Tin tức

Tin-ảnh: đại gia chuộc tranh cho bảo tàng, bảo tàng đòi tranh cho đất nước 02. 01. 16 - 10:57 pm

Phạm Phong tổng hợp và dịch

1.

Sindika Dokolo là nhà sưu tập nghệ thuật lớn nhất Angola. Ông sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại oách nhất của châu Phi và dự định một ngày kia sẽ bày nó tại một bảo tàng mới ở thủ đô Luanda. Vợ ông là Isabel dos Santos, con gái của Tổng thống Angola, José Eduardo dos Santos. Theo tạp chí Forbes, bà là người phụ nữ giàu nhất châu Phi. Trong ảnh từ trang này, Sindika Dokolo ngoài cùng, đang cho vợ xem một huân chương mới được trao.

 

 

Trước kia Sindika Dokolo từng chuộc được ba tác phẩm quý thế kỷ 19 bị ăn trộm mấy chục năm trước về cho Angola. Ông tự coi sứ mệnh của mình là tìm cho ra những tác phẩm đã bị lấy mất của châu Phi và cho chúng hồi cố hương. Mới đây quỹ của ông vừa mua lại được hai cái mặt nạ phụ nữ cổ (hình) và một tượng đàn ông của người Chokwe làm, từ những nhà sưu tập Bỉ và Pháp. Những tác phẩm này thuộc bảo tàng Dundo ở Đông Bắc Angola và bị mất đi khoảng 1975 tới 2002, khi Angola chìm trong nội chiến. Chúng được nhà buôn Didier Claes và chuyên gia nghệ thuật Tao Kerefoff phát hiện ra. Họ đã đứng ra thương lượng việc mua bán giúp Dokolo.

 

Dokolo phải trả bao nhiêu cho ba tác phẩm này thì không rõ, nhưng nguyên tắc của ông là hoàn đúng số tiền mà các nhà sưu tập phương Tây đã bỏ ra để có các tác phẩm ăn cắp từ châu Phi, chỉ thế thôi, không hơn. “Nếu anh muốn $100,000 cho một thứ anh đã chi $30,000 cách đó 15 năm, tôi sẵn sàng chi ngay $30,000. Anh cứ chọn đi: hoặc anh sẽ là siêu anh hùng, hoặc không thì tôi sẽ đeo anh nhằng nhẵng,”Dokolo nói. Trong hình: Sindika Dokolo. Hình từ trang này

 

 

2.

MoMA (bảo tàng nghệ thuật hiện đại) vừa thông báo nhận được quà tặng trị giá $40 triệu từ Kenneth C. Griffin, người sáng lập và là giám đốc điều hành của tập đoàn đầu tư tài chính Citadel. Đây là món tiền ủng hộ một lần lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử của bảo tàng này. Và để tri ân, một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất của bảo tàng – tòa cánh Đông bằng thép đen và kính, do Philip Johnson thiết kế năm 1964, từ nay sẽ mang tên Griffin. Trong ảnh: Kenneth C. Griffin trước tòa nhà của tập đoàn. Hình từ trang này

 

 

Griffin là một nhà tài phiệt yêu nghệ thuật. Ông nằm trong danh sách 20 nhà sưu tập lớn nhất của ARTnews năm nay. Trước đó ông cũng đã nhiều lần tài trợ cho các bảo tàng và các tổ chức giáo dục khác trong Chicago – nơi có tổng hành dinh của Citadel. Ông cũng nằm trong ban giám đốc của bảo tàng Whitney, và sảnh chính trong tòa nhà quay mặt về khu Meatpacking cũng mang tên ông. Minh họa từ trang này

 

 

3.

Cuối cùng, 14 tác phẩm Mỹ cũng đã được giao cho Iran sau gần 40 năm kể từ ngày bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Tehran đi mua. Lý do lô hàng này bị ách lại là do quan hệ ngoại giao hai nước bị gián đoạn sau khi Cách mạng Iran nổ ra hồi 1979. Trong ảnh: Tại hầm chứa tranh của bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Tehran. Ảnh từ trang này

 

 

Kênh tiếng Anh Press TV của chính phủ Iran cho biết việc giao 14 tác phẩm này là kết quả của vụ kiện do các quan chức Iran khởi xướng hai năm trước. Dù sao, đây cũng là một dấu hiệu tươi sáng, cho thấy quan hệ hai nước Mỹ và Iran rõ là có tiến triển sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký hồi tháng Bảy 2015. Trong ành: một phần của bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Tehran, nơi chứa bộ sưu tập lớn nhất (ngoài châu Âu và Mỹ) các tác phẩm nghệ thuật hiện đại của phương Tây, trị giá nghe nói 2.5 tỉ bảng Anh. Bảo tàng này khánh thành năm 1977. Kiến trúc sư người Iran Kamran Diba đã đưa những yếu tố truyền thống của Ba Tư vào trong công trình này. Ảnh của MRG90

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả