Gẫm & Bình

Xem tranh Nguyễn Linh:
nhiều chữ “nhưng” 07. 12. 10 - 2:10 pm

Người xem Hà Nội

NGUYỄN LINH II

Triển lãm tranh
Từ 3. 12 đến 9. 12. 2010
VietArt Center

Nguyễn Quân và Nguyễn Linh

Trong lời mở đầu lời giới thiệu cho triển lãm với tựa đề khá phổ biến: Nguyễn Linh: Uẩn ức hay khát vọng. Nguyễn Quân, nhà phê bình nghệ thuật, cũng là họa sỹ, có viết: “Nhiều bạn bè nghệ thuật biết đến Nguyễn Linh là một sinh viên giỏi ở trường Mỹ thuật, một tài năng hội họa ‘tiềm tàng’. Nhiều người thủ đô biết ông có một bộ sưu tập gốm Lý -Trần quý giá và là chủ quán cơm Phố hấp dẫn.

Nhưng…”

Đến đoạn này, tôi xin phép vẫn dùng chữ “nhưng…” của Nguyễn Quân, tuy vậy, hơi khác với Nguyễn Quân ở đoạn sau khi nói về những bức tranh và Nguyễn Linh, tôi dùng tiếp (sau khi đi xem triển lãm của anh):

Nhưng…

Anh vẫn là một sinh viên “tiềm tàng” của trường mỹ thuật.

Phòng tranh Nguyễn Linh

Quả thực, khó ai có thể cưỡng lại sự hoàn thiện, sự hấp dẫn, và sự áp chế mà ai đó đã ví như “của kẻ mạnh” khi bước vào phòng tranh của anh. Áp chế từ đề tài, áp chế từ những giãi bầy thầm kín được bày tỏ những “uẩn ức” đàn ông (phải mạnh lắm mới dám nói nhé, đàn ông vốn hay che giấu những uẩn ức của mình). Áp chế từ những khát vọng “đi tìm chính mình” (nói như Nguyễn Quân trong lời giới thiệu). Áp chế từ những sự “cào cấu” trên mặt tranh cho đến vật vã với những “uẩn ức” tính dục.

Vậy nhưng, đằng sau sự ầm ào, đằng sau sự “mạnh” đang tìm cách áp chế bạn đó, hãy lắng chậm một chút, ta bỗng nhận ra sự yếu. Ở đây không phải là sự yếu đuối của một người đàn ông trong góc thầm kín nhất, mà là sự yếu của những bức tranh đang được đặt cược vào biên giới của nghệ thuật.

Có lẽ điều mà tôi ngạc nhiên nhất là những bức tranh hình như không có màu. Thực ra ở đây, vấn đề không phải là họa sỹ đã dùng cách tối giản màu sắc mà tôi cho rằng không có màu. Một bức tranh khắc thuần đen trắng vẫn có đủ màu sắc. Nhưng ở phần lớn những bức tranh mà tôi xem ở đây tạo cho tôi một sự bức bối vì sự giam hãm của các sắc màu không hề tương tác được với nhau để rồi chỉ tạo ra rời rạc.

Màu đen chết cứng trong màu đen, mặc dù họa sỹ cũng rất rõ kĩ thuật cào, phủ, chồng để tạo nhiều sắc độ cho nó. Rồi màu ghi, màu oche, màu be: tóm lại, nếu tác riêng từng bảng màu đó ra trên palette, ta sẽ có một bảng màu trung tính khá sang trọng và rất dễ vừa mắt. Thế nhưng khi họa sỹ đặt nó cùng nhau, chúng biến mất sự tương hỗ để tạo ra màu sắc. Có lẽ, cũng nhận thấy sự buồn nản và rời rạc này của màu sắc, họa sỹ đã có một giải pháp khá tinh ranh để cứu vớt sự không màu kia: vài vạch màu nguyên chất ở mép tranh, đặt nó ra ngoài tít biên ngoài cùng của tranh để hạn chế tối đa sự can thiệp vô duyên; và để tiếp tục cứu vớt sự bật ra của những vạch màu nguyên chất đó, ghim nó trở lại không gian của tranh: xuất hiện những chấm đen lên nó. Cuối cùng thì tranh cũng tạm ổn nếu nhìn lướt qua, thế nhưng chỉ nhìn lâu hơn một chút, tất cả các giải pháp đó lung lay. Bật cười và tôi gọi những vạch màu đó là giấy quỳ, một thứ giấy người ta thường dùng trong các phòng thí nghiệm để kiểm tra độ pH của các dung dịch căn cứ vào sự đổi màu của nó. Cái cảm giác sự buồn tẻ của màu sắc này còn xuất hiện ở cả những bức được dùng màu tương phản khá mạnh.

Màu đã vậy, còn hình. Quả thật, những hình hài thân thể quoằn quại kia đã được vẽ ra bởi một sự quen tay đến vô cảm. Nếu ai từng thực sự cảm nhận được hình khối da thịt, thì cho dù có dùng thủ pháp “biểu hiện” hay gì gì đi nữa, từng nét vẽ cũng sẽ khác, và sự bóp méo đến đâu thì cũng là sự ngẫu hứng, sự dồn nén, trên cơ sở hiểu biết và cảm nhận đến đường gân thớ thịt. Có thể ví như cũng là một tiếng kèn, cũng chói tai, nhưng ở một nghệ sỹ jazz lão luyện với tiếng kèn chói tai của một nhạc công hạng xoàng.

Xem những bức tranh, sau cơn áp chế cơ bắp đã qua đi, thì chỉ còn lại nhợt nhạt vặn vẹo. Vặn vẹo cơ thể để biểu hiện khát vọng hay vặn vẹo cơ thể để giấu đi sự vô cảm trước cơ thể, chỉ nhìn thấy ở cơ thể một công năng tình dục? Tôi chọn mệnh đề hai. Và tôi tin là đúng. Các bạn hãy nhìn xem, cái mang lại nhiều cảm hứng nhất, cái đáng ra là gây nhiều rung động thẩm mỹ nhất là bầu vú của người phụ nữ thì được họa sỹ vẽ ra với hai đường cong hời hợt với hai cái chấm toe toét. Nó trông giống hai cái bát ăn cơm được úp lên một cái đống bầy nhầy. Những đường cong của khối mông, tay, chân y hệt nhau một cách quen tay… chúng gợi cho tôi đến cảm giác những khối da thịt không tình cảm và bẽ bàng, khi chúng ta chỉ còn là những con đực thiếu tinh tế, không phải là thằng đàn ông, dù là cục súc.

Rồi đến cách sử dụng chất liệu, hình như những cái sần, cái cục, những nhát màu thường xuất hiện trong những bức tranh nói chung (mà Nguyễn Linh cũng như mọi người, cày đi xới lại nhiều lần) thì ở đây đã trở thành một giải pháp thuần chất liệu và hình thức, chứ chả ăn nhập gì với cái hình vẽ đè lên nó.

Vào cái thời đói nghèo (vả lại họa sỹ mấy ai giàu): tôi thường gặp vô số các họa sỹ đi vẽ tranh rẻ tiền để bán lấy cái bỏ miệng sống cho qua ngày. Tôi thường nghe họ nhủ rằng, nếu một ngày kia, có tiền rồi, họ sẽ vẽ những bức tranh để đời vì chả cần phải vẽ để bán nữa. Rồi năm tháng qua đi, họ cũng đã có của ăn của để, thế nhưng rồi cũng chả thấy họ vẽ được những bức tranh để đời. Thì ra hội họa đã buông họ, cho họ đi luôn với cái tính toán thời thế đó rồi. Cũng có những người khôn ngoan hơn, họ cất hội họa đi như một của để dành: khi tiền bạc đã dư dật: họ mang hội họa ra để bổ sung vào cuộc đời như một thứ gia vị. Thế nhưng gia vị thì có đó, nhưng nấu cái gì thì họ quên tiệt. Ôi, nghệ thuật, mi đúng là cái đồ cố chấp và đỏng đảnh.

 

*

Bài liên quan:

– Nguyễn Linh và hội họa của “kẻ mạnh”
– Nguyễn Linh – Ẩn ức hay khát vọng?
– Xem tranh Nguyễn Linh: nhiều chữ “nhưng”

Ý kiến - Thảo luận

20:06 Friday,10.12.2010 Đăng bởi:  MINH HIEN
Người xem Hà Nội ơi, cái mà bạn phân tích như trên các cụ thời Phục Hưng đã làm được lâu rồi. Nghệ thuật là gì ấy nhỉ? Đôi khi cũng chẳng cần những cái như bạn nói đâu. Cọ vẽ và toan cũng chỉ là phương tiện để thỏa mãn chính cảm xúc và ham muốn của ta thôi. Đừng to tát quá nó sẽ không còn "sướng" nữa đâu. Thật đấy.
...xem tiếp
20:06 Friday,10.12.2010 Đăng bởi:  MINH HIEN
Người xem Hà Nội ơi, cái mà bạn phân tích như trên các cụ thời Phục Hưng đã làm được lâu rồi. Nghệ thuật là gì ấy nhỉ? Đôi khi cũng chẳng cần những cái như bạn nói đâu. Cọ vẽ và toan cũng chỉ là phương tiện để thỏa mãn chính cảm xúc và ham muốn của ta thôi. Đừng to tát quá nó sẽ không còn "sướng" nữa đâu. Thật đấy. 
9:22 Wednesday,8.12.2010 Đăng bởi:  Thời Trân Ái nữ
Chào bút danh "Người xem Hà Nội"!
Đọc bài viết của bạn khiến tôi nhớ lại những giờ trả bài và nhận xét của thầy giáo ở trên lớp hội họa trong trường mỹ thuật quá. Nên nếu đem bài viết của bạn áp dụng vào giáo án thì rất hợp còn đặt trong bối cảnh cuộc triển lãm này thì e rằng lạc điệu rồi. Vì bạn viết rất rạch ròi từng chi tiết nhưng tôi thấy h
...xem tiếp
9:22 Wednesday,8.12.2010 Đăng bởi:  Thời Trân Ái nữ
Chào bút danh "Người xem Hà Nội"!
Đọc bài viết của bạn khiến tôi nhớ lại những giờ trả bài và nhận xét của thầy giáo ở trên lớp hội họa trong trường mỹ thuật quá. Nên nếu đem bài viết của bạn áp dụng vào giáo án thì rất hợp còn đặt trong bối cảnh cuộc triển lãm này thì e rằng lạc điệu rồi. Vì bạn viết rất rạch ròi từng chi tiết nhưng tôi thấy hình như bạn không nhìn thấy tâm tư của họa sỹ Nguyễn Linh. Bạn không có độ nhạy cảm cần thiết để trở thành nhà phê bình nghệ thuật nên bút danh bạn đặt ra rất đúng đấy: "người xem" 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả