Thời gian: 15. 4. 2016 đến 2. 5. 2016 Khai mạc: 17h, thứ 6, ngày 15. 4. 2016 Địa điểm: Trung tâm giao lưu văn hóa phố Cổ – 50 Đào Duy Từ, Hà Nội
Hành trình tiếp theo là hai địa điểm triển lãm của sự kiện “Chuyện sơn mài Việt Nam”, bên cạnh Trung tâm giao lưu văn hóa phố Cổ – 50 Đào Duy Từ là địa điểm chính.
Đầu tiên là đình Kim Ngân ở địa chỉ 42-44 Hàng Bạc. Theo tôi nhớ thì đình trước đây không có hai con nghê sơn mài như thế này. Chắc để dành cho sự kiện.
Giữa đình có một cái thuyền bên trong cắm đầy sen sơn mài. Mỗi bên trái phải của đình có một đôi tượng sơn mài. Không thấy ghi chú gì khác ngoài một tấm băng rôn treo phía ngoài đình ghi là có sự kiện đang diễn ra bên trong.
Bên trong có một anh họa sĩ đang vẽ mấy món đồ souvenir bằng sơn mài. Khách du lịch đi qua chụp hình anh rồi lại đi.
Bên trong đình, lại vẫn các sản phẩm mỹ nghệ sơn mài từ tượng, bình lọ, các đồ vật trang trí cho đến nội thất.
Không thấy bất kì chú thích hay thông tin gì ở đây cả. Những tượng sơn mài này của ai? Đồ mới hay cũ? Cách làm ra sao? Có thuộc về triển lãm không?
Có lẽ địa điểm trưng bày này dành riêng cho thể loại sơn mài thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm. Không có lời giới thiệu, nhãn dán để hướng dẫn, người xem cảm giác mình giống hệt khách du lịch vãng lai đi xem các cửa hàng souvenir đồ cổ nhan nhản trên phố, khác là không có một cô mặc áo dài đến hỏi anh/chị tìm mua món gì…
Có chút thất vọng, tôi thử tạt qua Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây xem sao. Đọc trên mạng thì đây là một trong những địa chỉ khó bỏ qua khi đến Hà Nội. Xấu hổ quá, mang tiếng là người thủ đô mà cả Ngôi nhà Di sản lẫn đình Kim Ngân tôi đều chưa ghé qua bao giờ.
Bên trong địa điểm này lại cũng chất đầy những đồ mỹ nghệ sơn mài. Ở đây thì trưng bày rõ ràng theo đúng kiểu boutique bán hàng.
Tuy nhiên ở 87 Mã Mây có một phần khá nặng về lý thuyết là loạt giới thiệu các công đoạn làm sơn mài. Ảnh để lóa quá nhiều, khi chụp lại không sát ý mà nó minh họa. Xin thuật lại các công đoạn đã được xem trên ảnh. Trong ảnh là công đoạn “làm mộc”, tức tạo dáng cho sản phẩm sơn mài (gỗ, MDF hoặc sợi nhân tạo). Nghệ nhân sẽ phủ một lớp keo lên mộc nhằm bảo vệ bề mặt.
Công đoạn “lót”: Dùng một lớp sơn sống phủ lần nữa lên trên toàn bộ bề mặt đã khô. Sau đó đem ra mài nước để tạo độ phẳng rồi phủ thêm một lớp sơn bên ngoài.
Công đoạn “mài lót”: phủ một lớp sơn mài tự nhiên lên sản phẩm, riêng phần có họa tiết được phủ sơn trong. Khi sơn đã khô, mài nhẹ bề mặt sản phẩm dưới làn nước. Lặp đi lặp lại nhiều lần liên tục.
Công đoạn “vào màu”: phủ màu trên bề mặt sản phẩm, làm sao cho lớp sơn đều và trơn mượt.
Công đoạn “mài màu”: là một hình thức đặc biệt của kỹ thuật mài nước, cho sản phẩm một vẻ ngoài bóng loáng như gương.
“Cần trứng”: Sau khi đã phủ từ 6 đến 8 lớp sơn hom, là tới công đoạn trang trí. Cần trứng là một kỹ thuật khó đòi hỏi tay nghề cao, độ tập trng và tỉ mỉ đến từng chi tiết để đảm bảo mẫu hoa văn vừa bám chắc mà vẫn mềm mại.
“Dán vàng, bạc”: đòi hỏi tay nghề khéo léo, tập trung cao độ vì mỗi lá vàng chỉ mỏng 0,1micron.Cẩn thận đặt lá vàng/bạc lên trên bề mặt họa tiết rồi dùng bút lông chổi to ấn đều cho đến khi lá vàng/bạc phủ kín vùng họa tiết. Sau đó, dùng một chiếc bút lông cứng hơn để loại bỏ phần lá vàng/bạc thừa khỏi vùng họa tiết.
“Vẽ tay hoặc chạm khắc”: Tạo khuôn hoa văn trên bề mặt sản phẩm rồi vẽ tay từng đường nét một cách tỉ mỉ. Thí dụ với mẫu hoa văn “Vườn đêm” này cần tới 30 giờ để hoàn thành công đoạn vẽ tay. (Tuy nhiên ở triển lãm không có cái bình này, chỉ được xem ảnh thôi. Thật đáng tiếc.)
“Đánh bóng”: Độ bóng sẽ khiến màu sâu và kỳ ảo hơn. Chất lượng của một sản phẩm sơn mài phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn cuối cùng này. Đánh bóng là chà xát nhẹ nhàng bề mặt sản phẩm cho đến khi nó trở nên đẹp và mịn mượt.
“Mài quang”: Sản phẩm được mài và trau chuốt lại lần cuối để làm nổi bật sự tinh tế và sắc nét của các họa tiết trang trí.
“Phủ bóng hoặc phủ mờ”: Giúp bảo vệ bề mặt sản phẩm khỏi sự tác động của các thành phần khác như vết bẩn hoặc dấu tay. mang đến một vẻ ngoài thời trang và hiện đại.
“QC: Quality Control”: “Chất lượng là một trong những giá trị gốc rễ của Hanoia” (chắc đây là đơn vị tổ chức). Theo lời giới thiệu, qui trình kiểm tra chất lượng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt tương tự như đối với những sản phẩm công nghiệp tinh vi.
.
Sau khi xem một dãy dài các ảnh chụp kiểu text một đằng hình một nẻo, tôi ngắm qua một vòng cái gọi là Ngôi nhà Di sản. Ở góc này để mấy cái mâm đồng, góc kia để mấy cái bát Bát Tràng thời bao cấp, mấy cái nồi gang, tí bàn ghế tràng kỉ, tủ sơn son thiếp vàng, vài quyển truyện cũ kĩ… Thế là thành “ngôi nhà di sản”. Nước mình quả là dễ dãi. Hà Nội quả là dễ tính.
Cách đây mấy ngày tôi có vào Hội An, và thấy cách họ làm du lịch, bảo tồn, khai thác các khu nhà cổ rất tốt. Họ đưa được việc kinh doanh du lịch vào các ngôi nhà cổ một cách hài hòa, để cho ngôi nhà có thể tiếp tục sống với xã hội hiện đại. Tôi nghĩ rằng Hà Nội nên học tập Hội An ở điểm đó.
Quay lại với triển lãm “Chuyện sơn mài Việt Nam”, cá nhân tôi nhận thấy quả thực triển lãm có đầy một rổ mâu thuẫn. Nơi thì quá ít thông tin, nơi thì quá nhiều chữ đến nỗi váng hết cả đầu, nơi thì lộn xộn, khiến cho người xem như tôi rơi vào một trạng thái không đầu không cuối, cuối cùng lại quay trở về với định kiến ban đầu, trước khi đến với triển lãm, rằng sơn mài là… mỹ nghệ, ít sáng tạo.
Kết chuyến tham quan tại đây, thôi cũng coi như là một trải nghiệm thú vị. Ngày hôm sau có buổi giới thiệu về kỹ thuật tranh lụa của nữ họa sĩ Lê Thúy. Tôi tò mò và muốn thử tiếp tục một trải nghiệm khác, về một chất liệu khác của nghệ thuật xem sao…