Soi học

Bài học Chủ nhật: Selene mê trai khiến Artemis bị hiểu lầm 15. 07. 12 - 9:20 am

Pha Lê

 

.

 

Tuần trước, chúng ta học tích Helios phụ tình Clytie khiến Apollo bị oan, tuần này đến lượt Selene làm Artemis bị oan.

Giống ông anh Helios, Selene (tên La Mã: Luna) từng làm thần mặt trăng vào thời Titans, đến thời Zeus thì Artemis (tên La Mã: Diana) thế chân Selene, nhưng vì chức vụ lộn xộn nên nữ thần này rất hay bị nhầm thành nữ thần kia. Selene yêu một chàng trai tên là Endymion, yêu như điếu đổ. Câu chuyện tình này rất phổ biến và cũng hay được lôi ra làm đề tài vẽ tranh; nhưng do rất nhiều người lộn Selene với Artemis (vì cả hai nàng đều từng làm thần mặt trăng) nên vẽ tranh lộn theo. Kết quả là, một số tranh về Endymion làm lắm kẻ phải bối rối, do nó chẳng ăn nhập gì với tính cách của Artemis hết.

 

Vậy Endymion là ai?

Nếu nghiêm khắc đúng theo bản Hy Lạp, thì Endymion không dính gì tới thần mặt trăng Selene, có người nói Endymion là vị vua đầu tiên của xứ Elis, chàng là con của Aethlios và Kalyke. Bản thân Endymion có 3 con trai, và từng bắt cả 3 thi chạy đua với nhau, ai thắng sẽ thừa kế ngai vàng.

Lại có người phán, chàng là con của Zeus với Kalyke.

Một nguồn khác lại cho rằng chàng là con của Aethlios chứ không phải Zeus, nhưng kể thêm là Zeus thấy chàng đẹp trai nên đưa chàng lên Olympia. Sau đó Endymion lại phải lòng bà vợ Hera của Zeus, nên ông thần tức quá, quẳng Endymion xuống địa ngục. Túm lại, 10 nhà thơ có 10 ý. Tuy nhiên các bản này không phổ biến cho lắm và cũng chưa thấy ai lôi ra vẽ tranh.

Bản được vẽ nhiều nhất là do nhà thơ Apollonius kể: Endymion là một chàng chăn cừu trẻ tuổi (cỡ thiếu niên) rất xinh xắn. Ngày nọ, chăn cừu mệt, chàng chui vào một cái hang trên đỉnh núi Latmian (hoặc Latmus) để ngủ lấy sức. Vô tình, thần mặt trăng Selene đi ngang qua đỉnh núi này, và phát hiện thấy Endymion đang ngon giấc trong hang.

Chàng thiếu niên này bình thường đã đẹp, lúc ngủ còn đẹp hơn gấp trăm lần, chả trách sao Selene mới ngắm một tí là tim nữ thần đập loạn xạ cả lên. Nhưng Selene cũng hiểu rằng chàng trai phải ngủ mới đẹp được như vậy (chứ tỉnh thì thế nào cũng sẽ có lúc chàng bực bội hoặc cau mày khó chịu). Selene lập tức đến gặp Zeus, xin ông ban cho Endymion vẻ đẹp niên thiếu mãi mãi, và khiến chàng ngủ suốt đời suốt kiếp. Zeus đồng ý. Từ đó về sau, mỗi khi ‘làm việc công’ (kéo mặt trăng lên) xong, Selene chạy tới gặp “hoàng tử ngủ trong hang” của mình để làm việc riêng. Kết quả: nữ thần cùng Endymion có với nhau 50 đứa con gái, gọi chung chung là 50 Menae.

Tính theo đa số (dĩ nhiên vẫn có ngoại lệ) họa sĩ nào lộn Selene với Artemis (Diana) thì trong tranh sẽ có nhiều biểu tượng màu mè. Nào là chó săn, nào là cung tên các kiểu.

Tác phẩm “Diana và Endymion”, Poussin, 1630. Hình nền là cảnh Apollo đang kéo mặt trời lên. Endymion tỉnh như sáo chứ không thấy ngủ gì hết, chàng đang quỳ xuống đón Diana. Nữ thần này không những có Cupid đi kèm mà còn cầm theo giáo và đem theo chó săn. Đáng lý, đây phải là Selene, lộn vậy thì tội cho Artemis quá, trinh nữ gì mà đẻ 50 con. Tác phẩm hiện nằm tại Viện Nghệ thuật của Detroit (Mỹ).

 

“Diana và Endymion”, Giordano Luca, thế kỷ 15. Có thể đám chó săn là của Endymion (vì chàng này chăn cừu, và họa sĩ cũng vẽ đàn cừu bên góc trái, đám chó cũng ngồi cạnh Endymion chứ không đứng kế Artemis), nhưng họa sĩ vẫn lộn, vẽ thần săn bắn cầm cung tên thay vì vẽ Selene, được cái Endymion đang ngủ giống như trong tích.

 

“Diana và Endymion”, Johann Grund, không rõ năm. Endymion ngủ trong hang, nhìn rất chi là vô tư. Không cần xem tên cũng biết đây là Artemis rồi vì nữ thần cầm cung lù lù trên tay. Hai chú chó săn không rõ là của ai nhưng dám là của Artemis lắm.

 

“Diana và Endymion”, Francesco Trevisani, 1746. Cupid cầm bao đựng cung tên dùm Artemis (vì bao này to quá, chắc không phải của Cupid rồi), bé đang giơ tay chỉ cho một bạn thiên thần khác cảnh Artemis “yêu” Endymion. Con chó săn thì của chàng thiếu niên chứ không phải của Artemis, nhưng họa sĩ có vẽ thêm vầng để nhấn mạnh danh tính của nữ thần.

 

“Diana và Endymion”, Jerome Martin Langois, thế kỷ 19. Artemis đeo cung tên sà xuống gặp cậu thiếu niên đang ngủ ngon của mình, Cupid có mặt trong tranh để chứng minh tình yêu của Artemis (chứ Endymion có hay biết gì đâu).

 

Họa sĩ nào không lộn tên lộn tuổi thì vẽ đơn giản, Selene không cầm cung và cũng không có chó săn đi kèm (nếu có thì nhìn cũng biết chó săn là của Endymion chứ không phải của Selene).

Tác phẩm “Giấc ngủ của Endymion”, Girodet de Roussy, 1791. Thần gió tây Zephyr vén lá để ánh trăng rọi vào chỗ Endymion đang ngủ và để đón thần mặt trăng. Họa sĩ không vẽ nữ thần và không đề tên nên chẳng biết theo ý của ông thì thần mặt trăng là Artemis hay Selene. Tác phẩm này hiện nằm tại bảo tàng Louvre.

 

Tác phầm “Selene và Endymion”, Victor Florence Pollet, 1850. Slene đang vắt vẻo trên mặt trăng và ngắm Endymion ngủ, cậu này không hiểu sao lại có râu. Đối với dân Hy Lạp thì thiếu niên không thể có râu. Con chó mực của Endymion ngủ ngoan bên cạnh ông chủ.

 

“Selene và Endymion”, Sebastiano Ricci, 1713. Họa sĩ vẽ Cupid và Psyche cho tranh thêm phần lãng mạn màu mè. Con chó săn đang bị xích kia là của Endymion, ông chủ ngủ suốt kiếp thế này thì lý ra Selene phải tháo xích cho chó chứ nhỉ, để vậy nó chết đói mất, tội nghiệp lắm.

 

“Selene và Endymion”, Ubaldo Gandolfi, 1770. Cupid đang cầm cung chỉ xuống chỗ Endymion ngủ say, và Selene cũng âu yếm ngắm chàng thiếu niên đẹp trai. Thiệt tình thì vào thời của Selene – một nữ thần Titan – làm gì đã có Cupid. Thần tình yêu Eros bị cải tên và giáng xuống làm con Venus mà, nhưng các nhà thơ kể nhiều bản lung tung thành ra các họa sĩ cũng dễ lộn, với lại hình ảnh Cupid bé con đi theo Selene nhìn yêu hơn là Eros trưởng thành.

 

Nếu bạn chăm đi đây đó và xem tranh ở bảo tàng thì có thể bạn sẽ bắt gặp nhiều tranh đề “Diana (hoặc Artemis) và Endymion” hay “Selene và Endymion” nữa, lúc đấy mọi người cứ việc nhìn tranh và đoán xem họa sĩ có vẽ lộn không nhé. May quá, chúng ta học xong bài này rồi, nhỡ đâu mọi người thấy tranh về Endymion mà chưa học tích thì sẽ bắt bẻ rằng sao Pha Lê dạy là Artemis làm trinh nữ, Artemis mê gái… nhưng tranh lại vẽ Artemis quấn quýt bên chàng nào thế kia; thì tội Pha Lê lắm.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Cẩn thận khi yêu trong nội bộ thần. Họa sĩ vẽ nhầm khiến Apollo bị oan
– Bài học Chủ nhật: Selene mê trai khiến Artemis bị hiểu lầm

 

 

Ý kiến - Thảo luận

12:17 Thursday,28.8.2014 Đăng bởi:  phale

@Nguyên Hạnh Quyên: Eros nào bạn? Rạng Đông là Eos, viết khác nhé!
Còn Cupid là tên La Mã nhé, không phải tên từ thời Hy Lạp, Cupid chính là Eros bị người La Mã giáng chức xuống và đổi tên thành Cupid. Có comment cho bạn kỳ trước rồi mà hình như bạn không chịu đọc? Lần sau mình không trả lời mấy cái như vậy nữa đâu.


...xem tiếp
12:17 Thursday,28.8.2014 Đăng bởi:  phale

@Nguyên Hạnh Quyên: Eros nào bạn? Rạng Đông là Eos, viết khác nhé!
Còn Cupid là tên La Mã nhé, không phải tên từ thời Hy Lạp, Cupid chính là Eros bị người La Mã giáng chức xuống và đổi tên thành Cupid. Có comment cho bạn kỳ trước rồi mà hình như bạn không chịu đọc? Lần sau mình không trả lời mấy cái như vậy nữa đâu.

 
10:16 Thursday,28.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Khoan đã, Soi chưa nói : thần thoại Hy Lạp có những 3 thần Eros cơ !
1. Eros - nữ thần sinh nở (sinh ra từ Chaos).
2. Eros - nữ thần rạng đông (con của Zeus và nàng tiên Nymph).
3. Eros - Cupid, nam thần tình yêu (con của Mars và Venus).
Với lại có tích nói rằng nữ thần Eros thứ hai còn là anh em với thần mặt trời Helios và thần mặt trăng Selene, và cùng là con của thần Zeus và ti
...xem tiếp
10:16 Thursday,28.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Khoan đã, Soi chưa nói : thần thoại Hy Lạp có những 3 thần Eros cơ !
1. Eros - nữ thần sinh nở (sinh ra từ Chaos).
2. Eros - nữ thần rạng đông (con của Zeus và nàng tiên Nymph).
3. Eros - Cupid, nam thần tình yêu (con của Mars và Venus).
Với lại có tích nói rằng nữ thần Eros thứ hai còn là anh em với thần mặt trời Helios và thần mặt trăng Selene, và cùng là con của thần Zeus và tiên Nymph cơ ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả