Ăn uống

Ăn ở Đà Lạt (kỳ 2): Năm sao và Nam Sơn quán 31. 01. 16 - 12:17 pm

Pha Lê

(Tiếp theo phần trước)

Khi đứa bạn thân biết tôi đi Đà Lạt, nó bảo tôi nên đến Ana Mandara ăn sáng. Không cần ở khách sạn năm sao làm gì, bận việc đi suốt có hưởng được đâu, nhưng đến đấy coi như ngắm cảnh vì cây cối vườn tược biệt thự trong Ana Mandara rất đẹp. Ai ở khách sạn tất nhiên là sẽ ăn sáng miễn phí, nhưng ở chỗ khác vẫn có thể bỏ tiền ra đến đấy ăn sáng ngắm cảnh.

Vừa bước vào Ana Mandara là thấy cây cối xoay quay biệt thự  (hình trong bài: Internet và Pha Lê)

Tôi mới hỏi đứa bạn “Vậy đồ ăn ngon không?”, nó trả lời thẳng thừng: “Không”.

Nghe thấy món ăn dở tôi có hơi ngại ngùng, nhưng biết đâu bạn tôi thấy dở tôi thấy ngon? Và nếu cảnh đẹp nữa thì tuyệt. Thế là tôi rị mọ chạy đến Ana Mandara vào một buổi sáng, vừa bước chân vào trong là đã nghe thấy tiếng côn trùng rả rích. Đường đi bộ đến chỗ ăn sáng có lắm cây cối xào xạc, trời mát, chốc chốc lại thấy một biệt thự giữa vườn cây.

Lối đi đến nhà ăn của khách sạn, có lúc phải lên dốc nhưng đi bộ cũng thấy khỏe người.

Đến nơi, nhân viên khách sạn chào đón niềm nở, ai cũng lịch sự cười tươi. Ăn sáng ở những chỗ như Ana Mandara thường là buffet, và thực chất khách sạn năm sao nào ớ xứ mình cũng gần giống nhau cả: một góc nấu mấy món nước như mì phở, một góc làm trứng chiên trứng luộc, một góc bày các kiểu xa-lát, rau, trái cây, một góc có bánh mì, mứt các loại, một góc cơm chiên há cảo hoành thánh sặc mùi Tàu, một góc có mấy món tráng miệng nho nhỏ…

Cảnh đẹp, trời mát, phục vụ dễ thương xinh xẻo, món ăn bạn tôi nói không ngon, còn tôi thấy chúng… chán tàn bạo.

Những món “chủ yếu là bày ra” hoặc “ở đâu cũng vậy” chẳng có gì để bàn. Rau cắt ra để đấy, trái cây gọt xong bày ra, phó mát để đó, trứng luộc trứng chiên quá đơn giản. Khách sạn ít sao sẽ không nhiều món vầy, nguyên liệu ở Ana Mandara cũng khá ổn nên các món đó không dở. Cái dở ở đây là cái sự lười. Xa-lát có bao nhiêu loại, hằng hà cách chế biến, trứng có khả năng nấu ra tỉ món, vậy mà cứ ốp-la ốp-lết rồi bảo thế là sang thì thật phí công mướn đầu bếp. Đã mang tiếng năm sao rồi thì cố gắng động não và dùng chút kỹ thuật là sẽ có ngay món ngon hơn, đặc biệt hơn so với những nơi năm sao khác. Nhưng không, cuối cùng chủ yếu vẫn là bày ra, là xếp lên đĩa hoặc lắc lắc cái chảo là có món ăn sáng. Nhìn cứ tưởng nhiều món lắm, nhưng thật sự thì đơn điệu vì cái lười nó cứ bao trùm.

Trái cây bày ra, gọi là để đó. Đà Lạt là xứ nuôi bò lấy sữa, khách sạn muốn thu mua về làm kem bơ để biến tấu với trái cây hoàn toàn được. Trái cây có bao cách để đầu bếp sáng tạo, nào làm xa-lát nào parfait, làm thành jelly, bày kèm chúng với trái cây tươi chưa qua chế biến vẫn được.

Thế còn đỡ, chán nhất là những món lý ra không nên chán. Bún gà ngọt lợ đúng kiểu nêm hóa chất công nghiệp, khách sạn năm sao mà rốt cuộc cũng thành nơi ủ mầm bệnh nhà hàng Tàu. Bánh mì loại nào cũng dở, bánh mì đen lý ra phải có vị đặc trưng, tuy thô ráp hơn bánh mì trắng nhưng thơm mùi ngũ cốc và nhai lâu sẽ có dư vị ngọt. Đằng này bánh mì đen mà cứ như “bánh mì trắng nhuộm màu đen”.

Bánh mì nhìn thì thấy nhiều nhưng bánh nào cũng dở.

Há cảo với hoành thánh dở kiểu “mới từ nhà máy chuyển về” hoặc “mới rã đông xong”, không có mấy hương vị của một bàn tay chăm chút làm ra. Há cảo nhân không ra thịt ra tôm, bột bọc ngoài bở rợ. Hoành thánh không những bở mà còn bơi trong tô nước lèo chán ngắt. Đứa bạn đi cùng nói thà ra quận 5 ở thành phố để ăn hoành thánh, nước lèo cũng có bột ngọt nhưng ít ra hoành thánh làm ngon, thịt dai chắc, miếng bột mì bọc ngoài cũng dai, không bở rợ từ trong ra ngoài như vầy.

Gọi trà đen thì cô phục vụ xinh xắn tươi cười bưng ra cho bình trà… Lipton. Vừa nhấp trà vừa ngó phần tráng miệng, bốc hũ ya-ua ăn thì thấy đây là món khá nhất, nhưng cũng chẳng ngon bằng ya-ua phó-mát hôm trước tôi vừa ăn ở Ngọc Nhung.

Ya-ua ở đây ăn được, dù vậy vẫn thua ya-ua Ngọc Nhung. Món ăn ở nơi năm sao mà như thế thì quá chán.

Xong bữa, hai đứa đi dạo một vòng khu khách sạn, thấy cũng vui, cơ bản là do cây cối còn nhiều, nghe tiếng côn trùng rất thích. Không tiếc số tiền 18 USD một người là có thể bỏ vào khách sạn chỉ để dạo chơi cho thỏa, nên xác định trước là không phải bỏ tiền để… ăn.

*
Buổi trưa, sau một bữa đi bộ mệt nhoài, tôi và đứa bạn dắt nhau vô Nam Sơn quán.

Biển báo giá một số món được nhiều người yêu thích ở Nam Sơn quán.

Thú thực là lên Đà Lạt tôi chủ yếu định chui vào đây, lý do cũng vì tình cảm cá nhân thôi. Ông cố ngoại của tôi hồi xưa có thuê một đầu bếp nấu nướng cho cả nhà. Tên đầy đủ của ông bếp này đến mẹ tôi còn chẳng nhớ, chỉ biết cả nhà hay gọi là ông Bồi.

Ông Bồi là người gốc Hoa, nấu ăn ngon, ông cố thương nên khi ông Bồi nghỉ, ông cố bèn dúi cho một số vốn kha khá để ông Bồi làm ăn, xem như trả ơn nhiều năm phục vụ. Ông Bồi bèn lên Đà Lạt, chưa muốn phiêu lưu nhiều nên trước mắt ông chỉ đầu tư một chiếc xe đẩy nhỏ, đại loại là nấu mì hay cơm bình dân vòng vòng khu chợ. Dần dà ông quen một bà hay bán bánh cạnh xe của ông, mẹ tôi kể trằng hai người từ từ mến nhau rồi cưới nhau, họ gom vốn lại mở ra Nam Sơn quán.

Bên ngoài nhà hàng Nam Sơn, ông Bồi là người gốc Hoa nên quán có thêm tên tiếng Tàu.

Ông Bồi nấu ngon nên Nam Sơn quán bắt đầu nổi tiếng lẫy lừng, khách ra vào tấp nập. Ông cố hay tin thì vui lắm. Tội nghiệp là sau giải phóng nhiều biến cố, hai ông bà mất quán trong một thời gian, nhưng cuối cùng bà ngoại tôi chạy lên xin lại được quán Nam Sơn để trả cho ông bà Bồi.

Biết ơn ông cố và bà ngoại, cặp vợ chồng ông Bồi cũng chẳng có con, nên hai ông bà ngỏ lời chuyển hết tài sản và quán xá cho đứa con trai út của ngoại – tức cậu của tôi, người tôi hay gọi là “bố Hiệp” vì nhà có thói quen gọi cậu là bố. Bố Hiệp thấy mình quen ở thành phố và không có kinh nghiệm quản lý quán ăn nên đã từ chối, nhường quán lại cho con cháu họ hàng xa của ông bà Bồi.

Hồi nhỏ, mỗi lần lên Đà Lạt là cả nhà tôi chạy ra Nam Sơn ăn. Thời ấy Đà Lạt chẳng có bao quán và Nam Sơn lại là chỗ quen, họ hàng ông bà Bồi hễ thấy ngoại lên là chạy ra hàn huyên rôm rả lắm. Bây giờ lên Đà Lạt tôi vẫn muốn ra Nam Sơn, kỷ niệm thôi chứ giờ mình lớn tướng, không ai nhớ ra mình nữa, bà ngoại giờ già cả chẳng mấy khi đi xa nữa nên cũng ít giữ liên lạc. Họ hàng ông Bồi lại chủ yếu chỉ nhớ mỗi mặt bà.

Tôi đến Nam Sơn ăn với tư cách của một thực khách bình thường, gọi một món rau, một món xào, một món thịt ram để chia với đứa bạn. Nam Sơn hiện giờ tuy dán mác bình dân nhưng món nào nấu ra món nấy, không nửa mùa giật cục hay quá lạm dụng hóa chất nêm nếm. Bò lúc lắc với rau xào có thịt bò mềm, rau thơm. Rau muống xào cũng vừa giòn, thịt ram ra vị thịt ram. Lúc biết tôi có ý ra Nam Sơn ăn, mẹ tôi bảo “Ờ, chỗ ấy vẫn ăn được”, và tôi thấy ăn được thật. Món vừa vặn với quán, vừa vặn với người nấu, vừa túi tiền vì gọi món cũng kha khá mà hai đứa ăn chưa tới ba trăm ngàn, nếu gọi cơm phần còn rẻ hơn nữa.

Rau muống xào của Nam Sơn giòn ngon.

 

Bò lúc lắc hơi ít bò, nhưng bò mềm và với giá khá rẻ thì nhiêu đây thịt cũng vừa rồi. Rau xào không bị nhão, rất thơm.

Tuy vậy cũng phải công nhận rằng món nào cũng hơi bị mặn, hoặc do tôi vốn ăn nhạt, hoặc tôi nghi đây là kiểu nêm nếm ông Bồi truyền lại do vị mặn y chang vị mấy món bà ngoại tôi nấu thời bà còn khỏe. Có thể do ông nêm mặn, bà tôi ăn từ nhỏ rồi khi lớn cũng nêm giống, hoặc có thể do nhà ông cố hảo mặn nên ông Bồi nấu theo khẩu vị và từ đó thành quen. Ai không thích mặn cần cảnh giác một chút, còn người nào thích món đậm đà để ăn nhiều cơm cho no, khỏi gọi lắm món tốn tiền chắc sẽ khoái lắm.

Món nào cũng đậm đà rồi nên nếu mà gọi món thịt ram mặn là coi chừng còn mặn nữa. Nhưng ai quen ăn uống mặn hơn tôi chắc sẽ thấy ngon.

Xong bữa ở Nam Sơn, tôi và đứa bạn rất vui vẻ, buổi tối còn no nên dạo vòng chợ mua trái bắp về cạp, không cần ăn tối nữa cho nhẹ bụng.

Ý kiến - Thảo luận

8:47 Monday,21.3.2016 Đăng bởi:  minh vu
Về ẩm thực, tôi thấy Pha Lê lúc nào cũng tinh tế và sành điệu. Thanks
...xem tiếp
8:47 Monday,21.3.2016 Đăng bởi:  minh vu
Về ẩm thực, tôi thấy Pha Lê lúc nào cũng tinh tế và sành điệu. Thanks 
22:34 Sunday,31.1.2016 Đăng bởi:  Richard, Virginia USA
"Không tiếc số tiền 18 USD một người là có thể bỏ vào khách sạn chỉ để dạo chơi cho thỏa, nên xác định trước là không phải bỏ tiền để… ăn." : chỉ để có chi tiết viết về ăn sáng tại khách sạn 5 sao Đà Lạt! Cám ơn Pha Lê.
...xem tiếp
22:34 Sunday,31.1.2016 Đăng bởi:  Richard, Virginia USA
"Không tiếc số tiền 18 USD một người là có thể bỏ vào khách sạn chỉ để dạo chơi cho thỏa, nên xác định trước là không phải bỏ tiền để… ăn." : chỉ để có chi tiết viết về ăn sáng tại khách sạn 5 sao Đà Lạt! Cám ơn Pha Lê. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả