Nghệ sĩ Việt Nam

QUẪY II: nghệ sĩ không vô can 08. 05. 16 - 6:52 pm

Chung Tử Dạ

Sau khi hay tin về trình diễn tại cầu Tràng Tiền của nhóm nghệ sĩ Vietart Space, tôi gọi ngay đến anh em nghệ sĩ Huế để cổ vũ và “trách móc” vì trước đó không nhận được thông tin để tham gia góp tiếng nói. Trong thời điểm khủng hoảng này, không còn quan trọng chuyện đó là tác phẩm của nghệ sĩ/ nhóm hội nào, tiêu chí hay phong cách nghệ thuật, mà là lí do sáng tác.

May mắn, tôi nhận được thông báo “bí mật” về triển lãm “Quẫy II” chuẩn bị diễn ra. Mọi thông tin được lan truyền nội bộ để các tác phẩm được xuất hiện trang trọng, chỉn chu và… an toàn ra mắt với khán giả ít nhất đến sau buổi khai mạc. Ngay lập tức, tôi đồng ý ngay, vì tôi không vô can!

.

“Họa sĩ vẫn có thể ung dung sáng tác khi thực đơn bữa cơm hàng ngày không có tôm cá để ăn,
cũng có thể sáng tác khi không có bãi biển để vui đùa và phơi nắng, cũng có thể sáng tác khi vô tình cắn phải cá chết trong khi đi nhậu và sau đó phải nằm thở ốc xy.
Kiểu gì thì họa sĩ vẫn sáng tác được.
Nhưng họa sĩ không phải là những cục thịt thừa của xã hội.
Họa sĩ không vô can.” – Lời giới thiệu triển lãm.

Không ai vô can trong cuộc khủng hoảng này. Can phạm trực tiếp phải kể đến các bà bán cá. Sống nhờ cá, đáng lẽ họ phải quan tâm đến nguồn cá mình buôn, đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản, đến tình hình chủ quyền lãnh hãi khu vực đánh bắt, đến thành phần nước biển nơi đó, phải tìm ra nguồn gốc chất độc nếu có, phải tìm cách can thiệp vào hệ thống xử lý nước thải của các nhà máy công nghiệp, phải thay đổi chính sách phát triển kinh tế để hạn chế ô nhiễm… Lỗi do họ, họ chỉ biết bán cá!

Nhận thức được “sai lầm” của mình, họ đã gửi đến nghệ sỹ Trần Tuấn những hiện vật thân thiết nhất, để góp một tiếng nói bất lực.

.

 

.

“Trong quá trình đi gặp gỡ những người bán cá trong khu vực thành phố Huế, trao đổi và chia sẻ với họ câu chuyện cá nhiễm độc, người dân không mua cá, và người bán cá phải nghỉ bán ‘trắng chợ’ không biết đến bao giờ… Tôi thuyết phục họ cho mượn cây dao chuyên dụng dùng để cắt cá, sau đó tôi trưng bày những cây dao đó với tên của từng người trên cán dao. Mỗi cây dao là một thân phận, là một mong ước, hay là một thông điệp mà những người bán cá muốn gởi gắm.”- Nghệ sĩ Trần Tuấn

Can phạm trực tiếp thứ hai là các nhà máy sản xuất nước mắm. Họ có khả năng thực hiện những hành động trên tốt hơn các bà bán cá. Tuy nhiên họ không ngăn chặn được. Một kịch bản cho thị trường nước mắm trong năm tới, rằng có thể đây là một chiến lược kinh doanh hữu hiệu của ai đó khi làm nhiễm độc phần lớn nguồn cá và rồi… sản xuất nước mắm. Một khi đã chiếm hữu độc quyền một nguồn cá “sạch” nào đó thì khả năng từ kẻ thù chuyển sang người tình của các bà nội trợ là không mấy khó khăn. Nguồn cá “sạch” đấy lấy ở đâu, còn lâu mới nói!

.

“Nước mắm là một thành phần không thể thiếu của các món ăn Việt Nam, nước mắm là đặc điểm nhận diện của ẩm thực Việt Nam. Nhà máy xả thải biết điều đó, và họ cũng muốn bán loại nước mắm mang nhãn hiệu riêng của mình….” – Nghệ sỹ Phan Duy Đăng

Can phạm tiếp theo: các hãng sản xuất… khẩu trang. Nhiệm vụ của họ là hạn chế tác hại của ô nhiễm, nếu như họ sản xuất khẩu trang cho cá, chúng đã không chết. Lỗi đâu phải ở nước hay cá, mà bởi vì chúng… thiếu khẩu trang. Sau 32 ngày cá chết vì lỗi của các hãng khấu trang, nghệ sỹ Hoàng Ngọc Tú đã thực hiện 32 chiếc khấu trang và trực tiếp bán tác phẩm của mình để ủng hộ ngư dân. Các bạn đừng sợ không mua được tác phẩm vì số lượng có hạn, cá đâu có dừng chết sau ngày thứ 32, và Hoàng Ngọc Tú cho biết “Ngày nào cá còn chết, dự án của tôi còn tiếp tục”.

Tác phẩm “Ngày thứ 32”

“Trong tác phẩm của mình tôi dùng những cái khẩu trang y tế có hình tượng con cá tương tác cùng mọi người với thông điệp: Chúng ta (có thể im lặng) nhưng chúng ta không thờ ơ với mọi thứ đang xảy ra… Tất cả phiên bản tác phẩm này được bán với giá 10 ngàn đồng cho từng cái khẩu trang và toàn bộ số tiền bán được sẽ được gửi tới những ngư dân bị thiệt hại. Đây là hành động thực tế cần thiết chung tay của tôi và của mọi người thay cho lời nói.” – nghệ sỹ Hoàng Ngọc Tú

Nghi can nặng tội nhất – kẻ chết mê chết mệt vì cá, thế mà chúng không làm gì để ngăn chặn nước bị ô nhiễm, nếu biết nói, chắc chúng cũng đang đổ lỗi cho nhà nước. Tội thật đáng muôn chết!

Tao chọn cá – Một tác phẩm khác của nghệ sĩ Trần Tuấn

Bạn của chúng, dù không ăn cá, vẫn không vô can!

Thân lừa ưa nước thải – Nghệ sỹ Trần Công Dũng

Chiếc ô cũng đáng tội, chính chúng gây ô nhiễm, đâu phải chỉ nhà máy đã thải!

Ô gây nhiễm – Nghệ sỹ Trần Công Dũng

Với tôi, điều khiến tôi phạm tội trong thảm họa này chính là sự ngây thơ của bản thân mình. Tôi có thời gian để đọc và lên tiếng nhiều hơn các bà bán cá, nhưng khi cá chưa chết, dù biết những việc đang diễn ra, nhưng tôi chưa thấy cấp bách để phải mở miệng, quanh quẩn sáng tác về những quẩn quanh tuổi trẻ. Bằng trình diễn của mình, trong bộ dạng của thời điểm ngây thơ nhất, tôi giết mình rồi giết cá, sau đó tôi cứu cá, nhưng không cứu được mình.

Buồn cười! – Trình diễn của Chung Tử Dạ

Tôi không phải họa sỹ, chỉ là một người trình diễn, nên trong tựa bài viết này, tôi xin mở rộng thành “nghệ sỹ”. Nghệ sỹ không vô can, vì thảm họa nó không chừa mình ra!

Quẫy II: Quẫy vì Cá

Quẫy là một mô hình triễn lãm không thường xuyên với mục đích sử dụng thông tin sự kiện như là nguyên liệu sáng tác để bày tỏ quan điểm cá nhân của nghệ sĩ về thời sự, các vấn đề xã hội thông qua sự hư cấu, tưởng tượng, tái cấu trúc lại thông tin để cho ra các sản phẩm nghệ thuật theo dòng sự kiện, bày tỏ quan điểm bằng tác phẩm của mình.

Theo đó, Quẫy lần thứ II là nơi trưng bày tác phẩm của các nghệ sỹ: Hoàng Ngọc Tú, Trần Tuấn, Trần Hữu Nhật, Trần Chí Thành, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Thị Hà My, Nguyễn An, Trần Công Dũng, Dương Thùy Dương, Võ Ngọc Quý, Phan Duy Đăng, Trần Đình Bình, Lê Thị Minh Nguyệt.

Và phần trình diễn của các nghệ sỹ: Nguyễn Văn Hè, Chung Tử Dạ

Tác phẩm hiện được trưng bày tại:

Then Studio – 63 Lê Trung Đình, TP. Huế
Từ ngày 5. 5. 2016 tới đâu hay tới đó.

Một số tác phẩm khác trong triển lãm:

“Help!” – Tác phẩm của nghệ sĩ Trần Chí Thành – Trần Hữu Nhật

 

Trình diễn của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè

 

Tác phẩm của nghệ sĩ Trần Đình Bình

 

Tác phẩm của nghệ sĩ Võ Ngọc Quý

 

“Cá” – Tác phẩm của nghệ sĩ Dương Thùy Dương

 

“Rã!” – Tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Thị Hà My

 

“Đời của cá” – tác phẩm của nghệ sĩ Lê Thị Minh Nguyệt

 

Tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn An

 

Các nghệ sĩ tương tác với tác phẩm “Ngày thứ 32” của nghệ sỹ Hoàng Ngọc Tú

 

Khán giả hưởng ứng các tác phẩm trình diễn của các nghệ sỹ Nguyễn Văn Hè và Chung Tử Dạ

*

Xem thêm về Quẫy I, tại đây

 

Ý kiến - Thảo luận

8:24 Tuesday,17.5.2016 Đăng bởi:  candid
Xin gửi tới các nghệ sĩ ở Huế sự chia sẻ!
...xem tiếp
8:24 Tuesday,17.5.2016 Đăng bởi:  candid
Xin gửi tới các nghệ sĩ ở Huế sự chia sẻ! 
0:02 Thursday,12.5.2016 Đăng bởi:  Lê Quân
Tôi chỉ không biết cái còn đọng lại là gì ?
...xem tiếp
0:02 Thursday,12.5.2016 Đăng bởi:  Lê Quân
Tôi chỉ không biết cái còn đọng lại là gì ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả