Trường phái

Tranh vẽ người uống rượu Áp-xanh 28. 01. 16 - 9:55 pm

Karin H. Grimme – Thúy Anh dịch

.

Edgar Degas, “Rượu Áp-xanh”, 1875-76, sơn dầu trên toan

Năm 1876, khi được bày tại triển lãm Ấn tượng lần hai ở Paris và sau đó ở Luân Đôn, tác phẩm Rượu áp-xanh mang cái tên ít “độc hại” hơn: Trong quán cafe.

Edgar Degas vẽ người phụ nữ và người đàn ông ngồi cạnh nhau. Người phụ nữ có ly rượu áp-xanh để trước mặt trên bàn, còn người đàn ông ăn vận không chỉn chu đang ngậm tẩu thuốc. Trong các bài phê bình nghệ thuật Anh đương đại thời đó, cái tên Rượu áp-xanh được đặt cho tác phẩm nhanh chóng trở thành mốt, rõ ràng là do ảnh hưởng từ cuốn tiểu thuyết của Emile Zola.

Người mẫu có tiếng Allen Andree – người thường làm việc với các họa sỹ Ấn tượng, và người thợ khắc chạm Marcellin Desboutin đã ngồi mẫu cho bức này. Họ được vẽ trong quán Cafe de la Nouvelle Athenes – địa điểm gặp gỡ ưa thích của giới Ấn tượng.

Quán Cade de la Nouvelle Athenes hồi trước năm 1900

Degas từng tả thợ khắc Desboutin hút thuốc với tư thế tượng tự trong một tác phẩm in thạch bản. Một tác phẩm khác thực hiện cùng năm thì lại vẽ Desboutin và người bạn chung của họ là Ludovic Lepic.

Edgar Degas, “Chân dung thợ khắc Lepic và Desboutin”, 1876, sơn dầu trên toan

Một năm trước, Edouard Manet cũng đã hoàn thành bức chân dung Desboutin.

Edouard Manet, “Người nghệ sỹ”, 1875, sơn dầu trên toan

Tác phẩm Người nghệ sỹ (1875, Sao Paulo, Museo de Arte) của Manet một lần nữa vẽ Desboutin với chiếc mũ nhàu đội lệch về một phía. Cổ áo trắng không cài, chiếc cravat nơ thắt hờ là dấu hiệu nhận biết Desboutin.

Chi tiết tranh “Người nghệ sỹ”

Degas giữ lại các chi tiết này nhưng cho chủ đề và bố cục khác đi. Ông không lấy Desboutin làm trung tâm mà đặt nhân vật vào sát mép bức tranh, cứ như nhân vật bị cắt đi vậy, người phụ nữ cũng thế, bị dồn vào sát mép tranh. Cách bố trí thế này, theo một nghĩa nào đó là để nhấn mạnh tính tự nhiên bộc phát không tính toán của những ấn tượng nảy sinh trong tác giả, như hành động ghi chộp nhanh, bất ngờ các khoảnh khắc của ấn tượng. Những nét cọ vội vàng ở phần trang phục trông như phác thảo.

Chi tiết Desboutin bị dồn sát mép tranh

Bố cục tác phẩm được xác định bởi các lằn xéo của cạnh bàn và lưng ghế, chúng làm cho hai nhân vật như bị giam giữ. Cách sắp xếp mất cân đối một cách dữ dội kiểu này là do Degas được truyền cảm hứng từ các tác phẩm khắc gỗ Nhật Bản mà ông rất ngưỡng mộ. Ông cho ánh sáng đổ mạnh không thương tiếc lên bộ dạng khổ sở của hai nhân vật, bóng đen của hai cái đầu in trên vách như càng làm tăng bội phần tình trạng phiền muộn của họ. Trên bàn cạnh nhân vật nữ, Degas vẽ một mảng nhỏ tĩnh vật Ấn tượng – cái chai không đặt trên chiếc khay.

Chi tiết cái chai không đặt trên khay

Hình ảnh người phụ nữ uống rượu áp-xanh là phép ẩn dụ cho mặt trái đen tối của cuộc sống hiện đại. Cô tượng trưng cho sự cô đơn, bất lực, vô định và ác liệt của cuộc sống thành phố. Không lâu sau khi bước qua thế kỷ mới, một họa sỹ hiện đại khác – Pablo Picasso – cũng vẽ nhiều lần hình tượng tiêu biểu này.  Trong một tác phẩm năm 1901 vẽ phụ nữ uống rượu áp-xanh (Glarus, bộ sưu tập tư nhân), Picasso tiến gần hơn đến nhân vật (vẽ cận cảnh hơn), loại bỏ tính thờ ơ xa cách hiển hiện trong tác phẩm của Degas.

Pablo Picasso, “Người uống rượu Áp-xanh”, 1901-02, sơn dầu trên toan

Nhân vật của Picasso cũng ngồi trong quán cafe uống rượu áp-xanh, chiếc gương được lồng khung treo trên tường lặng lẽ phản chiếu ánh sáng trong phòng. Trên bàn, một chiếc cốc được rót đầy rượu xanh lá đặt cạnh cái chai không.

Chi tiết tấm gương phản chiếu trên tường

 

Chi tiết chai và ly rượu

Những điểm phản sáng mạnh và rõ trên gương mặt nhận vật cùng các tông màu nổi trội đã chỉ ra sự đối đầu đối với phái Ấn tượng từ những năm 1890 của một Pablo Picasso trẻ. Trước đó cũng trong thập kỷ đó, Picasso đã nghiên cứu tìm hiểu kỹ chủ đề và kỹ thuật của các họa sỹ Ấn tượng.

Chi tiết gương mặt người phụ nữ

*

Bài tương tự:

- Về phong trào Biểu hiện (Expressionism) Đức, thế kỷ 20

- Trường phái Ấn tượng: Ngày ấy người ta dùng màu gì?

- Về bức “Buổi họp mặt gia đình” của Frédéric Bazille

- Về những bức tĩnh vật vẽ cá

- Về hai bức chân dung mẹ và con theo trường phái Ấn tượng

- Tranh phụ nữ trong nhà hát của Mary Cassatt

- Hội họa Ấn tượng: Van Gogh vẽ Père Tanguy

- “Hoàng hôn ở Ivry” của Guilaumin: Những gì vất vả thường bị lãng quên

- Tranh Kandinsky: Như nghe được âm nhạc trong màu sắc

- Tranh vẽ người uống rượu Áp-xanh

- Sống cùng thời đại: Monet vẽ xe lửa

- Vì sao Claude Monet không thích vẽ trong xưởng?

- “Cầu Pont Marie, Quai Sully”: Guillaumin vẽ cái thô tháp của cuộc sống

- Lý giải chuyện tình dục qua “Cơn ác mộng” của Henry Fuseli

- “No Woman, No Cry” của Chris Ofili

Ý kiến - Thảo luận

17:38 Sunday,31.1.2016 Đăng bởi:  Khui
Đúng rồi bác DVT. Thấy xanh lá cây là biết rồi.
...xem tiếp
17:38 Sunday,31.1.2016 Đăng bởi:  Khui
Đúng rồi bác DVT. Thấy xanh lá cây là biết rồi. 
0:33 Sunday,31.1.2016 Đăng bởi:  DVT
Áp xanh có phải là rượu absinthe không các bác?
...xem tiếp
0:33 Sunday,31.1.2016 Đăng bởi:  DVT
Áp xanh có phải là rượu absinthe không các bác? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả