|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhSpotlight: Biết mình, biết ta, nên biết Oscar 24. 03. 16 - 6:02 amPha LêPhim Spotlight vừa đoạt Oscar gần đây dựa trên một câu chuyện có thật hoàn toàn mà ai cũng biết – chứ không phải chuyện “có thật” nửa mùa hay quảng cáo trên mấy tấm poster phim ma. Năm 2002, tổ phóng viên Spotlight của tờ Boston Globe phanh phui việc hệ thống nhà thờ Thiên Chúa giáo cố tình bao che cho các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Công cuộc điều tra khổ công và dài hơi này đã giúp nhóm đoạt giải Pulitzer danh giá. Đề tài nóng này quả là dễ để các nhà làm phim nhào ra một tác phẩm hồi hộp, và đã tính xem Spotlight thì chắc ai cũng nghĩ đây là phim phóng sự gay cấn. Tất nhiên phim hấp dẫn từ đầu chí cuối, nhưng cái hay của nó còn nằm ở nhiều điểm khác nữa. Một trong những cái hay nhất của Spotlight chính là tính địa phương, dù đề tài của nó được thế giới quan tâm, phim vẫn đậm hương vị của thành phố Boston. Mở đầu phim, tổng biên tập của tờ Boston Globe về hưu, thế là tờ báo mời anh Marty Baron – một biên tập viên có tiếng từng làm cho New York Times và Miami Herald – về thế chỗ. Cả tờ Boston Globe lúc ấy lo âu, đặc biệt tổ Spotlight với biên tập viên Walter, các phóng viên Mike, Sacha, và Matt… đều là người hoặc sinh ra tại thành phố này hoặc chuyển về đây sống từ bé. Họ bối rối không biết liệu một tổng biên tập đến từ nơi xa lắc nào khác có khiến cách làm việc của báo bị đảo lộn hay không. Liệu Marty có hiểu văn hóa, nếp sống của thành phố không? Căng thẳng leo thang khi lúc vừa gặp Walter để nói chuyện, anh Marty lại ôm cuốn sách Lời nguyền Bambino*. Chưa hết, mới buổi họp đầu tiên thôi mà Marty đã vớ ngay lấy một thông tin rồi phán: nghe nói rằng Hồng Y Bernard Law biết về chuyện linh mục John Geoghan lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng Hồng y cố tình giấu nhẹm đi. Marty nói tổ Spotlight nên điều tra, vì “Tôi thấy rằng đây là vấn đề quan trọng cho một tờ báo địa phương”. Nể sếp, tổ Spotlight dấn thân vào vụ việc dù ban đầu họ lưỡng lự. Nhưng càng điều tra thì họ dần phát hiện được mức nghiêm trọng của vấn nạn lạm dụng trẻ em cũng như hành vi bưng bít vụ việc của các Hồng y cấp cao. Câu chuyện dựa trên sự thật nên nội dung của nó không có gì bất ngờ, do ai cũng biết kết quả phim sẽ ra sao rồi. Sự hấp dẫn nằm ở cách các phóng viên Spotlight làm việc. Lúc muốn tra hỏi thông tin từ các luật sư hay các nhà chức trách, các phóng viên đi gặp họ ở nhà hàng, quán bar sang trọng, đi chơi gôn, hoặc ngồi lì đợi họ ở văn phòng. Lúc đồng nghiệp muốn bàn bạc ngoài giờ thì cả hội chui vô sân vận động xem bóng chày và xơi bánh mì hotdog, để rồi nhăn nhó vì đội nhà chơi dở, tới mức hôm sau gặp lại nhau ở tòa soạn mà mấy anh còn tụm lại than rằng đánh bóng gì dở thế.
Vào những năm tổ Spotlight điều tra vấn nạn này, đội Boston Red Sox nổi tiếng là chơi dở đau đớn mà, lại luôn cay cú với đối thủ New York Yankees. Bóng chày như thể thao vua tại Mỹ, nên việc các phóng viên cứ than về đội nhà nhưng cuối cùng trận nào cũng dắt díu đi xem, xong về toà soạn vẫn còn tặc lưỡi bình luận là tính cách vô cùng… Boston. Khán giả có thể bỏ qua mấy chi tiết nhỏ nhặt này nhưng tôi thấy chính chúng đã giúp các nhân vật của phim có có lịch sử, có văn hóa địa phương. Chính nhờ vậy mà họ hiện lên như những nhân vật “thật”, góp phần củng cố sức hút cho Spotlight, chứ nhân vật cứ như thể là người từ đâu trên trời rớt xuống màn bạc, chẳng có lấy tí bản sắc nào thì phim sao còn hay được nữa. Nhìn chung các phóng viên Spotlight tuy có lăn xả nhưng họ không thuộc nhóm chiến trường, họ không tác nghiệp với bom đạn bay trên đầu. Cái khó cho công tác điều tra của họ – và điểm hấp dẫn của phim – chính là việc gần như không ai muốn công nhận chuyện linh mục lạm dụng trẻ em và hồng y bưng bít thông tin. Giáo hội không công nhận đã đành, cả luật sư từng đứng ra giải quyết vấn đề dùm các linh mục và các quan chức cũng không muốn khai những gì họ biết. Lý do để không khai tất nhiên nhiều, nào đề tài nhạy cảm, nào là từng nói việc này với tổ báo rồi nhưng chẳng ai quan tâm nên thôi không dính vô nữa, nào giáo hội có thế lực nên các luật sư cũng đành làm việc bằng “văn bản nói miệng” chứ không có giấy tờ chứng cứ gì. Nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là Boston có nhiều con chiên đạo Chúa – tôn giáo mang nhiều ý nghĩa đối với đời sống văn hóa của thành phố. Tổ Spotlight dù có chuyên đi điều tra bất cập nhưng trong thâm tâm, không bao giờ họ nghĩ rằng đạo giáo chính yếu của Boston – và nhìn chung là cả nước Mỹ – lại có thể che giấu tội ác theo diện rộng, và tội ác đó lại diễn ra với số lượng kinh khủng như thế trong chính quê hương mình. Để cả một bộ phận người trí thức đồng tâm hiệp lực lại và công khai điều xấu về những thứ mình yêu quý quả chẳng dễ dàng gì. Nhưng đả động đến vấn đề tình cảm địa phương không có nghĩa đoàn làm phim xem nhẹ công lao của tổ Spotlight hay mức nghiêm trọng của hành vi xâm hại trẻ em. Bởi vì hiếm tác phẩm nào chịu chừng mực hóa các yếu tố khác để đẩy yếu tố nội dung và diễn tiến của phim lên hàng đầu. Nhiều phim mắc bệnh đã có diễn viên nổi tiếng, có nhà tạo mẫu, nhà soạn nhạc giỏi, có ông quay phim hay ho là muốn họ phô trương hết mọi thứ. Diễn viên phải ráng gồng đóng sao cho thật “nội tâm” với bi thảm, nhạc phải hoành tráng, quần áo phải đẹp, quay phải mỹ miều… mà không ai để ý xem mấy cái đẹp đấy có hợp với phim hay không. Bởi vậy lắm khi xem phim điều tra mà tức anh ách, ai đời cảnh sát gì mà như người mẫu, đồng lương còm của cảnh sát Mỹ đủ để người nào trong sở cũng mặc vest Armani? Tóc bóng bẩy y kiểu họ dư cả tiếng để sấy nếp với trét keo, điệp viên nữ thì dí tội phạm trong lúc mang giầy cao gót. Spotlight không thế, khán giả nhìn là biết ngay các nhà báo này sống ở tòa soạn nhiều hơn ở nhà. Họ vừa đủ chỉn chu lịch sự nhưng không hề trau chuốt, cuối cùng vẫn là những người coi trọng sự thoải mái của bản thân để tiện làm việc. Chẳng nhân vật nào của tờ Boston Globe khiến ta tự hỏi rằng mỗi ngày họ tốn mấy tiếng đi làm đầu. Cả Rahcel McAdams (vai Sacha) với Liev Schreiber (vai Marty) là hai diễn viên đẹp, nếu mông má lên chút là họ nom ngây ngất ngay, nhưng trong Spotlight họ trông cũng bình dị và bù xù hẳn đi. Thế mới biết, phim về báo chí nếu muốn hay thì trước tiên nhà báo phải nhìn như… nhà báo.
Cách nhà soạn nhạc Howard Shore bắt nhịp phim cũng chừng mực, không để nhạc lấn át phim. Howard từng có những bản nhạc vô cùng hoành tráng lẫn hồi hộp rụng rời. Ông chính là người biên nhạc cho nào Chúa tể những chiếc nhẫn, nào Sự im lặng của bầy cừu. Thế nhưng trong Spotlight nhạc không phải là thứ khiến ta nín thở, nếu không để ý là khán giả gần như quên rằng phim có nhạc, tuy nhiên tắt nhạc đi là thấy phim lỗi nhịp liền, thế mới bảo Howard tài. Tóm lại tác phẩm này chẳng thuộc dạng làm báo nơi chiến trường, chẳng có giết người hàng loạt, cũng không phải phiêu lưu. Do đó Howard dùng nhạc để phụ trợ, đẩy tiến độ phim khi các phóng viên càng ngày càng phát hiện ra sự thật hãi hùng đằng sau các nhà thờ là chính, và giúp nội dung, diễn biến câu chuyện lôi kéo sự chú ý của khán giả tốt hơn. Howard như người vô hình trong Spotlight, vậy mà không có ông đỡ lưng thì phim sẽ chẳng nên được hình thù đầy đặn như thế này. Đạo diễn Tom McCarthy cũng để tâm tới phần hình ảnh, dù mới xem không ai nghĩ Spotlight lại là phim quay rất mệt hơi. Tòa soạn báo ấy, nom chán lắm, ít ra về khoản màu sắc. Phóng viên – ít ra là Mỹ – mặc quần áo quanh đi quẩn lại có vài tông, tường với trần tòa soạn thường là trắng trắng xám xám, đèn trong tòa soạn toàn đèn huỳnh quang, phòng thì vừa đủ chả rộng rãi gì. Quay sao cho hấp dẫn với cái mớ xám trắng pha vài điểm đen đó? Anh Tom dùng các kiểu bàn ghế, giấy tờ trong tòa soạn để tiếp sinh khí cho phần nền khung hình, do tòa soạn báo có âm hưởng bận rộn theo kiểu “thấy sự bừa trong sự ngăn nắp” sẽ nom tràn trề năng lượng. Tom cũng cố gắng sử dụng một số cảnh quay bằng máy quay tay khi các nhân vật đang làm việc. Một là để kéo dài thước phim, máy quay bám theo chân các nhân vật từ nơi này sang góc khác của tòa soạn, cho khán giả thấy đường lối và cách hoạt động bên trong một tờ báo lớn, tiện thể thêm phần hấp dẫn cho phim. Hai là để Tom khỏi phải cắt xén nhiều khi quay cảnh nội. Đã chật rồi, đã hơi bị đơn sắc rồi mà còn dựng phim như thể đem nó cắt bằng máy xay sinh tố thì nhức đầu chết.
Trái lại, lúc quay ngoại cảnh, lúc các phóng viên đi tác nghiệp bên ngoài thì Tom chuộng góc rộng, bao quát thoáng đãng hơn để phim thở. Cảnh phóng viên Mike chạy loạn lên để tìm chứng cứ, lấy hồ sơ Tom dựng theo kiểu cắt nhanh, thúc tiết tấu cho phim thêm gay cấn. Đạo diễn cho khán giả một cảm giác rằng cái nào phù hợp thì anh mới làm, chứng tỏ Tom là người nghệ sĩ rất hiểu mình muốn gì, mình làm phim với mục đích gì. Với đoàn làm phim hết mình nâng đỡ tác phẩm như thế, yêu phim, quý trọng các nạn nhân nhưng vẫn yêu Boston đến mức họ vận dụng đủ cách để đẩy tác phẩm lên và hạ mình xuống như thế, chả trách sao Spotlight thành công rực rỡ. * (*) Chú thích: Lời nguyền Bambino là một chuyện rất Boston. Đội bóng Boston Red Sox từng là đội bóng chày mạnh. Vào khoảng cuối năm 1919, đầu năm 1920 họ “bán” (hay nói theo kiểu thể thao là chuyển nhượng) tay ném kiêm cầu thủ sân ngoài Babe Ruth cho đội New York Yankees. Babe có 714 cú home runs và điểm đánh trúng banh trung bình là 0.34, nhìn chung anh giỏi, nhưng tất nhiên lúc ấy Red Sox vẫn còn khá nhiều người giỏi nữa chứ chẳng riêng Babe. Yankees thì lẹt đẹt. Vậy mà chẳng hiểu sao sau khi bán Babe đi, Red Sox bắt đầu xui, chơi dở tới mức không ngóc đầu lên được trong 86 năm liền. Trái lại, New York Yankees thắng như chẻ tre, nghiễm nhiên từ đội bá vơ thành đội mạnh. Do Babe Ruth có biệt danh là Bambino, dân Boston mới gào lên rằng đội Red Sox bị lời nguyền Bambino ám. Bởi vậy Red Sox và Yankees rất thù nhau, mức tranh đua chắc chỉ xếp sau Yankees với Giants. Lời nguyền chấm dứt vào năm 2004, tuy nhiên lúc sự kiện trong Spotlight diễn ra thì Red Sox chưa giải được xui nên vẫn chơi dở. Lúc Walter thấy Marty – ông sếp từ nơi khác tới – đọc cuốn sách Lời nguyền Bambino, Walter lịch sự không cáu ra mặt nhưng lại nhã nhặn bảo toàn soạn có phát vé xem bóng chày đấy, Marty thích thì lấy vé mà đi xem Red Sox thi đấu. Ý kiến - Thảo luận
13:01
Sunday,20.8.2017
Đăng bởi:
aaa
13:01
Sunday,20.8.2017
Đăng bởi:
aaa
Không hiểu sao mình thấy giải Osscar cho nữ chính với phụ chán quá, cảm thấy diễn xuất rất bình thường, như Emma Stone, Jennifer Lawrence, phim Spotlight này cũng vậy, Rachel chỉ có thể gọi là tròn vai vậy mà cũng được đề cử.
23:50
Sunday,1.5.2016
Đăng bởi:
www
Cảm ơn chị Pha Lê nhiều :D xem phim xong đọc bài này của chị lại biết thêm, hiểu thêm và thấy phim hay thêm. Spotlight không ầm ĩ không cháy nổ nhưng xem vẫn cứ gay cấn từ đầu đến cuối, ko thể rời mắt tí nào luôn.
@bạn Hoa: tỷ lệ là 6% mới đúng chứ bạn nhỉ? ...xem tiếp
23:50
Sunday,1.5.2016
Đăng bởi:
www
Cảm ơn chị Pha Lê nhiều :D xem phim xong đọc bài này của chị lại biết thêm, hiểu thêm và thấy phim hay thêm. Spotlight không ầm ĩ không cháy nổ nhưng xem vẫn cứ gay cấn từ đầu đến cuối, ko thể rời mắt tí nào luôn.
@bạn Hoa: tỷ lệ là 6% mới đúng chứ bạn nhỉ? Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp