Gẫm & Bình

Những con vật trong tranh Phục Hưng Bắc Âu: đều là biểu tượng 25. 03. 16 - 10:43 pm

Anh Nguyễn

Nói đến Phục Hưng là mọi người hay nghĩ ngay đến nước Ý, thứ nhất là vì phong trào Italian Renaissance diễn ra sớm nhất, là cánh chim đầu tiên kéo châu Âu khỏi thời kỳ Trung Cổ tăm tối, lại có thêm “bộ ba quyền lực” da Vinci, Michelangelo, Raphael với những tác phẩm để đời. Nhưng Northern Renaissance của các nước ở phía Bắc núi Alps lại ẩn chứa nhiều điều thú vị mà ít khi được chạm tới.

Nếu Phục Hưng Ý thường lấy chủ đề thần thoại hoặc tôn giáo, bố cục cân bằng, thân người căng đầy hoàn hảo, thì Phục Hưng phía Bắc lại đi con đường lắt léo hơn. Thời kì này chất liệu sơn dầu thực sự lên ngôi bá chủ, cho phép các nghệ sĩ tạo ra những chi tiết nhỏ xíu và chính xác như ảnh chụp. Chủ đề cũng phong phú hơn, mang đậm chất đời thường nhưng lại ẩn chứa nhiều biểu tượng đánh đố người xem. Trong đó, những loài vật xuất hiện trong tranh Northern Renaissance cũng thường mang nhiều ý nghĩa kín đáo do họa sĩ cài đặt vào chứ không xuất hiện chỉ để “cho vui.” Trong bài này, hãy thử cùng tìm hiểu về ý nghĩa của các loài vật trong tranh Jan van Eyck, Albrecht Durer, và những người khác.

Jan van Eyck, như đã nói ở một bài trước, rất chú trọng đến tính biểu tượng trong những tác phẩm của mình. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông có lẽ là Arnolfini Portrait. Có những người coi Arnolfini Portrait là gương mặt đại diện cho cả thời kì Northern Renaissance, gương mặt theo nghĩa đen khi nó được dùng làm bìa sách cho những quyển sách mỹ thuật về thời kì này. Ví dụ như cuốn sau

Bìa cuốn “The Mirror of the Artist: Northern Renaissance art in its historical context”

Khoan bàn về mấy người trong bức này, ta hãy nhìn vào nhân vật phụ: chú chó.

Jan van Eyck, “Arnolfini Portrait”, 1434, kích cỡ 82 cm x 60 cm (Các bạn nhấn vào hình để xem bản to)

 

Cận cảnh rõ từng sợi lông nhé! Để vẽ chú chó này, khả năng cao là Jan van Eyck cũng phải sử dụng một loại bút có đầu nhỏ gần bằng…sợi lông.

Theo Erwin Panofsky, đây không chỉ là một bức tranh vẽ hai vợ chồng (bởi nếu thế thì hoạ sĩ chẳng khác gì… thợ chụp ảnh cưới thôi sao?), mà là một bản hợp đồng hôn nhân bằng tranh. Các nhà phê bình vẫn tranh cãi về kết luận đó, nhưng đa số đều đồng ý rằng: mọi chi tiết được cài cắm trong Arnolfini Portrait đều mang một ý nghĩa cụ thể. Chú chó xinh xắn nằm dưới chân Giovanni di Nicolao Arnolfini và vợ là tiền thân của giống chó Griffon Bruxellois ngày nay, hồi xưa thì được nuôi để… bắt chuột và làm cảnh. Chó vốn được coi là người bạn đồng hành trung thành của con người. Fido – một cái tên phổ biến cho các em cún có nguồn gốc từ chữ fidelity – sự chung thủy. Trong bức tranh này, chú chó tượng trưng cho nghĩa vợ chồng trước sau như một, một vai trò cao cả hơn bắt chuột nhiều!

*

Còn trong bức tranh này của Bruegel cha ba anh chàng – một người lính, một nông dân, và một trí thức tiểu tư sản nằm vạ vật quanh một bàn tiệc mọc ra từ gốc cây. Xung quanh họ là ê hề thức ăn: một căn nhà phủ bánh, một quả trứng ngoan ngoãn chạy tới nộp mạng, một chú ngỗng quay, một chú heo quay. Ở phía bên trái, một hiệp sĩ đang leo lên để gia nhập đội quân phè phỡn, miệng há to đón môt chú bồ câu quay bay tới (trong khi phục chế người ta đã lỡ làm hỏng chú bồ câu – thật đáng tiếc).

Bruegel cha, “The land of Cockaigne”, 1567. Các bạn xem bản to và chi tiết ở đây

 

Chi tiết tranh

Cockaigne là một vùng đất mang tính chất thần thoại của người Flemish, như kiểu đảo Bồng Lai của cổ tích Trung Quốc vậy. Theo như mô tả, Cockaigne có những con sông chảy toàn sữa, những ngọn núi làm bằng bơ, bánh pie mọc từ đất, nhà được lợp bằng bánh tart, chim quay rơi từ trên mây xuống. Vùng đất này quyến rũ những kẻ dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, và những ai bước chân tới đây đều trở nên lười biếng, đờ đẫn. Chú ngỗng quay nằm ở vị trí (lẽ ra) của nhà quý tộc, là một lời nói mỉa chua cay. Trong tiếng Flemish, geus (ngỗng) phát âm gần giống gueux (ăn mày) của tiếng Pháp. Con lợn quay với chiếc dao dắt sẵn bên sườn là biểu tượng cho sự tham ăn, lười nhác, và những dục vọng thấp hèn khác (Trư Bát Giới ở đâu cũng như nhau).

“Netherlandish Proverbs” (ngạn ngữ Hà Lan), của Bruegel cha, có nhiều điểm tương đồng với bức Cockaigne.

*

Trong hội họa Đức nói chung và Phục Hưng Đức nói riêng, Albrecht Durer là vĩ đại nhất, không cần bàn cãi. Tranh Durer có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nét bay bướm của Phục Hưng Ý, tính trí tuệ của Phục Hưng miền Bắc, và sự chính xác lạnh lùng của người Đức. Durer nổi tiếng nhất về mảng tranh khắc, nhưng ông cũng thử sức với màu nước, sơn dầu, silverpoint. Một bức tranh vẽ động vật nổi tiếng của ông là Chú thỏ hoang:

Wild Hare, của Albrecht Durer, 1502. Bức tranh này xứng đáng đưa làm hình minh họa cho sách giáo khoa sinh vật. Trong mắt chú thỏ thậm chí còn có hình ảnh phản chiếu khung cửa sổ. Những sợi ria chú thỏ thật đến mức gần như có thể… rung rinh, động đậy. Ở phía dưới là chữ kí của Durer và năm vẽ bức tranh.

Thế nhưng bức tranh có nhiều biểu tượng động vật nhất của Durer có lẽ là Adam and Eve.

Adam and Eve, của Albrecht Durer, 1504

 

Chân Adam đạp lên đuôi chú chuột, biểu tượng cho sự yếu đuối của người đàn ông. Trong Kinh thánh, Adam bị sa ngã cũng bởi Eve năn nỉ ỉ ôi.

 

Nếu Eve dụ khị Adam thì con rắn lại là căn nguyên của vấn đề. Ở đây con rắn đang mời Eve ăn quả trí tuệ

 

Chú vẹt đậu trên cây, bên cạnh tấm biển ghi rõ tên tuổi hoạ sĩ cùng năm vẽ bức tranh. Quả của cây giống trái táo, nhưng lá lại giống lá vả. Con vẹt là kẻ thù của loài rắn. Trong tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, con vẹt có ý nghĩa thiêng liêng vì tiếng kêu của nó giống Eva – Ave (Eve và Ave Maria.) Nếu Chúa đóng vai trò cứu chuộc tội lỗi của người cha nguyên thuỷ – Adam, thì Đức Mẹ trong sạch cũng rửa tội cho Eve.

 

Góc phải phía trên cùng của tranh là một chú dê núi trên mỏm đá cheo leo, tư thế như sắp nhảy xuống. Dê là biểu tượng cho tình dục – đam mê nó có thể khiến người ta hành động ngu ngốc. Adam và Eve sắp sa ngã, giống như chú dê sắp rơi xuống vực.

Ngoài bốn loài vật phụ bố trí rải rác, trong tranh còn có bốn loài vật chính: mèo, thỏ, bò, và nai sừng tấm luẩn quẩn quanh chân Adam và Eve. Từ thời ông Hippocrates, người ta đã tin rằng trong cơ thể người có bốn loại thể dịch (máu, đờm, mật vàng, mật đen) quyết định tâm trạng. Khi bốn thể dịch cân bằng thì tinh thần con người ta cũng yên ổn. Bốn loại tâm trạng đó là: choleric (nóng giận), melancholic (buồn rầu), sanguine (vui vẻ), và phlegmatic (bình thản). Bốn loại tâm trạng đó cũng có các nguyên tố (đất, nước, khí, lửa) và động vật tương ứng. Trong tranh:

Con mèo yểu điệu nhưng mang tính ác, ứng với sự nóng giận.

Con nai sừng tấm buồn rầu, “mong manh dễ vỡ”, yếu đuối.

Con bò lười biếng, ì ạch, bình tĩnh không dễ bị kích động.

Con thỏ vui vẻ, nhí nhảnh, đẻ lắm ăn nhiều.

Vị trí của tám con vật trong tranh

Lại trở lại con chuột mà ta đã nhắc đến ở phần trước. Adam đè chân lên đuôi chuột, giữ không cho nó (sự yếu đuối) sổ lồng. Con mèo thì đang rình rập chú chuột. Một khi Adam bị Eve quyến rũ (sắp rồi), ông ta sẽ sơ ý để con chuột chạy ra, mèo ta sẽ vồ lấy, và cảnh tượng đang yên bình sẽ trở nên hỗn loạn. Trước khi Adam và Eve nếm quả trí tuệ, bốn nguyên tố, bốn con vật, bốn tâm trạng,… cân bằng với nhau. Nhưng khi họ sa ngã, bốn yếu tố sẽ chạy lung tung, vườn Địa Đàng sẽ trở nên nhiễu nhương, và hai ông bà Adam-Eve sẽ bị tống cổ.

*

Hết Đức, Hà Lan, và Flanders, hãy cùng chạy sang Anh một chút. Nước Anh thời kì Phục Hưng là điểm đến lý tưởng của nhiều hoạ sĩ nước ngoài, xuất sắc nhất trong số đó là Hans Holbein, một họa sĩ mang hai dòng máu Đức-Thuỵ Sĩ. Tuy không khởi xướng một trường phái mới nào, Hans Holbein vẫn được coi là một trong những người vẽ chân dung tài năng nhất mọi thời đại. Những bức tranh vẽ giới quý tộc của ông rất được ưa chuộng, một phần bởi Hans Holbein khéo kết hợp các đạo cụ hỗ trợ làm nổi bật tính cách, tước vị của người được vẽ. Ví dụ như trong hai bức này, ông đặt vào chú chim ưng, biểu tượng cho sức mạnh, lòng kiêu hãnh, chiến đấu, tinh thần cao thượng.

Chân dung người nuôi chim ưng, của Hans Holbein, 1542

 

Chân dung Robert Cheseman, Hans Holbein, 1533

 

Có ai thấy sự tương đồng ở đây không nhỉ?

Chim ưng xuất hiện khá nhiều trong tranh Phục Hưng miền Bắc. Trên Twitter viện Met đã có lần đố mọi người tìm chú chim ưng trong tác phẩm Người thợ kim hoàn của Petrus Christus.

“A goldsmith in his shop”, của Petrus Christus, 1449 

Chú chim ưng nằm ở đâu?

.

…trong chiếc gương lồi đặt trên bàn. Kiểu vẽ hình ảnh phản chiếu trong gương thế này rất giống với Jan van Eyck, bảo sao có người tưởng Petrus Christus là một học trò của ông kia. Người thợ kim hoàn này có lẽ là Willem van Vleuten, một nghệ nhân nổi tiếng ở Bruges. Tiếp bước đàn anh Jan van Eyck, Petrus Christus cũng trêu chọc người xem bằng biện pháp trompe-l’œil (đánh lừa con mắt.) Trong bức tranh vẽ thầy tu Carthusian, ông vẽ một chú ruồi giống y như thật trên khung tranh, giống đến nỗi ai không biết chắc muốn lấy tay đập.

“Portrait of a Carthusian monk”, của Petrus Christus, 1446

 

Chi tiết chú ruồi

Nghệ thuật vẽ trompe-l’œil là một kỹ năng thật sự đáng tự hào, bởi lừa được người xem đâu phải dễ. Các họa sĩ, vì thế, thường đặt các trompe-l’œil bên cạnh tên mình, như một cách khẳng định bản quyền. Ở đây con ruồi cũng đậu trên chữ kí của Petrus: ‘Petrus ΧΡΙ Me Fecit.’ Con ruồi còn đóng vai trò biểu tượng của tội lỗi (quỷ Beelzebub được mệnh danh là “Lord of the flies“), và cũng là một dạng memento mori nhắc nhở con người ta về sự phù du của cuộc sống (vì ruồi có vòng đời ngắn ngủi, lại còn loáng một cái đã bay đi chỗ khác.)

*

Bài sau: tiếp tục về Jan van Eyck với các biểu tượng trong Arnolfini Portrait 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lời thầy dạy có khi cũng thiếu logic

Phó Đức Tùng - Nguyễn Đình Đăng - Nguyên Tánh

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả