Nghệ sĩ Việt Nam

Tôi vẽ trên nền báo cũ (bài 3):
Nguyễn Thị Hiền, Đinh Quân, Phạm Hà Hải 09. 03. 16 - 1:24 pm

Thông tin từ BTC

NHÂN DÂN – TRANH TRÊN BÁO CŨ
Triển lãm tranh vẽ trên nền báo Nhân Dân của nhiều họa sĩ
Khai mạc: 9h sáng 8. 3. 2016, sân báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội
Kéo dài trong 1 ngày, từ 9-17h
14h ngày 9. 3. 2016 tại Cung Văn hóa Việt-Xô, kéo dài hết buổi chiều cùng này.
Cả ngày 13. 3. 2016 tại Hội nhà báo Việt Nam (trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc)

*
(Tiếp theo bài 1bài 2)

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

Nguyễn Thị Hiền, “Tình bạn”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng số 215, tháng 3- 2015

Đây là một triển lãm khá đặc biệt và gây dấu ấn của báo chí Việt Nam. Báo chí bây giờ chủ yếu dùng ảnh minh họa, nhưng báo Nhân Dân hằng tháng đánh giá cao vai trò của họa sĩ và quy tụ được các họa sĩ tên tuổi. Các họa sĩ đã được truyền cảm hứng từ sự trân trọng đó và hết lòng thể hiện.

Nguyễn Thị Hiền, “Mẹ con”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân cuối tuần số 34 (1384) ngày 23-8-2015

Ngày trước các họa sĩ khó khăn, thiếu vải, thiếu giấy nên hay vẽ trên giấy báo cũ như cụ Bùi Xuân Phái. Bây giờ vẽ trên giấy báo cũ là một sự gắn kết hết sức chặt chẽ giữa báo và các họa sĩ. Đó là một mối lương duyên tốt đẹp giữa báo và các họa sĩ.

Nguyễn Thị Hiền, “Em và hoa sen”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân ngày 11-9-2015

Với tôi nghệ thuật là một cái gì đó gắn kết giữa đời sống và con người. Những bức tranh của tôi vẽ trong cuộc triển lãm này thể hiện sự gắn kết đó qua cái nhìn lạc quan, tích cực của mình về đời sống. Đó là bức tranh về ba mẹ con hay bức tranh về tình bạn diễn tả vẻ đẹp của của đời thương, dụng dị nhưng toát lên niềm yêu sống.

Nguyễn Thị Hiền, “Hái sen”. Acrylic trên giấy báo Thời nay số 587 ngày 31-8-2015

*

Họa sĩ Đinh Quân

Về chất liệu báo cũ: trước đây các họa sĩ thế hệ trước thiếu nguyên vật liệu sáng tác. Vẽ là nhu cầu tự thân, là gửi gắm những tình cảm người họa sĩ muốn giãi bày. Vì khó khăn nên họ tận dụng vẽ trên mọi thứ có thể, từ đó phát hiện ra giấy báo cũ và tận dụng chúng thành họa phẩm. Có thời tự dưng người ta vẽ trên báo rất nhiều, thậm chí có họa sĩ dán giấy báo lên trên cả mặt toan làm chất liệu sáng tác.

Ngày xưa chỉ có chất liệu bột màu trộn keo da trâu (hoặc hồ). Thế nhưng may mắn là nó lại mang lại hiệu quả rung động trong sự thiếu thốn. Tranh rất đẹp vì giấy báo vốn xốp, dễ ăn màu. Từ ngày còn sinh viên, chúng tôi thường được trường cấp giấy báo để vẽ tranh nên không còn xa lạ gì với chất liệu này. Có cơ hội quay lại vẽ trên giấy báo, tôi không bất ngờ nhưng có cảm giác được cầm kim đồng hồ quay ngược thời gian. Thời sinh viên vẽ nhưng không có quá khứ. Giờ có thêm gia tài kí ức nên cầm cọ mà thấy hồi ức của những năm tháng cũ dội về. Xúc cảm sáng tác vì thế được nhân thêm, phong phú hơn. Tôi thấy xúc động, có lúc còn nghẹn ngào.

Ngoài ra, báo đã qua sử dụng trở thành một lớp matière. Khi sáng tác, lớp này kết hợp với mọi chi tiết in ấn vô hình chung cộng hưởng với xúc cảm của họa sĩ để tạo ra một bức tranh tốt. Nó gợi cho họa sĩ một tứ, một ý hoặc một xúc cảm nào đó. Vì thế, sự cộng hưởng đến từ cả chất liệu lẫn tinh thần.

Người nghệ sĩ sáng tác nhờ bắt được một câu, một chữ hay cảm xúc bất chợt từ chính lòng mình. Khi đứng trước một trang báo với rất nhiều nội dung, nhìn một title, một ảnh là gợi ý, tứ. Bố cục được săn tìm ngay trên những mảng màu đậm, nhạt có sẵn, từ đó thiết lập ra những hình ảnh trong đầu mình.

Tôi đã vẽ rất nhiều tác phẩm (thiếu cả giấy báo), rồi chọn được ba bức ưng ý nhất.

Bức “Hoan ca” vẽ 9 cô gái hát. Xuất phát từ trang báo có nhiều nội dung vui vẻ, màu sắc tươi mới, thấy trong lòng rất vui nên nghĩ tới một khúc hoan ca.

Đinh Quân, “Hoan ca”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân Cuối tuần, số 31 (1381) ngày 2-8-2015 và số 49 (1399) ngày 6-12-2015

Bức “Vết thương” vẽ hai người trong một thể thống nhất, màu sắc lãng mạn, ngọt ngào, tạo hình kiêu hãnh, nhưng ánh mắt hai người nhìn sang hai phía như những vết cắt, vết cứa. Vì thế nó vẫn là một vết thương.

Đinh Quân, “Vết thương”. Acrylic trên giấy báo Thời Nay, số 587, ngày 31- 8- 2015

Bức “Tỏ tình” vẽ trên trang báo Nhân Dân hằng tháng trong trẻo, đẹp đẽ mang lại cảm giác trinh nguyên nên tôi chọn thể hiện hai gương mặt tuổi 16. Giữa trang tôi tận dụng vết gấp vẽ một bông sen mùa hè mới nở. hai khuôn mặt được vẽ rất kiệm, trên nền trang báo được để nguyên.

Đinh Quân, “Tỏ tình”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng, số 206, tháng 6- 2014

Với triển lãm này, ban biên tập và những người thực thi đã có ý tưởng rất độc đáo. Có lẽ, chưa bao giờ có một ban biên tập nào nghĩ ra cuộc chơi với ý tưởng đặc biệt như thế này. Triển lãm tạo cho anh em họa sĩ một sân chơi. Tôi biết để có thể huy động từng ấy họa sĩ gạo cội, tính cách và phong cách sáng tác rất khác nhau thật không dễ chút nào. Trao đổi với một số đồng nghiệp tham gia triển lãm, tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người rất háo hức. Bản thân tôi cũng trăn trở suy nghĩ rất nhiều để có được tác phẩm tốt nhất tham gia triển lãm.

Sự cộng hưởng của ban tổ chức với các họa sĩ như những đốm lửa nhỏ hợp thành một ngọn lửa lớn. Trên tờ báo, các nhà báo đã sáng tạo một lần. Khi dùng nó làm nguyên liệu, họa sĩ sáng tạo thêm một lần nữa nên sự sáng tạo đã được nhân đôi. Có thể nói, triển lãm chỉ sử dụng những nguyên liệu “rẻ tiền” nhưng mang lại những giá trị phi thường và hiệu quả xã hội vô giá. Đây là một sự kiện độc đáo và rất có ý nghĩa.

*

Họa sĩ Phạm Hà Hải

Ý tưởng của Nhân Dân hằng tháng đưa ra tôi rất ủng hộ vì đây là cơ hội để anh em họa sĩ gắn bó hơn với diễn đàn báo chí, văn học nói chung.

Chất liệu tranh trên giấy báo cũ gợi cho tôi cảm hứng về ý tưởng giao tiếp trong một tác phẩm sáng tác độc lập.

Độc giả khi đối diện với trang báo, là sự tiếp nhận thông tin, tư liệu. Từ những thông tin hình ảnh, màu sắc, tiếp tục là sự gợi mở thêm một lần đối thọai với độc giả với đời sống xã hội.

Bức “Nữ họa sĩ” của tôi, bắt đầu từ nội dung trang báo mang lại, ghi nhận cách thể hiện, cách chuyển tải thông tin của tờ báo, thêm lần nữa tôn vinh người nữ họa sĩ Mẹ Việt Nam anh hùng. Bằng cách lựa chọn và giữ lại một số chi tiết trên trang báo cũ sẵn có, tôi đã thêm một lần nữa minh họa được đẩy lên, tận dụng kết quả minh họa với tư cách là chất liệu mỹ thuật.

Phạm Hà Hải, “Nữ họa sĩ”. Acrylic trên giấy báo Thời nay, số 577 ngày 27-7-2015

Tác phẩm thứ hai, tôi giờ trang báo thấy có trang về tái cấu trúc ngân hàng, tôi giữ cụm từ Tái cấu trúc, trên cơ sở đó tôi vẽ một tổ chim trên một vòm cây; gợi ý tưởng về một mùa chim én đang về. Tái cấu trúc theo quan điểm của họa sĩ, cần tái cấu trúc nhiều thứ, không chỉ trong đời sống kinh tế xã hội.

Phạm Hà Hải, “Tái cấu trúc”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng số 218, tháng 6-2015.

Tác phẩm “Đoàn kết” được tôi giữ lại chữ Đoàn kết từ tittle một bài báo. Ý nghĩa của đoàn kết không bó hẹp trong một tổ chức nhỏ, càng không bó hẹp trong một quốc gia, dân tộc nào. 

Phạm Hà Hải, “Đoàn kết”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân ngày 5-2-2016

Với mỗi tác phẩm sáng tác, quan điểm của tôi cần tôn trọng tính chân xác của xúc cảm thẩm mĩ, mỹ thuật không bó hẹp trong tháp ngà mà người họa sĩ cân có diện họat động rộng, cái chính là thái độ ứng xử đúng đắn, nghiêm túc.

 

Ý kiến - Thảo luận

14:54 Wednesday,9.3.2016 Đăng bởi:  LC
Mình ngày nào chả loanh quanh sạp báo Hàng Trống trước cửa toà soạn ND. Tranh mình xem kỹ rồi. Của bác Thành Chương và bác Phạm Luận đẹp, cả chất lẫn hình. Còn ai rung cứ thế mà rung, cũng chẳng mảy may ảnh hưởng đến vẻ đẹp hùng vĩ của cây đa đang toả bóng trên triển lãm này. Đi thơ thẩn một lúc, lại nhớ chị Thanh Hà và những bài viết về art của chị, hồi
...xem tiếp
14:54 Wednesday,9.3.2016 Đăng bởi:  LC
Mình ngày nào chả loanh quanh sạp báo Hàng Trống trước cửa toà soạn ND. Tranh mình xem kỹ rồi. Của bác Thành Chương và bác Phạm Luận đẹp, cả chất lẫn hình. Còn ai rung cứ thế mà rung, cũng chẳng mảy may ảnh hưởng đến vẻ đẹp hùng vĩ của cây đa đang toả bóng trên triển lãm này. Đi thơ thẩn một lúc, lại nhớ chị Thanh Hà và những bài viết về art của chị, hồi trước... Cái thời mà tất cả còn khá nghèo và hay hay giống nhau. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả