Nghệ sĩ thế giới

Các họa sĩ trẻ Trung Quốc đang làm gì? 05. 11. 15 - 8:53 pm

Theo Barbara Pollack, ARTnews, 2011 – Phạm Long dịch

Các nghệ sĩ trẻ Trung Hoa là những người luôn tự vấn nội tâm, rất sành sỏi, ngụy biện và nhận thức sâu sắc về căn tính của mình trong một thế giới toàn cầu hóa.

Một tranh cổ động thời Cách mạng Văn hóa

Trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc đã thay đổi nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong suốt thế kỷ XX. Thế hệ nghệ sĩ mới nổi từ giữa những năm 1990 là những người lớn lên trong một đất nước nông nghiệp dưới thời Mao cai trị và từng chứng kiến/trải nghiệm cuộc Cách mạng Văn hóa đẫm máu kéo dài hơn một thập kỷ – bắt đầu từ năm 1966. Nghệ thuật Trung Quốc thời đó rất nặng về tuyên truyền, cổ động hoặc phản ánh những “chân dung thời đại”, phản ánh không chỉ tình trạng đương thời mà cả những bản sắc Trung Hoa đã định hình trong thời kỳ nước này bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

Một bức tranh của Zhang Jian Ping (sinh năm 1955) về thời Cách mạng Văn hóa. Hình từ trang này. Tranh của Zhang bán rất chạy.

Thế hệ nghệ sĩ sinh ra sau năm Mao chết, 1976, đã xuất hiện và nổi lên trong nền kinh tế thị trường với những chính sách mở cửa kèm theo hàng loạt ảnh hưởng từ Tây phương (các nhà hàng ăn nhanh McDonald hay KFC, điện thoại di động và DVD) – những thứ gắn bó với mọi thành phần nghệ sĩ, nhất là những người trẻ trên dưới 30 tuổi. Nhiều người trong số họ, là sản phẩm của “chính sách một con” của Trung Quốc, đã được theo học tại các trường nghệ thuật danh tiếng trong nước và/hoặc thậm chí có điều kiện được xuất ngoại du học ở châu Âu và Hoa Kỳ. Họ có thể soi vào tấm gương của thế hệ đi trước và nhận ra rằng: thành công ở thị trường nghệ thuật quốc tế rõ ràng trong tầm tay mình; và nhiều người đã thành danh ở Trung Quốc rồi tiến xa hơn ra trên đấu trường quốc tế bằng chính năng lực bản thân.

“Xét trong bối cảnh thị trường nghệ thuật và chính bản thân các tác phẩm nghệ thuật, có thể thấy trong tác phẩm của thế hệ nghệ sĩ trẻ Trung Quốc những tiềm năng độc đáo và sáng tạo, hay hơn rất nhiều các nghệ sĩ [Trung Hoa] đã từng nổi tiếng thế giới bấy lâu nay,” Xu Bing (Từ Băng, sinh năm 1959) – nghệ sĩ từng nhận được giải thưởng nghệ thuật MacArthur, người trở về từ Hoa Kỳ và nhận chức Phó chủ tịch Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh – trao đổi. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể trông chờ vào các hạt giống thực sự của nền nghệ thuật đương đại với những thử nghiệm và phát hiện có ý nghĩa to lớn đối với tương lai … bởi Trung Hoa là mảnh đất của thí nghiệm – nơi chịu nhiều kiểu thử nghiệm nhất trên thế giới.”

Một tác phẩm của Xu Bing. Các bạn xem thêm tại đây.

Theo quan điểm của James Elaine, một curator đã từ bỏ địa vị của mình tại Bảo tàng Hammer ở Los Angeles để chuyển đến Bắc Kinh từ năm 2009, thì “tác phẩm của các nghệ sĩ sinh ra trong các thập niên 1980 và 1990 ngày càng tinh tế hơn, giàu chất nội tâm hơn.” Elaine là người đã giám tuyển cuộc triển lãm “Trong một thế giới hoàn hảo” (In a Perfect World) tại Meulensteen Gallery ở New York hồi cuối tháng 2. 2011 với tác phẩm của 12 nghệ sĩ Trung Quốc dưới 35 tuổi. Rất ít tác phẩm trong triển lãm này thể hiện những gì có liên quan rõ rệt tới Trung Quốc: không thấy những hình tượng của Mao hay Tử Cấm Thành; hầu như chỉ là những khảo sát kín đáo nhằm phát hiện những dòng chảy ngầm của những mối quan tâm xã hội và nền văn hóa Trung Hoa.

Tác phẩm của Zhou Yilun tại triển lãm. Hình từ trang này

Trong số các tác phẩm ở triển lãm này, tác phẩm độc thoại bằng video của Yan Xing (sinh năm 1986), “Dự án Người cha” (Daddy Project) (2011), mô tả về sự trưởng thành của người con duy nhất trong một gia đình chỉ có bố hoặc mẹ, và bức tranh của Song Kun (sinh năm 1977), “Người đàn bà trong lùm thông” (Woman in Pinetree) (2010), trong đó phối ghép một nhân vật phim hoạt hình với kỹ thuật vẽ tranh cuộn truyền thống.

“Rất nhiều những nghệ sĩ như thế đang nhanh chóng lột bỏ làn da Trung Hoa của mình,” Elaine nói. “Họ thực sự muốn được quốc tế hóa triệt để, song họ vẫn là người Trung Hoa, họ vẫn đang sáng tác những tác phẩm chỉ có thể được thực hiện ở Trung Quốc.”

Song Kun, “Woman in Pinetree”, 2010, sơn dầu trên toan, 45 x 65 cm.

“Trong một thế giới hoàn hảo” không phải là triển lãm duy nhất gần đây tập trung vào các nghệ sĩ trẻ. Mùa hè 2011, triển lãm “Mò Trăng Đáy Nước: Những Nghệ Sĩ Trung Quốc Đang Lên” mở tại James Cohan Gallery ở New York dưới sự giám tuyển của Leo Xu, curator độc lập, trước đây từng là Phó giám đốc của James Cohan Gallery Thượng Hải. Đây là cuộc “điểm duyệt” những góc nhìn của những nghệ sĩ Trung Quốc trẻ – hầu hết chưa bao giờ đặt chân tới Hoa Kỳ – về quốc gia/dân tộc mình thông qua những chắt lọc từ phim ảnh, truyền hình, internet, và các pho sách lịch sử nghệ thuật. Mùa xuân 2010, một triển lãm nhóm lớn mang tên “+Tiếp” (“+Follow”) đã được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Thượng Hải, cho thấy sự đa dạng tuyệt đối về phong cách của tất cả các nghệ sĩ.

Minh chứng cho sự đa dạng này là Chen Ke (sinh năm 1978, 33 tuổi), một nghệ sĩ đã thành danh so với nhiều bạn đồng liêu. Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên năm 2005, cô chuyển đến Bắc Kinh và thường xuyên trưng bày tác phẩm tại Star Gallery. Những bức tranh của cô mang màu sắc huyễn tưởng, u buồn, thường có hình ảnh một cô gái nhỏ luôn sầu não – đại diện cho hình tượng cô đơn của người con duy nhất trong các gia đình Trung Quốc hiện đại. Tháng 11. 2010, bức tranh “Nhà của Ốc sên” (The Snail’s Home) (2006) của cô đã bán được hơn 200.000 USD ở nhà đấu giá Christie’s.

Chen Ke, “The Snail’s Home”, 2006

“Đôi khi tôi có những cảm xúc lẫn lộn hoặc thất vọng mà không muốn để lộ ra cho bạn bè, cha mẹ hoặc hàng xóm biết, vì vậy, tôi phát hiện ra rằng mình có thể vẽ những bức tranh này để hóa giải những cơn buồn giận của mình,” Chen Ke kể. Đó là lời thú nhận đáng ngạc nhiên về thân phận điển hình của cả một thế hệ bàng quan với các vấn đề xã hội cũng như các chấn thương tâm lý cá nhân. Chen Ke có một studio lớn gần căn hộ của cô và một danh sách khách hàng dài dằng dặc. Tuy nhiên, theo cô, “tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ thành công”, và “thành công mang lại cho cá nhân tôi rất nhiều khó khăn”. Cô cho biết thêm: “Thành công đến sớm với tôi, và bây giờ, người ra trông đợi tôi phải khá hơn và thành công hơn nữa, vì vậy, áp lực là rất lớn. Đó không chỉ là áp lực từ bên ngoài, mà từ bên trong tôi cũng nhiều sức ép lắm.”

Ngôi sao nghệ thuật trẻ Chi Peng (sinh năm 1981, 30 tuổi) cũng có cảm giác tương tự: sợ hãi và bi quan, mặc dù đã đạt được những thành công ban đầu rất đáng nể. “Sinh ra làm người đã là điều chẳng lành. Trở thành nghệ sĩ thậm chí lại còn tồi tệ hơn,” anh nói. Chi Peng có một studio hiện đại và rộng rãi ở ngay trung tâm khu nghệ thuật 798 – trái tim của thế giới nghệ thuật đương đại Bắc Kinh. Là người đồng tính công khai, anh bắt đầu bán những tấm hình có kích thước lớn kết hợp kỹ thuật số và ảnh chụp khỏa thân chính mình chạy trên đường phố của Bắc Kinh hoặc những pha làm tình ở nơi công cộng – thậm chí ngay từ lúc anh chưa tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Trung Ương năm 2005. Anh từng được curator Feng Boyi tuyển chọn cho một cuộc triển lãm tại Chambers Fine Art ở New York năm 2004, và gần đây anh có một triển lãm cá nhân lớn tại Bảo tàng Groninger, Hà Lan. Khi được hỏi liệu anh có cảm thấy may mắn không, anh đã so sánh vị thế của mình với hoàn cảnh của đất nước, và nói: “Trung Quốc được cả thế giới chú ý, thế nên nhiều người cho đấy là điều may mắn. Nhưng thực sự thì chúng tôi đương ‘trần như nhộng’ trước mắt toàn thế giới, vậy thì có gì là may mắn nào.”

Chi Peng, “The Monkey King”, 127 x 170cm, C-print

Sự ngờ vực băn khoăn của Chi Peng và Chen Ke điển hình cho những suy tư của thế hệ trẻ Trung Quốc hôm nay. Trong khi được gia đình chiều chuộng vì là những đứa con một, họ cũng chịu sức ép rất lớn từ niềm hy vọng của chính cha mẹ. Và, không giống như những thế hệ nghệ sĩ trước kia, họ đã phải chứng kiến cơn suy thoái thị trường năm 2008 – một cuộc đại suy thoái khiến cho thị trường nghệ thuật chao đảo và thất thu lớn.

“Khi xảy ra sự sụp đổ của nền kinh tế, rất nhiều nghệ sĩ trẻ đã bị bỏ rơi,” Meg Maggio, chủ sở hữu của gallery Pékin Fine Art, một phòng tranh nằm ở quận Caochangdi của Bắc Kinh, cho biết. “Thật không may, mọi người đều đổ xô về những nơi trú ẩn an toàn của các nghệ sĩ thành danh.” Maggio kể về sự sa sút đáng kể đối với thị trường nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ.

“Tôi nghĩ rằng khi thị trường đang bùng nổ, các nghệ sĩ trẻ được cuốn theo đà phất lên, và vì vậy, họ an nhàn nhâm nhi lợi lộc. Đến khi ‘treo niêu’, thị trường sa sút, mọi thứ đóng băng, thì họ sẽ làm gì? Nếu thông minh, họ nên quay lại phòng vẽ và tập trung hết sức vào việc sáng tác,” Maggio nhấn mạnh. Các tác phẩm của hầu hết các nghệ sĩ trẻ được ông “săn sóc” thường có giá bán tương đối khiêm tốn, nói chung là dưới 20.000 đôla, kể cả một số tác phẩm của nghệ sĩ “ngôi sao” Liu Di (sinh năm 1985, mới đây đã giành giải thưởng Lacoste Elysee tại Art Basel Miami Beach năm 2010). Các bức ảnh kỹ thuật số của Liu Di với nhân vật chính là những quái thú khổng lồ chễm chệ trong những khung cảnh thành phố Trung Hoa đã bán được tới 6.000 đôla/bức.

Liu Di, “Animal regulation no. 4”, 2010, C-print, 80 x 60 cm

Một số nhà buôn tranh ở Bắc Kinh và Thượng Hải cho biết thêm: mặc dù thế hệ nghệ sĩ trẻ Trung Quốc đang lên này vẫn được thị trường quan tâm, song họ chưa thể theo kịp các bậc đàn anh khét tiếng như Zhang Xiaogang, Cai Guo-Qiang, và Yue Minjun. “Thị trường dành cho cho các nghệ sĩ trẻ Trung Quốc rất ổn định,” Waling Boers, chủ phòng tranh Boers-Li Gallery ở Bắc Kinh chia sẻ, “tuy nhiên, hầu hết các nhà sưu tập vẫn quan tâm tới một số phong cách lặp đi lặp lại, vì không phải ai cũng hiểu và dễ dàng phát hiện ra những nghệ sĩ trẻ tài năng từ bỏ các lối mòn cũ và không sao chép những mô-típ của các bậc đàn anh.”

Boers có mối liên hệ với một số nghệ sĩ trẻ đã bắt đầu có sự đột phá trên thị trường, trong đó có Qiu Xiaofei (sinh năm 1977) với những bức tranh biểu hiện khổ lớn, dựa trên các tấm ảnh xưa cũ và những kỷ niệm ấu thơ, có giá từ 50.000 tới 100.000 đôla, hay Chen Yujun (sinh năm 1976) với các tác phẩm cắt ghép phản ánh nền văn hóa thôn quê có giá từ 30.000 đến 60.000 đôla, hoặc Lu Yang, một nữ họa sĩ trẻ (sinh năm 1984) với những tác phẩm video-art và tranh in kỹ thuật số mang màu sắc khoa học viễn tưởng có giá bán từ 4.000 đến 20.000 đôla.

Qiu Xiaofei, “Chorus,” 2006

Một xu hướng của các nghệ sĩ trẻ cũng thu hút được sự chú ý của các nhà đấu giá là những tác phẩm chịu ảnh hưởng từ truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản. Ví dụ, Chen Ke nói rằng Yoshitomo Nara và Takashi Murakami đã có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển nghệ thuật của mình. Curator Victoria Lu của bảo tàng MOCA Thượng Hải đã đặt ra cụm từ “animamix” để mô tả phong cách này và chính bà đã tổ chức cuộc triển lãm Animamix Biennial tại bảo tàng Thượng Hải vào năm 2007. Bà cũng làm giám tuyển cho cuộc triển lãm phụ có chủ đề về aninamix bên cạnh Venice Biennale 2011. Tác phẩm “Corkhorse Fly and Writing” (2005) của họa sĩ Li Jikai (sinh năm 1975) đã bán được 70.000 đôla và tác phẩm điêu khắc bằng thép không gỉ gắn đèn LED của Li Hui có tựa đề “Ark No. 2” (2005) được bán với giá hơn 300.000 USD tại nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông tháng 5 năm 2008. “Chúng tôi đang khá thận trọng với các nghệ sĩ này vì họ còn trẻ”, Ingrid Dudek, một chuyên gia về nghệ thuật châu Á đương đại tại nhà Christie’s phát biểu. “tuy nhiên, đã có những nghệ sĩ thuộc thế hệ này thực sự có nhiều hứa hẹn và đang được thị trường thế giới quan tâm.”

Một tác phẩm của Li Jikai theo phong cách animamix

Liang Yuanwei, sinh năm 1977, là một trong những nghệ sĩ đã được quốc tế công nhận ngay cả trước khi cô lập kỷ lục đấu giá với một bức tranh sơn dầu trông như một mảnh vải lụa có những họa tiết hoa lá trang trí tinh tế. Cô nói rằng những người có ảnh hưởng quan trọng tới cô chính là Mark Rothko và Luc Tuymans, mặc dù tranh của cô rất giống các súc vải bên trong những tiệm may ở Thượng Hải. Cô là một trong năm nghệ sĩ, và là phụ nữ duy nhất, có tác phẩm trưng bày trong gian Trung Quốc của Venice Biennale. Tác phẩm của cô có giá bán lên đến 70.000 đôla và hiện thường xuyên được bày ở gallery Boers-Li, tại Bắc Kinh Xá (Beijing Commune), và phòng tranh Pace Bắc Kinh.

Liang Yuanwei, “A Piece of Life”, 2006–08, sơn dầu trên toan, 28 × 24 cm

Tôn Tấn (Son Xun, sinh năm 1980), một ngôi sao rất trẻ đang lên, tuyên bố rằng các ý tưởng nghệ thuật của anh phần lớn đều chịu ảnh hưởng của triết gia người Đức Martin Heidegger, mặc dù những hình ảnh động vẽ tay tuyệt đẹp của anh có sự tham chiếu tới nền văn hóa Trung Hoa truyền thống. Trong tác phẩm dài hơi nhất của anh, “21 Grams” (2010) – mất tới bốn năm mới hoàn thành, anh đã thể hiện hình ảnh một nhà ảo thuật biểu diễn trên một sân khấu trống rỗng trước những người đàn ông đầu đội mũ cao đang tập trung tại một quảng trường thành phố trong bầu không khí đầy lo âu. Trong một tác phẩm khác, Clown’s Revolution (2011) mô tả các nhà lãnh đạo chính trị đang thét vào mặt nhau – trông họ như thể bước từ trang đầu của một tờ nhật báo – dù các nhân vật không mang đậm dáng dấp Á đông song lại được vẽ bằng lối đi nét mực nho truyền thống.

Son Xun, “Clown’s Revolution,” 2011

“Đối với thế hệ trẻ này, bản sắc Trung Quốc không phải là điều quan trọng nhất, bởi vì các nghệ sĩ tồn tại trong một thế giới toàn cầu hóa”, ông Leng Lin, chủ tịch của Pace Bắc Kinh lưu ý. “Trước họ, các nghệ sĩ như Zhang Xiaogang, Yue Minjun và cả một thế hệ đã nổi lên trong một xã hội xem là thuộc về một nền văn hóa đặc dị, cô lập, không dính dáng gì tới thế giới.”
Như để chứng minh cho luận điểm của Leng Lin, nghệ sĩ Jin Shan (34 tuổi), khẳng định rằng anh không muốn được coi là một ‘nghệ sĩ Trung Hoa đương đại.’ Anh nói: “Thực ra, tôi mong được thoát ra khỏi cái bản sắc đó. Tôi không muốn sử dụng hình thức của ý tưởng thực dân cũ kỹ đó.”

Jin Shan là một nghệ sĩ có những tác phẩm sắp đặt quy mô lớn với nhiều chi tiết là máy móc cơ giới, thí dụ như một máy bắn bóng bàn từng được bố trí trong một gian trưng bày tại triển lãm ARCO ở Madrid năm 2008 hay một ma-nơ-canh nam đang đi tiểu xuống một con kênh ở Venice Biennale năm 2007. Gần đây, anh đã thực hiện một tác phẩm sắp đặt cho Bảo tàng Nghệ thuật Spencer tại Đại học Kansas, trong đó có một pho tượng người cảnh sát cao bảy foot bằng chất dẻo silicone có thể nhảy lên tận trần nhà và sau đó gieo người xuống sàn.

Tác phẩm sắp đặt của Jin Shan

“Có thể nói nghệ thuật của tôi chỉ kết nối với bản sắc Trung Hoa chủ yếu về mặt tình cảm,” nghệ sĩ Li Qing, 30 tuổi, một họa sĩ sống ở Hàng Châu, khẳng định. Năm 2010, tác phẩm sắp đặt “Drift” (Xê dịch) của anh, với những băng hình video-art đậm chất thơ thể hiện không khí bồng bềnh trong một nhà máy sản xuất áo khoác, được trưng bày tại Centro de Arte Tomás y Valiente ở Fuenlabrada, gần Madrid. Trong nhà trưng bày, một chiếc quạt máy được bố trí để tạo nên luồng gió thổi tung 100 chiếc áo khoác. “Tôi không muốn trình bày Trung Hoa như một khuôn mẫu,” nghệ sĩ nói, “tôi không thích những thứ có vẻ mang tính hình tượng hóa như vậy.”

Nhìn lại thế hệ nghệ sĩ đương đại đi trước – những người đã xác lập vị thế cho Trung Hoa trên bản đồ nghệ thuật quốc tế, Li Qing đưa ra tuyên bố như một triết gia: “Chúng tôi đang phải đối mặt với những vấn nạn khác. Các vấn đề mà thế hệ đi trước quan tâm thì với chúng tôi bây giờ đã lỗi thời rồi,” anh nói, “họ có những trải nghiệm về Cách mạng Văn hóa và sự đàn áp chuyên chế, nhưng thế hệ chúng tôi, phản ứng của chúng tôi cụ thể hơn, phong phú hơn, khác nhau hơn, và rất không đồng nhất. Trong thực tế, chúng tôi đang phải đối mặt không chỉ với tình hình giống như thời kỳ sau Cách mạng Văn hóa mà còn có nhiều vấn đề liên quan tới chủ nghĩa vật chất, tới xã hội tiêu dùng. Chúng tôi phải có những hành động khác hơn, tinh tế hơn, ảo diệu hơn.”

Li Qing, “Street Fighter – A Historical Block”, 2012

Nhiều bài phê bình viết về các nghệ sĩ trẻ nói trên – nếu không phải về toàn bộ thế hệ trẻ Trung Quốc – đã vạch ra những sai lầm của chủ nghĩa vị kỷ và đặc tính phi chính trị của họ. Nhưng khi khảo sát những chuyển động ngầm, các nhà phê bình đôi khi cũng phát hiện ra những mối quan ngại sâu sắc về chính trị mà các nghệ sĩ trẻ rất khó bộc lộ trực tiếp. Chi Peng, người bạn thân thiết của Ai Weiwei, một nghệ sĩ bất đồng chính kiến nổi tiếng từng bị bắt giam và được tạm tha hồi đầu năm 2011, lúc đầu khá ngần ngại đưa ra nhận xét về thời cuộc, mà bảo: “Tôi là nghệ sĩ chứ không phải chính trị gia.” Tuy nhiên, khi bị hỏi dồn, anh đáp lại một cách đề phòng: “Nếu là người Trung Hoa, lại đang sống trên đất nước này, thì ta có thể đưa ra lời tuyên bố nào đây?” Liang Yuanwei thừa nhận rằng khi lần đầu tiên nghe nói về vụ bắt bớ nghệ sĩ Ai Weiwei, cô đã không thể làm việc được trong hai tuần liên tiếp. “Hiện nay, tôi cảm thấy mình có khá đủ sự tự do để sáng tác. Song tôi e rằng một khi đi theo một chiều hướng khác, sáng tác những tác phẩm đề cập chính trị thì tình hình sẽ trở nên bất lợi cho bản thân”, cô chia sẻ.
“Rất nhiều người nghĩ rằng các nghệ sĩ trẻ hơn thì nông cạn và hời hợt hơn, tôi không thể đồng ý với ý kiến này”, Leo Xu nói, và đưa ra ví dụ về các nghệ sĩ trẻ như Guo Hongwei và tập thể nghệ sĩ thuộc trung tâm Double Fly Art Center, những người ông đã mời tham gia cuộc triển lãm tại phòng tranh James Cohan Gallery.

Guo Hongwei – A Part of Something N° 5 – 2010

“Theo tôi, thế hệ trẻ đầy hứa hẹn và cực kỳ đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật và cả trong triết lý của họ,” ông nói, và tiếp: “Trước kia, trong nghệ thuật đương đại Trung Quốc, bạn không thấy người ta đề cập chủ đề tình dục. Bạn không thấy các tác phẩm lấy cảm hứng từ thời trang hoặc thiết kế. Bạn không thấy bất cứ điều gì vui nhộn, ví dụ như các phiên bản Trung Hoa của Dash Snow (1981 – 2009) hoặc Terence Koh (nghệ sĩ Canada, sinh năm 1977 tại Bắc Kinh). Giờ đây, những điều như thế đang xảy ra với các tác phẩm nghệ thuật [đương đại Trung Quốc] – có tất cả những gì mà thế giới có. Tôi nghĩ rằng hiện nay đúng là một thời điểm rất thú vị”.

***

Một phiên bản sửa đổi bài dịch này đã đăng trên Tạp chí MỸ THUẬT số tháng 2. 2012, với tiêu đề “Trung Quốc: Một thời điểm thú vị của các nghệ sĩ trẻ”.

 

Ý kiến - Thảo luận

11:33 Friday,6.11.2015 Đăng bởi:  dilletant

Một lời bình của kẻ "tai trâu" là thích bức của Liu Di, Animal No4 vì nó giống lời khuyên của một văn hào Nga với chính quyền (của Gấu Nga) hôm nay (quay cái bàn tọa giống bản đồ Nga la tư, xin lỗi, vào phần còn lại). Bức Clown’s Revolution cũng có ngụ ý, nhưng không khớp với một đất nước éo biết đùa.


...xem tiếp
11:33 Friday,6.11.2015 Đăng bởi:  dilletant

Một lời bình của kẻ "tai trâu" là thích bức của Liu Di, Animal No4 vì nó giống lời khuyên của một văn hào Nga với chính quyền (của Gấu Nga) hôm nay (quay cái bàn tọa giống bản đồ Nga la tư, xin lỗi, vào phần còn lại). Bức Clown’s Revolution cũng có ngụ ý, nhưng không khớp với một đất nước éo biết đùa.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả