Cầu Vàng và đề cử Oscar 2016: Người em ăn chơi có gì khác người anh hàn lâm
19. 01. 16 - 9:29 am
Pha Lê tổng hợp và dịch
Với biệt danh “bữa tiệc lớn nhất năm”, khán giả thường coi giải Quả cầu Vàng như người em họ vui tính, hơi ăn chơi quậy phá hơn so với các lễ trao giải khác của Hollywood.
Buỗi lễ gồm tiệc ba món, champagne uống thả ga kèm theo những người dẫn chương trình nổi tiếng lập dị. Giải Quả cầu Vàng là cơ hội cho các ngôi sao sáng nhất của làng điện ảnh lẫn truyền hình cùng “xõa”, ai cũng có thể thi nốc rượu với Amy Schumer hoặc chụp selfie với Helen Mirren – vì nói cho cùng, đây đâu phải giải Oscar.
Helen Mirren (giữa) chụp selfie với Morgan Freeman tại Cầu Vàng 2016.
Có ai đó chụp được chầu champagne của giải Cầu Vàng năm nay, thấy nhiều khiếp!
Giải năm nay cũng không ngoại lệ, đa phần là nhờ các trò đùa của anh chàng dẫn chương trình Ricky Gervais, và ngay cả ông chủ tịch giải thưởng cũng không thoát khỏi câu trêu của Rick “Giải Cầu Vàng không dùng tiết mục Tưởng niệm nghệ sĩ đã khuất để khiến mấy bạn u buồn. Thay vào đó, chúng tôi cho ông chủ tịch lên phát biểu vài lời”. Rick cũng trêu ngôi sao Matt Damon là “người duy nhất Ben Affleck còn giữ được mối quan hệ thủy chung” – chọc ngoáy vụ anh Affleck vừa mới ly dị vợ. Matt Damon – bạn thân Affleck – đã hơi lúng túng sau khi bị Rick trêu, nhưng nói chết, hầu hết những người bị Rick trêu đều tỏ ra lúng túng cả.
Cây hài Ricky Gervais. Anh này nổi tiếng hay châm chích làm mích lòng, nhưng vì anh vui, lại “không sợ ai” nên nhiều kẻ cũng khoái anh lắm.
Đây là một đêm trọng đại cho The Revenant, kể về câu chuyện đầy khổ ải của một người dò đường tiên phong khi anh phải vật lộn để sống sót sau khi bị bạn bè bỏ mặc cho chết. Tác phẩm ẵm giải phim (chính kịch) hay nhất, giải nam diễn viên (chính kịch) xuất sắc nhất, và ôm luôn giải đạo diễn – toàn giải lớn nhé.
Alejandro González Iñárritu và Leo cùng ôm tượng, thế là Leo có cả hai giải Cầu Vàng cho hạng mục hài lẫn bi. Chúc mừng Leo.
Và cũng phải nhắc đến chiến thắng của một phim có chủ đề “sống sót” y như The Revenant: tác phẩm The Martian của Ridley Scott. Phim kể về một phi hành gia Nasa (do Matt Damon thủ vai) tự mình xoay sở trên sao Hỏa sau khi đồng nghiệp bỏ đi vì nghĩ rằng anh đã tử nạn. Chiến thắng của phim khiến lắm người yêu giải Cầu Vàng sẽ phải chia làm hai phe: cảm thấy hoặc vui hoặc cáu tiết. Bởi nhìn chung Cầu Vàng thường vinh danh những tác phẩm giải trí đại chúng mà khán giả yêu thích, do đó người mê Martian sẽ đồng ý với chiến thắng này, còn ai cho rằng Cầu Vàng cần “hàn lâm” hơn sẽ thấy khó chịu. Dù gì đi nữa, đây quả là một đêm vui cho Matt Damon khi anh thắng giải nam diễn viên xuất sắc cho hạng mục hài. Như Ricky Gervais nói: “The Martian vui hơn phim Pixels”. Nhưng phim nào mà chẳng vui hơn cái Pixels dở thối kia.
“Pixels” (hình) là phim hài, nổi tiếng vì đây là một trong những phim… dở nhất năm, hài mà xem xong không ma nào cười nổi.
Matt Damon thắng giải vui quá, lôi tượng ra chụp selfie.
Có lẽ thời khắc gây ngạc nhiên nhất chính là khi Brie Larson thắng giải nữ diễn viên (chính kịch) cho bộ phim đau buồn Room – dựa trên tiểu thuyết của Emma Donoghue. Phim này cũng mang chủ đề “vùng vẫy hòng sống sót” (vì kể về hai mẹ con bị nhốt trong ăn phòng kín, bà mẹ phải tìm cánh đưa con mình thoát ra), và năm nay chủ đề này có thể sẽ áp đảo mọi thứ khác. Larson vượt mặt những Cate Blanchett với Rooney Mara – trong Carol – và vượt cả Alicia Vikander trong The Danish Girl. Quả là một đêm đỉnh cao cho sự nghiệp của Bie.
Brie lên bục nhận giải và cảm ơn đoàn làm phim. “Room” hiện giờ chưa có bản đẹp. Đợi có DVD rồi xem cũng không muộn vì nghi chẳng biết Việt Nam có chiếu hay không, nếu phim làm đúng theo tiểu thuyết gốc thì nó sẽ hơi… kinh dị, vì đề tài man rợ quá mà. “Room” chắc không chiếu rạp Việt Nam được. Cũng do Hollywood đi lôi tác phẩm hãi hùng nhất của Emma Donoghue ra chuyển thể, trách ai giờ!
Cục cưng Jennifer Lawrence tiếp tục công cuộc “sát giải thưởng”, ôm ngay tượng cho hạng mục nữ chính xuất sắc (thể loại nhạc kịch/hài kịch) nhờ vai diễn trong phim Joy của O’ Russell. Cô có một thần thái rất lôi cuốn trên màn ảnh, một ngôi sao thực thụ, nhưng lắm kẻ vẫn dè dặt khi hội đồng xếp Joy vào thể loại nhạc kịch/hài kịch. Theo họ thì Joy vào mục chính kịch mới đúng, và nếu đứng cạnh Cate Blanchett với Brie Larson, Jennifer chưa chắc sẽ có cửa thắng như ở mục hài.
Cục cưng Jennifer lên bục nhận giải thưởng, Hollywood o bế nàng quá thể.
Không chỉ mỗi cục cưng Jennifer thắng liên tiếp, Kate Winslet tiếp tục ẵm giải, lần này là cho hạng mục nữ phụ với vai Joanna Hoffman – giám đốc tiếp thị của hãng Apple – trong bộ phim tiểu sử về Steve Jobs. Phim do Danny Boyle đạo diễn và Aaron Sorkin viết kịch bản – anh Aaron cũng thắng thế ở mục kịch bản xuất sắc nhất.
Aaron Sorkin (phải) không những vui vì đoạt giải mà còn vui vì được gặp Tarantino.
Winslet đang trải qua một giai đoạn thú vị trong sự nghiệp: cô vẫn có thể thủ vai chính cho một phim tình cảm, nhưng cô hoàn toàn có thể thu mình vào vai phụ, nơi cô cũng tỏa sáng chẳng kém gì.
Winslet hôn tượng.
Ngoài ra, thật vui khi thấy Inside Out nhận giải cho hạng mục hoạt hình, dù phim chứa nhiều triết lý mạnh mẽ và hay đến mức lắm người cho rằng hội đồng nên đưa nó vào tranh cử ở những hạng mục khác nữa.
Một trong những tên tuổi phi thường hiện vẫn đang làm việc không nghỉ trong giới điện ảnh chính là nhà soạn nhạc Ennio Morricone. Nay đã 87 tuổi, ông vẫn tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới. Nhạc ông viết cho phim The Hateful Eight của Tarantino là một trong những tác phẩm hay nhất của ông, Ennio Morricone còn hơn cả xứng đáng với giải âm nhạc mà hội đồng Cầu Vàng trao cho ông năm nay.
Ennio Morricone (hình) không đến dự Cầu Vàng năm nay được nên nhờ Tarantino thay mặt ông nhận giải. Bạn nào biết Ennio Morricone từng soạn nhạc cho phim gì không? Bài nhạc kinh điển trong bộ phim kinh điển “Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại” đấy.
Tóm lại, kết quả của giải Cầu Vàng khá rõ ràng: một chiến thắng lớn cho The Revenant, cho Alejandro González Iñárritu và cho Leonardo DiCaprio. Tiếp theo là The Martian của Ridlet Scott.
Chẳng lạ gì khi ngay sau đó, danh sách đề cử Oscar năm nay xướng tên The Revenant đến 12 lần, bộ phim có mặt trong các hạng mục phụ lẫn chính như phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và nam diễn viên xuất sắc nhất cho Leonardo DiCaprio.
Leo trong “Revenant”. Khổ nỗi chàng Leo hay bị xui với Oscar lắm, liệu năm nay anh có bớt xui?
Thế nhưng ngoài điểm giống, Oscar đợt này cũng có nhiều điểm khác so với Cầu Vàng. Charlotte Rampling rất xứng đáng nhận đề cử nữ chính cho diễn xuất của bà trong 45 Years – tác phẩm Cầu Vàng bỏ ngoài rìa. Đối thủ của Rampling thì lại quen thuộc, bao gồm Jennifer Lawrence (Joy), Cate Blanchett (Carol), Brie Larson (Room) và Saoirse Ronan (Brooklyn). Cũng thật tuyệt khi thấy đề cử Oscar cho hạng mục phim tài liệu có tên Asif Kapadia cho phim Amy và Josh Oppenheimer với phim The Look of Silence.
Bà Rampling (phải) trong “45 Years”, phim kể về một cặp vợ chồng già, nghe đâu rất hay nhưng chưa được xem vì phim chiếu ở rất ít rạp nước ngoài. Phim im hơi lặng tiếng đến nỗi chẳng ai hối hả để tải nó lên mạng cho ta đem về xem.
Bất ngờ cho giải Oscar năm nay là Mad Max: Fury Road của George Miller ẵm tròn 10 đề cử, một minh chứng cho thấy bộ phim được lòng người lẫn các nhà phê bình như thế nào. Cầu Vàng cũng ưu ái Mad Max nhưng không ưu ái đến số 10 như thế này. Thật tuyệt khi Oscar không cho rằng Mad Max chỉ là phim “giải trí chất lượng”. Dù vậy nhiều người cũng buồn vì muốn Inside Out nhận nhiều đề cử hơn. Tác phẩm này nên có chỗ đứng trong mục phim hay nhất. Khổ nỗi Inside Out chỉ nhận được đề cử cho mục hoạt hình và mục kịch bản.
Phim “Insdie Out” công nhận hay thật, nhưng ít phim hoạt hình nào chui ra khỏi được phạm vi của nó, phim nhận được đề cử kịch bản là hay lắm rồi.
Một phim nặng kí khác nữa là The Martian của Ridley Scott. Dĩ nhiên Ridley đã cầm cương rất tốt, nhưng lạ thay ông lại không có tên trong hạng mục đạo diễn dù Martian nhận 7 để cử Oscar khác – bao gồm một giải nam chính cho Matt Damon. Những người hụt giải vốn là chủ đề muôn thuở. Không riêng gì ông Ridley, Oscar lần nữa lại bị chỉ trích vì thiếu đa dạng sắc tộc. Không có đề cử nào cho các nghệ sĩ da màu như Ryan Coogler hay Michael B Jordan cho phim Creed, hay Idris Elba cho diễn xuất tuyệt vời của anh trong Beasts of No Nation, hay Samuel L Jackson trong The Hateful Eight.
Idris Elba (đội mũ, đeo kính) trong “Beast of no nation”, kể về nội chiến ở châu Phi và nạn bắt trẻ em đi lính. Có người khen phim này nhưng cũng có người bảo nó vô duyên. Oscar bỏ lơ nó vì phân biệt chủng tộc hay vì nó chưa được hay là điều còn đang gây tranh cãi.
Thôi thì Oscar đâu hoàn hảo bao giờ, ít ra giải không cho ra rìa những phim Cầu Vàng làm mặt lạnh với – ví dụ như Spotlightchẳng hạn. Oscar cho Spotlight 6 đề cử, phim hay thế mà, nó bị Cầu Vàng bỏ lơ nhưng ít ra ông Oscar đã vớt cái phim đứa em ăn chơi của mình không thèm nhận. Và cuối cùng khán giả tiếp tục hồi hộp chờ đến ngày trao giải.
Một cảnh của “Spotlight”. Phim ôm giải đạo diễn, kịch bản, nam phụ (cho Mark Ruffalo), và cả giải phim hay nhất nữa.
“Mad Max” ôm gọn các giãi kỹ thuật, hóa trang này kia, cộng thêm giải phim hay và giải đạo diễn cho George Miller – cũng xứng đáng thôi vì Miller rất tuyệt. Hy vọng ông sẽ sớm thực hiện “Mad Max: Furiosa”
Đợi Oscar xong xuôi rồi chúc mừng những người thắng Cầu Vàng cũng chẳng muộn nhỉ.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
23:43Thursday,21.1.2016Đăng bởi: admin
@Horustr4n: Soi đã sửa lại chú thích rồi, cảm ơn bạn nhé. ...xem tiếp
23:43Thursday,21.1.2016Đăng bởi: admin
@Horustr4n: Soi đã sửa lại chú thích rồi, cảm ơn bạn nhé.
23:29Thursday,21.1.2016Đăng bởi: Horustr4n
Tấm hình thứ chín từ trên đếm xuống với chú thích: "Aaron Sorkin (trái) không những vui vì đoạt giải mà còn vui vì được gặp Tarantino." bị sai cô Pha Lê ơi. Aaron ở bên phải cơ mà. Bên trái là Tarantino. ...xem tiếp
23:29Thursday,21.1.2016Đăng bởi: Horustr4n
Tấm hình thứ chín từ trên đếm xuống với chú thích: "Aaron Sorkin (trái) không những vui vì đoạt giải mà còn vui vì được gặp Tarantino." bị sai cô Pha Lê ơi. Aaron ở bên phải cơ mà. Bên trái là Tarantino.
...xem tiếp