Thị trường

Trộm tranh từ A đến Z (phần 1) 31. 05. 16 - 7:03 am

Anh Nguyễn

Không hiểu sao tôi rất mê đọc về các vụ trộm tranh, có lẽ vì chúng là kết hợp cả hai niềm đam mê của tôi: nghệ thuật và trinh thám. Những vụ trong truyện, trong phim lắt léo đã đành mà đời thực lắm khi hay hơn cả tiểu thuyết. Trộm tranh là một loại trộm tương đối đặc biệt vì tỷ lệ thương vong ít, nên khi viết về nó cũng đỡ ngại bị phê bình là… vui trên nỗi đau của người khác, (có lẽ đau nhất là mấy ông giám đốc bảo tàng). Hôm nay thử ngồi tổng hợp một bài về đề tài này từ A đến Z, hy vọng mua vui cũng được một vài trống canh cho độc giả của Soi.

– A – Artnapping: Từ chỉ việc trộm các tác phẩm nghệ thuật với mục đích đòi tiền chuộc, biến hóa từ kidnapping (bắt cóc trẻ con) mà ra. Nạn nhân ở đây thường là các bảo tàng lớn một chút, ví dụ như Van Buuren Museum ở Brussels, Bỉ. Hai năm sau khi các tác phẩm của Bruegel Con và Vincent van Gogh bị ăn cắp, bảo tàng này bắt đầu quá trình thương lượng với bọn trộm để chuộc lại tranh. Các chuyên gia hình sự thì kêu trời rằng làm thế là tạo tiền lệ xấu, dễ dẫn tới những vụ trộm táo tợn, liều lĩnh hơn, nhưng thử nhìn từ phía bảo tàng mà xem, mấy “cục cưng” đi mất tăm bảo họ không trả tiền sao đặng? Chó mèo nuôi trong nhà bị trộm ta còn cắn răng đi chuộc về nữa là…

Biếm họa artnapping: bức tranh bị ăn cắp ở đây chắc là của Picasso rồi

– B – Breitwieser: Một tên trộm người Pháp, kẻ được mệnh danh là “tên trộm tranh bền bỉ nhất thế giới”. Từ năm 1995 đến 2001, Stephane Breitwieser đã trộm tất cả 239 tác phẩm với tổng giá trị lên đến 1.4 tỷ đô, tính trung bình ra cứ đều đều 15 ngày/món. Bề ngoài hiền lành và khá điển trai, Breitwieser làm bồi bàn khắp châu Âu để trang trải chi phí và… thăm thú các bảo tàng cho tiện. 172 bảo tàng đã trở thành nạn nhân của tên kẻ cắp hàng loạt này. Khác với những tên trộm thông thường, Breitwieser tự nhận là một người yêu nghệ thuật và chỉ muốn mang tranh về để sưu tập, kiểu “bà để bà ngửi chứ bà không bán”. Trộm nhiều thế nhưng Breitwieser không nhầm lẫn chút nào về thứ tự ngày tháng tên tranh. Ngay cả khi bị mang ra tòa xử, Breitwieser vẫn điềm nhiên “sửa lưng” quan tòa vì đọc sai thông tin tác phẩm mà hắn trộm. Điều đáng buồn nhất trong vụ này là bà mẹ của Breitwieser cố tình phá hủy tang chứng để bao che cho con, và nhà chức trách chỉ thu hồi được có 110 bức tranh. Breitwieser bị tù nhẹ (26 tháng) và còn viết một cuốn tự truyện sau khi được trả tự do. Nhưng ngựa quen đường cũ, năm 2011 cảnh sát lại phát hiện ra hắn đã trộm thêm 30 bức nữa.

Breitwieser tiếp thị cuốn tự truyện của mình “Confessions d’un voleur d’art” (Lời thú tội của một kẻ trộm nghệ thuật)


– C – Cooperman Art Thief Hoax:
Tại Los Angeles năm 1999 có xảy ra một vụ trộm tranh gây chấn động, nạn nhân là bác sĩ chữa mắt giàu có Steven G. Cooperman. Hai tác phẩm bị trộm là “Nude before a mirror” của Picasso và “Customs Officer’s cabin at Pourville” của Monet. Sau vụ này ông bác sĩ được nhận 17.5 triệu đô đền bù bảo hiểm. Vụ này tưởng thế là đã xong, ai ngờ 5 năm sau sự thật mới vỡ lở: hoá ra bác sĩ Cooperman nhờ ông bạn là luật sư Tierney ăn cắp hộ hai bức tranh trong khi mình giả vờ đi du lịch, mục đích là để moi tiền của công ty bảo hiểm. Ông này lại nhờ một ông khác giấu tranh trong một nhà chứa đồ ở Ohio. Khi ông đó chia tay bạn gái, người đàn bà bị phụ tình liền tức khí đi báo cảnh sát, thế là bác sĩ Cooperman phải ra toà. Cả ba ông đều bóc lịch, còn cô bạn gái thì được 250 ngàn đô tiền thưởng.

“Nude before a mirror” của Picasso, 1932

-D – Difficulty: Trộm tranh khó hay dễ? Tranh to cồng kềnh thì không nói, chứ tranh nhỏ nhẹ thì lắm khi trộm chỉ cần rình lúc không có ai lấy dao rạch khỏi khung, cuộn lại nhét vào túi ngon ơ. Khó là lúc tiêu thụ cơ, vì đâu thể nào xưng xưng đăng lên Craiglist, “Hôm nay tôi ăn cắp được một bức Rubens, có ai muốn mua không…” Đương nhiên cũng có một số trường hợp trộm tranh để làm bộ sưu tập riêng (xem vần B) hoặc trộm tranh theo đơn đặt hàng, nhưng đa phần các tên trộm đều chẳng biết làm gì với tranh sau khi ăn cắp thành công. Treo trong nhà thì lộ liễu, rao bán trên thị trường chợ đen thì nguy hiểm mà huỷ tranh thì tiếc, thế nên lắm khi các tên trộm đành … trả tranh về bảo tàng sau một thời gian tìm kiếm người mua bất thành. Theo một chuyên gia nhận định, những tên trộm giỏi lại thường là những nhà kinh doanh tồi. Ở đây ta chỉ bàn về trộm đơn lẻ, chứ trộm có tổ chức thì lại là chuyện khác.

– E – Entrapment: Một bộ phim về đề tài trộm tranh khá gay cấn ra lò năm 1999. Bức tranh bị trộm là của danh hoạ Rembrandt. Nhưng phần đã mắt nhất của phim không phải tranh quý hay những màn nhào lộn của cô đào Catherine Zeta-Jones mà là nam diễn viên Sean Connery. Ở tuổi 68, chàng cựu James Bond vẫn đầy phong độ, đủ làm chết đứ đừ các nữ khán giả vừa mê tranh vừa mê giai đẹp như tôi đây.

Siêu trộm Sean Connery trong Entrapment


– F – FBI Art Crime Team:
Bộ phận đặc biệt của FBI chuyên điều tra về các vụ trộm nghệ thuật ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới, gồm có 16 đặc vụ và 3 công tố viên. Để phù hợp với vị trí này, bạn cần có kiến thức rộng rãi về nghệ thuật, cơ thể khoẻ mạnh dẻo dai, và cả máu khám phá mạo hiểm nữa. Kể từ khi thành lập năm 2004, tổ chức đã tìm lại được 2650 tác phẩm có giá trị lên đến 150 triệu đô, quả là một con số ấn tượng. Trong số các tác phẩm được FBI Art Crime Team thu hồi có nhiều bức nổi tiếng như “Children with a Cart” của Goya hay chân dung tự hoạ Rembrandt. Trụ sở của FBI Art Crime Team được đặt tại Washington, DC, nhưng nếu tham gia thì yên tâm là bạn sẽ được du ngoạn khắp thế giới.

“Children with a Cart” của Goya

– G – Gardner Museum: Tên đầy đủ Isabella Stewart Gardner Museum, đây là nơi xảy ra vụ trộm (tính cả trộm tranh và trộm các thứ tài sản khác) lớn nhất lịch sử với tổng thiệt hại lên đến 500 triệu đô. Chỉ có 13 tác phẩm bị xui xẻo, nhưng lại toàn của các danh hoạ lớn như Degas, Rembrandt, Vermeer, Manet. Một bức của Vermeer trong số đó đã có giá 200 triệu đô rồi.

Vào ngày hôm đó, hai tên trộm mặc đồng phục cảnh sát Boston gõ cửa bảo tàng lúc đêm khuya, đề nghị bảo vệ cho vào trong vì “nghe thấy tiếng ồn ào.” Một khi đã vào trong, hai tên trộm bèn cùm luôn tay chú bảo vệ với lý do trông anh ta giống một kẻ đang bị truy nã. Đến khi anh này nhận ra ria mép của một tên trộm làm bằng sáp thì đã quá muộn.

Ký họa gương mặt hai tên trộm đây, bạn nào thấy thì chỉ giùm cho bảo tàng với, người ta chờ đợi mỏi mòn mấy chục năm rồi

Ngày nay những khung tranh rỗng vẫn được treo đúng chỗ của chúng trong bảo tàng cho khách thập phương tham quan. Trên các thông cáo báo chí, bảo tàng van nài những tên trộm hãy đối xử tử tế với các bức tranh, chỉ dẫn kĩ càng nào là tranh phải được gói bằng giấy không có acid, tránh ánh sáng, duy trì độ ẩm 50% và nhiệt độ 70 độ F. Trước khi chuồn, những tên trộm nói với gác cửa rằng trong vòng 1 năm chúng sẽ liên lạc với bảo tàng. Hiện giờ đã 26 năm và chúng vẫn bặt vô âm tín.

– H – Henry Moore: nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới chuyên về những tác phẩm trừu tượng khổng lồ bằng đồng. Một trong những tác phẩm của ông là Reclining Figure 1969-70 bị đánh cắp năm 2005. Theo suy luận của cảnh sát, những tên trộm đã cắt nhỏ tượng ra để tiêu thụ dưới dạng… phế liệu. 2 tấn kim loại khi bán dưới dạng sắt vụn thì chỉ được hơn 2000 đô là cùng, trong khi tác phẩm được định giá khoảng 4.5 triệu đô.

Một phiên bản khác của Reclining Figure 1969-70 tại Tel Aviv


– I – If tomorrow comes:
Tiểu thuyết của Sidney Sheldon khá quen thuộc với các độc giả Việt Nam với tên gọi “Nếu còn có ngày mai”. Nữ nhân vật chính của truyện, Tracy Whitney, là một nữ đạo chích vừa thông minh vừa xinh đẹp chuyên nhắm vào những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, những viên đá quý giá trị,… Trong truyện có nhắc tới một bức tranh của Goya.

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

9:37 Wednesday,1.6.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyen
@lui: bài đã xong rồi, Soi chia thành 3 phần để mọi người dễ theo dõi đó bạn.
Mình đã xem cả hai version của The Thomas Crown Affair. Bộ năm 1968 thì xem vì đọc quyển 1Q84 của Murakami cứ thấy nhắc đi nhắc lại :)) Nàng Faye Dunaway đóng trong bản cũ cũng xuất hiện trong bộ 1999 với vai bác sĩ tâm lý của Brosnan thì phải.
...xem tiếp
9:37 Wednesday,1.6.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyen
@lui: bài đã xong rồi, Soi chia thành 3 phần để mọi người dễ theo dõi đó bạn.
Mình đã xem cả hai version của The Thomas Crown Affair. Bộ năm 1968 thì xem vì đọc quyển 1Q84 của Murakami cứ thấy nhắc đi nhắc lại :)) Nàng Faye Dunaway đóng trong bản cũ cũng xuất hiện trong bộ 1999 với vai bác sĩ tâm lý của Brosnan thì phải. 
9:12 Wednesday,1.6.2016 Đăng bởi:  lui
Quá hay, quá hấp dẫn.
Mong chờ tác giả viết thêm và mong được nghe thêm các vụ án ly kỳ đầy tính nghệ thuật này.
Chắc khá thừa khi nhắc đến phim The Thomas Crown affair làm lại năm 99 với tài tử cũng từng vào vai Bond - Pierce Brosnan.
Ngoài ra, ko thể quên kiều nữ Audrey Hepburn trong "How to steal a million".
1 đề tài quá thú vị.
...xem tiếp
9:12 Wednesday,1.6.2016 Đăng bởi:  lui
Quá hay, quá hấp dẫn.
Mong chờ tác giả viết thêm và mong được nghe thêm các vụ án ly kỳ đầy tính nghệ thuật này.
Chắc khá thừa khi nhắc đến phim The Thomas Crown affair làm lại năm 99 với tài tử cũng từng vào vai Bond - Pierce Brosnan.
Ngoài ra, ko thể quên kiều nữ Audrey Hepburn trong "How to steal a million".
1 đề tài quá thú vị. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả