Bàn luận

Tác phẩm không hay bằng lời dẫn và tiêu đề? 17. 03. 12 - 7:12 am

Giỏ Mây

(Nhân xem hai triển lãm Khoảnh khắc bị lãng quênNhà mặt phố)

.

 

Một sự thú vị dành cho người yêu thích mỹ thuật đang diễn ra trên trục đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội: có đồng thời hai triển lãm, một tại Bảo tàng Mỹ thuật (phòng triển lãm chuyên đề, cho thuê, số 66) và một tại Viện Goethe (do viện này tài trợ toàn bộ, số 56 – 58), đều của hai nghệ sĩ sinh năm 1978, cũng làm nghệ thuật để nói về các vấn đề bên ngoài cá nhân mình: Phạm Thái Bình làm điêu khắc về cuộc sống của người dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc, bày ở bảo tàng; Nguyễn Thế Sơn làm một dự án về sự biến đổi của gương mặt đô thị thông qua hình ảnh “nhà mặt phố”. Hai nghệ sĩ này còn có một điểm chung nữa là họ đều tự viết lời dẫn cho triển lãm của mình, được đăng tải trang trọng trong triển lãm.

 

Một triển lãm vui mắt

Những hình người nho nhỏ, túm năm tụm ba, được trưng bày cẩn thận trên các kệ gỗ. Những bảng tên bằng đồng được đính kèm bên dưới, chỉn chu, đều đặn. Có bức được làm từ năm 2002, sau nữa là 2005, 2006, 2011… Điều này cho thấy một quá trình nghĩ về một chủ đề, một câu chuyện muốn thể hiện qua nghệ thuật của tác giả. Cách tạo hình nhân vật của anh cũng nhất quán, giản lược chi tiết, chú trọng vào những nét chính yếu như dáng áo quần, mũ, khăn, kèm một số đồ vật phụ trợ như xe cộ, khèn, điện thoại di động, lợn, đài cassette…

.

 

Có lẽ, nhờ vào các chi tiết phụ trợ thì khán giả mới dễ phân biệt giới tính của nhân vật, chứ không hẳn nhờ vào cách tạo hình và thần thái của nhân vật: đàn ông thì thường có thêm cái mũ trên đầu, tay cầm điện thoại di động, vai đeo khèn; đàn bà thì có vành khăn, tóc búi, thêm nếp váy quanh chân… Những nhóm nhân vật nhỏ xinh, ở nhiều tư thế khác nhau, đang làm nhiều động tác khác nhau như thổi khèn, cưỡi trên xe công nông, xe jeep mui trần, xe đạp, ngồi bán lợn, chất chồng ba trên lưng ngựa… khiến cho không gian phòng triển lãm sinh động, vui mắt.

.

 

Chuyện đời thường tiếp tục được kể bằng các tiêu đề tác phẩm, vui tai và với tôi, tên tác phẩm là chi tiết vui nhất trong triển lãm này: Ôi! Nó nhắn tin bỏ tao rồi! (ba nhân vật nam ngồi bên nhau, nhân vật ở giữa có một tay chống má, một tay cầm điện thoại di động, chắc tiêu đề là lời nói của nhân vật này với hai người bên cạnh); Mày ưng tao chưa? (nhân vật nam tay cầm khèn, quay đầu lại như nói với nhân vật nữ tay cầm cassette và hơi cúi đầu); Say bét nhè (chú ngựa đang choãi chân chèo cõng ba người đàn ông nằm phủ phục lên nhau trên lưng), bức này còn được đặt trên một bục gỗ dốc, như là tả cảnh ngựa đang đi xuống dốc. Cụm tác phẩm Xuống chợ gồm nhiều bức một người, hai người, hoặc cả gia đình, đi xe đạp, có đèo theo can, chai lọ, lợn, cầm điện thoại di động,… được xếp trên một thân cây lớn, xẻ làm hai phần rồi khớp nối lại với nhau tạo hình một cái dốc dài…

.

 

Chú lợn, xe đạp, điện thoại di động, xe Minsk, khèn của người Mông là các mô hình chi tiết được sử dụng nhiều trong triển lãm này, bên cạnh cách tạo hình nhân vật xuyên suốt như được mô tả bên trên. Tác giả có vẻ là người quan sát tốt, để ý và coi trọng chi tiết. Mỗi một bức điêu khắc ở đây kết hợp với tiêu đề hợp thành một mẩu chuyện vui, nhỏ nhặt về cuộc sống thường nhật của người thiểu số. Và xem tượng của anh, thấy có vẻ nghệ sĩ vui thú với câu chuyện mà mình quan sát được, mải miết kể tả lại mà lãng đi sự chú trọng vào chính cái nghệ thuật điêu khắc mà mình đang tạo ra. Nói thế nào nhỉ, một tác phẩm điêu khắc để kể một mẩu chuyện đời thường lặt vặt, như vậy có gì đó đáng tiếc không… Tôi ví dụ: Trước bức Gà trống, hình ảnh một người đàn ông cõng con trên vai, thêm con lợn đứng phía trước (chắc cái tiêu đề định nói về cảnh nhân vật là “gà trống nuôi con”), cá nhân người viết vẫn dễ cảm nhận được cái “vui mắt” từ tạo hình hơn là cảm nhận được tinh thần sống vững chãi của một người đàn ông nuôi con toát ra từ khối điêu khắc nhỏ nhắn, mộc mạc ấy…

 

"Gà trống", Phạm Thái Bình

 

Có lẽ, đây là lần hiếm hoi người viết được xem một triển lãm điêu khắc mà kể tả chuyện đời dí dỏm đến thế. Vui vì chuyện nhưng cũng tiếc khi không được ngạc nhiên trước một chất liệu mới hay một cách thức tạo hình mới trong điêu khắc. Và tiếc hơn nữa khi không nhận ra được điều gì khác ngoài mấy cái bật cười sau những mẩu chuyện vặt ấy…

 

Một triển lãm với khao khát “đại tự sự”

 

Nhà mặt phố gồm 23 bức “nhiếp ảnh phù điêu” (theo cách gọi của tác giả), được treo thành ba cụm trên tường phía trước và bên phải phòng triển lãm. Bên trái, do có nhiều hốc tường nên được dành để treo dăm, sáu bức ảnh in cực mịn trên giấy xuyến chỉ, chụp các tấm biển tên quán karaoke phóng lớn, lọt vào series ảnh in này chỉ có một bức chụp tấm biển cửa hàng áo cưới.

Ảnh viện áo cưới 2, in phun siêu mịn trên giấy mỹ thuật (giấy xuyến chỉ), 160cm x 45cm

 

Những ảnh – phù điêu chung kích thước 160cm x 40cm, cùng một cách trưng bày là ảnh được cắt lazer và dán lên các module lớn nhỏ nhằm tạo cảm giác về một dạng ảnh 3D; sau đó khung hình này được đặt lên một tấm vóc có bọc vải bố, tựa như một tấm khung tranh với kích thước “border” mỗi chiều khoảng 5cm, đều đặn như nhau. Có lẽ, hi vọng của tác giả là khi khán giả đứng trước các bức ảnh – phù điêu được sắp xếp sát cạnh nhau này, họ sẽ cảm nhận thấy rõ ràng hơn về những dãy phố Hà Nội có các ngôi nhà bị bịt kín “mặt tiền”, che kín cửa sổ, bị lấy mất không gian riêng tư để làm các “biển quảng cáo”…

Một góc phòng triển lãm

 

Phải công nhận cách làm tác phẩm như của Nguyễn Thế Sơn là rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo. Anh cũng cho thấy mình là một người cao tay nghề nhiếp ảnh. Sơn có ý thức trong việc cảnh báo một vấn đề bên trong của hiện thực xã hội từ một (trong nhiều, có lẽ vậy) hiện tượng bộc lộ ra bên ngoài. Anh nhấc hình ảnh của hiện tượng đó ra khỏi bối cảnh thực của nó nhằm tạo nên một bối cảnh khác, có phần cường điệu hóa, trong nghệ thuật, như để nhấn mạnh những vấn đề ấn giấu bên dưới, bên trong của thực tại. Có vẻ như phía sau sự công phu, tỉ mỉ tạo tác và cao tay nghề nhiếp ảnh kia là một khao khát lớn về việc làm ra các tác phẩm nêu bật vấn đề thời cuộc (trong bối cảnh Việt Nam).

Tuy nhiên, cái “bối cảnh khác” ấy lại đơn điệu và tẻ nhạt. Nét mới của nhiếp ảnh phù điêu 3D lại bị khống chế trong cách trưng bày của hội họa 2D thuần túy, kích thước vừa phải, mi cân đối, treo tường chỉn chu. Tác giả quan sát, chọn lọc các biển tên cửa hàng, nhà hàng một cách kỹ lưỡng, nhiều tính toán. Nhưng có vẻ như anh lạnh nhạt với chúng. Hoặc ít nhất, cách trưng bày khiến cho người viết cảm thấy anh ép các tác phẩm vào một khuôn khổ để phục vụ ý đồ của anh. Có một sự bối rối nào đó trong việc tìm cách trưng bày hoàn thiện cho những khối nhiếp ảnh – phù điêu kia chăng? Chúng có thể được làm với kích thước lớn hơn không? Được tạo cho một khả năng áp chế thị giác người đối diện không? Chúng có thể làm cho họ bị choáng ngợp và ngột ngạt không? Cái phối cảnh đô thị trong triển lãm này do chúng tạo nên có làm cho người xem muốn trốn khỏi nó không?… Tất cả những câu hỏi ấy được gợi ra từ lời dẫn của nghệ sĩ về tác phẩm của mình chứ không phải từ sự “đối thoại” của người xem với tác phẩm…

 

.

 

Tôi nhận ra một sự giống nhau trong cách đặt tên tác phẩm của cả hai triển lãm này: Phạm Thái Bình thích dùng những câu thoại như lời nhân vật cho tên tác phẩm trong khi Nguyễn Thế Sơn cũng thích trích dẫn những câu “slogan” trong biển hiệu quảng cáo thành tiêu đề cho tác phẩm. Sự dí dỏm và hàm ý cho nghệ thuật của hai tác giả này, nhất là của Sơn, có lẽ nằm ở cách “rút tít” như vậy chăng?

Hai triển lãm đều có những điểm thú vị, hoặc là cách kể chuyện, hoặc là cách thể hiện sự tìm tòi chất liệu mới. Những chi tiết, hiện tượng trong cuộc sống được lựa chọn để đưa vào trong sáng tạo nghệ thuật trong cả hai triển lãm này đều cho thấy nghệ sĩ là những người quan sát tinh tế, dành cho cuộc sống bên ngoài mình nhiều tình cảm và suy nghĩ. Tuy nhiên, làm thế nào để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà tự thân chúng nói được với người xem nhiều điều hơn nữa bên cạnh tiêu đề tác phẩm hay lời dẫn của nghệ sĩ? Nếu như chẳng may tờ giấy nhỏ ghi tên tác phẩm bị bong ra thì sao? Tác phẩm có bị giảm giá trị đi không? Tôi hơi nghi ngờ khi nghĩ đến điều này, và giá như tôi có thể tự trả lời câu hỏi ấy, nhưng tiếc thay, tôi không được làm một người sáng tạo nghệ thuật, chỉ được làm một người xem, và đã bị những lời dẫn của nghệ sĩ “đánh phủ đầu” trước mất rồi.

 

*

Bài liên quan:

– Tác phẩm không hay bằng lời dẫn và tiêu đề?
– Thử bênh hai ông anh tí nhé!
– Duỗi não

 

Ý kiến - Thảo luận

23:42 Monday,9.4.2012 Đăng bởi:  Nguyenmchau
Em rất thích câu băn khoăn này của Gió Mây: "...làm thế nào để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà tự thân chúng nói được với người xem nhiều điều hơn nữa bên cạnh tiêu đề tác phẩm hay lời dẫn của nghệ sĩ?".
Ở lớp dự bị nghệ thuật của em, một lần em đã vẽ một bức tranh 1 căn nhà đang xây của Việt Nam, vẽ lại mặt trước 1 tòa nhà 3 tầng xây dở nh
...xem tiếp
23:42 Monday,9.4.2012 Đăng bởi:  Nguyenmchau
Em rất thích câu băn khoăn này của Gió Mây: "...làm thế nào để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà tự thân chúng nói được với người xem nhiều điều hơn nữa bên cạnh tiêu đề tác phẩm hay lời dẫn của nghệ sĩ?".
Ở lớp dự bị nghệ thuật của em, một lần em đã vẽ một bức tranh 1 căn nhà đang xây của Việt Nam, vẽ lại mặt trước 1 tòa nhà 3 tầng xây dở như 1 bộ xương tàn tạ, 25x65, than chì, đề tên "Nhà tôi", ngụ ý cảnh báo về việc xây dựng tràn lan của Vn (nghe cũng na ná đề tài chú Sơn). Cô giáo người Pháp (bản thân cũng là 1 nghệ sĩ) nhân xét rằng đề tài của mày rất hay, tranh ko bàn cãi, nhưng tác phẩm của mày chưa nói được. Hãy vẽ sao cho tác phẩm của mình thể hiện được càng nhiều qua tranh hay ảnh, chứ không phải chỉ dựa vào lời dẫn. Thí dụ như nếu muốn thể hiện cái việc cảnh báo ấy, mày có thể nhân rộng, làm cho người xem hoa mắt với những căn nhà đang xây nhung nhúc để kích lên, gợi lên cho người xem cái cảm giác phản đối cái việc xây dựng ấy.
Những ấn tượng của Gió Mây và những lời nhận xét càng đọc càng ngẫm thấy điều trên là đúng.
Hy vọng nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn có thể đẩy thêm ý tưởng này. 
10:22 Sunday,18.3.2012 Đăng bởi:  Nam Anh
Mỗi người có 1 quan niệm riêng (như bạn nói), với mình, mình thích cách nhìn lạc quan của 2 tác giả Nguyễn Thế Sơn và Phạm Thái Bình.
Còn việc bắt lỗi lặt vặt như bạn nói trên diễn đàn hiện nay thì mình nghĩ cũng rất bình thường. Diễn đàn mà. bạn có quyền bày tỏ cách suy nghĩ của bạn, mình có quyền bày tỏ cách của mình.
Túm lại mình thích 2 triển lãm đó, t
...xem tiếp
10:22 Sunday,18.3.2012 Đăng bởi:  Nam Anh
Mỗi người có 1 quan niệm riêng (như bạn nói), với mình, mình thích cách nhìn lạc quan của 2 tác giả Nguyễn Thế Sơn và Phạm Thái Bình.
Còn việc bắt lỗi lặt vặt như bạn nói trên diễn đàn hiện nay thì mình nghĩ cũng rất bình thường. Diễn đàn mà. bạn có quyền bày tỏ cách suy nghĩ của bạn, mình có quyền bày tỏ cách của mình.
Túm lại mình thích 2 triển lãm đó, thích nghệ thuật mang tính tích cực hơn là cứ gồng lên phải Đả đảo, phải có ý nghĩa sâu xa như bạn nói. Theo mình biết thì đa số phát biểu thích triển lãm KKBLQ là đọng lại trong triển lãm là niềm vui, lạc quan yêu đời, mặc dù những đề tài đó cũ rồi. hì hì. Còn TL của anh Sơn thì, mình rất thích sự tiên phong trong cách làm. có thể nó ko mới trên TG, nhưng đối với tôi nhận ra sự thú vị trong tác phẩm của anh. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả