Bàn luận

Một ví dụ hay về từ thiện ở miền núi, và vài gợi ý 09. 06. 16 - 10:51 pm

Dương Thị Thanh

Một ví dụ tốt của làm từ thiện

Quay lại với các bạn chủ đề từ thiện. Mình xin kể vài câu chuyện mình nhìn thấy. Theo mình đó là những câu chuyện bổ ích.

Qua công việc, mình có quen mấy bạn trên Cao Bằng làm ở một tổ chức phi chính phủ nhỏ. Anh giám đốc dự án ở đây là một người rất năng động. Trong một lần đi công tác anh tìm được một khu làng ở vùng sâu vùng xa. Dân sống ở thôn đó thì không có nước ăn. Trẻ em ở đó hàng ngày phải đi bộ khoảng 4 tới 5km sang bên kia biên giới để xin nước đựng trong những cái ống tre mang về mà nước thì đâu có sạch, thế nhưng họ vẫn phải dùng vì đâu còn cách nào khác. Mà mỗi hộ gia đình vào mùa khô cũng chỉ có 5 lít nước cho cả người và vật nuôi.

Sau chuyến đi đó về anh giám đốc dự án đã cùng nhân viên thuê hai người thợ xây lên đó giúp xây dựng bể nước. Hành trình xây dựng bể nước thì vô cùng vất vả, xe ô tô của cơ quan phải chở nước từ huyện vào mà gần như không có đường đi, vừa đi vừa phát cây để có đường đi. Có đoạn đi nguy hiểm quá anh lái xe còn đuổi mọi người xuống và nói, mọi người xuống hết đi, nếu có làm sao thì chỉ một mình anh bị thôi; nhưng may mắn xe vẫn đến được đến cuối chân đồi.

Người dân đã cùng đoàn vác nước lên và bắt đầu xây bể. Hành trình xây bể cũng không đơn giản vì dùng cách xây chỉ có cát và lưới. Hai anh thợ xây làm không quen, lại không có gì ăn, không có nước tắm nên cứ đòi về, cả đoàn lại phải động viên anh thợ xây. Cuối cùng cũng đưa được đường nước về cho người dân ở đó. Khi nước về tới làng người dân vô cùng xúc động. Món quà họ tặng đoàn là những quả mận còn xanh vì đó là thứ duy nhất cho thời điểm bấy giờ.

Một bể nước ở vùng sâu vùng xa Cao Bằng. Ảnh từ trang này

Dự án này cũng có chương trình làm đường, tăng thu nhập cho người dân bằng nghề phụ như thổ cẩm và nông nghiệp, và khi người dân đã có thu nhập thì họ làm thêm về trường học. Nhưng mình thực sự thích các bạn ở văn phòng đó, mình thấy họ rất nhiệt tình và rất có tâm. Mình có tham gia với họ vài dự án về thổ cẩm, nhưng giữa đường mình đã dừng, vì mình không đủ năng lực. Chương trình làm thì cứ hàng tuần phải viết báo cáo, phải rút kinh nghiệm, phải đưa được ra ý tưởng mới. Nhưng cái này mình quá kém, có thể nói là ngu dốt thì đúng hơn nên đã bỏ giữa đường. Nhưng nhìn lại mình thấy các bạn ấy làm việc rất xuất sắc. Và mình vẫn nợ họ lời xin lỗi.

Mình có dịp tiếp xúc với rất nhiều dự án phi chính phủ, nhưng dự án duy nhất để lại ấn tượng cho mình chính là dự án trên Cao Bằng. Các bạn làm ở đây đều rất nhiệt tình. Lần đầu tiên mình tham gia cùng các bạn ấy là dự án thổ cẩm. Mỗi lần đi đâu là các bạn ấy đều phải chuẩn bị mua đồ ăn từ huyện mang vào. Ngôi làng đầu tiên mình đến là trồng cây dệt vải. Đến giờ ăn trưa anh trưởng thôn phải đi mượn cả xóm mới được 4 cái bát để ăn cơm, còn những người còn lại thì dùng lá thay bát. Khi có vải rồi, các bạn trong dự án lại chuyển đi xã khác làm mảnh thêu, và khi có vải và mảnh thêu họ lại chuyển cho một xã khác may thành phẩm. Khi có thành phẩm rồi các bạn ấy lại mang đi hội chợ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trang phục thổ cẩm trên dây phơi một ngôi nhà người Mông. Ảnh: Bùi Hoài Mai

Có bạn trong dự án còn giúp người dân bán sản phẩm sạch của Cao Bằng để giúp người dân có thêm thu nhập. Hằng ngày họ vẫn lặng lẽ làm những công việc đó, vì họ nghĩ rằng để có thu nhập người dân cần lao động.

Nên giúp gì cho miền núi?

Mùa đông sắp đến, đúng là mùa đông rất lạnh, nhưng lạnh thì họ đã có củi để sưởi ấm rồi. Nếu các bạn định đem quần áo lên cho họ thì hãy tìm hiểu họ muốn mặc gì, chứ đừng nghĩ mặc vào ấm họ sẽ mặc. Họ sẽ không mặc nếu không phù hợp, và chỉ mặc một lần không bao giờ dùng lại, lần thứ hai là vất đi ngay, mà quần áo nếu có nilon sẽ vô cùng khó phân hủy, như vậy sẽ rất dễ ô nhiễm môi trường. Thay vì đợi đến mùa đông, các bạn có thể mua vải truyền thống của một nhóm dân tộc khác mang đến phát cho họ, để họ chuẩn bị quần áo ấm luôn từ bây giờ, một công đôi việc luôn. Thứ nhất giúp một nhóm khác có thêm thu nhập, giữ được nghề truyền thống. Thứ hai là giúp các em bé không bị lạnh mà vẫn giữ gìn được văn hóa. Nếu các bạn mang quần áo thì thứ họ hay dùng là áo cao cổ bên trong bằng cotton, và áo khoác bên ngoài. Giày dép bạn nên hỏi từ người dân địa phương xem họ hay dùng loại nào thì mua loại đó, tránh mua những đồ dùng không phù hợp với họ.

Ảnh chụp ở Lai Châu, từ trang này. Hai chị em 8 tuổi và 2 tuổi vào một ngày mùa đông đi nhặt củi sưởi.

Mình xin phép nói một chút đến vấn đề văn hóa.

Hiện nay khách du lịch đến việt nam rất thích văn hóa của chúng ta đặc biệt là người dân tộc. Du lịch đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, hướng dẫn, nếu chúng ta giữ gìn tốt thì chả phải là cái lợi chung hay sao. Khách du lịch cũng thích mua những đồ thổ cẩm làm lưu niệm, và cũng rất thích dịch vụ homestay, nếu văn hóa bị mất đi thì du lịch cũng sẽ mất đi một lượng lớn khách lớn. Thay vì mang quà Trung thu hay quà Tết, bạn hãy mang gạo đến những tháng giáp hạt, tháng đói như tháng 2, 3, 4, 5. Nếu có gạo ăn, họ sẽ không phải đi vay nặng lãi. Lãi suất cho vay trong vòng 4 tháng có lúc lên tới 5%/1 tháng và đó cũng chính là lý do làm cho họ nghèo đi.

Không cho không tiền, hãy cho vay không lãi suất để họ có trách nhiệm lao động và không ỷ lại. Và cuối cùng là chúng ta không thể cho tiền chỉ vì họ nghèo. Nếu họ nghèo vì lười, để mặc họ đói đầu gối phải bò. Chúng ta cũng không thể giúp đỡ tiền cho những kẻ rượu chè cờ bạc, nghiện ngâp, đơn giản vì họ không xứng đáng để giúp đỡ.

Hãy giúp những người nghèo có lý do như vì thiên tai, bệnh tật, đông con. Nói chung là cần lý do chính đáng.

Đừng từ thiện theo kiểu cho tập thể cho không cần lý do, cứ gọi cả làng ra cho, người giàu có rồi cũng cho, người nghèo cũng cho. Miễn là cho được càng nhiều người càng tốt

Các bạn cũng có thể lập các đoàn bác sỹ khám chữa bệnh tình nguyện để kiểm tra sức khỏe cho người dân, vì hầu như ở vùng sâu vùng xa rất rất rất hiếm bác sỹ giỏi.

Để thay đổi tư duy tấc nhiên giáo dục rất quan trọng, nhưng việc xây trường học mới là không quan trọng. Chỉ cần nâng cấp trường học cũ, có thể làm những thư viện sách, nhưng sách đừng nhiều chữ quá mà cần nhiều tranh để lôi cuốn các em.

Điểm trường Khe Bốc ở xã Điện Quan, Bảo Yên, Lào Cai có 3 lớp học. Ảnh của Vietnamanet 

Làm nhà vệ sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh sạch sẽ.

Nếu có thể thì lập những đoàn tình nguyện viên lên dạy họ cách vệ sinh và giữ gìn vệ sinh chuồng trại.

Chúng ta cũng có thể giúp họ mua sản phẩm nông nghiệp họ làm ra với giá chấp nhận. Việc này lợi cả hai bên, người dân thì có thêm thu nhập còn chúng ta có thực phẩm ngon và sạch để dùng hàng ngày

Lời cuối cùng mình muốn nói từ thiện là việc làm tốt, nhưng nó chỉ ý nghĩa khi chúng ta làm vào đúng lúc, và làm vào lúc người dân cần. Mình xin kết thúc vấn đề ở đây. Nhưng mình vẫn rất vui khi trả lời các thắc mắc từ các bạn.

*

Từ Fb của tác giả. Tên bài do Soi đặt.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả