Bàn luận

Leonardo: Ông nói đúng! 16. 02. 11 - 9:35 am

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

 

Con người kỳ quặc, 2005, tác phẩm của cặp đôi Gilbert và George

Khác với tiểu thuyết, phim ảnh hay các tác phẩm điện ảnh sắp đặt, nghệ thuật thị giác là thứ được tiêu thụ nhanh – nhưng điều đó không làm kém đi ảnh hưởng dài lâu của nó.

Sự thú vị của nghệ thuật là có liên quan đến yếu tố thời gian. Trong tất cả các loại hình văn hóa nghiêm túc, nghệ thuật thị giác là thứ cho phép người thưởng thức nắm bắt nhanh chóng nhất. Muốn hiểu rõ một bộ phim có khi ta phải xem hơn cả tiếng rưỡi đồng hồ; đọc cuốn tiểu thuyết có thể mất đến hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng, tùy vào ta có bao nhiêu thời gian. Nghệ thuật – trừ video art, hay trình diễn – so ra chẳng tốn thời gian gì cả. Bạn chỉ cần một phút là xem – và hiểu được – một tác phẩm kỳ vĩ của Gilbert và George, và cũng theo cách “ăn liền” đó, bạn có thể thưởng thức một bức tranh của Rembrandt.

Cần dông dài thêm một chút về cái sự nhanh của nghệ thuật. Thường, theo cái lối tu từ dạy đời của giới phê bình, người ta hay nói rằng tranh Rembrandt có giá trị hơn rất nhiều so với hầu hết các tác phẩm nghệ thuật khác – bạn có thể ngắm tranh của ông suốt đời mà mỗi lần ngắm lại thấy được một chiều sâu mới. Nhưng liệu đây có phải là điều quan trọng nhất đối với một tác phẩm vĩ đại hay không? Hay chính hiệu quả tức thời mới quan trọng?

Leonardo da Vinci đã từng nghĩ như vậy. Trong một đoạn ghi chép khá gay gắt, ông lập luận rằng vẽ tranh siêu việt hơn viết lách ở chỗ một bức tranh đẹp, sống động có thể được thấu hiểu ngay lập tức, trong khi ta có khi phải nghe đi nghe lại một bài thơ rất lâu trước khi có thể đánh giá nó. Nói cách khác, quan điểm của Leonardo về nghệ thuật là hoàn toàn tương đồng với thứ văn hóa hình ảnh hấp dẫn và tức thời của ta ngày nay.

Ngay chính tác phẩm Mona Lisa cũng chứng tỏ rằng ý niệm của Leonardo da Vinci về nghệ thuật – coi nghệ thuật như một cách giao tiếp nhanh chóng và hiệu quả – là hoàn toàn phù hợp với thế giới hiện đại. Tại sao họa phẩm này trở thành một biểu tượng? Tại vì các đặc điểm của nó hết sức dễ hiểu về mặt tạo hình, lại thật là dễ đồng cảm. Và Mona Lisa có phải là một tác phẩm vĩ đại không? Tôi nghĩ là có.

Mona Lisa - Nagashima

Nói cách khác, cứ không phải kiệt tác là dày công nghiên cứu mới lộ ra được cái đẹp. Thực sự nghệ thuật có thể gây ảnh hưởng nhanh hơn một bản giao hưởng hay một vở kịch. Gần đây, ngay trong chính bảo tàng Louvre, tôi đã có cuộc “tao ngộ” đầy xúc động với tác phẩm Et In Arcadia Ego của Poussin. Những mảng sáng, tối vô cùng tinh tế của tranh, sự gần gũi của cái chết làm rùng mình cả cảnh vật có phần loang lổ, tạo ra một ấn tượng không thể nào quên. Tôi cảm nhận được sự hoành tráng của khung cảnh đồng quê rười rượi buồn, và cảm giác đó ắt hẳn sẽ còn vang vọng trong tôi trong nhiều năm tới. Mà tôi đã xem tác phẩm đó trong bao lâu? Không quá ba phút.

Et In Arcadia Ego của Poussin (Tên tranh có nghĩa là: “Người nằm trong ngôi mộ này từng sống ở Arcadia”)

Không cứ là tác phẩm vĩ đại thì phải cần nhiều thời gian mà thưởng thức, cũng không phải cái gì có hiệu quả tức thời cũng là thứ nông cạn. Trên thực tế, nhiều họa phẩm kinh điển có thể được thưởng thức nhanh còn hơn là video art – thứ mà tôi từng thừa nhận là mang lại chiều sâu tự sự cho không gian triển lãm. Vậy thì tại sao những thứ nghệ thuật tốn nhiều thời gian được ưa chuộng hơn? Phải chăng tầm quan trọng của nó là ở chỗ nó ngốn thời gian? Riêng tôi, tôi đồng ý với Leonardo da Vinci. Điều kỳ diệu nhất trong nghệ thuật chính là những hình ảnh hoàn chỉnh và (có hiệu ứng) tức thời. 

Ý kiến - Thảo luận

6:57 Friday,25.2.2011 Đăng bởi:  đinh công đạt
cảm ơn bạn Hồ Như Mai
...xem tiếp
6:57 Friday,25.2.2011 Đăng bởi:  đinh công đạt
cảm ơn bạn Hồ Như Mai 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả