Ăn uống

Ăn ở Đà Lạt (kỳ 1): Bệnh nhà hàng Tàu hay “hội chứng Kwok” 20. 01. 16 - 6:10 am

Pha Lê

Có việc lên Đà Lạt mấy ngày để thăm các trang trại thực phẩm sạch, ban đầu định thuê nhà dân để có cái bếp nấu nướng, nhưng cuối cùng vì trục trặc mà chủ nhà đành xin lỗi phải trả cọc lại. Tôi đành tiu nghỉu đi ở khách sạn, vác thân ra quán ăn vậy chứ sao giờ.

Ngày đầu đến nơi, đường vừa xa vừa mất ngủ thành thử lúc ra ngoài ăn tối, tôi mệt quá chẳng buồn đi tìm quán. Đứa bạn bảo lẩu bò Hạnh trên đường Bùi Thị Xuân nổi tiếng lắm, ăn cho biết. Tôi giống bố, rất ghét lẩu nhưng nghe nói quán nổi tiếng cũng xiêu lòng. Lết thân đến nơi thấy quán xá nhìn hơi cũ nhưng sạch sẽ.

Quán lẩu bò Hạnh (hình trong bài: Internet, Pha Lê, và Phạm Tuấn Ngọc)

Bảo là lẩu bò với gỏi bò bóp thấu của quán ngon. Cả hội bèn gọi một đĩa gỏi với một nồi lẩu. Bò công nhận mềm, gân bò trong lẩu cũng mềm và hơi dai kiểu gân. Thịt nhìn chung không dở, quán lẩu bò mà thịt chấp nhận được là tạm coi rằng nguyên liệu chính họ nấu thành công.

Gỏi bò của quán, dọn kèm bánh đa.

Khổ nỗi tôi múc khoảng hai chén thì bỏ cuộc, ngồi nhai bánh đa nhìn mọi người ăn. Quán này – như bao quán Việt Nam khác – mắc cái bệnh mấy ông Tây gọi là “bệnh nhà hàng Tàu”, hay còn có tên là “hội chứng Kwok”. Nguyên nhân đến từ bột ngọt với bột nêm, triệu chứng bao gồm đau đầu, chóng mặt, buốt xương sống, tim đập nhanh. Ai ăn quen bột ngọt với bột nêm sẽ không bị sao cả, nhưng tôi cai mấy của nợ này lâu rồi nên húp vài muỗng nước lẩu là thấy khó chịu cái nước ngọt đúng kiểu hóa chất công nghiệp, chả có tính cách sâu đậm gì. Đầu óc ong ong hết cả lên, lưỡi tự dưng đơ cứng lại, rất khó chịu. Thấy thương đầu bếp quá, bỏ công nấu thịt bò cho ngon mềm rồi bỏ nó bơi trong môi trường thiếu lành mạnh thế này, phí nguyên liệu quá.

Còn lẩu bò thì công nhận bò gân mềm ngon, nhưng ôi thôi cái nước lèo, húp vào chóng mặt liền.

Bốn người lớn một con nít ăn khoảng năm trăm ngàn, nhìn chung cũng hơi đắt đối với người quen tung tăng hàng quán, và tôi đành xin vắt giò chạy dài không men tới ăn nữa. Đứa bạn đi cùng cũng thế, nó người gốc Tàu, hồi nhỏ cũng quen xơi bột ngọt rồi và từng đi ăn hàng đầy bột ngọt bột nêm, chẳng sao hết. Vậy mà từ khi “cai bột” với ăn món tôi nấu trong mấy năm, nó hết ăn bột ngọt nổi, cùng lắm chỉ ăn được khi người nấu bỏ thật ít. Về khách sạn nó vừa nằm vừa mắng tôi rằng “Tại mày đấy”; bây giờ nó ăn chỗ nào nhiều các kiểu bột nêm nếm là nó nằm hết cả buổi.

Tôi chỉ biết quay sang bàn với nó xem mấy ngày ở Đà Lạt phải tránh bột ngọt bằng cách nào đây trời, vừa bàn vừa lo trưa mai sẽ ăn ở chỗ mô trên đất Việt mới né được bệnh nhà hàng Tàu.

*
Sáng hôm sau ra rẫy, đến trưa cả bọn mệt lử nhưng vui vì được cho mấy quả cà chua ngon với bao cải bó xôi. Tính đi ăn trưa nhưng bảo muốn chỗ không bỏ các chất nêm nếm thì khó quá, thôi đành nói bạn biết nơi nào đẹp đẽ toilet sạch sẽ thì dẫn đi. Bọn chúng kéo tôi đến nhà hàng Hoa Violet Ngày Thứ Tư (tên dài khiếp) trên đường Trần Hưng Đạo.

Một góc nhà hàng Hoa Violet, từng là biệt thự cũ nên nom thơ mộng lắm.

Nhà hàng nằm trong cụm biệt thự xưa, bản thân nó cũng là một biệt thự cũ trang điểm lại thành chốn ăn uống lịch sự. Hoa Violet có khuôn viên, bàn ăn trong nhà có ngoài trời có, vườn tược đầy hoa lá hẹ nở um tùm.

Ai buổi trưa không ngại nắng hoặc đến buổi tối có thể ngồi ngay vườn.

 

Dạo quanh Violet còn thấy nhiều biệt thự xưa nữa, nhìn xinh xinh đáng yêu ghê.

Cả bọn ngồi ở nhà kính, vừa che nắng vừa ngắm vườn. Rút cải bó xôi ra hỏi bạn phục vụ nhờ bếp xào dùm, dặn là xào nhanh lấy ra liền không thì cải mềm quá hóa dở, bạn ấy đồng ý. Thấy phục vụ dễ thương, cả bọn rụt rè hỏi thêm rằng bếp đừng cho bột nêm bột ngọt vào món được không, bạn ấy cũng đồng ý bảo sẽ nói bếp.

Trưa đó hơi nắng nên ngồi trong nhà kính này, tiện thể ngắm được vườn.

Dù an tâm một phần, tôi cũng cố kêu những món bếp không có cơ hội “quen tay bỏ” hoặc bỏ ít, ví dụ như gà luộc, thịt kho, và canh a-ti-sô. Tất nhiên khó mà tránh hóa chất nêm nếm hoàn toàn được, như  món thịt kho chẳng hạn, ai biết nước mắm họ dùng để kho thuộc loại nào, thị trường nhan nhản nước mắm có chất điều vị chất bảo quản – khác gì bột nêm đâu,  nhưng tính ra một cái tộ chẳng có mấy nước mắm và sẽ có ít các chất này nên coi như tạm chấp nhận. Canh a-ti-sô với sườn cũng ngọt sẵn từ a-ti-sô và thịt, chứ kêu canh rau thường mà bảo không bỏ chất nêm nếm thì tội bếp quá, mấy ai đủ vốn đi mua thịt mua xương về hầm cho mình.

Kết quả ổn hơn bữa ăn lẩu, rau bó xôi rất bùi – chẳng biết do hái ở rẫy sạch sẽ hay sao, nhưng chắc gọi bó xôi ở nhà hàng rồi kêu xào nhanh cũng sẽ ngon gần thế – thịt gà luộc bị… chín quá mức, nhưng ít ra là dai, thịt ngọt chứ không bở rợ như gà công nghiệp. Thịt kho ngọt lừ, đầy vị nước thắng màu, chắc bếp là người miền Nam quen bỏ lắm đường, ăn kỳ kỳ nhưng cũng gọi là ăn được. Đổi lại canh a-ti-sô vô cùng dễ chịu, thanh thanh vị a-ti-sô và sườn heo, ra mùi đàng hoàng chứ không đồng đều y kiểu xài bột ngọt. Ai thấy canh nhạt có thể cho chút muối vào là vừa. Đúng ra a-ti-sô ăn lạnh mới ngon, ở nhà nếu muốn xơi a-ti-sô là tôi toàn làm trước một buổi để bỏ tủ lạnh. Khổ nỗi lúc ấy cả bọn đói, húp được canh không bột ngọt nữa nên khoái lắm, chả phàn nàn gì chuyện ăn nóng ăn lạnh. Bốn người lớn một con nít chừng bảy trăm, xem như chấp nhận được. Canh a-ti-sô đắt nhất, gần ba trăm ngàn.

Thịt kho của Hoa Violet, miền Bắc quen ăn mặn mà ăn món thịt kho ngọt chắc sẽ chả thích mấy đâu.

 

Bó xôi từ rẫy, sạch sẽ, xào nhanh, nom tươi ngon thế này. Ăn bùi lắm, ngọt vị rau. Ở nhà hàng cũng có bó xôi, chắc không bằng loại bứng từ rẫy tôi đi thăm nhưng hi vọng là ngon gần thế.

 

Món canh a-ti-sô này thanh thanh, ra hương vị a-ti-sô và sườn heo.

Nghĩ buồn cười, lý ra mình phải đòi hỏi cao hơn, đòi món ăn hoàn hảo hơn mới đúng. Nhưng cuối cùng với hoàn cảnh hiện giờ thì cứ bớt được bột ngọt bột nêm là vui rồi.

*
Chiều về, nghe lời người quen đi ăn sữa chua phó-mát ở quán Ngọc Nhung 50 Mimosa. Nghe đồn là sữa chua ngon lắm, rất đặc biệt. Quán nhỏ thôi nhưng khi vào thấy chị chủ thân thiện dễ thương, nhiệt tình, ai hỏi gì cũng bỏ công giải thích.

Quán Nhung, bạn Ngọc chụp lén lúc cả hội đang ngồi, anh tài xế còn mải xem cà-phê phơi ngoài sân.

Sữa chua có mấy loại, loại ít đường, có đường, loại hương dâu hương lá dứa. Tôi không thích hương này kia, chủ yếu xơi loại sữa chua nguyên gốc. Ban đầu cả bọn sợ chua nên gọi thử loại có đường, nhưng ăn vô thấy ngọt, lại át mùi phó-mát nên kêu đổi loại ít đường. Phải nói là ít đường ngon hơn rất nhiều, chẳng hề chua quá đáng gì hết, chỉ hơi chua thanh, béo vừa phải và dậy mùi phó-mát.

Loại sữa chua phó-mát đủ vị dâu với dứa.

 

Loại nguyên gốc ít đường thơm và dậy mùi nhất, chẳng chua lắm đâu. Một hộp to chục ly sữa chua này có chừng tám chục ngàn.

Mấy đứa bạn thử qua vị dứa với dâu nhưng cuối cùng chúng nó bảo vẫn thích loại nguyên gốc ít đường hơn cả.

Sữa chua phó mát mịn và thơm lắm. Mấy tấm sữa chua này toàn bạn Ngọc chụp, công nhận nhìn đẹp ghê.

Tạm biệt chị chủ đi về, sung sướng trong lòng chỉ vì một ngày đi ăn quán Việt không bị mắc bệnh nhà hàng Tàu.

Ý kiến - Thảo luận

12:31 Wednesday,31.5.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Hồi xưa nhà tui tự trồng mấy vườn rau. Ăn xả láng cuộc đời, thỉnh thoảng còn cho hàng xóm. Hồi đấy chả biết là rau hữu cơ, từ xa xưa các cụ đã ăn như thế rồi có biết là hữu cơ gì đâu. Từ ngày lây bệnh Tàu khựa và Tây mũi lõ mới có khái niệm hữu cơ để đối lại với rau phun thuốc kích thích, lợn nuôi bằng Sabutamol hay ngô biến đổi gen! Hiện đại quả l
...xem tiếp
12:31 Wednesday,31.5.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Hồi xưa nhà tui tự trồng mấy vườn rau. Ăn xả láng cuộc đời, thỉnh thoảng còn cho hàng xóm. Hồi đấy chả biết là rau hữu cơ, từ xa xưa các cụ đã ăn như thế rồi có biết là hữu cơ gì đâu. Từ ngày lây bệnh Tàu khựa và Tây mũi lõ mới có khái niệm hữu cơ để đối lại với rau phun thuốc kích thích, lợn nuôi bằng Sabutamol hay ngô biến đổi gen! Hiện đại quả là hại điện!!! 
2:27 Saturday,23.1.2016 Đăng bởi:  Uyên Bùi
Lẩu bò Hạnh thì phải thừa nhận là thịt bò ngon quá đi, nhưng khẩu vị nhiều bột ngọt có khi không phải do người bán mà là do người mua cơ. Kiểu khách hàng quen ăn bột ngọt rồi, thích cái vị ngọt của bột ngọt, nên chủ quán phải cho bột ngọt vào chứ không lại "nhạt nhẽo". Phục vụ số đông lại là giới bình dân mà, nên cũng không trách được.

Hoa Violet thì rất
...xem tiếp
2:27 Saturday,23.1.2016 Đăng bởi:  Uyên Bùi
Lẩu bò Hạnh thì phải thừa nhận là thịt bò ngon quá đi, nhưng khẩu vị nhiều bột ngọt có khi không phải do người bán mà là do người mua cơ. Kiểu khách hàng quen ăn bột ngọt rồi, thích cái vị ngọt của bột ngọt, nên chủ quán phải cho bột ngọt vào chứ không lại "nhạt nhẽo". Phục vụ số đông lại là giới bình dân mà, nên cũng không trách được.

Hoa Violet thì rất thích không gian ở đó, nó mang cái vẻ rất hào quang quá vãng. Đến đó chủ yếu là vì không gian, ngồi ở đó cũng thích, quá đỗi nhiều cây và hoa, bày biện trang trí ổn. Chứ thật đòi ăn ngon thì coi mòi hơi khó.

Công nhận rau bó xôi hữu cơ hái từ vườn để trọn gốc mà xào sơ với tỏi thì ngon rùng mình, thơm rùng mình, sướng rùng mình. nói chung là đã ăn thực phẩm hữu cơ rồi thì không thể quay đầu lại ra chợ hay siêu thị mua thực phẩm được nữa. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả