Học được gì từ nhà người Mông, người Thái?
13. 03. 13 - 7:00 am
Bài & ảnh: Bùi Hoài Mai
Ngày mùng ba Tết, để lại cái tủ lạnh với đống thức ăn tích cóp vội vàng, bỏ lại phố phường, bỏ lại những câu chúc tụng nhàm chán, lên đường hưởng không khí xuân trên cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Thị trấn Mộc Châu cách Hà Nội gần 200 km, đi theo quốc lộ 6, có đoạn đi qua thị trấn Mai Châu, Hòa Bình. Đây là ảnh chụp trên đỉnh đèo trước khi đổ dốc xuống thung lũng Mai châu. Những cánh đồng đã đổ ải đợi cấy. Đã ngửi thấy mùi hương của núi rừng Tây Bắc.
Đi thêm gần trăm cây nữa, bắt đầu thấy những vườn mận trên những triền đồi đất đỏ cao nguyên.
Trời ấm liền trong mấy ngày trước Tết nên những cây mận đã vội vã đâm ra những chồi non hòa với sắc trắng của hoa.
Bản Dọi, một bản của người Thái cách thị trấn Mộc Châu khoảng 30km. Cả bản có khoảng dăm chục nóc nhà với những mảnh vườn đầy gốc mận già. Hiếm đại gia thành thị nào có được một khu vườn đẹp thế này.
Người trong bản nói: cách đây vài năm, ngoài mận còn có rất nhiều đào. Thế nhưng, từ ngày người thành phố có mốt chơi đào rừng vào ngày Tết, những cây đào trong vườn bị hạ không thương tiếc. Đến nay cả bản chỉ còn vài cây. Bây giờ nhìn ra cửa sổ chỉ còn trắng toát mỗi một màu hoa mận. Không biết đến lúc người thành phố có mốt chơi mận Tết thì thế nào…
Trong vườn, hầu như nhà nào cũng có một vài luống cải. Quanh nhà thôi đã đủ cung cấp đầy đủ những thực phẩm cần thiết. Ngô trên nương, lúa dưới ruộng, rau và thịt quanh nhà. Rau cải vùng này ngon tuyệt, có vị ngọt pha chút ngăn ngẳn đắng rất đặc trưng.
Phần lớn nhà sàn người Thái có cấu trúc là một khối nhà lớn nối liền với cái bếp. Bếp được nối liền với một cái sân giời, thường được gọi là cái giại nước. Dưới gầm sàn là nơi chứa củi, giống như một nhà kho. Nói chung, về tiện nghi thì đây quả là căn nhà khá lý tưởng, phù hợp với điều kiện sống. Ngày thường mọi sinh hoạt đều xoay quanh cái bếp. Ở đây bếp lửa chính là cái “ tủ lạnh”, ngược với việc làm lạnh thì người Thái dùng khói để bảo quản thức ăn. Cái giại nước là nơi chế biến thực phẩm, tất cả các thứ thừa sẽ được lũ súc vật nuôi dưới gầm sàn giải quyết hết.
Lòng nhà người Thái khá rộng, không có quá nhiều cột như nhà người Kinh. Hoàn toàn có thể tổ chức những cuộc múa Xòe trên sàn. Không gian lễ hội của người Thái là căn nhà của họ. Nó được luân phiên tổ chức ở các nhà trong bản.
Một hàng lan can được đóng vội vào quanh khu vực bếp và giại nước vì nhà đang có trẻ nhỏ mới lẫm chẫm biết đi. Đóng vội, đơn giản, nhưng thật đẹp. Người bạn đi cùng thốt lên: có khác gì mấy cái resort đâu. Tớ muốn ở đây.
Thật ra, hàng lan can đóng vội rất ăn nhập với toàn bộ vật liệu làm nên ngôi nhà. Những tấm ván thô được làm thành bức vách. Và quan trọng nhất là thiên nhiên xung quanh. Cây cối được trồng một cách tự nhiên nhất, giống như nó đã mọc ở đó từ trước khi có ngôi nhà. Nó đẹp bởi vì nó có nhiệm vụ riêng của nó chứ không phải để làm đẹp. Trồng cây mận để lấy quả chứ đâu phải để xuýt xoa ngắm hoa như mấy gã ở xuôi lên.
Vườn mận của một bản người Mông. Khác với người Thái, những ngôi nhà trong một bản của người Mông thường ở cách xa nhau.
Nhà của người Mông thường thấp và tối. Vách cũng bằng gỗ. Ngày trước, thường mái lợp cũng bằng gỗ. Nhưng gần đây, rừng đã cạn kiệt và giải pháp mái bằng fibro xi măng được dùng phổ biến.
Vật dụng trong căn nhà người Mông cũng rất đơn giản. Thực ra, người Mông sống phần lớn thời gian là ở trên nương, trong rừng. Về nhà thì chỉ để ngủ. Vậy thì đâu cần nhiều ánh sáng mà phải nhà cao và có nhiều cửa sổ. Vùng sinh sống của người Mông thường là các vùng núi cao và lạnh. Căn nhà thấp lại rất hiệu quả cho việc sưởi ấm bằng củi. Bếp củi của người Mông cháy gần như quanh năm.
Cũng giống như bao dân tộc khác trên vùng núi Tây Bắc, cuộc sống của người Mông phần lớn vẫn là tự cấp tự túc. Lương thực chính vẫn là cây ngô. Họ không có ý thức lắm về thương mại, kinh doanh. Đất rừng rộng vậy, nhưng khi tôi hỏi chủ nhà có nuôi được nhiều gà không, anh chỉ vào hai con ở trước chuồng: Tết ăn hết rồi. Hai con đó đẻ được bao nhiêu thì lại nuôi.
Khác với người Kinh, không gian sinh hoạt cộng đồng ở cái Đình, hay người Thái thì ở chính ngôi nhà của mình, người Mông không quan tâm nhiều đến nhà ở vì không gian lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của họ lại ở ngoài thiên nhiên. Một vấn đề nữa là không gian sống của người Mông di chuyển liên tục, phần lớn là du canh du cư. Họ cần gì phải có một căn nhà quá cầu kỳ.
Đây là một ngôi nhà rất đơn giản nhưng trang phục của chủ nhân thì rất cầu kỳ. Một bộ váy áo của người Mông có thể nặng đến cả chục cân, được làm với rất nhiều màu sắc, hoa văn trang trí. Trong những ngày lê hội, một bộ áo váy như vậy sẽ nổi bật trong cái xanh ngắt của núi rừng.
Nhưng dân (người Kinh) ngày càng đông, của (người Mông) ngày càng ít, phải đi cả ngày trời mới thấy những vườn cải hoàn hảo thế này. Những thứ tự nhiên mà đẹp, mà giàu có đang trở nên hiếm, đến nỗi tôi tự hỏi sang năm tới, Tây Bắc còn có gì để xem?
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
19:46Thursday,21.3.2013Đăng bởi: Lê Phương
Có thể thông điệp bài học của tác giả: hãy sống tử tế với người khác để có thể chất củi dưới chân nhà? Đùa chút, công nhận các tấm hình của tác giả rất đẹp và biểu cảm!
...xem tiếp
19:46Thursday,21.3.2013Đăng bởi: Lê Phương
Có thể thông điệp bài học của tác giả: hãy sống tử tế với người khác để có thể chất củi dưới chân nhà? Đùa chút, công nhận các tấm hình của tác giả rất đẹp và biểu cảm!
13:45Thursday,21.3.2013Đăng bởi: Hưng
Ảnh chụp có sức truyền cảm còn cảm nhận được hay không còn tùy người xem. .. ...xem tiếp
13:45Thursday,21.3.2013Đăng bởi: Hưng
Ảnh chụp có sức truyền cảm còn cảm nhận được hay không còn tùy người xem. ..
Có thể thông điệp bài học của tác giả: hãy sống tử tế với người khác để có thể chất củi dưới chân nhà? Đùa chút, công nhận các tấm hình của tác giả rất đẹp và biểu cảm!
...xem tiếp