Khác

Họp báo ra mắt VIETNAM EYE:
một chương trình lớn, một cơ hội lớn 02. 06. 16 - 3:15 pm

Bài và ảnh: Tịch Ru

 

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016, tại Press Club đã diễn ra buổi họp báo về dự án “Tôn vinh nghệ thuật đương đại Việt Nam với ‘AIA Vietnam Eye’”. 3h bắt đầu buổi họp báo, các khách mời và đại diện chương trình đến từ rất sớm và chuyện trò sôi nổi trong lúc chờ đợi.

 

Cánh báo chí đến họp báo đăng kí và nhận tờ rơi bên ngoài bàn tiếp tân. 

 

Bên trong, một số phóng viên tranh thủ phỏng vấn các khách mời. Trong hình là ông Wayne Besant, đại diện của AIA tại Việt Nam, tổ chức được thành lập vào năm 2000 và là thành viên của tập đoàn AIA – tập đoàn bảo hiểm nhân thọ độc lập có nguồn gốc châu Á lớn nhất thé giới được niêm yết, hoạt động tại tại 18 thị trường trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Ông Đỗ Ngọc Minh (ngoài cùng bên trái), người sáng lập ra Soi, và giám tuyển Trần Lương (giữa). Ông Đỗ Minh sẽ là đối tác và cố vấn nghệ thuật của chương trình. Họa sĩ Trần Lương cũng sẽ là một trong các cố vấn cho chương trình.

 

Các nhà báo dĩ nhiên là phải tranh thủ phỏng vấn nghệ sĩ Trần Lương – một người có bề dày kinh nghiệm giám tuyển.

 

 

Hai người sáng lập ra Parallel Contemporary Art (đơn vị đồng tổ chức chương trình) là ông bà David Ciclitira và Serenella Ciclitira. Bà Serenella Ciclitira cũng là một trong những giám tuyển lần này, cùng với ông Nigel Hurst (giám đốc Saatchi Gallery), ông Niru Ratnam (giám đốc START).

 

Đến dự hôm nay có bà Suzanne Lecht (áo hoa), giám đốc nghệ thuật của Art Vietnam Gallery. Bà là một người gắn bó với nghệ thuật đương đại Việt Nam, kể từ những ngày đầu sôi nổi.

 

Cánh nhà báo ngồi đọc thông cáo báo chí trước giờ họp báo. Trong thông cáo báo chí ghi: Đây được xem là sự kiện tôn vinh nền nghệ thuật đương đại Việt nam với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. AIA Vietnam EYE sẽ tổ chức triển lãm tại Hà Nội từ tháng 11. 2016 đến tháng 1. 2017 cùng chuỗi hoạt động kéo dài suốt 13 tháng tại nest by AIA ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gồm các triển lãm pop up, các hội thảo và diễn đàn trao đổi do các nghệ sĩ thực hiện, và xuất bản quyển sách “AIA Vietnam Eye”.

 

Đã đến giờ. Rất đông người dự. Đến hôm nay tôi mới biết rằng Eye Program là một chương trình rất lớn, và trước đây đã từng tổ chức được 7 lần.

 

Đại diện các đơn vị tham gia dự án AIA Viet Nam Eye, từ trái qua phải: ông Wayne Besant – giám đốc điều hành của AIA, bà Serenella Ciclitira – người sáng lập Parallel Contemporary Art, ông Gordon Watson – giám đốc điều hành khu vực AIA, ông David Ciclitira – người sáng lập Parallel Contemporary Art, bà Cecilia Piccioni – đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam, ông Giles Lever – đại sứ đặc mệnh toàn quyền Anh quốc tại Việt Nam và ông Đỗ Ngọc Minh – người sáng lập ra Soi và Luala.

 

Mở đầu buổi họp báo, ông David Ciclitira phát biểu: đây là dự án thứ 8 của ông trên toàn cầu. Dự án nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ. Ông kể chuyện, trước kia bà Serenella và ông đã sưu tầm rất nhiều tác phẩm đương đại. Nhưng với Hàn Quốc, ông không tìm thấy bất kì một tác phẩm đương đại nào, và thế là ông có mong muốn xuất bản một quyển sách về nghệ thuật đương đại của Hàn Quốc. Ở Việt Nam, ông sẽ xuất bản cuốn sách về nghệ thuật đương đại Việt Nam vào tháng 11 này, về 75 nghệ sĩ đương đại tiêu biểu. Cùng thời điểm đó, AIA Việt Nam mở triển lãm tại và Hà Nội, và đầu năm sau sẽ là thành phố Hồ Chí Minh. Một số tác phẩm sẽ được chọn đi triển lãm tại London vào năm sau.

 

Ông Wayne Besant, giám đốc điều hành của AIA, nói về vai trò của nghệ thuật, và có lẽ đó là lý do để AIA tham gia chương trình này. Theo ông, nghệ thuật thắp sáng cuộc sống này và ảnh hưởng lớn đến giáo dục, kinh tế cũng như sự phát triển của xã hội. Với một đất nước, nghệ thuật còn là phúc lợi xã hội. Nghệ thuật kết nối mọi người lại và tạo ra một nền tảng tốt hơn.

 

Ông Gordon Watson – giám đốc điều hành khu vực của AIA, nói: “Tôi rất vui mừng khi trở lại Hà Nội, vui mừng khi được khởi động AIA Vietnam. Là một công ty gắn kết với cuộc sống, tôi tin rằng sẽ tạo ra sức ảnh hướng với xã hội. Sự kiện này không chỉ để tài trợ mà AIA còn mong muốn thúc đẩy nghệ thuật nói chung và tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội tham gia và sáng tạo. Thông qua đó chúng tôi muốn tham gia hoạt động văn hóa ảnh hưởng đến giới trẻ để hình thành một thế hệ đầy tài năng của các bạn.”

 

Bà đại sứ Cecilia Piccioni của Ý tại Việt Nam nói vui rằng, với dự án AIA Eye lần này, bà như thể gặp một tình yêu sét đánh, tuy nhiên, bà có đôi chút lo ngại vì thời gian vì sự kiện đã đến rất gần… Bà nói, một trong những lý do để đại sứ quán Ý tập trung vào chương trình nghệ thuật đương đại này vì Bộ ngoại giao Ý có một bộ sưu tầm nghệ thuật đương đại tương đối lớn, mỗi năm nhà nước đều mở cửa cho công chúng chiêm ngưỡng bộ sưu tập này.

 

Ngài đại sứ Giles Lever của Anh cho biết rất hân hạnh được tham dự buổi họp báo này. Ông có mặt ở đây để đại diện cho đại sứ và chính phủ Anh. Theo ông, nghệ thuật là thứ có thể liên kết mọi thứ với nhau. Trong việc hợp tác giữa hai chính phủ, phía Anh luôn khuyến khích các dự án phát triển nghệ thuật. Trên thực tế chính phủ và hội đồng Anh đã đầu tư và hỗ trợ cho nhiều nghệ sĩ tại Việt Nam. Ông nhắc lại, năm 1993, khi lần đầu tiên ông đến Việt Nam, nghệ thuật đương đại mới được hình thành. Ông vẫn nhớ về 5 nghệ sĩ đương đại đầu tiên mở ra cho nghệ thuật đương đại của Việt Nam. Và từ đó đến nay, nghệ sĩ VIệt Nam mất đi cái đà phát triển so với thế giới. Dự án AIA Eye lần này sẽ là cơ hội tốt cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội bước ra giới thiệu với thế giới.

Ông đại sứ cũng nói rằng, thông qua các đại sứ Anh ở các nước châu Á khác, những cuốn sách xuất bản trước kia của Eye Program đã thành công vang dội. Nay ông rất vui vì David và Serenella đang mang dự án này đến Việt Nam. Cá nhân ông và đại sứ quán Anh sẽ hỗ trợ hết mình cho dự án.

 

Đây là nhóm “Gang of five” (1993) mà ông đại sứ nhắc tới, gồm có Trần Lương, Việt Dũng, Phạm Quang Vinh, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu. Lần này, nghệ sĩ Trần Lương sẽ là người hỗ trợ các giám tuyển của chương trình.

 

Đến phần hỏi đáp, một nhà báo hỏi: Tiêu chí nào để lựa chọn nghệ sĩ?

Nghệ sĩ Trần Lương đáp: Dự án này có từ năm 2007, đã được thực hiện trên 7 quốc gia khác nhau, các khung dự án đã có trước và thành công trong suốt 8 năm rồi, thế nên không có tiêu chí riêng cho Việt Nam. Tuy nhiên, không có nghĩa là rập khuôn theo các dự án khác, thế nên mới cần một giám tuyển và những cố vấn địa phương. Tiêu chí tuyển chọn chính là một thách thức vì không có một đất nước nào giống nước nào.

 

Nhà báo Mạnh Hà (ảnh) hỏi: sự khác biệt của các dự án lần trước và dự án lần này là gì?

Trần Lương trả lời: Chúng ta đã có nhiều sách về nghệ thuật đương đại, nhưng vấn đề là góc nhìn của các cơ quan sản xuất. Ví dụ như góc nhìn địa phương, góc nhìn về phía cơ quan văn hóa, góc nhìn của các tổ chức phi chính phủ…

Cuốn sách lần này rất đặc biệt, sẽ nói về bộ mặt toàn cục của thành quả hiện trạng nghệ thuật Việt Nam. Và trong quá trình biên tập sẽ khó hơn rất nhiều. Có nhiều loại hình nghệ thuật đương đại được đưa vào sẽ thách thức hơn và khá là toàn diện, để người không biết về nghệ thuật đương đại Việt Nam có thể hiểu được, đồng thời cuốn sách này sẽ thành tư liệu soi chiếu nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Bà Serenella nói thêm rằng, các tác phẩm phải qua các giám tuyển quốc tế và địa phương. Và bà muốn qua quyển sách này có cái nhìn toàn thể nhất.

 

Một nhà báo hỏi xin số lượng các tác giả trong các lần trước? Và đã có nghệ sĩ Việt Nam nào được chọn trong lần này chưa?

Bà Serenella (ảnh) trả lời, con số 75 là con số cố định giống với mọi quốc gia khác. Và lần này vẫn chưa thực hiện việc chọn. (SOI: do hạn nộp hồ sơ mới vừa kết thúc hôm 31. 5. 2016, tức trước ngày họp báo 1 ngày)

Một họa sĩ hỏi bằng cách nào có thể tiếp cận và thông báo thông tin cho các nghệ sĩ trẻ.

Bà Serenella trả lời rằng bà công bố trên website và tại các trường nghệ thuật. Đến thời điểm này đã có 200 hồ sơ đăng kí. Buổi họp báo này cũng nhằm để giới thiệu cho nhiều người. Việc tuyển chọn chỉ mới bắt đầu thôi.

Nghệ sĩ Trần Lương nói thêm, các bạn có thể xem thông tin trên soi.today để cập nhật tình hình.

 

Một nhà báo hỏi về các hoạt động ngoài lề của chương trình, các hoạt động workshop được tổ chức tại đâu? loại hình là gì?

Ông Wayne Besant, giám đốc điều hành của AIA, cho biết: các hoạt động đó được tổ chức trong các trung tâm trải nghiệm của AIA tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian vừa rồi cũng có một số triển lãm tranh ảnh tại hội đồng Anh và Nest AIA.

Ông David Ciclitira nói thêm, các workshop được tổ chức với sự tham gia của các nghệ sĩ, những người đã thành danh và các nghệ sĩ trẻ mới bắt đầu sự nghiệp

 


Một nhà báo đặt câu hỏi: các giám tuyển thấy sao khi mà các nghệ sĩ Việt Nam không có các không gian nghệ thuật trình diễn riêng của mình. Ví dụ như Festival Huế vừa rồi, tác phẩm trình diễn “Cái chết trắng” phản đối vụ cá chết ở Hà Tĩnh vừa rồi bị dập tắt ngay lập tức. Các ông đánh giá thế nào về sự kiện này?

Bà Serenella trả lời: tôi sẽ không có bình luận và không có ý kiến gì. Tôi không muốn mang màu sắc chính trị ở đây và trên hết tôi chỉ quan tâm đến nghệ thuật. Và tôi muốn nhấn mạnh lại quy mô dự án này của chúng tôi là một cái nhìn toàn cảnh về nghệ thuật đương đại Việt Nam. 

Ý kiến - Thảo luận

20:42 Friday,3.6.2016 Đăng bởi:  dilletant
Khó nhỉ, làm sao tách được đời sống (có một mặt là chính trị) khỏi nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại? Cũng như làm sao tách được cá chết (thiên nhiên "ngắc ngoải") ra khỏi đời sống con người (là một phần của thiên nhiên)?
Thích đoạn cuối.
...xem tiếp
20:42 Friday,3.6.2016 Đăng bởi:  dilletant
Khó nhỉ, làm sao tách được đời sống (có một mặt là chính trị) khỏi nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại? Cũng như làm sao tách được cá chết (thiên nhiên "ngắc ngoải") ra khỏi đời sống con người (là một phần của thiên nhiên)?
Thích đoạn cuối. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả