|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhLoạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (3) 26. 04. 10 - 7:23 pmSOILiên lạc hội-họa với nhiếp ảnh nhân cuộc triển lãm ảnh mỹ-thuật của ông Tranh, An và Nghi Trong một số báo trước, phân biệt Họa sĩ với máy ảnh, tôi tỏ ý rằng mỹ phẩm của bức tranh không còn nữa khi tranh rình bắt chước ảnh. Nghĩ như vậy không phải là khinh chiếc máy ảnh và nghề nhiếp ảnh. Ảnh có thiên-chức riêng, rất quý giá vì rất cần, thiên chức của những tài liệu (documents) sác thực, minh bạch, về hình trạng. Đó là những “chứng” thực thà, không biết thiên vị, và không làm ai chối cãi nổi. Sự can hệ của ảnh đối với khoa học cũng như ở nhiều giới khác là điều rõ ràng rồi. Ngoài cái giá trị “Tài liệu” của ảnh, nhiều khi chúng ta đứng về phương diện mỹ-thuật mà xét nó. Là vì, nếu có những họa-sĩ muốn thành nhà nhiếp ảnh, thì có những nhà nhiếp ảnh muốn làm họa-sĩ. Âu cũng do một số tư cách chung của Tranh và Ảnh. Trước hết ảnh cũng như tranh là một mặt phẳng lì (surface plane) trên đó tả những vật ba chiều (trois dimensions). Người xem có ảo tưởng về sự nổi và sự sâu hay xa gần. Sau nữa, muốn chụp một bức ảnh – tôi nói ảnh mỹ thuật – nhà nhiếp ảnh cũng phải biết xếp đặt, khéo trình bầy những nhân vật để tả; phải sành chọn ánh sáng cho những thứ ấy thêm giá trị hay đến được cái vẻ mà mình muốn nó có; phải lựa chiều mà chụp để toàn thể nổi vị; phải tả giáng dấp, phẩm cách đặc biệt và thể chất riêng của từng vật.
Và hơn hết cả, quan niệm “đẹp” một phần cũng từa tựa như nhau, là họa sĩ hay nhà nhiếp ảnh phân biệt đẹp với xấu ở chỗ hình bóng của những vật lên mặt tranh hay ảnh đẹp hay xấu. Chứ không vì những vật ấy đắt tiền, quý giá, hay vì những người không phải nhà nghề khen là đẹp. Ví dụ: một cành lá dủ xuống mặt nước, một chút ánh sáng đi qua đám cỏ lau, một bàn tay rúng vào bùn, một cái ghế tồi trên đặt chiếc giầy nát… đã là những vẻ đẹp ảnh và tranh. Ảnh nhiều lần, đã tả những cảnh mập mờ lối họa-sĩ Corot, hay in những khổ mặt nửa sáng nửa lẩn vào tối như trên tác phẩm của họa-sĩ Rembrandt, hay chắp chồng những hình lên nhau kiểu phái Siêu-hiện-thực (Surréaliste)…
Vậy đứng trước những mỹ thuật phẩm về hình ảnh ấy, ta có cảm sự rung động như khi ngắm một bức tranh không? Hay, nói rộng ra, ta có đặt ngang giá trị một tác phẩm hội họa đẹp và một bức ảnh mỹ thuật hoàn toàn? Ta có đem nhà nhiếp ảnh lên cùng bực với nhà danh họa? Sự thực thì chưa ai nói có. Trái lại, người ta còn tự hỏi xem nhiếp ảnh có đáng gọi là một mỹ-thuật? Và đối diện với Họa phẩm, bức ảnh, theo ý người ta, vẫn chỉ là kiểu mẫu những cái mà họa-sĩ không bao giờ nên làm. Có phải chăng bao nhiêu những sự không đẹp nhà nhiếp ảnh mỹ thuật phải chịu đựng cũng chỉ vì đã nhờ một bộ máy để diễn tả ý nghĩ của mình? Nếu tôi tin bức tranh theo ảnh là của dở, tôi lại nghĩ rằng nhà nhiếp ảnh đem khuynh hướng hội họa vào nghệ thuật ảnh là điều hay. Không để cái máy tự do hành động một cách lãnh đạm, thản nhiên, nhà nhiếp ảnh khiến nó, bắt nó theo chiều ý nghĩ hay cảm tưởng của mình trong sự dàn xếp, bầy ra một hoàn cảnh, một không khí, một giáng điệu trên những vật mình chụp. Nghĩa là đặt một linh hồn rung động trong cái máy mà chính mình làm chủ não. Cũng như nhà hội họa đặt một linh hồn vào ngọn bút hay mầu thuốc. Có khác là cái quyền sai khiến của họa-sĩ đối với vật dụng như bút, thuốc thì mênh mông vô chừng, mà cái sức điều khiển bộ máy của nhà nhiếp ảnh thì không vô hạn. Có khác ở chỗ Họa sĩ là nhà mỹ-thuật nhiều mánh khóe, còn nhà nhiếp ảnh là nhà mỹ-thuật không rộng bằng. * * * Để sáng tỏ mấy ý này, Hanoi chúng ta, tháng trước đã được ngắm những tác phẩm của ba nhà nhiếp ảnh mỹ-thuật Tranh, An và Nghi, trưng bầy ở phòng chụp tại đường phố Cửa Nam. Ông Nghi, bầy chuyên phong cảnh, có hai bức đặc biệt về ánh sáng trong, bức đám thuyền chung quanh gợn sóng và bức mây soi mình vào nước. Còn hai ông Tranh và An, dân Hanoi đã làm quen cách đây một năm – hay hơn nữa – ở một hiệu chụp ảnh, trong một cuộc triển lãm ảnh các nhà văn-sĩ, nghệ-sĩ Hà-Thành do hai ông chụp. Những tác phẩm trước và vừa đây đã soi rõ một vài đặc điểm của hai ông mà chúng ta nhận thấy. Sở trường của các ông đến bây giờ là ở những tác phẩm về người. Muốn hiểu giá trị những tấm truyền thần do các ông chúng ta nên nhìn lại những bức truyền thần khác, của mấy hiệu ảnh hồi trước, những bức ảnh mà người ta quảng cáo là “mỹ thuật”, và một độ được công chúng ưa chuộng lắm, cái công chúng trong đó nhiều nhất có các cậu hay các cô chụp ảnh mình để cho nhà gái hay nhà trai xem mặt, và những cặp vợ chồng mới cưới cùng muốn trẻ măng, âu yếm tì đầu vào nhau trên ảnh. Tác giả những bóng họ ưa, có tài quỷ thuật biến những khuôn mặt hốc hác vì ho lao, trở nên béo tốt phương phi mũm mĩm, và một nước da bánh mật hay đen sì hóa trắng toát như vôi. Lại còn cái viền ánh sáng quanh mớ tóc và mấy vệt ánh sáng quệt hai bên má nó làm mặt trong đi như thủy tinh! Toàn những vẻ và những cớ rất can hệ để cho người ta muốn truyền thần lại mình! Hai ông Tranh và An hình như không đồng lòng với mấy nhà nhiếp ảnh quỷ thuật chứ không phải mỹ-thuật ấy. Các ông đã sáng tạo ra một thứ ảnh người hệt người, không “đẹp” ra theo nghĩa ngô ngốc, trọn tả được thể chất và tính cách từng nét mặt, từng vẻ mặt. Sự sáng tạo rõ ràng nhất là khéo dìm những khuôn mặt vào bóng tối để, tùy theo, làm lộ một khổ mặt rắn sương hay dịu tròn. Ngần ấy tác phẩm chỉ có độ vài ba thiếu-nữ ngồi làm kiểu. Các ông đã tài soay chiều và phân phát ánh sáng với bóng tối, trên những bộ phận ở mặt xếp bên cạnh chiếc mành, hay dựa vào mảng bóng đen, lúc ẩn lúc hiện nửa chừng hay rõ rệt, để thành một số nhiều tác phẩm giá trị như nhau, vậy mà mỗi bức một vẻ riêng cao quý. Người ta thấy nhà mỹ thuật thận trọng, tằn tiện từng chút bợn sáng, hay ánh sáng lõa lồ, từng màng bóng hay đặc đen phủ lên phải chỗ, không quá tay, để ta cảm thấy điệu nhịp nhàng cân đối trong tấm ảnh. Cái chấm sáng trên môi của hình thiếu-nữ ngực lộ trần, nở nang và sám dịu, đã gợi ý sắc dục, một cách điều độ và có duyên. Nét mặt hơi tươi như sắp cười chìm trong nửa sáng nửa tối làm phảng phất một bầu không khí đầy yêu. Đó là những tác phẩm mỹ thuật. Hiểu theo quan niệm chính đường và lòng ham mê nghệ thuật. Có ai không vừa lòng? Họa chăng lại chỉ mấy cô dâu chú rể tương lai không thấy các ông Tranh An làm lợi cho mình! (Nguồn: tạp chí Thanh Nghị số 15, 6/1942)
* Bài liên quan: – Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị (1) Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|