Nguyễn Linh và hội họa của “kẻ mạnh”
04. 12. 10 - 8:43 pm
Vũ Lâm
NGUYỄN LINH II
Triển lãm tranh Từ 3. 12 đến 9. 12. 2010 VietArt Center
Chiều ngày 3. 12. 2010, tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu –Hà Nội) đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm khá lạ lùng của họa sĩ Nguyễn Linh với 19 tác phẩm sơn dầu khổ lớn. Sinh năm 1961, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1983, một thời Nguyễn Linh và Đặng Xuân Hòa từng “tề danh” là hai người vẽ hay nhất trong những sinh viên khóa 1978 – 1983, là những hy vọng của hội họa trẻ thời ấy. Ra trường, Nguyễn Linh bỏ nghề họa đi theo đường kinh doanh tới gần hai chục năm. Cuộc “nối duyên” trở lại với hội họa này của Nguyễn Linh rất đặc biệt bởi nó có rất nhiều điều để nói…
1. Nếu nhìn chân dung của Nguyễn Linh hoặc thoáng gặp qua, có lẽ chẳng ai ngờ được ông là họa sĩ lẫn là thương gia. Nguyễn Linh người to, xương nặng, đầu cắt ngắn, râu rậm rì. Trông ông giống như một võ sư, làm chủ một tông phái, hoặc giống như nhân vật Lỗ Trí Thâm từ trong Thủy Hử bước ra. Hỏi chuyện chơi thì ông kể rằng từ hồi bé cũng nghịch ngợm, ông và cố họa sĩ Nguyễn Quốc Hội là bạn thân từ thuở nhỏ, hay cặp kè nghịch ngợm và đánh nhau. Cùng với họa sĩ Đặng Xuân Hòa, ba người là những học sinh họa nhiều tiềm năng lớn lên từ lò mỹ thuật của họa sĩ Phạm Viết Song. Nguyễn Linh từng đi học Vĩnh Xuân, nhưng sư phụ ông (sư phụ nữ, là một cao thủ ít người biết thuộc võ phái Vĩnh Xuân) có khuyên rằng, nếu cậu học võ, mà người to xương nặng, nóng tính như thế này, thì có lẽ có ngày nhỡ tay đánh chết người cũng nên. Thế là Nguyễn Linh bỏ nghề võ…
Nếu nhìn xu hướng chung của đa số giới họa sĩ thành đạt từ trước và sau thời điểm Đổi Mới 1990, thì Nguyễn Linh là một trường hợp “ngược theo chiều gió”. Thường thì các họa sĩ sau Đổi Mới, khi luồng gió thị trường mới thổi vào, và tranh pháo bắt đầu có giá, đều bắt đầu từ nghèo đến giàu nhờ nghệ thuật, tất nhiên cả danh tiếng. Còn Nguyễn Linh thì bỏ nghề sau khi ra trường để đi làm kinh doanh, ông tâm sự thật là lúc ấy đã lập gia đinh, phải có kinh tế để nuôi sống gia đình, mà nghề họa thì không nuôi nổi ai. Thời gian hai chục năm vật lộn chốn thương trường, Nguyễn Linh có nhiều thành đạt, hiện ông là chủ nhà hàng Cơm Phố – 29 Lê Văn Hưu nổi tiếng. Tuy không vẽ, nhưng thú chơi với mỹ thuật thì vẫn được duy trì, hiện Nguyễn Linh có hai bộ sưu tập rất đáng giá: sưu tập tranh Nguyễn Tư Nghiêm và sưu tập gốm Lý – Trần.
Khoảng gần mười năm nay, Nguyễn Linh bắt đầu quay lại với hội họa, thoạt tiên là những phác họa sơn dầu nho nhỏ, sau đó là những bức sơn dầu khổ lớn. Khoảng 4 – 5 năm, Nguyễn Linh vẽ hối hả, “vẽ cuống quýt với một tốc độ điên rồ” như bạn bè ông nhận xét “yêu”… Và thành quả của sự “cuống quýt điên rồ” ấy là cả nghìn bức tranh sơn dầu lớn nhỏ xếp kín năm tầng nhà.
Nguyễn Linh quay lại vẽ với tư thế của một người giàu có, không cần phải nghĩ đến việc bán tranh, trong khi một số bạn bè của ông đã thành đạt cả tài và danh nhờ hội họa, lại bắt đầu có xu hướng tự rẻ rúng danh tiếng hội họa họ đã khổ công hy sinh để đạt được!
2. Khoảng 4 năm trước, Nguyễn Linh có một triển lãm solo, bày một số bức tranh khổ rất lớn vẽ phong cảnh gốc rạ, lùm tre. Lúc này phong cách và mô-típ riêng của ông vẫn chưa hình thành. Những tranh này giống như những cuộc “tổng diễn tập” về kỹ thuật sơn dầu. Về mặt này, thì phải công nhận là ông có nhiều tài năng, với việc tạo ra những bề mặt tranh sơn khá “động đậy” cảm xúc.
Lần triển lãm này, từ nghìn bức vẽ đã hoàn thành, Nguyễn Linh nhờ những nhà phê bình, lý luận mỹ thuật hàng đầu đất nước. Có người là bạn, có người là từng là thầy của ông đến xem tranh và “tinh tuyển” được 40 bức. Sau đó đem đến phòng triển lãm chỉ treo 19 bức. Hầu hết là loạt tranh mới sáng tác, đó là những hình thể đơn hoặc đôi cuồn cuộn đầy sức sống. Trông giống như những cuộc vật lộn đầy hùng khí và thê thảm. Hình người như những quả bóng bay phồng lên xẹp xuống từng khúc, nhưng là những quả bóng bay đổ đầy chì. Mầu sắc chỉ toàn những tông nâu đen xám tối, thi thoảng ánh lên những vệt xanh khác thường. Loạt tranh này hàm chứa nhiều nội lực như con người họa sĩ, cũng như phản ảnh lại những chiêm nghiệm của ông với bản chất cuộc đời mà ông đã trải thân bằng kinh nghiệm trước kia: những cuộc vật lộn, tranh đấu giữa con người, giữa đàn ông và đàn bà, giữa phe phái, thế lực, phường nhóm, quốc gia… từ nhỏ đến lớn. Có một vài bức lẻ, tựa giống như chân dung thân phận và tuổi tác của họa sĩ. Tôi thích những bức tranh này, khi cảm thấy Nguyễn Linh đột nhiên ngơ ngác. Ngơ ngác vì mình sinh ra là “kẻ mạnh” nhưng thốt nhiên đôi khi nhận ra rằng mình yếu đuối. Có những chuyện không thể nào can thiệp được, cũng như có những thời gian không bao giờ có thể kéo lại được, có cả những ẩn ức tình dục được kể một cách hồn nhiên ở trên tranh…
3. Nhiều lúc tôi thường nghĩ vui một giả dụ như thế này, một họa sĩ sau khi thành “Picasso” rồi, một nhà văn sau khi đoạt giải Nobel rồi, một đạo diễn sau khi đã đoạt giải “Cành cọ vàng” hoặc Oscar rồi, thì họ sẽ làm gì tiếp. Liệu Victor có phải lúc nào cũng là Hugo. Khi đã lên đỉnh vinh quang, hoặc đã có vài triệu đô-la nhét túi, rồi có sáng tác tiếp được không. Họa sĩ – nhà lý luận mỹ thuật Nguyễn Quân có nói với họa sĩ Nguyễn Linh trước cuộc triển lãm rằng, ông nên tổ chức một cuộc tọa đàm sau triển lãm, với một chủ đề thật nghiêm túc. Đó là: Giàu rồi thì có vẽ được không? Một họa sĩ trẻ khi đặt mình ở tư thái là triệu phú đô-la, có vẽ hay được nữa không. Điều giả sử này khó có thể xảy ra. Nhưng với họa sĩ Nguyễn Linh, điều đó hoàn toàn có thể. Bởi khát vọng sáng tạo và ham muốn tinh thần thì không thể cái gì cũng giải quyết bằng kinh tế được. Bởi suy cho cùng thì khát vọng sáng tạo là ý chí đi đến tự do tuyệt đối của con người.
Bình về chủ đề này, một nhà phê bình nghệ thuật cho rằng, giàu có nhưng không kèm với sự tăng tiến về tri thức – trí tuệ cũng như sinh hoạt, đẳng cấp, tư cách sống thì vẫn khó có thể vẽ được. Bởi khi còn nghèo, thì bao nhiêu là tâm sự, vấn đề sinh ra tâm tư, phận nọ kia. Nhưng khi giàu rồi, thì đa số “vấn đề’ của cuộc sống được giải quyết bằng tiền. Cái hay của người nghèo đã mất, mà cái hay của người “quý tộc” có đẳng cấp vẫn chưa có được, thì vẫn vẽ nhưng mà chưa chắc đã hay. Trở ngược lại lịch sử hình thành nên giới họa sĩ trong lịch sử thì thấy cả phương Đông và phương Tây đều có một điểm chung rất thú vị. Giới họa sĩ thời phong kiến (trước thời dân chủ tư sản ngày nay) hình thành từ dấu cộng của thợ thủ công và giới quý tộc nghèo, hiệp sĩ, văn nhân sĩ đại phu thất thế. Bởi khác với thơ văn, người văn nhân hầu hết xuất thân từ tầng lớp trung lưu hoặc quý tộc. Còn nghề họa nó lỉnh kỉnh đồ đạc, lại cần nhiều sự chăm chỉ lao động chân tay, nên rất nhiều họa sĩ vĩ đại xuất thân là những người thợ. Cũng như có nhiều họa sĩ lớn xuất thân từ những gia đình quý tộc.
Một nhà thơ nổi tiếng của Xô-viết trước đây (tôi nhớ hình như là Eptusenko) có nói một câu bất hủ: Nghệ thuật sinh ra từ sự đau khổ, chứ không phải từ sự nghèo đói. Mà người giàu hay người nghèo thì ở bất cứ đâu nói chung là cũng đều “lặn ngụp trong bể khổ” như nhau cả thôi.
Trở lại với câu chuyện của họa sĩ Nguyễn Linh. Tôi chợt nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn kinh điển thỏ và rùa. Xuất phát điểm với nghệ thuật của Nguyễn Linh và nhiều họa sĩ nổi tiếng hạng nhất Việt Nam hiện nay là một vạch đích như nhau, với những tài năng thiên bẩm trời phú riêng cho mỗi người, nhưng Nguyễn Linh đã có một cuộc “rong chơi với đời” hơi dài. Ông tin vào nghệ thuật của mình, nhưng nghệ thuật có tin vào ông không? Vả chăng, nghệ thuật thì đâu có cái đích như một cuộc thi chạy việt dã! Hình như mỗi người nghệ sĩ phải tự định ra cái đích của riêng mình.
Cảm ơn Emcoykien đã bươi tìm hộ mình chữ "đích" đặt thừa. Có lúc viết nhanh quá, nghĩ câu cứ thuận tai là gõ. Còn cái câu hỏi Giàu rồi có vẽ "được" không? thì ý nó đã rõ là thế, không cần phải vạch vòi thêm làm gì. ...xem tiếp
12:20Wednesday,8.12.2010Đăng bởi: Vũ Lâm
Cảm ơn Emcoykien đã bươi tìm hộ mình chữ "đích" đặt thừa. Có lúc viết nhanh quá, nghĩ câu cứ thuận tai là gõ. Còn cái câu hỏi Giàu rồi có vẽ "được" không? thì ý nó đã rõ là thế, không cần phải vạch vòi thêm làm gì.
23:25Tuesday,7.12.2010Đăng bởi: Em-co-y-kien
"Xuất phát điểm... là một vạch đích..."
Quái lạ, xuất phát điểm là vạch xuất phát chứ nhỉ? Chẳng hiểu sao chú Lâm bảo "xuất phát" lại là "đích", thế thì bác Linh (và nhiều họa sĩ nổi tiếng hạng nhất Việt Nam hiện nay) chưa chạy đã tới đích luôn còn gì? Chú Lâm viết khó hiểu nhỉ? ...xem tiếp
23:25Tuesday,7.12.2010Đăng bởi: Em-co-y-kien
"Xuất phát điểm... là một vạch đích..."
Quái lạ, xuất phát điểm là vạch xuất phát chứ nhỉ? Chẳng hiểu sao chú Lâm bảo "xuất phát" lại là "đích", thế thì bác Linh (và nhiều họa sĩ nổi tiếng hạng nhất Việt Nam hiện nay) chưa chạy đã tới đích luôn còn gì? Chú Lâm viết khó hiểu nhỉ?
...xem tiếp