Dòng sông Mê Kông với khúc cuối Cửu Long nằm trọn trên đất Việt, tạo nên một vùng đồng bằng châu thổ bao la trù phú. Địa hình, thổ nhưỡng phần nào tạo nên cốt cách người Nam Bộ phóng khoáng, nhân hậu, trọng tình. Đâu đâu trên đất miền Tây bạn cũng được đón nhận bằng nụ cười mến khách, lời thăm hỏi chân tình. Cũng bởi vậy, với những người làm Sadec District, niềm cảm hứng từ vùng đất Mekong chưa bao giờ thôi dạt dào. Ngày đầu xuân, sau bộ hình người Sài Gòn đón Tết, Sadec District xin tiếp tục “hầu chuyện” các bạn bộ hình người miền Tây đón Tết của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Đông.
Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang)… là những chợ nổi đã rất nổi tiếng. Trong hình là ghe bán bông vạn thọ ở chợ nổi Phụng Hiệp hay còn gọi là chợ nổi Ngã Bảy, Hậu Giang. Bông vạn thọ là loại hàng hóa không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán ở miền Tây.
Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ sinh hoạt thường ngày thuần túy không có khách du lịch, buông bán đủ loại nông sản tấp nập suốt ngày. Ngã Năm là giao điểm của sông toả về 5 ngả: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp.
Năm nay dì Bê (ở ngã năm Sóc Trăng) gói trăm đòn bánh tét, làm giùm xóm giềng, bà con. Bánh tét, tùy vùng mà được gói bằng những nguyên liệu đặc sắc khác nhau, như bánh tét cốm dẹp, bánh tét nếp trộn đậu phộng, bánh tét nhân hạt điều, bánh tét bắp non… bên cạnh nguyên liệu thông thường là nếp, đậu xanh.
Bánh tét truyền thống của người miền Tây được gói lá chuối cột dây lác. Cái tên “Tét” có người cho là đọc trại từ chữ “Tết”, lại cũng có người nói “Tét” là từ chỉ hành động cắt bánh thành từng khoanh.
Nụ cười đặc sản của dân miền Tây sông nước.
.
Hệ thống chợ nổi chỉ hình thành ở những vùng sông nước kênh rạch chằng chịt, xuồng ghe có thể len lỏi khắp nơi mua bán nông sản và nhu yếu phẩm hàng ngày. Ở những vùng sông có hệ thống đê bao chống lũ không có chợ nổi.
Hàng hoá ở chợ nổi được treo lúc lỉu trên những cây sào tre được gọi là cây bẹo, chỉ có quần áo treo trên sào là không bán, mà là đồ đang phơi.
Vợ chồng anh Hoài Thanh có ghe bán rau củ quả ở chợ nổi Ngã Năm. Trong lúc vợ bán hàng anh tranh thủ tắm sớm.
Chị Kiều đưa đò ngang ở chợ nổi kiêm “đi chợ giùm”, tức được trả công. Sáng giờ chị mua 20 ký dưa hấu và 12 chậu vạn thọ “cho người ta”.
Ghe là một căn nhà di động, rày đây mai đó, tất cả sinh hoạt đời sống đều diễn ra trên ghe. Trong hình, em bé đang được ba chơi đùa trông giữ trong lúc mẹ bán hàng.
Ngay trên chợ nổi, những sinh hoạt thường ngày của dân sông nước vẫn diễn ra bình thường.
Cuối năm, tiệm hớt tóc trên chợ nổi cũng đông nghẹt khách. Chủ tiệm kêu đứng sưng phù hết hai giò nhưng mà vui.
Người đi sắm Tết ở chợ nổi Ngã Bảy Hậu Giang đang trên đường về nhà.