|
|
|
|||||||||||||
Kiến trúcHình dạng của kiến trúc (phần 2): Nhiều trang trí, ít trang trí, và khi không có trang trí 01. 06. 16 - 7:27 amStanley Abercrombie. Rieng&Chung dịch (từ bản tiếng Trung)Tiếp theo phần 1 Trang trí không thay được hình dạng Hình thức và hình dạng có thể được nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ bằng phương pháp xử lí “ngoài mặt”. Giá trị của trang trí là không thể phủ nhận. Những công trình phủ nhận giá trị trang trí của bản thân là những công trình khô khan. Niềm hưng phấn đến từ trang trí chính là niềm hưng phấn của lĩnh vực điêu khắc và hội họa. Theo đuổi niềm hưng phấn của kiến trúc không chỉ cần chú ý bề mặt, mà càng cần tìm hiểu những bản chất cất giấu bên trong của nó. Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể hiểu được các nhà điêu khắc Mỹ thế kỉ 19, những người theo chủ nghĩa công năng, hay thứ mà nhà đạo đức Horatio Greenough gọi là “Tính tôn nghiêm cao quí của bản chất” (the majesty of the essential). Có thể thấy rằng, mọi người thường thích những đền miếu Hi Lạp đã phai màu. Không phải chúng ta không thích màu sắc và trang trí, mà vì kết quả đó khiến chúng ta càng dễ dàng đọc và hiểu về hình dạng của chúng. Chính bởi lí do đó, những công trình chỉ chú trọng đến trang trí và coi nhẹ hình dạng không thể làm con người cảm nhận được sự hưng phấn. Chính nhà lí luận kiến trúc theo chủ nghĩa tân cổ điển Marc Antoine Laugier vào giữa thế kỉ 18 đã viết rằng: “Nếu công trình kiến trúc cổ có tỉ lệ không tốt, thì trang trí tràn lan cũng chẳng có tác dụng gì”. Trong cuốn sách “Form in Civilization” của W.R.Lethaby – một nhà giáo kiến trúc sư người Anh, có những suy nghĩ đặc biệt về kiến trúc – đã cảnh cáo rằng “Nghệ thuật không phải là gia vị cho các món ăn thường ngày, nghệ thuật (nếu tốt) chính là nền ẩm thực”. Trang trí làm nổi bật hình dạng Với cùng một lí do đó, bởi trang trí chỉ là “bề mặt” của hình dạng, cho nên nếu sau lưng trang trí có những hình dạng “ổn”, chúng ta nói chung sẽ không cần phải so đo xem nó có vừa vặn (với nhau) hay không. Chúng ta không căm ghét – thậm chí là càng thích thú – những trụ vuông lớn của Đại giáo đường Durham hay những họa tiết khác nhau trên hàng cột Thánh đường (The Duomo) ở Lucca, bởi vì sức mạnh đến từ tổng thể cấu thành của chúng hết sức đầy đủ, những thay đổi nho nhỏ này không thể ảnh hưởng được đến sức mạnh ấy. Thậm chí có một loại trang trí rất kì lạ, có thể giúp chúng ta nhìn rõ những gì nó đang che đậy – chẳng hạn những cấu kiện thiết yếu trong tạo hình kiến trúc hoặc cấu tạo kiến trúc. Hình thù của lớp ngói có thể nói lên độ dốc hoặc độ cong của phần mái bên dưới. Viên đá góc (cornerstone) có thể nhấn mạnh tính chất chuyển hướng; Đường gờ có thể nói lên chỗ tiếp giáp của hai loại vật liệu. Những chỗ trang trí này, có thể chỉ là sự trang trí thuần túy, nhưng đồng thời còn mang tính giải thích hay thuyết minh. Đương nhiên, rất nhiều công trình thú vị nhưng mang lại cho chúng ta chỉ là những sự trang trí (mặc dù có những công trình với đầy rẫy trang trí lặp đi lặp lại còn mang đến nhiều thú vị hơn nữa). Kiến trúc sư người Anh Peter Smithson, khi bàn về “Các giáo đường Baroque vĩ đại”. đã chỉ ra rằng mặc dù “đứng từ quan điểm của chủ nghĩa biểu hiện, cũng sẽ thấy không phải tất cả các giáo đường ấy đều đầy kịch tích, nhưng chúng đã dựa vào không gian và sự thống nhất nghiêm ngặt của ngôn ngữ kiến trúc mềm dẻo (plastic language) để chuyển tải ý nghĩa của mình”. Ông còn nói rằng, “những công cụ này ngày nay vẫn còn sử dụng được. Thực ra, chúng là những công cụ ‘duy nhất’ của kiến trúc”. Vì vậy, bản thân trang trí hoàn toàn có thể được tán dương. Nói về quan hệ của chúng với những hình dạng kiến trúc đằng sau, chúng có thể làm cho kiến trúc rõ ràng hơn, hoặc mờ nhạt hơn, nó có thể bóp nghẹt hoặc mang lại sức sống cho kiến trúc. Tuy nhiên, trang trí tuyệt đối không đồng nghĩa với kiến trúc. Nếu không có trang trí… Không mang một chút trang trí nào cũng không sao. Vào thế kỉ 18, kiến trúc sư Étienne-Louis Boullée cho rằng, sự mộc mạc bình dị phù hợp với các ngôi mộ, chúng truyền đạt một trạng thái cảm xúc: “Phẳng phiu, sáng sủa, một tấm bia kỉ niệm với không một chút trang sức khiến con người đau buồn nhất… Hoàn toàn không có một chi tiết, không có bóng đổ để tạo nên trang trí. Trên một hình dạng không hoàn chỉnh, chúng ta cũng có thể tìm được cảm hứng của kiến trúc. Con người phần nhiều thích những sự vật không quá trực tiếp, quá rõ ràng.” Các nghệ sĩ rất sáng suốt và nắm vững khuynh hướng này, đúng như Pater đã nói về Michelangelo: “Thông thường thì, dường như luôn sử dụng một thứ phương thức khá đặc biệt của riêng mình, ông đảm bảo được cá tính và sức mạnh thể hiện của tác phẩm một cách ngoài dự đoán, tránh được chủ nghĩa tả thực cứng nhắc… Michelangelo dường như luôn để tất cả các tác phẩm điêu khắc của ông ở trạng thái khiến mọi người lúng túng – trạng thái chưa hoàn chỉnh, nhờ vậy đạt được một hiệu quả ngoài mong muốn. Trạng thái chưa hoàn chỉnh này gợi lên, chứ không biểu đạt tạo hình một cách rõ rệt và sát thực… Sự chưa hoàn chỉnh này, tương đương với màu sắc trong các bức tượng của Michelangelo, là phương pháp giải phóng chủ nghĩa tả thực cứng nhắc, làm thăng hoa việc thuần túy tạo hình của ông, cũng là phương pháp truyền đạt Hơi thở, Mạch đập và Sự sống.” Đó cũng là cách Michelangelo khiến người quan sát phát hiện ra hình dáng, tưởng tượng ra cơ thể con người đang giành giật để thoát ra khỏi khối đá như thế nào. Vai trò của người quan sát tác phẩm của ông cũng trở thành người tham gia vào nội dung của tác phẩm. Khu di tích kiến trúc đổ nát luôn làm con người thấy mê mẩn, đánh thức trí tưởng tượng của con người khi tự bổ sung những thanh dầm đã mất, tưởng tượng trước những cột trụ hoang tàn, bù đắp những năm tháng tiêu điều, phục hồi ý đồ của kiến trúc sư xưa, và còn – bất kể ở niên đại nào, công trình kiến trúc ở vào trạng thái nào – tưởng tượng ra cuộc sống trong đó. Mọi thứ cần hài hòa Đương nhiên, dù di tích hay là công trình kiến trúc mới, nếu làm cho người ta khó hiểu thì cũng khó lòng nói đến hứng thú. Khi kiến trúc sư áp dụng các công cụ như biến hóa về hình thức, mô đun, trang trí và tính không hoàn chỉnh, cần hiểu rằng sử dụng chúng quá mức hoặc để hình dạng tổng thể không thống nhất thì sẽ có hậu quả như thế nào. Tốt nhất không nên bắt đầu bởi một ngoại lệ với hi vọng tổng thể sẽ rõ ràng và dễ nhận biết. Cảm giác về chỉnh thể phải bộc lộ ngay từ ban đầu. Không có một công trình kiến trúc quan trọng nào lại được bắt đầu từ việc thiết kế trang trí. William Empson trong cuốn “7 loại mơ hồ” (Seven Types of Ambiguity) nhắc đến hiệu quả sử dụng của những câu đa nghĩa (đối với các nhà văn), điều này tương tự với cái mà Charles Jencks gọi trong kiến trúc là “đa trị” (multivalence). Tuy nhiên, Empson cảnh báo chúng ta rằng phương pháp mà ông miêu tả có thể “đẩy nhà thơ vào tình thế khó khăn. Cho dù là tản văn, lạm dụng câu đa nghĩa rất dễ biến thành lí luận sáo rỗng tràn lan. Muốn nó truyền đạt ý nghĩa một cách nhanh chóng, nhưng kết quả có thể ngược lại, một mớ rắc rối.” Lời cảnh cáo này, hiển nhiên cũng đúng với kiến trúc. Nếu không phải là một mớ rắc rối, những hình tách biệt có thể nói với chúng ta rất nhiều điều. Khi hình dạng không chỉ là đường bao bên ngoài, khi cấu trúc và không gian của chúng đều lay động lòng người – tức khi chúng xứng đáng để gọi là Tạo hình – chúng vô cùng phong phú về mặt nội dung. Có lúc, thông tin mà hình dạng truyền đạt cho ta chẳng liên quan gì đến cái đẹp, các thông tin đó có thể là chữ viết, là những sự giáo huấn, những lời động viên. Chẳng hạn mặt bằng của nhà thờ đạo Kitô có thể sử dụng hình thánh giá, hoặc hình của một số kí hiệu không nổi bật của đạo Kitô chẳng hạn như hình cá, hay hình tam giác đều tượng trưng cho Tam vị nhất thể, hoặc hình tròn – như lời nói của Palladio – phù hợp nhất để nói lên sự thống nhất của Thần với bản chất vô hạn, nhất quán và công bình. Có sức tưởng tưởng mạnh mẽ đối với toàn bộ tác phẩm kiến trúc, có khả năng hình dung trước mục tiêu tạo hình cho mình, kiến trúc sư vì thế có nhiều con đường khác nhau để đi. Hình dạng đương nhiên là rất quan trọng, nhưng điều phải tính tới là, không chỉ cân nhắc sức mạnh của một hình đơn độc, mà phải tính tới mọi hình dạng và mối quan hệ giữa chúng cũng như giữa mỗi bộ phận với tổng thể. Chỉ có một số rất ít các hình có thể đối thoại độc lập với chúng ta, đại đa số hình buộc phải kết hợp với các hình khác; trong quá trình kết hợp, chúng kết hợp với hình chủ yếu hoặc hình bổ trợ để tạo nên một tầng lớp hình, hoặc kết hợp với các hình đồng đẳng lân cận khác cùng đối thoại với chúng ta. Hợp âm tạo bởi sự kết hợp giữa chúng, mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa chúng, sự hài hòa và xung đột giữa chúng sản sinh ra tất cả các đặc trưng quan trọng của một tác phẩm kiến trúc.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|