Mình rất thích xem những cuốn sách ảnh lịch sử như những cuốn Century hay Decades của Phaidon chẳng hạn. Những cuốn loại khổ bé chứ không phải loại to đùng. Không chỉ nói về nghệ thuật chụp nhân vật hay bối cảnh mà còn cả cách chú giải: ngắn gọn mà bao quát, gợi mở, không diễn giải lại những “manifest content” của ảnh.
Ở Việt Nam làm chắc khó. Vì độ tin cậy của hình ảnh và thông tin về bối cảnh cũng nhiều khi bị sai lạc. Đáng thất vọng nhất là một số bức ảnh kinh điển của nhiếp ảnh thời chiến từng được giải thưởng quốc tế hóa ra đã bị chỉnh sửa can thiệp, thậm chí chưa chắc bối cảnh đã đúng. Tuy vậy, lọc ra thì vẫn có những bức ảnh xem gai người. Chẳng hạn bức ảnh nữ du kích Đồng Tháp vác hòm đạn chạy băng qua trảng cỏ (1974). Có thể nói gì về bức ảnh không rõ mặt và thậm chí hình người bị nhòe đi thế?
(Về bức ảnh này, các bạn xem thêm phần cmt của Candid trong phần thảo luận)
Dù có phải là “băng qua lửa đạn” hay không, người xem vẫn thấy cảm giác bất trắc. Dù đằng sau có những đoàn người tiến lên, nhưng bức ảnh về một người phụ nữ chân trần chạy trong khung cảnh không nơi ẩn nấp như thế, qua thời gian, ý nghĩa hào hùng giảm đi mà ý niệm thương cảm tăng lên nhiều hơn. Chiến tranh thực khắc nghiệt và tàn bạo, đẩy con người vào thế đánh đu với số phận. Đây là lớp diễn ngôn phái sinh, chắc ngoài chủ định của người chụp. Nói chung không có bức ảnh hay bài ca nào lỗi thời, mỗi sản phẩm có một thông điệp gốc và nội dung mới theo cách “đọc lại” như Roland Barthes đề xuất.
Còn đây là một số bức ảnh lấy từ trang Brightside.me, một trang chủ yếu các bộ ảnh vui vẻ về thú cưng, phụ nữ với đàn ông khác nhau ra sao…, nhưng cũng có một số bộ ảnh kiểu Century của Phaidon, chúng cũng có những diễn ngôn mới khi xem bằng con mắt ngày nay. Thử phân tích.
Bức ảnh duy nhất còn lại của một nhân chứng trận Borodino – trận đánh của quân Nga với đội quân của Napoleon ngày 7. 12. 1812 (ai đọc “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tonstoi đều biết). Được chụp một thế kỷ sau, người cựu chiến binh này khi đó 117 tuổi.
Chúng ta có thể nói gì về bức ảnh năm 1912 trên? Bên cạnh việc mô tả còn là việc ngoại suy. Nói cho đúng thì đây hẳn là khuôn mặt của chiến tranh – sau 1 thế kỷ, người nông dân Nga này dường như vẫn nghèo khó, áo choàng rách và ngồi trên cái ghế đóng từ gốc cây sần sùi ở trước ngôi nhà có vẻ thô kệch. Bên cạnh là người vợ/con đang phải chăm sóc. Có lẽ bên cạnh cái nghèo thì đấy là cái còn lại bất biến-tình người. Các trận chiến nói chung chỉ làm sang cho các vị tướng, một vài ông vua bà hoàng và một số nhà tiểu thuyết thích đại tự sự.
Thợ sơn tràng, Portland, Mỹ, 1915. Một cái cây khổng lồ, có lẽ bây giờ chỉ còn một số nơi trên thế giới còn. Dụng cụ chặt cây nhỏ bé, thô sơ, nhưng đã đốn hạ đại bộ phận cây nguyên sinh Trái đất này. Những người đàn ông này chắc cũng không giàu lên, dù trông có vẻ tự hào về công việc.
Một phụ nữ trẻ Iran, 1960. Thật khó tưởng tượng đây là một phụ nữ của một quốc gia Hồi giáo, chứ đừng nói là khắc kỷ. Nhưng đó, truyền thống là thứ được sáng chế ra, như ý niệm từ cuốn sách nghiên cứu của E. J. Hobsbawm và T. O. Ranger (The Invention of Tradition).
Trong khi đó, hãy xem ảnh tiếp đây:
Fawzia Fuad, công chúa Iran và hoàng hậu Ai Cập, 1939. Một công chúa và hoàng hậu xứ Ả Rập ăn mặc và trang điểm giống hệt các nữ minh tinh Hollywood. Bà cũng ngồi trên một cái ghế kiểu quý tộc châu Âu. Ngay cả vương miện cũng theo kiểu châu Âu. Nếu không có chú thích người ta dễ nghĩ ngay đây là một diễn viên Mỹ/Anh như kiểu Vivien Leigh. Ai mà biết được sang thế kỷ sau, phụ nữ mấy xứ này lại gắn chặt với hình ảnh trùm khăn kín như bưng.
Chữa bệnh đau lưng bằng gấu. Rumani, 1946. Bà bệnh nhân có vẻ vui! Với một con gấu chắc phải tạ rưỡi! Nhìn ảnh khó mà nghĩ đến một nước châu Âu giữa thế kỷ 20. Tất nhiên là sau chiến tranh và ở một nước Đông Âu xa xôi thì nghèo rồi.
Trong cuốn Century còn có bức ảnh về trại trẻ mồ côi Rumani năm 1990, toàn những đứa trẻ đói, ngồi trước cái bàn dài với những cái đĩa trống không và sứt mẻ. Trong khi đó, Ceausescu Nicolae Ceausescu [Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Rumani bị xử tử năm 1989] bận tâm với kiểu sống xa hoa của riêng mình hơn, thập niên trước còn xây một cái cung Quốc hội to hạng nhất nhì thế giới.
Cũng Rumani, nhưng quả thật đáng ngưỡng mộ. Các công nhân ‘chuyển’ một tòa nhà chung cư cao tầng nặng 7600 tấn đến vị trí mới, nhằm mở rộng một đại lộ ở thành phố Alba Iulia, Rumani, 1987.
Alice Liddell — cô bé là nguyên mẫu cho tiểu thuyết nổi tiếng của Lewis Caroll, Alice’s Adventures in Wonderland. [Alice ở xứ sở diệu kỳ]. Đây là cô bé nghèo, vì áo váy rách rưới. Bàn tay trái giấu gì đó sau lưng, tay phải chìa ra như đựng hay như đang xin. Tuy nhiên khuôn mặt thật xinh đẹp và ấn tượng. Những bộ phim sau này đã mỹ lệ hóa hình ảnh Alice rất nhiều, thật khó mà bảo đây là nguyên mẫu cho bộ phim màu mè gần đây của Hollywood. (Về bức ảnh này, các bạn xem thêm phần cmt của Hằng nhé).
Thời kỳ Đại Suy thoái. Khi các nhà sản xuất bột mì nhận thấy các bà mẹ nghèo đến nỗi họ phải may quần áo cho con bằng vải bao bột mì, họ bắt đầu cho in những hình hoa văn vui tươi lên vỏ bao. Đây có lẽ là bức ảnh với chú thích đáng yêu nhất. Khuôn mặt người đẩy xe chở bao bột cũng vui và nhân hậu. Các vỏ bao không có hoa văn giống nhau đồng loạt mà khá đa dạng. Chủ nghĩa nhân văn là như vậy thôi.
Hoa hậu New Zealand ngã bất tỉnh trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 1954. Ngược với bức ảnh trên, bức ảnh này lại đáng sợ vì cảm giác tàn nhẫn. Có lẽ tình huống bất ngờ, các người đẹp bên cạnh chắc chưa kịp phản ứng hay hành động gì, họ vẫn đứng yên vị, trừ ba cô bên cạnh (Cuba, Honduras và Nhật). Cô Achentina bên này còn không nhìn xuống bạn cùng thi. Trông các cô đứng giống nhau tựa các chai nước ngọt trong siêu thị. Xì căng đan nhầm vương miện có là gì nhỉ?
Danh hài Robin Williams thời chưa ai biết đến (bên phải) ở Central Park, 1974. Mình thích diễn viên này. Ông có một sự nỗ lực phi thường trong các vai diễn, tuy không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng ông thuộc về lớp những nghệ sĩ đa năng, sân khấu và đời như một. Đáng nghĩ là ông kết thúc cuộc đời cũng rất sân khấu: ông tự tử năm ngoái vì trầm cảm.
Ernest Hemingway đi câu, 1904. Nhà văn này đã đẹp trai từ bé. Bộ quần áo khá đỏm dáng, kiểu công tử dã ngoại với các chi tiết kiểu thổ dân da đỏ. Cái giỏ đồ cũng rất điệu, cộng với dáng đứng có một ý thức về mình. Sau này thì Hemingway nổi tiếng nhiều nhân tình. Trong rất nhiều truyện, ông viết về việc đi câu cá giữa cha và con, sau này thì có cả tiểu thuyết Ông già và biển cả thành trọng tâm vinh danh khi được trao giải Nobel nữa. Bức ảnh ngẫu nhiên nhưng cuối cùng lại có mối kết nối với cuộc đời toàn cảnh của nhân vật, đó cũng là số phận.
Các cầu thủ hockey trên băng của hai đội Toronto Maple Leafs và Chicago Black Hawks tìm một cái mắt kính áp tròng của cầu thủ Jack Evans bị rơi, 1962. Đây là khung cảnh rất đáng yêu và cũng hài hước. Cả đống các chàng to như hộ pháp đi tìm một cái mắt kính bé bằng móng tay, mà mắt kính trong suốt trên nền sân băng thì thấy làm sao? Bức ảnh nói lên điều gì? Tinh thần đồng đội, thượng võ, bản sắc nhân văn của thể thao, của xã hội văn minh?
Nhận xét của bạn Phát Lạc: Bức ảnh contact lens lúc chụp có lẽ chỉ có ý nói về một vật dụng còn khá mới lúc bấy giờ và những sự cố hy hữu-buồn cười và những vấn đề của nó đặt ra. Contact lens hồi 6x hẳn là loại bằng thuỷ tinh vì chưa có loại mềm. Ngoài chấn thương mắt nó còn có thể gây xước cho các cầu thủ khác nên họ phải dừng lại để tìm.
Gagarin ở một nhà máy bia Carlsberg, 1962.Anh hùng phi công vũ trụ Xôviết có vẻ sung sướng và thân thiện. Bia mà! Gagarin vốn có rất nhiều bức ảnh đẹp. Bức này đời thường giản dị, gần gũi, nhờ khung cảnh và cần rót bia cao hơn người, nhưng vẫn tôn nhân vật nhờ góp máy hắt lên. Bàn tay gạt cần cũng nhẹ nhàng, khoan thai.
Một bé gái người Inuit (Eskimo) và con chó kéo xe của em, 1949. Bức ảnh đáng yêu về mối quan hệ của con người với tự nhiên. Các nền “văn minh” nói chung cứ loay hoay nối lại mối quan hệ này nhưng kỳ thực thường tăng thêm khoảng cách thì đúng hơn.
Các nghệ sĩ nhào lộn biểu diễn trên nóc tòa tháp Empire State Building, 1934. Một bức ảnh có thể là tuyên truyền, có thể là nghệ thuật. Nhưng chắc chắn là đẹp phi thường.
Sophia Loren ở Matxcơva, 1965. Khuôn mặt góc cạnh của nữ minh tinh đồng dạng với khuôn mặt bức tượng Lênin. Đầy vẻ kiêu hãnh, thách thức. Lối ăn mặc và trang điểm rất biểu tượng. Sau nửa thế kỷ, hình tượng các người đẹp vẫn là thế này: Angie Jolie, Cate Blanchett…
Các buồng nghe thử âm thanh trong một cửa hiệu, 1955. Có lẽ là tại Mỹ. Các máy quay đĩa đời mới, gọn nhẹ, đóng hộp xách đi được. Các chi tiết nội thất rất hoàn hảo, sang trọng. Quần áo của các khách hàng cũng sang trọng. Nhiều người mặc quần gấu lơvê.
Vịt con được dùng làm đồ trị liệu, 1956. Bây giờ trẻ con vẫn thích chơi thế này. Một phương pháp rẻ tiền, tuy nhiên cũng khá lích kích cho người lớn.
Khác biệt đẳng cấp, Anh quốc, 1937. Hai đứa trẻ nhà giàu, có lẽ quý tộc, không thèm bắt chuyện hay để tâm đến ba đứa “hạ lưu”. Cái cọc bê tông có núm đồng như đánh dấu lãnh địa của hai bên. Thằng bé quý tộc cao đứng giữa có tư thế chủ nhân, nắm lấy cái núm cọc nửa như xác lập vị thế, nửa như để tự tin hơn, vì 3 thằng kia có vẻ cũng nguy hiểm và nhiễu sự đấy chứ! Có thể thấy bọn quý tộc có vẻ tự tin độc lập hơn, còn bọn nhà nghèo có vẻ bầy đàn. Tính bầy đàn (mass) này đã là bằng chứng cho nhiều điều trong lịch sử và hiện nay, không cần nói thì ai cũng biết là những gì 🙂
Lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè lần thứ 22, Matxcơva 1980. Vào thời điểm xem trực tiếp những lễ khai mạc các thế vận hội, ta thường trầm trồ trước các màn biểu diễn. Nhưng nhiều thập niên sau, nhìn lại thì thấy có gì đó cay cay. Con người thật tài năng, thật dẻo dai, nhưng họ đã trải qua những gì sau đó… Hình ảnh trên quá xuất sắc, nhưng cũng chân thực đến độ sững sờ về sức mạnh tập thể, về một tinh thần tập trung cao độ.
Danh họa Salvador Dalí hôn tay nữ diễn viên Raquel Welch, 1965. Bức ảnh thể hiện đúng phong cách cường điệu của Dali, như các bức tranh siêu thực của mình, và những bức ảnh tự thể hiện mình trước công chúng. Còn nữ diễn viên từng là sex symbol của Mỹ, Playboy xếp cô thứ 3 trong số 100 ngôi sao sexy nhất thế kỷ 20. Năm 1965 là năm trước khi cô lên tới đỉnh cao.
Các bạn ơi. Xác nhận là tớ nhầm nhé, thế mà trước giờ xem phim cứ nghĩ tòa Chrysler là tòa Empire State và ngược lại. Thanks mọi người.
Vụ công nhân leo giàn giáo cười toe là ý đá đểu mấy cái ảnh cúng cụ ở ta thôi, nhưng hóa ra lại gây hiểu nhầm. Túm lại là hôm nay tớ hố toàn tập. hớ hớ. ...xem tiếp
22:56Saturday,16.1.2016Đăng bởi: phạm huy thông
Các bạn ơi. Xác nhận là tớ nhầm nhé, thế mà trước giờ xem phim cứ nghĩ tòa Chrysler là tòa Empire State và ngược lại. Thanks mọi người.
Vụ công nhân leo giàn giáo cười toe là ý đá đểu mấy cái ảnh cúng cụ ở ta thôi, nhưng hóa ra lại gây hiểu nhầm. Túm lại là hôm nay tớ hố toàn tập. hớ hớ.
20:29Saturday,16.1.2016Đăng bởi: Candid
Công nhân leo giàn giáo vẫn có chỗ đứng với thời gian mà. Ví dụ như
http://www.dailymail.co.uk/news/article-2206050/The-picture-proves-iconic-photograph-workers-eating-lunch-Rockefeller-beam-publicity-stunt.html ...xem tiếp
20:29Saturday,16.1.2016Đăng bởi: Candid
Công nhân leo giàn giáo vẫn có chỗ đứng với thời gian mà. Ví dụ như
Vụ công nhân leo giàn giáo cười toe là ý đá đểu mấy cái ảnh cúng cụ ở ta thôi, nhưng hóa ra lại gây hiểu nhầm. Túm lại là hôm nay tớ hố toàn tập. hớ hớ.
...xem tiếp