Gẫm & Bình

Sự Chết và Lãng mạn 19. 12. 15 - 6:41 am

Trịnh Lữ

 Hồi còn là học sinh lớp 7, mình đã chép lại bức tranh này, bằng chì than, rất kỹ lưỡng, từ một phiên bản khổ A3 trong một vựng tập đặc biệt của bác Đặng Chấn Liêu tăng bố mẹ. Một người bạn cùng lớp đã nhất định xin bức chì than ấy. Nay thì cả bạn ấy và bức chì than kia đều đã mất.

“La Balsa de la Medusa”, 1818

Hôm qua ngồi bên thư viện làng, cách nhà nửa vòng trái đất, xem bộ sách khổng lồ của bảo tàng Louvre, in toàn bộ các tranh có ở đó, thấy bức tranh được in to, mà lại giới thiệu nhầm là của Eugene Delacroix, ngao ngán quá. Lou ơi là Lou!!! Lại phải tự nhắc câu cửa miệng của thiên hạ, đại khái rằng “human is error” – hễ là người là phải có lầm lẫn. Rồi thì ra ngoài trời châm điếu thuốc, như một nén nhang tưởng vọng người họa sỹ mà mình vẫn ngưỡng mộ từ thời còn niên thiếu: Theodore Gericault.

Năm 1819, khi bức tranh này ra mắt công chúng tại Salon ở Paris, nó đã bị giới phê bình chê bai thậm tệ, coi đây không phải là hội họa nữa, mà là một tuyên bố chính trị chống lại triều đình. Trong danh sách chính thức của Salon, bức tranh chỉ được đề là “Một cảnh đắm tàu”, chứ không phải là “Chiếc bè của tàu Medusa” như Gericault đã đăng ký. Công chúng và giới hội họa, vốn đã quen với những cảnh nhung lụa mông vú nõn nà đã “ru ngủ” giới quyền quý Pháp thế kỷ 18, kiểu như tranh của Boucher, đã hoảng sợ khi thấy sự chết khốc liệt trong bức tranh khổng lồ này – cao 5 mét rộng 7 mét, của một họa sỹ mới chỉ có hai bức tranh vẽ kỵ sỹ, và đến bức này là ba, được bày tại Salon – gần như một thứ triển lãm mỹ thuật toàn quốc đang có ở Vân Hồ bây giờ của mình. Không ai hỏi mua bức tranh ghê gớm này. Gericault đã mấy lần ngỏ lời bán rẻ cho Louvre, mà đều bị bảo tàng từ chối. Cho đến khi chết, ông vẫn không bán được bức này cho ai.

Vậy mà bây giờ, lịch sử hội họa gọi đây là kiệt tác quan trọng nhất khai sinh cho chủ nghĩa lãng mạn trong hội họa phương Tây. Không có bức này, mọi người bảo nhau, giọng thông thái, thì không có bức chị đầm ngực trần cầm cờ dẫn đường cho Tự do của Delacroix.

Eugène Delacroix, “Liberty Leading the People”, 1830

Mà quả thực, Delacroix đã là người từng coi Gericault là thầy, một lòng ngưỡng mộ tài năng và tinh thần tận hiến của Gericault cho hội họa. Delacroix đã có mặt cả trong bức tranh chết chóc này. Ông đã tham gia với nhóm người mẫu của Gericault, và đã làm mẫu cho thầy mình vẽ nhân vật nằm sấp trên sàn bè, ngay gần giữa tranh, quay đầu về phía người xem, tay trái dang rộng bám vào rầm gỗ vuông trên bè, đầu gục xuống như đã chết. Một chuyện thật hy hữu trong lịch sử hội họa.

Delacroix trong tranh

Khác hẳn với tất cả những tranh lịch sử cổ điển có đề tài lấy từ truyền thuyết hoặc kinh thánh, kể cả tranh tân cổ điển như bức “Lời thề của nhà Horatii” của David, tác phẩm có quy mô lớn mang dáng dấp lịch sử cổ điển này của Gericault có đề tài thời sự còn nóng hổi. Một bức tranh hiện thực đương đại, với một đề tài đang gây tai tiếng cho triều đình Louis XVIII lúc bấy giờ.

Năm 1816, một chiến thuyền của triều đình Pháp mang tên Medusa được phái sang Senegal, và nhà vua đích thân cử một thuộc hạ thân tín của mình làm thuyền trưởng chỉ huy hơn 150 sỹ quan và binh lính trên tầu. Do non kém về hàng hải, viên thuyền trưởng này đã khiến cho con tầu lâm nạn ngoài khơi. Thuyền trưởng thoát thân bằng xuồng cứu hộ, bỏ mặc 150 con người bám víu vào con tàu đang chìm. Với lòng dũng cảm và tài nghệ của số thợ có trên tàu, các nạn nhân đã dùng gỗ của con tàu vỡ nát ghép thành bè để cùng nhau tìm đường sống. 13 ngày sau đó, khi chiếc bè của tầu Medusa được một con tàu đi ngang cứu vớt, thì chỉ còn 15 người sống sót. Một trong số họ đã viết lại câu chuyện bi thảm này thành sách ngay sau đó. Cuốn sách lập tức trở thành best seller, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Dư luận Pháp rầm rộ lên án viên thuyền trưởng. Nhưng triều đình đã bịt miệng báo chí. Khiến cho câu chuyện càng trở thành tai tiếng.

Cuốn sách đã thôi thúc Gericault, khiến ông thoát khỏi tâm trạng bế tắc trong bi kịch đời tư lúc bấy giờ, vứt bỏ hết những phác thảo cho nhiều đề tài khác để dồn sức cho một bức tranh về tấn thảm kịch vừa diễn ra. Ông tìm gặp người thợ mộc sống sót, nhờ làm một chiếc bè gỗ đúng như của tàu Medusa, cỡ nhỏ, để trong phòng vẽ. Ông phác thảo bằng các tượng người nhỏ xíu bằng sáp với mô hình chiếc bè ấy. Ông lui tới hỏi chuyện những nạn nhân còn sống, trong đó có một bác sỹ đã giúp ông rất nhiều trong việc tìm hiểu mọi biểu hiện của sự chết trên cơ thể người. Ông xin cả những cái đầu của người mới bị xử tử bằng máy chém, những chân tay bị cưa cắt trong bệnh viện, mang về phòng vẽ làm mẫu nghiên cứu.

“Nghiên cứu sự chết” – phác thảo cho Medusa, 1818

 

“Nghiên cứu sự chết” – phác thảo cho Medusa, 1818

Một tác giả viết tiểu sử của ông đã chép rằng có lần ông để hai cái đầu người chết ở phòng vẽ đến hơn nửa tháng, đến khi bị phân hủy quá rồi mới dọn vứt đi. Chắc chắn không có họa sỹ nào bị sự chết lôi cuốn đến mức ấy. Gericault đọc không xót một tài liệu nào của tòa án về vụ Medusa này. Con tầu xấu số mang tên con ác quỷ trong thần thoại Hy Lạp, mặt người tóc rắn, ai nhìn thấy mặt nó sẽ lập tức hóa đá. Sau khi đã thấu đáo mọi sự về sự kiện ấy, Gericault gọi toàn bộ đội người mẫu chuyên nghiệp của mình đến, tự cạo trọc đầu để không nghĩ đến chuyện ra khỏi cửa nữa, và bắt đầu phác thảo với mẫu sống. Trong số người mẫu ấy có Eugene Delacroix.

Có nhiều phác thảo khác nhau còn lại của bức tranh này, mô tả những thời khắc khác nhau của 13 ngày đêm kinh hoàng. Trong đó có bức mô tả người đàn bà duy nhất có trên bè. Người đàn bà ấy, cùng với chồng, đã kiệt sức đến mức nhóm sỹ quan chỉ huy bè phải quyét định vứt cả hai xuống biển để đám người điên loạn còn lại không ăn thịt họ. Nhóm sỹ quan ấy là nhóm đã áp đảo được đám binh sỹ đói khát ăn thịt lẫn nhau. Cuối cùng, Gericault đã chọn giây phút mọi người bùng lên hy vọng khi nhìn thấy bóng dáng một con tầu xuất hiện ở mãi phía chân trời. Nhân vật còn khỏe mạnh tỉnh táo nhất, đứng vươn lên vẫy cờ, lại là một người da đen. Người mẫu da đen thân thiết của Gericault đã vào bức tranh này ở tư thế ấy.

Chi tiết tranh

 

Người mẫu da đen của Gericault, vẽ trong lúc phác thảo bức Medusa

Ông làm việc liền như vậy trong 8 tháng, thì vừa đến kỳ Salon 1819. Khi đem bức tranh vừa vẽ xong ra Salon, Gericault sững sờ phát hiện một sai lầm về bố cục của mình. Chắc hẳn là ở xưởng vẽ, ông không có đủ không gian để nhìn tổng thể bức tranh một cách trọn vẹn. Bức tranh mới đem ra Salon là theo bản phác thảo này:

.

Giải pháp của Gericault chỉ có thể là của thiên tài: ông mang đồ vẽ ra đó, gọi ngay một người bạn đến làm mẫu cho mình, và chỉ trong hai ngày, khi các họa sỹ khác vẫn còn tiếp tục mang tranh đến Salon, ông đã vẽ thêm vào một nhân vật nữa của sự chết:

.

Nhưng rồi chỉ để chứng kiến sự ghẻ lạnh và hắt hủi của cả giới phê bình và công chúng đối với kiệt tác của mình. Bài báo đầu tiên về sự kiện Salon năm ấy viết về Medusa như sau: “Tôi vào và thấy một bức tranh lớn tướng, và kích cỡ của nó là cái duy nhất khiến tôi để ý”. Nước Pháp chê bai bức tranh. Gericault chán nản. Ông bỏ sang London, chỉ mang theo những bản in đá của bức tranh, và được công chúng Anh hồ hởi đón nhận. Ông bán hàng trăm thạch bản của Medusa ở London, và được gọi là “họa sỹ và thi sỹ của hiện thực”. Ở bên ngoài vòng kiềm tỏa của triều đình Louis XVIII, Medusa được tiếp nhận như một áng thơ bi tráng tuyệt đẹp về bi kịch của nhân loại.

Cho đến tận bây giờ, Louvre vẫn còn xấu hổ không dám thông tin đầy đủ về sự kiện ra mắt của bức tranh tại Salon năm 1819. Và không hiểu có phải sự xấu hổ ấy đã thành một ẩn ức tập thể đến mức khi xuất bản một vựng tập khổng lồ, Louvre, cả một tập thể của bảo tàng và các bên tham gia biên tập nên ấn bản ấy, đã in giấy trắng mực đen rằng bức tranh này là của Eugene Delacroix!!!!

(Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn nhé)

Chắc mình nên đề tặng bài viết này cho các bạn họa sỹ nhóm hiện thực đang có triển lãm ở Hà Nội. Câu chuyện này đã khiến mình vỡ nhẽ nhiều điều về khái niệm HIỆN THỰC trong hội họa. Chả cần bộc bạch thì các bạn ấy cũng sẽ biết cả.

 

Shorewood, 11 December 2015

Ý kiến - Thảo luận

10:43 Monday,21.12.2015 Đăng bởi:  ngoc mai
Cám ơn bác Trịnh Lữ đã giải thích rất cặn kẽ chi tiết. Em muốn nói từ thời Luis XIV là muốn nói đến hình tượng được thể hiện trong tranh ấy ạ, vì vị vua này luôn muốn thể hiện mình như một đỉnh cao chói loà (hồi em học lịch sử Pháp thì thấy mấy bà giáo hay lấy tranh vẽ ông Louis này ra làm minh hoạ cho quyền lực đỉnh cao). Đến thời Cách mạng Pháp thì đỉ
...xem tiếp
10:43 Monday,21.12.2015 Đăng bởi:  ngoc mai
Cám ơn bác Trịnh Lữ đã giải thích rất cặn kẽ chi tiết. Em muốn nói từ thời Luis XIV là muốn nói đến hình tượng được thể hiện trong tranh ấy ạ, vì vị vua này luôn muốn thể hiện mình như một đỉnh cao chói loà (hồi em học lịch sử Pháp thì thấy mấy bà giáo hay lấy tranh vẽ ông Louis này ra làm minh hoạ cho quyền lực đỉnh cao). Đến thời Cách mạng Pháp thì đỉnh cao lại thuộc về người phụ nữ (biểu tượng của nước Pháp). Các tranh trước đó nữa nữa thì trung tâm luôn là chúa Giê su, nhưng cách truyền cảm hứng chói lọi và "lồng lộng" thì là từ ông Louis 
9:59 Monday,21.12.2015 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Candid : Mình phải xin lỗi vì câu "Bức vẽ mang ra Salon là theo phác thảo này…" của mình đã khiến bạn hiểu lầm. Bức vẽ đem ra Salon chính là bức mà Candid bảo là kịch tính hơn đấy. Và Gericault vẽ thêm cái xác ở ngay Salon, trong hai ngày, trước khi khai mạc.
...xem tiếp
9:59 Monday,21.12.2015 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Candid : Mình phải xin lỗi vì câu "Bức vẽ mang ra Salon là theo phác thảo này…" của mình đã khiến bạn hiểu lầm. Bức vẽ đem ra Salon chính là bức mà Candid bảo là kịch tính hơn đấy. Và Gericault vẽ thêm cái xác ở ngay Salon, trong hai ngày, trước khi khai mạc. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả