Gẫm & Bình

Chuyện cũ (bài 4): Chớ cân đong đời sống bằng chiếc cân tiểu ly 30. 10. 15 - 6:38 am

Trịnh Lữ chép lại

 (Tiếp theo bài 1, bài 2, và bài 3)

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc chụp tại Lều Vịt, Hồ Tây. Ảnh trong bài do Trịnh Lữ cung cấp

Đây là một bức thư nữa gửi học trò – trò T, Lớp Thiết kế Gỗ.

Em T. –

Thày có một chuyện này muốn nói với em:

Cái chai muốn dùng để đựng nước uống, thì trước hết phải là một cái chai không, sạch sẽ khô ráo tinh khiết, hay hơn nữa nếu làm được nó vô trùng càng tốt. Trái lại nếu bản thân cái chai đã chứa đầy thứ khác rồi thì còn đựng được giọt nước nào nữa.

Qua bài viết và bản vẽ của em thày có cảm tưởng rằng em là một cái chai đã đựng đầy thứ khác rồi.

Em có khả năng sáng tạo. Em có nhận xét khá sắc bén. Tiếc rằng 3 năm qua em không được chăm sóc học hỏi đến nơi, thành ra có nhiều sai lệch. Thày hồi xưa cũng đã có thời kỳ sống như em bây giờ – lúc nào cũng muốn lên cân đánh giá sự việc – nhưng có một việc căn bản thì lại quên. Em có biết việc ấy là gì không? Là việc quên mất rằng cái cân của mình chỉ là cái cân tiểu ly, nhỏ nhẹ đơn giản thô sơ, mà sự việc thực tế thì lại to nặng phức tạp muôn hình muôn vẻ.

Trịnh Hữu Ngọc, “Miền núi, nhà, hàng rào” 25×30, bột màu trên giấy Ingre

So với khả năng của em, so với các bản thu hoạch của anh em, thì không những em không thu hoạch được mấy mà còn có những thắc mắc khá trầm trọng.

Một là: em cho rằng thày có một cuộc sống cao hơn nhân dân thì khó có khả năng sáng tác theo nhu cầu của nhân dân, do đó không tin tưởng lắm – cũng do đó mà cho rằng chẳng có gì đáng ghi nhận lắm.

Hai là: sáng tác phải tự do, không nên vì sợ dùng gỗ to mà bỏ những đường nét cong đẹp – nghĩa là không nên để nguyên liệu hạn chế nghệ thuật (những vấn đề này giá em đã chịu khó nghe giảng thì đã rõ rồi, tiếc rằng em đã không làm thế).

Khi mới giành được chính quyền, Lénine nhân dịp bàn về văn nghệ có hỏi các đồng chí của mình về đường lối cách mạng trong văn nghệ. Người thì bàn nên bỏ cũ dựng mới. Người thì bảo nên xóa hết vết tích phong kiến. Người thì nói phải đốt hết xóa hết, kể cả những kiệt tác như E. Oneguine (như Kiều của ta), vân vân… Có người còn đòi phá cả điện Kremlin, nói rằng người Cộng sản sao lại chui vào cung vua làm gì. Lénine đã nói gì em có biết không? Ông nói rằng “Chỉ có thâu tóm được toàn bộ kiến thức của nhân loại thì mới có thể làm người Cộng sản”. Bây giờ em thấy bác Mao thì ở Cố Cung; trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thì đóng trong Kremlin. Trung ương mình thì ở Chủ tịch Phủ, mỗi cấp có một tiêu chuẩn nhất định. Nghĩa là người ta chiến đầu để xóa bỏ nghèo đói, không phải để duy trì nghèo đói. 

Trịnh Hữu Ngọc, “Ruộng nước trung du”, 18x26cm, màu nước trên giấy Canson

Đến đây chắc em cũng vẫn chưa hết thắc mắc vì đứng trên lập trường giai cấp lối của em thì em còn rất thắc mắc về 30 năm làm gỗ của thày tránh sao khỏi sự bóc lột, nếp sống tư sản, vân vân… Nếu ngược lại thày cũng lý luận như em, coi em là đối tượng đấu tranh, không công nhận đường lối cách mạng, không tin tưởng những sự thay đổi kỳ diệu của giáo dục Cách mạng, thì làm gì còn việc ngồi đàm luận với em như thế này.

Thày thành thực khuyên em nên thận trọng trong việc đánh giá sự việc. Vấn đề học tập của em còn dài. Em phải khiêm tốn, cởi mở, nhẹ về xét nét trọng bề thân yêu đối với bạn với thày, thì mới có kết quả tốt.

6-1963

*

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả