Thị trường

10 câu hỏi các gallery cần tự vấn (phần 3): Tôi có nên tiếp tục làm gallery? 19. 03. 16 - 6:33 am

Marc Spiegler - Mở Ngoặc dịch

(Tiếp theo bài 1bài 2)

Bên trong Ace Gallery (Los Angeles). Hình từ trang này

7. Giới nghệ thuật sẽ hợp nhất với tài chính?

Giới nghệ thuật nhiều năm nay bàn luận về các Quĩ hỗ trợ nghệ thuật. Nói thẳng nhé, hầu hết là thất bại. Mấy năm truớc, có 38 quĩ hoạt động, nhưng cuối cùng thực sự chỉ có Quĩ Mỹ thuật (Fine Art Fund) là còn sống sót. Vì sao? Bởi các quĩ thường dựa vào các nhà tư vấn nghệ thuật, và các nhà tư vấn thì thường hay mua các tác phẩm hứa hẹn nhất cho chính họ, với những người “bảo kê” riêng, hơn là mua cho quĩ.

Hiện có hai chương trình kết hợp tài chính-nghệ thuật thú vị. Carlyle Group, một trong những tập đoàn đầu tư tư nhân quan trọng nhất, mới đây thông báo có một sáng kiến là chương trình Athena Art Finance, cho vay với những ai có tác phẩm có giá trị trên 500 ngàn đô. Rồi chúng ta có Levart, do Carlos Rivera thành lập, một nhà kinh doanh người Los Angeles trước đây từng mở dịch vụ Art Rank khá cấp tiến với phong cách “mua-giữ-bán” và xếp hạng các nghệ sĩ đang nổi của các tay mua bán cổ phiếu. Levart cũng có cũng phương châm như Athena, nhưng mức giá thấp hơn nhiều: cho vay dựa trên các tác phẩm có giá từ 5.000 đôla. Quĩ này vận hành như một kiểu cho vay theo ngày ở Mỹ: bạn có thể có tiền ngay ngày mai! Tôi đoán là còn một khía cạnh khác ở đây. Có thể Carlos quan tâm đến “big data”, và nếu càng có nhiều tác phẩm gửi đến thì kho dữ liệu của ông ấy càng tốt hơn. Ví dụ bỗng dưng có 7 người đem chào bạn tác phẩm của cùng một họa sĩ, thì rất có thể thị trường của họa sĩ này đang xuống.

Bên trong một gallery. Ảnh từ trang này

Với tôi, khi một trong những tập đoàn tài chính quan trọng nhất thế giới và một trang web mới ra ở Los Angeles cùng mở các dự án tương tự, có nghĩa rằng tài chính sẽ là một phần lớn hơn của thế giới nghệ thuật tương lai. Và chưa chắc điều đó đã là xấu đối với các gallery; ít nhất về mặt lý thuyết thì việc thanh khoản là tốt chứ. Có thể các gallery nhỏ hơn sẽ dùng các tác phẩm họ sở hữu để đầu tư cho các nghệ sĩ tham vọng hơn mà họ có, hơn là mất các nghệ sĩ này vào tay các gallery có ví dày hơn. Giờ đây tất cả chúng ta đều biết rằng nhiều chủ gallery cảm thấy thế giới nghệ thuật mà họ đã chọn đang bị xói mòn hay thậm chí bốc hơi. Nhưng đã làm nghề là phải biết thay đổi và bạn phải nhìn thẳng vào thực tế: các nghệ sĩ của bạn càng thành công, bạn sẽ càng phải hiểu biết hơn về tài chính.

8. Liệu Instagram có thay thế các quảng cáo trên Artforum, các hội chợ, gallery của tôi, và tôi?

Hiển nhiên, Instagram có thể được dùng như một hình thức tuyệt vời để quảng bá về mặt thị giác. Tôi dám cá rằng nếu giờ đây làm một phân tích dựa trên dữ liệu về khổ tranh do các họa sĩ trẻ bây giờ sáng tác, thì sẽ lộ ra là ngày nay có nhiều tranh vuông hơn cái thời trước khi có Instagram. Vì sao? Bởi vì các họa sĩ đáp ứng một cách vô thức đối với những tác phẩm có nhiều “Like” – hoặc thậm chí là những tác phẩm bán chạy nhất – trên thế giới vuông của Instagram.

Ảnh từ trang này

Vậy liệu Instagram có thay thế các quảng cáo trên Artforum? Có thể, mặc dù nhiều nghệ sĩ vẫn đòi quảng cáo nguyên trang trên Artforum khi họ chuyển tới một gallery mới. Liệu Instagram có thay thế các gian hàng hội chợ? Qua Instagram, người ta cũng bán tác phẩm cho cùng một loại khán giả toàn cầu như ta vẫn săn lùng thông qua một hội chợ, và cũng có những cuộc trao đổi trên mạng ảo với những người này, tuy không phải cũng một loại trao đổi như ta vẫn có trực tiếp ngoài đời.

Liệu anh có thể tránh được việc mở một gallery nếu có một tài khoản Instagram siêu năng động? Chắc chắn thế, Stefan Simchowitz bán vô số tác phẩm mà không cần mở gallery. Tôi nghĩ kiểu này rất hợp với một nhà buôn của thị trường thứ cấp. Bạn đăng lên Instagram các tác phẩm bạn muốn bán cho người mua bất kỳ, và dùng tin nhắn trực tiếp đối với những tác phẩm không muốn hỏng ăn vì để lộ ra quá nhiều.

Liệu Instagram sẽ thay thế các chủ gallery ? Chắc chắn là có những nghệ sĩ sẽ bán thành công tác phẩm của họ trên Instagram. Nhưng tôi nghĩ hầu hết các nghệ sĩ thích tập trung vào sáng tác hơn là cắm mặt cả ngày vào màn hình và bấm bấm gửi tin nhắn cho những nhà bảo trợ tiềm năng. Và tôi tin rằng cách tốt nhất để bán tác phẩm là đứng trước nó cùng với nhà sưu tập. Các hội chợ và các gallery sẽ vẫn hoạt động tốt, bởi vì điều cơ bản vẫn phải là cách bạn xây dựng những mối quan hệ cho phép bạn kinh doanh nghệ thuật trong một thị trường hoàn toàn dựa vào nhận thức.

Tại hội chợ Frieze. Hình từ trang này

9. Tôi có cần thuê địa điểm cho gallery không?

Lâu nay người ta vẫn tiên đoán về cái chết vĩnh viễn của gallery, rồi than phiền việc chả ma nào đi thăm gallery nữa, thế nhưng các gallery lớn vẫn đang xây dựng những không gian mới trên khắp thế giới. Nhiều gallery ở Lower Fast East Side (New York) cũng vừa mở thêm cái thứ hai, lớn hơn nhiều.Và Los Angeles hiện có những tay chơi quốc tế tầm cỡ, thành một lực lượng hẳn hoi.

Vì sao? Đó là bởi nghệ sĩ, họ muốn làm việc trong những không gian chuyên biệt chứ không phải chỉ là các gian hàng hội chợ hay trên Ipad. Các nghệ sĩ chọn các gallery phần lớn là dựa trên những không gian mà gallery có thể “dâng” cho họ: kích thước, kiến trúc và khu vực tọa lạc. Tôi thường khuyên các gallery cứ 7 – 10 năm/lần lại nên thay đổi các không gian của mình, bởi lúc đó, các nghệ sĩ của gallery cũng đã triển lãm 2, 3 lần ở cùng một địa điểm cũ, nên cái địa điểm ấy khó mà gây được cảm hứng cho họ như trước nữa. Vì vậy, thay đổi và mở rộng địa điểm thực sự có một giá trị là giữ cho mọi thứ đươc năng động. Nếu bạn tham gia nhiều hội chợ, sẽ dễ hơn nếu mang những tác phẩm chưa bán tới hội chợ, hơn là cứ liên tục yêu cầu họa sĩ sáng tác thêm tác phẩm mới để bày gian hàng. Để giữ bầu không khí sáng tạo và giữ cho chương trình hoạt động được lý thú, thì không gian gallery vẫn là một thứ thiết yếu, ngay cả khi nó tiêu tốn khủng khiếp.

Bên trong gallery Ikon. Ảnh: Stuart Whipps

10. Tôi có nên tiếp tục làm gallery?

Tôi không thể trả lời nhưng tôi hy vọng bạn sẽ kiếm ra câu trả lời. Có một cuốn sách về thế giới nghệ thuật mà tôi rất thích là cuốn Pizzini, do chủ gallery huyền thoại người Ý Massimo Minini viết, trong đó liệt ra khoảng chục phác họa về những nghệ sĩ ông đã làm việc cùng và không làm việc cùng. Hãy đọc cuốn sách này vào những thời khắc đen tối nhất trong nghề gallery của bạn, sách sẽ cho bạn cảm hứng để sống một cuộc đời với những nghệ sĩ và những nhà sưu tập vĩ đại. Bởi tai tiếng thì cũng lắm, nhưng vẫn còn những nhà sưu tập thuộc vào hàng những con người thông thái, tinh tế, thú vị nhất mà tôi từng biết, như Harald Falckenberg chả hạn, người đã từng nghiên cứu sâu sắc và viết về việc trở thành nhà sưu tập có nghĩa là gì.

Tôi nghĩ làm chủ gallery vẫn là một công việc tuyệt vời, nếu bạn tìm đuợc những nhà sưu tập có tri thức sống động, mua tác phẩm bằng mắt chứ không phải bằng tai. Ngay ở Trung Quốc, 5 năm trước thị truờng còn bị thống trị bởi các nhà đấu giá và 4 nghệ sĩ thuộc hàng “Vua Đấu giá” (Auction God), thì giờ đây đã có một tầng lớp các khách hàng thân quen mới. Những người mới bước vào thế giới nghệ thuật này hiểu rằng khi mua ở một gallery, họ đã hỗ trợ chính nghệ sĩ và trở thành một phần của cuộc đối thoại ngày càng sâu sắc, và sâu sắc hơn bao giờ hết. Và dù thế giới và thế giới nghệ thuật có thay đổi thế nào, kiểu đối thoại sống động đó sẽ mãi là phần căn cốt của việc làm một chủ gallery tuyệt vời có ý nghĩa thế nào.

Theo Art Newspaper, tháng 2. 2016

Ý kiến - Thảo luận

11:45 Saturday,19.3.2016 Đăng bởi:  Madame
Rất bổ ích đây. Mong rằng lực lượng gallery Hà Nội đừng co hẹp lại thêm nữa, mà cứ hăng say chiến đấu tiếp đi, kể cả chiến với nhau và chiến với khó khăn riêng tư nội bộ. Còn hơn là chết chìm trong diện mạo một dây những art shop lẫy lừng nhạt toẹt...
Mình đến thăm gallery chị Suzzane và hơi buồn vì Nhà sàn áp vách đã dọn đi, để lại không gian cho một ti
...xem tiếp
11:45 Saturday,19.3.2016 Đăng bởi:  Madame
Rất bổ ích đây. Mong rằng lực lượng gallery Hà Nội đừng co hẹp lại thêm nữa, mà cứ hăng say chiến đấu tiếp đi, kể cả chiến với nhau và chiến với khó khăn riêng tư nội bộ. Còn hơn là chết chìm trong diện mạo một dây những art shop lẫy lừng nhạt toẹt...
Mình đến thăm gallery chị Suzzane và hơi buồn vì Nhà sàn áp vách đã dọn đi, để lại không gian cho một tiệm quần áo loé loẹt , đường vào xem tranh lại có quán ăn đang hát karaoke um xí mẹt. Chị Suzzane ngồi đơn côi gõ máy tính lục cục và nở nụ cười héo hon chào hỏi. Thành ra tranh trên tường cũng khô cằn và bợt bạt, trong cảm xúc một người rất chăm giao tế với các gallery khác như mình, lúc ấy...
Nội lực mỗi gallery là rất lớn, nhưng đã đến lúc cần đoàn kết cho một thị trường nghiêm túc thực chất hơn. Chia bè kết đảng thực ra là chia rẽ và sa vào bế tắc. Thực là cái Tài làm tội cái Tình rồi.
Buồn quá... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả