nhìn về hướng khán giả trên các khoang chỗ ngồi, các khoang này được phản chiếu trong tấm gương sau lưng cô. Bằng việc thêm tấm gương ngay sau chiếc ghế bành đỏ, Cassatt đã bất ngờ tạo ra hiệu ứng không gian. Đường cong thanh tao của dãy khoang ghế trông thật rõ ràng trong gương, điều này tạo ra hiệu ứng không gian hai chiều một cách khác lạ. Ánh sáng phát ra từ chiếc đèn chùm không chỉ làm tỏa sáng nhân vật đang đeo vòng cổ ngọc trai từ phía trước, mà nhờ vào sự phản chiếu của tấm gương sau lưng, ánh sáng còn làm nổi bật đôi vai trắng thanh tú và chiếc găng tay của bàn tay cầm quạt. Toàn bức tranh chìm sâu trong ánh vàng đỏ, đây có thể xem là một trong những bố cục màu sắc hài hòa nhất của Mary Cassatt.

Chi tiết tấm gương phản chiếu sau lưng người phụ nữ

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

E hèm, sau đây tôi xin trả lời...

Germaine Greer – Hồ Như Mai st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả